Xuất huyết não là gì? Các vị trí thường gặp

Xuất huyết não hay xuất huyết nội sọ là khái niệm để chỉ hiện tượng chảy máu trong não (chảy máu não). Xuất huyết não sẽ khiến cho oxy trong não bị mất khoảng 3 - 4 phút, điều này sẽ khiến tế bào não bị chết đi và gây đột quỵ. Tình trạng này chiếm khoảng 13% trong tổng các ca đột quỵ hiện nay. Do đó, đây là tình trạng cần phải cấp cứu và điều trị ngay lập tức. 

Xuất huyết não xảy ra khi một hay nhiều mạch máu trong não bị vỡ, khiến máu chảy ra các mô xung quanh một cách ồ ạt. Tình trạng trên làm tăng áp lực nội sọ đột ngột, khiến các tế bào não bị tổn thương. Khối tụ máu bắt đầu hình thành và chèn ép. Có rất nhiều vị trí có thể bị xuất huyết máu não, ví dụ như:

Chảy máu trong hộp sọ nhưng ngoài mô não

Não bộ có 3 lớp màng (màng não) nằm giữa xương sọ và mô não với nhiệm vụ bao phủ và bảo vệ não đó là: Màng cứng, màng nhện và màng mềm. Tình trạng chảy máu có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào giữa 3 lớp màng này. 

  • Xuất huyết ngoài màng cứng: Chảy máu giữa xương sọ và lớp màng cứng.
  • Xuất huyết dưới màng cứng: Chảy máu xảy ra giữa màng cứng và màng nhện.
  • Xuất huyết dưới nhện: Chảy máu giữa màng nhện và màng mềm.

Chảy máu bên trong mô não

Hai loại chảy máu não có thể xảy ra bên trong mô não gồm:

  • Xuất huyết nội sọ: Chảy máu tại thùy, hố và tiểu não.
  • Xuất huyết não thất: Chảy máu trong não thất (các khoang sản xuất dịch não tủy).

xuat-huyet-nao-la-tinh-trang-mach-mau-nao-bi-dut-hoac-vo.webp

Xuất huyết não là tình trạng mạch máu não bị đứt hoặc vỡ

Nguyên nhân gây bệnh xuất huyết não

Có rất nhiều nguyên nhân khiến một người bị xuất huyết nội sọ, dưới đây là các  yếu tố thường gặp nhất:

Chấn thương sọ não: Tai nạn (khi lao động, chơi thể thao, tham gia giao thông…) hay té ngã, va đập đầu mạnh có thể gây chấn thương sọ não và chảy máu nội sọ.

Tăng huyết áp: Tăng huyết áp mạn tính khiến thành mạch giãn và mỏng dần theo thời gian. Tới một giới hạn nào đó mạch máu não sẽ vỡ gây chảy máu.

Xơ vữa động mạch: Mạch máu có thể rò rỉ do tổn thương, nguyên nhân là bởi các mảng xơ vữa khi bạn bị mỡ máu cao.

Dị dạng động - tĩnh mạch não: Những bất thường về cấu trúc tại đoạn nối giữa động mạch và tĩnh mạch não có thể gây xuất huyết trong não. Lúc này, bạn có thể phải phẫu thuật để khắc phục.

Cục máu đông: Cục máu đông làm tắc nghẽn và tổn thương thành mạch. Lúc này, áp lực lên thành mạch cao có thể gây vỡ mạch, xuất huyết.

Thoái hóa mạch máu não dạng bột: Trên thành mạch tích tụ các protein amyloid gây tổn thương với nhiều điểm xuất huyết li ti. Lâu dần sẽ hình thành vết chảy máu lớn, nguy hiểm.

Khối u não: Khối u não phát triển có thể đè và làm tắc nghẽn hoặc chèn vỡ mạch máu não, gây xuất huyết nội sọ.

Một số nguyên nhân khác: Vỡ phình động mạch, rối loạn chảy máu khi đang sử dụng liệu pháp hoặc thuốc chống đông, hút thuốc, sử dụng các loại rượu, bia có chứa các chất cấm. Ngoài ra, một số yếu tố ít xảy ra hơn có thể kể đến như sản giật ở phụ nữ mang thai, sinh đẻ hoặc bệnh mạch máu sau sinh, xuất huyết não thất trẻ sơ sinh. Collagen hình thành bất thường trong mạch máu cũng có thể gây xuất huyết não.

cuc-mau-dong-tac-nghen-co-the-gay-ra-xuat-huyet-nao.webp

Cục máu đông tắc nghẽn có thể gây ra xuất huyết não

Phát hiện xuất huyết não như thế nào?

Xuất huyết não sẽ được phát hiện qua các triệu chứng lâm sàng và các chẩn đoán cận lâm sàng. Tùy vào vị trí và mức độ mà các triệu chứng của xuất huyết não sẽ khác nhau. Tuy nhiên, đa phần người bệnh sẽ thấy các biểu hiện sau:

  • Đau đầu dữ dội và đột ngột.
  • Buồn nôn, nôn, khó nuốt, giọng nói lắp bắp hoặc bất thường.
  • Nhìn mờ, hoa mắt, thay đổi hướng nhìn.
  • Khó khăn trong việc nói và nghe hiểu.
  • Giảm khả năng định hướng, ghi nhớ.
  • Khả năng vận động bị hạn chế, khó giữ được thăng bằng.
  • Bị yếu, tê, liệt tay hay chân, thường bị 1 bên (liệt nửa người).
  • Đại, tiểu tiện không tự chủ.
  • Co giật.
  • Lú lẫn hoặc hôn mê, mất ý thức.
  • Nhịp tim bất thường, nhạy cảm hơn với ánh sáng.

Mặc dù biểu hiện của chảy máu nội sọ khá nhiều nhưng nếu thấy các triệu chứng xuất hiện đột ngột theo quy tắc F.A.S.T sau thì hãy cẩn thận với tình trạng đột quỵ xuất huyết não. Lúc này, bệnh nhân cần được cấp cứu sớm. Đó là:

  • F (face): Khuôn mặt bị chảy xệ 1 bên, cười méo mó.
  • A (arm): 1 bên tay yếu, cử động khó khăn, khó giơ tay cao qua đầu.
  • S (speech): Nói ngọng, dính chữ, giọng thay đổi, khó nói câu dài.
  • T (time): Khi có các triệu chứng trên, bệnh nhân cần được đưa đến bệnh viện sớm để hạn chế tổn thương và tăng khả năng phục hồi

quy-tac-fast-phat-hien-som-dot-quy-xuat-huyet-nao.webp

Quy tắc F.A.S.T phát hiện sớm đột quỵ xuất huyết não

Chẩn đoán cận lâm sàng xuất huyết não

Nếu chỉ dựa vào các biểu hiện lâm sàng trên, việc chẩn đoán xuất huyết não có thể không chính xác và dễ bị nhầm với một số bệnh lý tại não khác. Lúc này, bác sĩ thường kết hợp lâm sàng và cận lâm sàng để đưa ra kết quả cuối cùng.

Bệnh nhân sẽ được chụp CT hoặc MRI sọ não để chẩn đoán, đánh giá xuất huyết não cũng như loại trừ đột quỵ nhồi máu não. Nếu sức khỏe bệnh nhân cho phép thì bác sĩ còn chỉ định chụp mạch não để phát hiện dị dạng động - tĩnh mạch hoặc phình động mạch não.

Bên cạnh kỹ thuật hình ảnh, việc xét nghiệm công thức máu, đo thời gian máu chảy, đếm số lượng tiểu cầu, prothrombin… cũng giúp phát hiện nguy cơ chảy máu não. 

Xuất huyết não có nguy hiểm không? Biến chứng là gì?

Xuất huyết não là bệnh lý cực kỳ nguy hiểm khi để lại nhiều biến chứng nghiêm trọng và tỷ lệ tử vong cao. Biến chứng của xuất huyết não sẽ được chia thành 2 dạng là biến chứng cấp tính và biến chứng lâu dài. Cụ thể như sau:

Biến chứng cấp tính - Trường hợp xuất huyết não nhẹ, người bệnh cũng đã bị những biến chứng cấp tính như:

  • Rối loạn ý thức, lú lẫn…
  • Tái xuất huyết, xuất huyết lần 2 ở vị trí khác.
  • Xuất hiện nhiễm trùng trong não bộ.
  • Dây thần kinh sọ não bị tổn thương.
  • Phình động mạch não, co thắt mạch.
  • Hôn mê. 

Còn nếu ở thể nặng, chảy máu nhiều, họ có nguy cơ rối loạn nhịp thở, nhịp tim, co cứng, hôn mê sâu và phần lớn không qua khỏi trong 48 giờ (tỷ lệ 81%). 

Biến chứng lâu dài - Nếu may mắn vượt qua cơn nguy kịch, người bệnh cũng gặp những biến chứng nặng nề như:

  • Động kinh: Khiến người bệnh bị các cơn co giật lặp đi lặp lại, mất ý thức, co cơ hoặc run.
  • Rối loạn chức năng nhận thức: Xảy ra khi các chức năng của não bị ảnh hưởng sau xuất huyết. Người bệnh có thể gặp những vấn đề như trí nhớ, sự tập trung, ngôn ngữ, vận động,...
  • Rối loạn cảm xúc: Đây là một biến chứng khá phổ biến sau khi bị xuất huyết não. Ví dụ như các chứng bệnh trầm cảm, rối loạn căng thẳng sau chấn thương, rối loạn lo âu.
  • Sống thực vật.
  • Bội nhiễm, nguy cơ tử vong cao.
  • Liệt nửa người.

Ngoài ra, người bệnh có thể bị hạn chế vận động, nhận thức hay đại/tiểu tiện không tự chủ… khiến người gặp di chứng sau xuất huyết não trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Bản thân họ cũng cảm thấy bất lực, tự ti với chính cuộc sống của mình. Nhiều người chán nản, bi quan đã tìm tới cái chết để tự giải thoát.

Nguy hiểm hơn, xuất huyết não có xu hướng tái phát mạnh. Cho nên rất cần sự theo dõi sát sao để phòng ngừa.

xuat-huyet-nao-gay-tieu-tien-khong-tu-chu.webp

Xuất huyết não gây tiểu tiện không tự chủ

Phương pháp điều trị xuất huyết não

Điều quan trọng trong khi điều trị xuất huyết não chính là cần đưa người bệnh đến trung tâm cấp cứu hoặc cơ sở ngay lập tức sau khi phát hiện. Khi điều trị xuất huyết não, bác sĩ sẽ tập trung cấp cứu trước để giúp bệnh nhân vượt qua cơn nguy kịch, sau đó sẽ điều trị phục hồi chức năng. Cụ thể:

Điều trị cấp cứu tức thời 

Các biện pháp cấp cứu cần được tiến hành sớm nhằm bảo toàn tính mạng, kiểm soát vấn đề chảy máu cũng như hạn chế nguy cơ khối máu tụ lan rộng, bao gồm:

  • Lưu thông đường thở: Đặt bệnh nhân nằm nghiêng, kê cao gối. Điều này giúp tăng tuần hoàn máu về tim, giảm áp lực nội sọ cũng như tránh dịch dạ dày trào lên gây khó thở. Nếu đã bị dịch trào lên thì cần hút sạch đờm dãi để đường hô hấp được thông thoáng.
  • Điều chỉnh huyết áp, tim mạch: Các chỉ số này cần được theo dõi liên tục để tránh đột quỵ.
  • Chống phù não: Hiện tượng phù não sẽ xuất hiện sau 2 - 3 giờ từ khi bị xuất huyết não. Điều này làm tăng áp lực nội sọ, giảm tưới máu mô não. Một số thuốc như mannitol, glycerol, magie sunfat,… sẽ được kê để điều trị phù não.
  • Phẫu thuật: Phẫu thuật được chỉ định trong trường hợp xuất huyết nặng gây tụ máu lớn, phù nhiều. Bác sĩ sẽ lấy khối máu, thậm chí cắt bỏ một phần hộp sọ để giảm áp lực, giảm phù.

dat-benh-nhan-nam-nghieng-khi-cap-cuu-chay-mau-nao.webp

Đặt bệnh nhân nằm nghiêng khi cấp cứu chảy máu não

Điều trị và phục hồi lâu dài sau cấp cứu

Sau khi được cấp cứu qua cơn nguy kịch, rất nhiều người lo lắng rằng: Xuất huyết não có hồi phục được không? Muốn phục hồi, bệnh nhân cần kiên trì với các bài tập và đảm bảo chế độ dinh dưỡng. Cụ thể:

3 bài tập phục hồi cho người bệnh xuất huyết não

Việc tập luyện phục hồi sẽ đạt hiệu quả tối ưu khi được thực hiện sớm trong khoảng từ 3-6 tháng đầu. Người bệnh có thể áp dụng một số bài tập như:

Tập tự đứng thăng bằng

Việc tập đứng thăng bằng giúp người bệnh kiểm soát hoạt động của các chi, hạn chế tình trạng yếu cơ và bại liệt. Ban đầu, có thể dùng dụng cụ hỗ trợ như nạng, bàn ghế… nhưng về sau, hãy cố gắng tự đứng dần. Nhớ dồn trọng lượng đều 2 chân.

Bài tập co duỗi khớp

Các bài tập co duỗi khớp (khớp gối và háng) cũng giúp phòng tình trạng teo cơ, liệt. Người bệnh chỉ cần nằm xuống, lấy chân bình thường làm trụ, chân bị yếu thì co duỗi theo nhịp.

Tập phục hồi chức năng thần kinh não bộ

Xuất huyết não làm ảnh hưởng lớn tới chức năng thần kinh. Để phục hồi các di chứng não, việc kích thích lại dẫn truyền thần kinh thông qua hoạt động giao tiếp, học tập, suy nghĩ sẽ mang lại hiệu quả nhất định.

tap-co-duoi-khop-de-phuc-hoi-di-chung-nao.webp

Tập co duỗi khớp để phục hồi di chứng não

Hỗ trợ bằng ăn uống và thảo dược 

Ngoài ra, sau quá trình điều trị xuất huyết não, người bệnh cần thực hiện các biện pháp thay đổi lối sống phù hợp. Ví dụ như:

  • Thường xuyên kiểm tra và kiểm soát huyết áp, đường huyết (đối với người bị tiểu đường) của cơ thể.
  • Hạn chế lượng cholesterol trong cơ thể.
  • Kiểm soát cân nặng, giảm cân nếu đang ở tình trạng béo phì, thừa cân.
  • Hạn chế uống rượu bia hoặc những loại đồ uống có các chất kích thích. Bỏ thuốc lá.
  • Tập thể dục và vận động nhẹ nhàng thường xuyên.

Trong quá trình phục hồi, nếu đảm bảo cơ thể được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng thì sẽ rút ngắn thời gian điều trị rất nhiều. Hãy lưu ý:

  • Cân bằng 5 nhóm thực phẩm dinh dưỡng, bổ sung thêm rau củ quả để tránh táo bón. Thức ăn nên được chế biến lỏng, mềm, dễ nuốt.
  • Tránh dung nạp nhiều muối hoặc thực phẩm chứa dầu mỡ vì sẽ gây tăng huyết áp và mỡ máu cao.
  • Nên ăn nhiều đậu tương lên men vì thực phẩm này chứa nhiều enzym nattokinase giúp cải thiện tuần hoàn, phá cục máu đông – nguyên nhân gây xuất huyết não. Một số thực phẩm bảo vệ sức khỏe chứa enzym này cũng được đánh giá có thể hỗ trợ phục hồi các di chứng não hiệu quả. Điển hình là sản phẩm chứa nattokinase ra đời năm 2006, được nghiên cứu lâm sàng tại nhiều bệnh viện lớn cho tác dụng phòng ngừa và cải thiện di chứng sau đột quỵ não hiệu quả.

nattokinase-co-trong-dau-tuong-len-men-giup-cai-thien-tuan-hoan-mau-hieu-qua.webp

Nattokinase có trong đậu tương lên men giúp cải thiện tuần hoàn máu hiệu quả

Trên đây là toàn bộ những kiến thức về chứng xuất huyết não. Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ nguyên nhân, triệu chứng bệnh, lường được hết những nguy hiểm khi bị chảy máu nội sọ để sớm được điều trị, tránh di chứng nặng nề. Nếu còn băn khoăn về xuất huyết não, hãy để lại câu hỏi của bạn tại phần bình luận để được hỗ trợ sớm nhất.

Nguồn tham khảo:

https://www.webmd.com/brain/brain-hemorrhage-bleeding-causes-symptoms-treatments#:~:text=A%20brain%20hemorrhage%20is%20a,This%20bleeding%20kills%20brain%20cells.

https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/14480-brain-bleed-hemorrhage-intracranial-hemorrhage

https://www.medicalnewstoday.com/articles/317080

https://www.medicinenet.com/brain_hemorrhage/article.htm

https://www.aurorahealthcare.org/services/neuroscience/brain-skull-base-care/brain-hemorrhage/

Dược sĩ Lan Khuê

thuc-pham-bao-ve-suc-khoe-Nattospes.webp

Bình luận