Xơ vữa động mạch là bệnh lý mạn tính trên thành mạch phổ biến nhất hiện nay. Kiểm soát và giảm tình trạng xơ vữa động mạch là một trong những ưu tiên hàng đầu của giới chức y tế để giảm nguy cơ tử vong liên quan đến nhồi máu cơ tim, đột quỵ não. Mời bạn đọc tìm hiểu các thông tin về xơ vữa động mạch để bảo vệ sức khỏe tốt nhất.

Xơ vữa động mạch là gì?

Xơ vữa động mạch là bệnh lý tiến triển mạn tính trong thời gian dài, đặc trưng bởi sự tích tụ của các mảng bám trên nội mạc mạch máu. Vị trí xuất hiện những mảng bám xơ vữa này thường là động mạch máu lớn và quan trọng như động mạch cảnh, động mạch vành, động mạch não, động mạch thân đốt sống nền và các động mạch chi lớn.

Xo-vua-dong-mach-can-tro-su-luu-thong-cua-mach-mau

Xơ vữa động mạch cản trở sự lưu thông của mạch máu

Các mảng bám này làm dày thành mạch, gây chít, hẹp, giảm thể tích bên trong lòng động mạch, cản trở quá trình vận chuyển máu từ tim đến trao đổi chất ở tế bào. Từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều hệ thống cơ quan, đặc biệt là tim mạch và não bộ. 
Nếu không được điều trị sớm, những mảng bám này có thể bị bong, rách dưới lực tác động của huyết áp tạo các cục máu đông và làm nặng hơn tình trạng tắc mạch. Thậm chí là nguy cơ vỡ mạch gây chảy máu, đột quỵ não, tử vong.

Nguyên nhân nào gây bệnh xơ vữa động mạch?

Xơ vữa động mạch là căn bệnh xảy ra bởi đa yếu tố, bắt đầu do sự rối loạn dòng chảy của máu hay hiện tượng xoáy máu.
Hiện tượng này xảy ra khi dòng máu chảy không thành lớp với tốc độ cao hỗn loạn theo nhiều hướng, lúc đi qua những mạch máu nhiều nhánh cần chuyển hướng đột ngột (mạch máu trong tim).
Sự bất thường huyết động này làm tăng sự ma sát với nội mạc, gây tổn thương và rối loạn chức năng của thành động mạch. Điều này tạo điều kiện cho các lipoprotein mật độ thấp (LDL-cholesterol) và lipoprotein mật độ rất thấp VLDL (vận chuyển triglycerid) tích tụ, bị oxy hóa dưới nội mạc.

Co-nhieu-thanh-phan-cau-tao-nen-mang-xo-vua-bao-gom-chat-beo,-yeu-to-viem,...

Có nhiều thành phần cấu tạo nên mảng xơ vữa bao gồm chất béo, yếu tố viêm,...

Tiếp theo đó là những quá trình khác bao gồm phản ứng viêm làm các tế bào bạch cầu đơn nhân, tế bào T, tiểu cầu, tế bào cơ trơn,... đến kết dính với vết mỡ trên và cuối cùng hình thành nên mảng xơ vữa động mạch.
Có thể thấy, xơ vữa động mạch xảy ra bởi nhiều nguyên nhân với cơ chế vô cùng phức tạp. Những yếu tố nguy cơ sau có thể tác động gián tiếp làm tồi tệ hơn tình trạng bệnh, bao gồm:

  • Tình trạng thừa cân, béo phì và mỡ máu tăng cao: 

Ở người bệnh mỡ máu cao và béo phì thường ghi nhận chỉ số triglycerid, cholesterol toàn phần, LDL-cholesterol tăng cao trong khi HDL-cholesterol lại giảm đáng kể. Trong đó, LDL-C và HDL-C là hai chỉ số mỡ máu có vai trò cực kỳ quan trọng trong bệnh lý xơ vữa động mạch. 
LDL-C (cholesterol xấu) là một trong những thành phần cấu tạo nên các mảng xơ vữa. Chúng đến tích tụ ở thành mạch khi chỉ số này tăng cao trong máu. 
Trong khi HDL-C lại có vai trò vận chuyển mỡ từ mô về gan để đào thải ra khỏi cơ thể, giúp quét sạch các mảng bám chất béo trên nội mô mạch máu. 
Do đó, khi có sự bất thường các chỉ số mỡ máu này có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh xơ vữa động mạch.

Beo-phi,-thua-can-la-mot-trong-nhung-yeu-to-nguy-co-gay-xo-vua-dong-mach

Béo phì, thừa cân là một trong những yếu tố nguy cơ gây xơ vữa động mạch

>>> Xem thêm: Những vấn đề nên biết về béo phì và cách kiểm soát cân nặng

  • Bệnh lý tiểu đường: 

Sự kháng insulin ở người bệnh tiểu đường type 2 có thể gây nên tình trạng máu nhiễm mỡ. Đây là yếu tố nguy cơ gây bệnh xơ vữa động mạch bạn cần lưu tâm. Nguyên do bởi insulin không chỉ là hormon kiểm soát nồng độ glucose trong máu mà còn tham gia quá trình tổng hợp và chuyển hóa chất béo trong cơ thể. 
Khi lượng đường tăng cao trong máu, cơ thể dư thừa năng lượng dẫn đến con đường thoái hóa và đào thải chất béo bị hạn chế. Kèm theo đó là lượng đường máu tăng cao cũng có thể làm tổn thương mạch máu và gián tiếp tác động gây nên bệnh xơ vữa động mạch.

  • Tăng huyết áp:

Huyết áp tăng cao tác động trực tiếp đến thành mạch và có thể gây viêm mạch máu. Từ đó kích thích phản ứng viêm và huy động những tế bào miễn dịch đến gắn vào vết mỡ trên thành mạch, góp phần tạo nên mảng xơ vữa.

  • Chế độ ăn thiếu lành mạnh, lười vận động: 

Chế độ ăn nhiều chất béo có hại nguồn gốc động vật, đường tinh luyện, ít chất xơ, thường xuyên uống rượu bia,... làm tăng lipid máu, đường máu và gây nên các bệnh lý như máu nhiễm mỡ, đái tháo đường, xơ vữa động mạch.

  • Hút thuốc lá: 

Khói thuốc lá và hoạt chất nicotin trong thuốc lá từ lâu đã được các nhà khoa học chứng minh những tác động có hại gây tổn thương mạch máu và làm nghiêm trọng thêm bệnh xơ vữa động mạch.

Hut-thuoc-la-lam-ton-thuong-mach-mau-va-lam-tang-nguy-co-mac-benh-tim-mach

Hút thuốc là làm tổn thương mạch máu và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch

  • Những yếu tố nguy cơ khác: 

Di truyền, rối loạn các yếu tố đông máu, trầm cảm, rối loạn lo âu, nồng độ homocysteine ​​tăng cao, suy giảm miễn dịch,... cũng thúc đẩy nguy cơ xơ vữa động mạch.

Mức độ nguy hiểm và các biến chứng của xơ vữa động mạch

Xơ vữa động mạch hầu như không có triệu chứng, là “kẻ sát thủ âm thầm” cướp đi mạng sống của bạn. Những biến chứng của xơ vữa động mạch chủ yếu liên quan đến hệ tim mạch và thần kinh trung ương như nhồi máu cơ tim, đột quỵ. 
Hai biến chứng này lần lượt là nguyên nhân thứ nhất và thứ 5 gây tử vong trên toàn thế giới. Điều này thể hiện được mức độ nguy hiểm của bệnh xơ vữa động mạch nếu không phát hiện và chữa trị kịp thời.
Theo nhiều khảo sát, khoảng 75% các ca nhồi máu cơ tim cấp tính xảy ra đều có liên quan đến mảng bám chất béo ở bệnh xơ vữa động mạch, từ đó gây ra hàng triệu ca tử vong mỗi năm. 
Riêng tại Mỹ, bệnh tim mạch vành với sự xuất hiện các mảng bám ở động mạch vành là nguyên nhân cướp đi mạng sống của gần 400 nghìn người mỗi năm. Trong đó có hơn 735 nghìn người có những cơn đau thắt ngực tái phát liên tục và diễn biến thành nhồi máu cơ tim cấp. 

Nhoi-mau-co-tim-xay-ra-khi-co-ton-thuong-xo-vua-tai-dong-mach-vanh

Nhồi máu cơ tim xảy ra khi có tổn thương xơ vữa tại động mạch vành

Nếu xơ vữa ở những động mạch lớn khác như động mạch não và động mạch thân đốt sống thì nguy cơ tiến triển thành đột quỵ não rất cao. Đột quỵ thiếu máu cục bộ là dạng chính của đột quỵ não, chiếm gần 80% số ca bệnh và có nguyên nhân đến từ tình trạng xơ vữa động mạch. 
Các mảng bám này có thể bị bong rách và tạo nên cục máu đông cản trở lưu thông tuần hoàn máu não, gây thiếu máu cục bộ, hoại tử tế bào não. Nếu người bệnh không được cấp cứu trong thời gian vàng (trước 6 giờ kể từ thời điểm có dấu hiệu đột quỵ) thì có thể tử vong hoặc phải chịu nhưng di chứng não, tàn tật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống. 
Điều này cho thấy tầm quan trọng trong việc phát hiện, điều trị sớm xơ vữa động mạch cũng như ngăn chặn những yếu tố nguy cơ gây bệnh để giảm thiểu những tác động tiêu cực đến tính mạng cũng như cho gia đình và xã hội.

Dot-quy-la-bien-chung-cua-xo-vua-dong-mach

Đột quỵ là biến chứng của xơ vữa động mạch

Chẩn đoán và điều trị xơ vữa động mạch

Hầu như người bệnh không biết mình đang bị xơ vữa động mạch và chỉ phát hiện khi đi khám sức khỏe định kỳ hoặc có những dấu hiệu ban đầu của thiếu máu cục bộ. 

Chẩn đoán bệnh xơ vữa động mạch

Các chuyên gia sẽ chẩn đoán bạn có bị xơ vữa động mạch hay không qua những phương pháp sau:

  • Sàng lọc người bệnh xơ vữa động mạch không có triệu chứng: 

Có thể làm một số xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh như chụp cắt lớp vi tính động mạch và xét nghiệm máu. Hoặc có thể dựa trên thăm khám lâm sàng về đặc điểm và khai thác tiền sử bao gồm: 

- Độ tuổi, giới tính (nam trên 45 tuổi và phụ nữ ở độ tuổi tiền mãn kinh).
- Có hút thuốc không?
- Có mắc tiểu đường, cao huyết áp, mỡ máu cao, bệnh thận mạn tính, bệnh viêm mạn tính không?
- Tiền sử gia đình có người bị tăng cholesterol máu hay mắc bệnh tim mạch sớm không?

Kham-tam-soat-de-chan-doan-nguoi-benh-co-xo-vua-dong-mach-o-the-nhe

Khám tầm soát để chẩn đoán người bệnh có xơ vữa động mạch ở thể nhẹ

>>> Xem thêm: Chẩn đoán rối loạn lipid máu dựa trên những dấu hiệu nào?

  • Chẩn đoán ở bệnh nhân có triệu chứng và dấu hiệu của thiếu máu cục bộ: 

Có thể áp dụng những biện pháp xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh để xác định vị trí tổn thương trong mạch máu, đánh giá mức độ xơ vữa động mạch. Những kỹ thuật hình ảnh có thể được áp dụng như: Siêu âm mạch máu, chụp cắt lớp vi tính CT, chụp cộng hưởng từ MRI, chụp canxi mạch vành, điện tâm đồ,... Người bệnh có thể được làm thêm một số xét nghiệm máu thường quy để kiểm tra chỉ số mỡ máu, đường huyết,... 
Ngoài ra, chụp động mạch cũng là biện pháp chẩn đoán xâm lấn dùng để xác định mức độ nghiêm trọng của mảng bám bằng cách sử dụng một ống thông nhỏ đưa vào vị trí mạch máu cần kiểm tra, bơm một loại thuốc nhuộm có khả năng bắt màu khi chụp X-quang. 
Phương pháp này an toàn và không đau nhưng nó vẫn có một số rủi ro nhất định như gây bầm tím, đau nhức hoặc tồi tệ hơn là dị ứng với thuốc nhuộm. Vì thế đây không phải là biện pháp phổ biến mà cần được cân nhắc kỹ trước khi tiến hành.

Chup-cat-lop-vi-tinh-mach-mau-giup-chan-doan-xo-vua-dong-mach

Chụp cắt lớp vi tính mạch máu giúp chẩn đoán xơ vữa động mạch

Phương pháp điều trị bệnh xơ vữa động mạch

Sau khi đã làm những xét nghiệm cần thiết và chẩn đoán mắc xơ vữa động mạch, tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của người bệnh mà bác sĩ có thể chỉ định các phương pháp điều trị như sau:

  • Điều trị ngoại khoa

Những phương pháp điều trị ngoại khoa cần can thiệp xâm lấn thường được chỉ định khi tình trạng xơ vữa động mạch ở các mạch máu lớn và nghiêm trọng với mục đích hỗ trợ tái thông mạch máu, tăng tưới máu đến khu vực bị thiếu máu. Những thủ thuật điều trị ngoại khoa có thể được kể đến như:

Nong mạch và đặt stent: Bác sĩ sẽ tiến hành đưa một ống thông vào động mạch bị bệnh giúp giảm tình trạng tắc nghẽn và thiếu máu cục bộ.
Liệu pháp tiêu sợi huyết: Sử dụng thuốc làm tan cục máu đông do các mảng bám xơ vữa gây tắc mạch.
Phẫu thuật bắc cầu động mạch: Sử dụng một đoạn mạch máu khỏe mạnh lấy ở các vị trí khác trên cơ thể để dẫn quanh vị trí mạch máu bị tổn thương và tắc nghẽn.
Phẫu thuật cắt nội mạc: Tiến hành loại bỏ những mảng bám xơ vữa tích tụ trên thành động mạch máu bị hẹp.

Những phẫu thuật kể trên đều phải được cân nhắc kỹ lưỡng trước khi thực hiện, cần bác sĩ có tay nghề và chuyên môn sâu tiến hành. Những phương pháp này cũng không phải là điều trị vĩnh viễn. Người mắc thường phải kết hợp nhiều biện pháp khác như dùng thuốc và thay đổi lối sống để ổn định tình trạng bệnh.

Dat-stent-dong-mach-de-lam-thong-mach-mau-bi-tac-nghen

Đặt stent động mạch để làm thông mạch máu bị tắc nghẽn

  • Sử dụng thuốc tây điều trị bệnh xơ vữa động mạch

Những loại thuốc dùng để điều trị xơ vữa động mạch thường có tác dụng điều chỉnh và kiểm soát các thông số sức khỏe ảnh hưởng trực tiếp đến bệnh như huyết áp, đường huyết và mỡ máu. Ngoài ra, bạn có thể được kê một số thuốc khác để điều chỉnh các rối loạn đông máu hoặc chống kết tập tiểu cầu. Thuốc sẽ được kê đơn tùy thuộc vào từng tình trạng bệnh lý, thường gặp là:

Thuốc statin và các thuốc điều trị hạ cholesterol máu: Giúp giảm chỉ số LDL-C, giảm tổng hợp chất béo tại gan, cải thiện sức khỏe động mạch và hạn chế sự lắng đọng chất béo.
Thuốc làm hạ huyết áp: Không giúp đẩy lùi quá trình xơ vữa nhưng có tác dụng điều trị các biến chứng liên quan đến bệnh.
Thuốc điều trị tiểu đường: Giúp kiểm soát đường huyết và chống lại sự kháng insulin ở người bệnh.
Thuốc chống kết tập tiểu cầu: Giúp hạn chế nguy cơ tiểu cầu tích tụ trong các động mạch bị thu hẹp, hạn chế hình thành cục máu đông và làm tồi tệ hơn tình trạng hẹp mạch do xơ vữa động mạch.

>>> Xem thêm: Thuốc giảm mỡ máu Simvastatin (Zocor) và cách sử dụng an toàn

Nhom-thuoc-statin-giup-kiem-soat-cholesterol-dung-dieu-tri-xo-vua-dong-mach

Nhóm thuốc statin giúp kiểm soát cholesterol dùng điều trị xơ vữa động mạch

  • Điều trị xơ vữa động mạch bằng cách thay đổi lối sống

Ngoài những biện pháp điều trị trên, thay đổi lối sống là lời khuyên hàng đầu các chuyên gia y tế dành cho bạn. Tạo những thói quen sinh hoạt cùng chế độ dinh dưỡng hợp lý không chỉ điều trị xơ vữa động mạch mà còn giúp dự phòng, ngăn ngừa tái phát và tránh các biến chứng tăng nặng của bệnh.
Những nguyên tắc dinh dưỡng và lối sống bạn có thể tham khảo như sau:

- Hạn chế tối đa đồ uống có cồn như rượu, bia và thuốc lá.
- Hạn chế đồ ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn nhiều dầu mỡ và có lượng calo cao. Không nên sử dụng mỡ và nội tạng động vật.
- Thay thế các loại thịt đỏ như thịt bò, thịt lợn, thịt cừu bằng thịt trắng như thịt gà, cá biển chứa nhiều acid amin và acid béo có lợi omega-3,6…
- Tăng cường thêm nhiều rau xanh và hoa quả trong khẩu phần ăn để bổ sung chất xơ cùng các vitamin cho cơ thể.
- Uống nhiều nước (từ 1,5-2 lít mỗi ngày) sẽ rất tốt cho sức khỏe.
- Tập luyện thể dục để kiểm soát cân nặng, vòng bụng và những yếu tố nguy cơ gây xơ vữa động mạch. Bạn nên dành ra mỗi ngày từ 20-30 phút để luyện tập những bài tập đơn giản như: Chạy bộ, đi bộ nhanh, đạp xe, bơi lội,…

Che-do-dinh-duong-khoa-hoc-han-che-xo-vua-dong-mach

Chế độ dinh dưỡng khoa học hạn chế xơ vữa động mạch

Sử dụng thảo dược hỗ trợ điều trị xơ vữa động mạch

Lá sen là thảo dược thiên nhiên đã được ứng dụng trong nền y học cổ truyền của nước ta từ hàng trăm năm để điều trị rối loạn chuyển hóa lipid máu, giảm tình trạng máu nhiễm mỡ hiệu quả. 
Một nghiên cứu được thực hiện tại Hàn Quốc bởi Ah-Rong Kim và các đồng nghiệp năm 2013 đã chứng minh: Dùng chiết xuất lá sen làm giảm nồng độ triglycerid huyết thanh và cholesterol toàn phần, đồng thời giúp nồng độ HDL-C tăng cao hơn so với nhóm đối chứng không sử dụng. 
Từ đó chứng minh tác dụng của dịch chiết lá sen trong hỗ trợ giảm tình trạng máu nhiễm mỡ và phòng chống sự hình thành các mảng bám trong bệnh lý xơ vữa động mạch. Dùng sản phẩm có chứa thành phần lá sen là phương pháp dự phòng xơ vữa động mạch an toàn mà hiệu quả bạn nên thử.

La-sen-ho-tro-dieu-tri-xo-vua-dong-mach

Lá sen hỗ trợ điều trị xơ vữa động mạch

Bài viết trên đây đã cung cấp cho bạn những thông tin về xơ vữa động mạch và phương pháp điều trị, dự phòng bệnh hiệu quả. Nếu còn bất kỳ vấn đề nào cần giải đáp về tình trạng xơ vữa động mạch, hãy để lại câu hỏi hoặc số điện thoại dưới bài viết này. Đội ngũ chuyên gia sẽ hỗ trợ chi tiết hơn cho bạn. 

Dược sĩ Phương Anh

BOX-LPC.png

Bình luận