Mô tả về thuốc Simvastatin và công dụng

Simvastatin là thuốc hạ mỡ máu, thuộc nhóm Statin – chất ức chế men khử HMG CoA. Thuốc sẽ được kê đơn chỉ định sử dụng cùng với chế độ ăn uống thích hợp trong quá trình điều trị.

Simvastatin có cơ chế làm giảm LDL cholesterol (cholesterol xấu), triglyceride (chất béo trung tính) và tăng lượng HDL cholesterol (cholesterol tốt) trong cơ thể. Với cơ chế này, thuốc được sử dụng với các trường hợp/mục đích như sau:

  • Điều trị rối loạn lipid máu
  • Kéo dài tuổi thọ cho người bị bệnh mạch vành, các bệnh liên quan đến cholesterol xấu.
  • Giảm nguy cơ xuất hiện các cơn đau tim, đột quỵ.
  • Giảm nhu cầu nhập viện do bị đau thắt ngực.
  • Giảm nhu cầu phẫu thuật liên quan đến mục đích làm tăng lượng máu đến tim.

Hiện tại, bạn có thể tìm thấy hoạt chất Simvastatin trong nhiều biệt dược khác nhau. Ví dụ như Simvastatin Stella, Simvastatin Savi, Simvastatin STADA, Simvastatin Glomed,… Với biệt dược Zocor, thuốc điều chế dưới các dạng và hàm lượng như sau:

  • Viên nén bao phim: Gồm hàm lượng Simvastatin 5mg, 10mg, 20mg, 40mg, 80mg.
  • Chai hỗn dịch uống: Dung tích 75ml với hàm lượng 4mg/ml.

Lưu ý: Với thể trạng người Việt Nam, các chuyên gia khuyến cáo chỉ nên sử dụng Simvastatin hàm lượng 5mg, 10mg, 20mg. Các hàm lượng cao hơn chủ yếu phù hợp với thể trạng người nước ngoài.

AnyConv.com__unnamed (1) (2).webp

Simvastatin Zocor là thuốc hạ mỡ máu được chỉ định theo đơn

>>> Xem thêm: Bị MỠ MÁU CAO bao nhiêu thì phải uống thuốc? - Câu trả lời có TẠI ĐÂY!

Hướng dẫn sử dụng thuốc Simvastatin an toàn

Để sử dụng thuốc an toàn và đem lại được hiệu quả, người bệnh cần tuân thủ theo hướng dẫn về cách dùng, liều dùng từ bác sĩ chỉ định. Những thông tin liên quan đến hướng dẫn sử dụng Simvastatin sau đây chỉ mang tính chất tham khảo.

Cách sử dụng và liều dùng phù hợp

Tuy được bào chế ở hai dạng khác nhau nhưng dạng viên nén bao phim được sử dụng phổ biến hơn. Người bệnh nên sử dụng thuốc theo đường uống, có thể dùng cùng bữa ăn tối hoặc trước khi đi ngủ. Trong trường hợp sử dụng thuốc từ 2 lần/ngày trở lên, hãy dùng cùng bữa ăn.

Về liều lượng của Simvastatin được khuyến cáo tùy vào từng trường hợp khác nhau. Cụ thể như sau:

  • Điều trị rối loạn lipid máu: Liều khởi đầu là 5 - 10mg uống một liều duy nhất vào buổi tối, sau đó có thể tăng dần đến mức liều tối đa là 40mg/ngày.
  • Liều dùng đề xuất cho người bệnh mạch vành: Liều khởi đầu là 40mg/ngày, có thể tăng đến mức liều 80mg/ngày sau ít nhất 4 tuần.
  • Điều trị tăng cholesterol gia đình đồng hợp tử: Khuyến cáo liều 40mg/ngày.
  • Điều trị tăng cholesterol gia đình dị hợp tử cho người từ 10 – 17 tuổi: Liều khởi đầu khuyến cáo là 10mg/lần/ngày (sử dụng vào buổi tối) và có thể tăng lên 40mg/ngày sau ít nhất 4 tuần.
  • Người bệnh có kèm suy thận: Có thể điều chỉnh liều lượng và bắt đầu với mức là 5mg/ngày. Trong quá trình dùng cần theo dõi chặt chẽ và điều chỉnh tăng/giảm liều phù hợp.
  • Liều dùng tối đa cho các trường hợp: Theo FDA, người bệnh chỉ nên sử dụng tối đa 80mg/ngày.

Làm gì khi quên/quá liều Simvastatin?

Trong quá trình sử dụng, nếu người bệnh quên/quá liều Simvastatin, có thể xử lý như sau:

Quên liều: Hãy dùng ngay liều đã quên khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu sắp đến liều tiếp theo, hãy bỏ qua liều đã quên, tiếp tục liều dùng theo chỉ định. Không uống bù liều Simvastatin đã quên ở thời điểm gần với thời gian dùng liều tiếp theo.

Quá liều: Hiện chưa có nhiều số liệu báo cáo về các trường hợp quá liều thuốc gây nguy hiểm cho người bệnh. Tuy vậy, nếu không may sử dụng quá liều Simvastatin và xuất hiện một số triệu chứng bất thường, hãy thông báo ngay cho bác sĩ của bạn.

AnyConv.com__unnamed (2) (2).webp

Tuyệt đối sử dụng Simvastatin theo liều lượng được chỉ định

Những vấn đề cần biết trước khi dùng Simvastatin

Ngoài sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, bạn cũng cần lưu ý đến các tác dụng phụ có thể xảy ra. Bên cạnh đó, hãy thông báo cho bác sĩ nếu bạn thuộc các nhóm đối tượng không được dùng Simvastatin hoặc các loại thuốc điều trị khác đang sử dụng.

Đối tượng khuyến cáo không nên dùng Simvastatin

Không được sử dụng nếu bạn thuộc nhóm các đối tượng chống chỉ định của Simvastatin. Cụ thể bao gồm:

  • Dị ứng/mẫn cảm với Simvastatin hoặc bất kỳ thành phần nào của Zocor.
  • Đang mang thai, cho con bú. Trẻ em dưới 10 tuổi.
  • Đang bị các bệnh gan, tăng transaminase huyết thanh không rõ nguyên nhân.
  • Đã có tiền sử bị đau cơ, đau/yếu do dùng các loại thuốc cholesterol khác.
  • Người bệnh bị tăng cholesterol máu thuần túy (HoFH).

Ngoài ra, bạn cũng cần báo với bác sĩ nếu thuộc những trường hợp cần lưu ý về liều lượng hoặc cân nhắc khi sử dụng. Cụ thể những trường hợp sau:

  • Bạn từng có tiền sử các bệnh lý về gan.
  • Đang gặp các tình trạng về bệnh thận.
  • Thường xuyên uống rượu bia.
  • Bị rối loạn tuyến giáp, tiểu đường.
  • Người lớn tuổi.

>>> Xem thêm: Top 4 thực phẩm hạ mỡ máu không cần dùng thuốc cực hay

Tác dụng phụ của Simvastatin cần cảnh giác

Tương tự các loại thuốc tây khác, sử dụng Simvastatin cũng có thể gây ra tác dụng không mong muốn. Vì vậy, hãy lưu ý quan sát các phản ứng bất thường trong quá trình điều trị. Những tác dụng phụ này có thể bao gồm:

Tác dụng phụ cần trợ giúp y tế - Nếu gặp bất kỳ tác dụng phụ nào sau đây, hãy liên hệ ngay với bác sĩ/trung tâm y tế gần nhất để được trợ giúp:

  • Phản ứng dị ứng với Simvastatin: Khó thở, phát ban, sưng cổ họng, môi, lưỡi.
  • Tình trạng phân hủy mô xương, suy thận: Tình trạng này khá hiếm gặp. Chúng thường biểu hiện bằng các phản ứng như bị đau cơ, đau/yếu cơ thể không có nguyên nhân, mệt mỏi hoặc phát sốt bất thường, nước tiểu sẫm màu.
  • Xuất hiện vấn đề liên quan đến thận: Đi tiểu ít hoặc không đi tiểu, đau/khó khăn khi đi tiểu, bàn chân/mắt cá nhân bị sưng, mệt mỏi, khó thở.
  • Ảnh hưởng đến gan: Buồn nôn, ngứa, đau bụng trên, chán ăn, nước tiểu và phân sẫm màu, mệt mỏi, vàng da, vàng mắt.
  • Xuất hiện tình trạng yếu cơ ở vai, hông, cổ, lưng. Hoặc khó leo, đứng, nhấc tay.

Tác dụng phụ thường gặp – Những phản ứng thuộc nhóm này đa số trường hợp sẽ hết sau khi cơ thể quen thuốc. Tuy nhiên, nếu chúng kéo dài và khiến bạn khó chịu, hãy thông báo cho bác sĩ. Nhóm tác dụng phụ này bao gồm đau đầu, buồn nôn, táo bón, đau dạ dày, có các triệu chứng của cảm lạnh (đau họng, hắt hơi, ngạt mũi).

AnyConv.com__unnamed (3) (1).webp

Đau đầu, buồn nôn là tác dụng phụ thường gặp của Simvastatin

Tương tác thuốc khi dùng Simvastatin

Một số loại thuốc có thể tương tác cùng Simvastatin làm thay đổi tác dụng, tăng nguy cơ bị tác dụng phụ. Bao gồm:

  • Thuốc điều trị trầm cảm: Nefazodone.
  • Thuốc điều trị nhiễm HIV có chứa Cobicistat, chất ức chế Protease (còn được sử dụng trong điều trị virus viêm gan C). Ví dụ như Indinavir, Ritonavir, Nelfinavir,...
  • Thuốc điều trị cholesterol khác như Gemfibrozil, thuốc Fibrat, Axit nicotinic.
  • Thuốc chống đông máu như Warfarin.
  • Thuốc ngăn chặn hệ thống miễn dịch như Ciclosporin.
  • Thuốc điều trị bệnh Gout như Colchicine.Thuốc điều trị nhiễm trùng như kháng sinh Clarithromycin, Erythromycin, Telithromycin, Axit fusidic.
  • Thuốc điều trị các bệnh nấm như Ketoconazole, Posaconazole, Itraconazole, Voriconazole.
  • Thuốc điều trị đau thắt ngực, huyết áp hoặc các bệnh tim, suy tim như Verapamil, Digoxin, Diltiazem, Amlodipine,…
  • Một số loại thuốc khác: Danazol, Daptomycin (điều trị nhiễm trùng da), Amiodarone (điều trị nhịp tim không đều),…

Lưu ý từ dược sĩ để dùng Simvastatin hiệu quả

Trong quá trình sử dụng các loại thuốc hạ mỡ máu nói chung và Simvastatin nói riêng, bạn cần phối hợp cùng với chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý để mang lại hiệu quả. Về dinh dưỡng, cần lưu ý một số vấn đề như sau:

Thực phẩm nên tránh: Không nên sử dụng Simvastatin với nước ép bưởi, bưởi hoặc các loại thực phẩm có chứa bưởi. Hạn chế ăn các loại thực phẩm nhiều đường như bánh kẹo, trái cây khô, đồ uống có đường,… Hạn chế các loại thức ăn có quá nhiều mỡ, chỉ nên ăn trong mức cho phép phù hợp với tình trạng bệnh lý. Tuyệt đối không nên bỏ bữa sáng. Hạn chế uống rượu/bia hoặc các loại đồ uống có cồn khác bởi có thể làm tăng cholesterol trong máu.

Nên thực hiện: Lựa chọn phương pháp, chế độ ăn phù hợp. Bạn có thể tham khảo chế độ ăn Địa Trung Hải, Low Carb,… Ngoài chế độ dinh dưỡng, bạn nên phối hợp cùng lối sống khoa học để giúp kết quả điều trị mỡ máu được ổn định hơn. Bạn có thể thực hiện các bài tập nhẹ nhàng, hạn chế thức khuya, hạn chế căng thẳng, kiểm soát cân nặng hàng ngày,...

Bên cạnh đó, để hạn chế các tác dụng phụ cũng như hệ lụy khi sử dụng thuốc tây quá lâu, bạn nên chuyển dịch phối hợp song song giữa thuốc tây cùng các thảo dược tự nhiên. Một số loại thảo dược được đánh giá tốt cho người bệnh mỡ máu có thể kể đến như:  Cao lá sen, cao hoàng bá, tỏi,… Đặc biệt, cao lá sen đã được nghiên cứu bởi tại Hàn Quốc vào năm 2013 cho thấy tác dụng giảm nồng độ cholesterol toàn phần và triglyceride huyết tương rất hiệu quả.

Những loại dược liệu này khi phối hợp cùng một số thành phần khác sẽ giúp làm giảm nồng độ của lipid trong máu, ngăn ngừa tình trạng xơ vữa động mạch. Qua đó, giúp làm giảm được cholesterol trong máu hiệu quả hơn.

AnyConv.com__unnamed (4) (1).webp

Cao lá sen có thể hỗ trợ cho quá trình giảm mỡ máu hiệu quả

Sử dụng Simvastatin có thể giúp giảm mỡ máu hiệu quả nhưng tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến suy thận, phá vỡ các mô xương. Vì vậy, trong quá trình dùng thuốc điều trị cần lưu ý và theo dõi chặt chẽ các phản ứng có thể xảy ra. 

Hy vọng những thông tin tham khảo về Simvastatin trên đây sẽ giúp bạn sử dụng thuốc an toàn hơn. Hãy để lại bình luận nếu bạn còn các thắc mắc liên quan đến cách kiểm soát mỡ máu.

Tham khảo

https://www.nps.org.au/medicine-finder/zocor-tablets

https://www.goodrx.com/simvastatin/what-is

https://www.drugs.com/monograph/simvastatin.html

https://www.drugs.com/zocor.html

https://www.medicines.org.uk/emc/medicine/1201#CONTRAINDICATIONS

https://www.webmd.com/drugs/2/drug-6040/zocor-oral/details

https://www.rxlist.com/zocor-drug.htm#dosage

Bình luận