Toàn bộ thông tin cần biết trước khi sử dụng thuốc Melatonin
Thông tin về thuốc Melatonin và công dụng
Melatonin là loại thuốc kê đơn hoặc không kê đơn giúp duy trì và quản lý chu kỳ thức - ngủ của con người. Thuốc được sản xuất tổng hợp dựa trên hormone Melatonin tự nhiên được sản xuất trong cơ thể.
Hormone Melatonin tự nhiên được tổng hợp từ axit amin tryptophan, serotonin và được giải phóng vào máu và dịch não tủy để kiểm soát chu kỳ ngủ - thức của cơ thể. Dựa trên cơ chế này, thuốc Melatonin thường được sử dụng trong những trường hợp sau:
- Những người gặp vấn đề về giấc ngủ như: Mất ngủ, khó ngủ, rối loạn giai đoạn ngủ muộn, rối loạn giấc ngủ khi làm việc theo ca, rối loạn giấc ngủ sau các chuyến bay, rối loạn giấc ngủ ở trẻ em.
- Một số bệnh lý khác như: Bệnh Alzheimer, ung thư, bệnh xơ cứng teo cơ bên, huyết áp cao vào ban đêm, chứng trầm cảm theo mùa, bệnh trào ngược dạ dày thực quản, các bệnh về mắt, các chứng đau bụng.
Hiện nay, Melatonin được sản xuất và đóng gói các dạng bào chế như:
- Dạng viên nén: 3 mg, 5 mg, 10 mg, 20 mg.
- Dạng kẹo dẻo: 5mg, 10 mg.
- Dạng kẹo nhai: 1mg, 3mg, 5mg.
Giá bán của thuốc Melatonin sẽ tùy thuộc vào từng nhà thuốc cũng như số lượng mua, thời điểm mua, trung bình một lọ 120 viên có giá khoảng 230 nghìn đồng.
Hai dạng bào chế Melatonin do Natrol sản xuất
Cách Melatonin điều hòa giấc ngủ
Để dùng Melatonin hiệu quả, bạn có thể tham khảo cách sử dụng được nhà sản xuất cung cấp sau đây. Tuy nhiên bạn nên tuân thủ theo chỉ định bác sĩ theo từng trường hợp cụ thể.
Cách dùng và liều dùng Melatonin
Cách dùng và liều dùng Melatonin sẽ tùy thuộc vào tình trạng bạn gặp phải. Đồng thời liều lượng dùng thuốc cũng có sự khác biệt ở người lớn và trẻ em. Cụ thể như sau.
Đối với người lớn
Liều thông thường ở người lớn là từ 1 - 5 mg. Cách sử dụng Melatonin cho từng trường hợp bạn gặp phải.
Trường hợp rối loạn giấc ngủ do múi giờ
Liều khởi đầu hiệu quả cho tình trạng này nằm trong khoảng 0.3 - 0.5 mg. Tùy vào hướng bay, hướng du lịch của bạn để có cách sử dụng phù hợp.
- Hướng Đông: Bạn nên sử dụng Melatonin sau khi trời tối và 30 phút trước khi đi ngủ. Tiếp tục thực hiện như vậy trong 4 đêm tiếp theo để giảm tình trạng rối loạn giấc ngủ. Giảm liều lượng dùng trong trường hợp cảm thấy buồn ngủ vào ban ngày sau khi sử dụng thuốc.
- Hướng Tây: Nếu bay về hướng tây, bạn không cần sử dụng Melatonin để điều hòa giấc ngủ trong đêm đầu tiên. Tuy nhiên nên sử dụng thuốc trong 4 đêm tiếp theo sau khi trời tối và 30 phút trước khi ngủ. Nếu không gặp vấn đề quá nghiêm trọng, bạn không cần sử dụng thuốc.
Trường hợp mất ngủ: Uống 0.1 - 0.5 mg Melatonin trước khi đi ngủ 30 phút. Melatonin có thể thúc đẩy bạn đi ngủ nhưng không giúp duy trì giấc ngủ (bạn có thể dậy vào thời điểm quá sớm).
Trường hợp rối loạn giấc ngủ theo ca làm việc: Uống 1 - 3 mg Melatonin 30 phút trước khi bạn bắt đầu ngủ vào ban ngày. Lưu ý rằng thuốc không có tác dụng giúp bạn tỉnh táo vào ca làm việc ban đêm.
Trường hợp rối loạn giai đoạn ngủ - thức trễ: Uống 3 - 5 mg vào buổi tối, trước ít nhất 1.5 giờ trước thời điểm bạn muốn ngủ. Bạn có thể áp dụng liệu pháp ánh sáng (sử dụng đèn ngủ) và quản lý hành vi (không sử dụng điện thoại, máy tính...) để nâng cao hiệu quả. Tuy nhiên cần lưu ý Melatonin có thể gây buồn ngủ nên hãy tránh các hoạt động như lái xe, điều khiển máy móc...
Trường hợp rối loạn nhịp điệu sinh học ở người mù: Uống 0.5 mg Melatonin vào một giờ trước khi đi ngủ sẽ giúp điều chỉnh lại đồng hồ sinh học.
Melatonin có thể được sử dụng để giảm thiểu tình trạng rối loạn giấc ngủ do thay đổi múi giờ
Đối với trẻ em
Bố mẹ có thể sử dụng Melatonin điều hòa giấc ngủ nếu trẻ gặp tình trạng khó ngủ. Tuy nhiên chỉ sử dụng thuốc dưới sự tư vấn, chỉ định của bác sĩ hoặc chuyên gia y tế.
Nếu cần thiết sử dụng, bạn có tham khảo cách dùng như sau:
- Liều dùng tối đa cho trẻ nhỏ là từ 1 - 3 mg/lần. Hãy bắt đầu sử dụng với liều thấp nhất từ 0.5 - 1 mg và cho trẻ uống 1 - 2 giờ trước khi ngủ.
- Nếu trẻ không thể ngủ, hay tăng liều sử dụng lên 0.5 mg sau vài ngày sử dụng.
Xử lý khi quên/quá liều
Trường hợp quên liều hoặc quá liều, bạn có thể xử lý như sau:
Quên liều: Sử dụng liều đã quên ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên nếu gần đến thời gian sử dụng liều tiếp theo thì bạn bỏ qua liều này. Tuyệt đối không sử dụng thêm hoặc tăng gấp đôi liều để bù cho liều đã quên.
Quá liều: Melatonin rất an toàn khi sử dụng trong ngắn hạn với nguy cơ quá liều thấp. Tuy nhiên nếu bạn nghi ngờ quá liều hoặc gặp phải tác dụng phụ, dị ứng nghiêm trọng thì cần liên lạc với cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời.
Lưu ý trước khi sử dụng Melatonin
Ngoài liều lượng và cách sử dụng, người dùng cần lưu ý một số vấn đề sau để sử dụng thuốc hiệu quả và an toàn.
Đối tượng nào cần lưu ý khi dùng
Bạn không thể sử dụng Melatonin nếu nằm trong nhóm người mắc các tình trạng bệnh lý sau đây:
- Người đã có tiền sử từng dị ứng với thuốc.
- Người mắc bệnh tiểu đường.
- Người mắc tình trạng rối loạn chảy máu, đông máu hoặc đang dùng chất chống đông máu.
- Người có huyết áp cao hoặc thấp.
- Người gặp chứng động kinh hoặc rối loạn co giật.
- Người đang sử dụng các loại thuốc chống đào thải sau khi ghép nội tạng.
- Người gặp các bệnh tự miễn dịch.
- Người đang gặp vấn đề về trầm cảm hoặc đang sử dụng thuốc an thần.
Ngoài ra, nếu bạn đang mang thai, cho con bú thì cần được sự cho phép và sử dụng theo chỉ dẫn của bác sĩ. Không tự ý dùng thuốc hay bất cứ sản phẩm hỗ trợ nào nếu không có lời khuyên của bác sĩ hay chuyên gia y tế.
Trường hợp bạn mang thai, cần tuân theo chỉ dẫn bác sĩ nếu muốn sử dụng Melatonin
Tác dụng phụ khi sử dụng Melatonin
Melatonin được đánh giá là an toàn và ít gây tác dụng phụ khi sử dụng trong thời gian ngắn hạn. Trong đó, tác dụng phụ phổ biến thường gặp là:
- Đau đầu
- Chóng mặt
- Buồn nôn
- Buồn ngủ
Ngoài ra, một số tác dụng phụ ít phổ biến hơn có thể gồm:
- Trầm cảm trong thời gian ngắn.
- Run nhẹ, lo lắng nhẹ.
- Giảm tỉnh táo, lú lẫn, mất phương hướng.
- Khó chịu ở bụng.
Đặc biệt, với trẻ em khi sử dụng Melatonin có thể gặp các tác dụng phụ như:
- Đái dầm
- Đau đầu, chóng mặt
- Buồn nôn
- Tiêu chảy
- Tăng nguy cơ co giật ở trẻ bị rối loạn thần kinh nghiêm trọng.
Tương tác với thuốc khác
Melatonin có thể gây ra các vấn đề nếu bạn kết hợp sử dụng nó với một số loại thuốc. Thông báo cho bác sĩ trong trường hợp bạn đang sử dụng các thuốc sau:
- Nhóm thuốc chống đông máu, thuốc chống tiểu cầu, thảo mộc và thực phẩm chức năng làm giảm đông máu: Warfarin, heparin... khi kết hợp sử dụng với Melatonin có thể làm tăng tác dụng, tăng nguy cơ chảy máu.
- Nhóm thuốc chống co giật, thuốc hạ ngưỡng co giật: Lamotrigine, topiramate... dùng chung với Melatonin có thể làm giảm tác dụng của thuốc khiến tần suất co giật tăng lên.
- Thuốc huyết áp: Hapanix, apharin, losartan... khi sử dụng chung với Melatonin có thể làm huyết áp tăng/giảm trầm trọng hơn.
- Thuốc ức chế trung ương: Melatonin có thể gây tác dụng an thần khi sử dụng chung với loại thuốc này.
- Thuốc trị bệnh tiểu đường: Diamicron MR, forxiga, glucophage... dùng với Melatonin có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong cơ thể. Vì vậy nếu bị tiểu đường và sử dụng thuốc, bạn nên đề cập chúng với bác sĩ trước khi dùng Melatonin.
- Thuốc tránh thai: Rigevidon, marvelon, newlevo... dùng chung với Melatonin có thể làm tăng tác dụng phụ vốn có của Melatonin.
- Thuốc điều trị ám ảnh cưỡng chế: Fluvoxamine (Luvox) dùng chung với Melatonin sẽ làm tăng nồng độ Melatonin và gây triệu chứng buồn ngủ không thể kiểm soát.
- Thuốc ức chế miễn dịch: Prednisone, prednisolone, dexamethasone... sử dụng với Melatonin có thể gây kích thích chức năng miễn dịch, làm giảm tác dụng của thuốc ức chế.
Melatonin có thể gây ra các tác dụng không mong muốn khi sử dụng chung với một số nhóm thuốc như thuốc chống đông máu, thuốc tránh thai,...
Lưu ý từ dược sĩ khi sử dụng Melatonin
Bên cạnh sử dụng thuốc Melatonin, bạn có thể giúp cơ thể tăng cường sản xuất hormone này để cải thiện giấc ngủ bằng những cách tự nhiên sau:
- Hạn chế sử dụng điện thoại vào ban đêm: Ánh sáng xanh từ màn hình và máy tính điện thoại có thể phá hủy Melatonin. Vì vậy để tránh thiếu hụt hormone này, bạn nên hạn chế sử dụng điện thoại vào ban đêm và hoàn toàn ngừng sử dụng chúng 2 giờ trước khi ngủ.
- Tắm nước nóng: Các nghiên cứu chỉ ra rằng, việc tắm nước nóng sẽ kích thích cơ thể sản xuất nhiều Melatonin tự nhiên hơn. Tốt nhất là bạn hãy tắm nước nóng vào buổi chiều, tối giúp cơ thể thư giãn và ngủ ngon hơn.
- Ngồi thiền trước khi ngủ: Thiền hoặc cầu nguyện cũng là cách giúp cơ thể sản sinh ra nhiều hormone Melatonin hơn. Đồng thời sau khi thiền, tâm hồn bạn sẽ trở nên yên bình và dễ đi vào giấc ngủ hơn.
- Ăn các thực phẩm chứa Melatonin: Một số loại trái cây có chứa hormone này trong tự nhiên như: Dứa, chuối, cam, bột yến mạch, ngô... Bạn có thể bổ sung các thực phẩm này vào bữa ăn hằng ngày để giúp cải thiện giấc ngủ.
- Sử dụng các thực phẩm hỗ trợ từ thảo dược: Bạn có thể sử dụng thêm sản phẩm có chứa thành phần là hợp hoan bì được phối hợp với các vị dược liệu khác như hồng táo, táo nhân, viễn chí, uất kim, ngũ vị tử… Những thành phần này kết hợp với nhau tạo nên tác dụng dưỡng tâm, an thần, giảm căng thẳng, lo âu từ đó đem đến giấc ngủ chất lượng hơn. Đặc biệt, hợp hoan bì là thảo dược đã được nghiên cứu nhiều trên thế giới, điển hình như nghiên cứu tại trường Đại học Thiệu Hưng, Trung Quốc cho thấy tác dụng chống mất ngủ, trầm cảm hiệu quả.
Tuy có tác dụng an thần nhưng việc sử dụng Melatonin cần đặc biệt lưu ý để đảm bảo được tính an toàn và hiệu quả của thuốc. Trên đây là toàn bộ những thông tin bạn cần nắm trước khi sử dụng Melatonin. Hy vọng những thông tin này sẽ giúp bạn sử dụng thuốc an toàn và hiệu quả nhất.
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Bạn cần tuân theo hướng dẫn sử dụng của dược sĩ hoặc chỉ dẫn từ bác sĩ khi sử dụng. Nếu còn bất cứ thắc mắc nào liên quan tới Melatonin, bạn có thể liên hệ tới hotline 024. 38461530 - 028. 62647169 để được hỗ trợ nhanh chóng nhất.
Tài liệu tham khảo
https://www.webmd.com/sleep-disorders/what-is-Melatonin
https://www.drugs.com/Melatonin.html
https://www.healthline.com/nutrition/Melatonin#side-effects
Bình luận