Giới thiệu về Fenofibrat và công dụng 

Fenofibrat là loại thuốc kê đơn thuộc nhóm thuốc Fibrat. Thuốc có khả năng ức chế tổng hợp cholesterol LDL ở gan cũng như giảm nồng độ triglyceride, đồng thời làm tăng sản xuất cholesterol HDL. Khi nồng độ cholesterol LDL và triglyceride tăng cao có thể dẫn tới tình trạng xơ vữa động mạch, đau tim hoặc đột quỵ.

Với cơ chế như vậy nên Fenofibrat thường được sử dụng trong các trường hợp:

  • Rối loạn mỡ máu hỗn hợp: Những người có mức cholesterol xấu và triglyceride cao, trong khi đó mức cholesterol tốt ở nồng độ thấp.
  • Nồng độ triglyceride trong máu tăng rất cao.
  • Nồng độ cholesterol LDL xấu trong máu tăng rất cao. 

unnamed-_4_-_1_.webp

Thuốc Fenofibrat (Lipanthyl) được dùng để điều trị tình trạng mỡ máu cao

Hiện nay, thuốc được nhiều công ty sản xuất và phân phối dưới nhiều tên thương hiệu như: Antara, Fenoglide, Lipofen, TriCor, Triglide, Lipidil Micro, Dom-Fenofibrate, Lipidil Supra, Lofibra, Lipidil EZ,... Tuy nhiên bài viết này chỉ đề cập tới Fenofibrat với với tên biệt dược Lipanthyl.

Thuốc được công ty Recipharm Fontaine (Pháp) sản xuất dưới các dạng bào chế và hàm lượng sau đây:

  • Lipanthyl 200M: Có dạng bào chế viên nang với hàm lượng Fenofibrat 200mg/viên. Thuốc được đóng gói theo hộp 3 vỉ x 10 viên hoặc 2 vỉ x 15 viên. Giá thuốc trung bình khoảng 230.000/hộp. 
  • Lipanthyl NT 145mg: Có dạng bào chế viên nén bao phim với hàm lượng Fenofibrat 145mg/viên. Thuốc được đóng gói theo hộp 3 vỉ x 10 viên. Giá thuốc trung bình khoảng 360.000/hộp.
  • Lipanthyl Supra 160mg: Có dạng bào chế viên nén bao phim với hàm lượng Fenofibrat 160mg/viên. Thuốc được đóng gói theo hộp 3 vỉ x 10 viên. Giá thuốc trung bình khoảng 330.000/hộp.

Lưu ý giá thuốc chỉ mang tính chất tham khảo. Đơn giá thực tế có thể cao hoặc thấp hơn theo chính sách bán của từng nhà thuốc cũng như thời điểm mua hàng.

>>> Xem thêm: Bị MỠ MÁU CAO bao nhiêu thì phải uống thuốc?

Hướng dẫn dùng thuốc Fenofibrat (Lipanthyl) hạ mỡ máu

Fenofibrat là thuốc kê đơn nên bạn cần sử dụng theo đúng chỉ dẫn mà bác sĩ đã đề ra. Cách dùng và liều dùng Fenofibrat thực tế sẽ được bác sĩ chỉ định dựa trên các yếu tố như tình trạng rối loạn lipid máu, độ tuổi, dạng thuốc mà bạn sử dụng.

Thông thường, bạn sẽ bắt đầu được điều trị với liều lượng thấp và điều chỉnh dần để tìm ra liều lượng phù hợp nhất. Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm cách dùng thuốc dưới đây do nhà sản xuất cung cấp.

Cách dùng và liều dùng

Cách dùng và liều lượng mỗi loại thuốc cụ thể như sau: 

  • Lipanthyl 200M: Sử dụng 200mg mỗi ngày (tương đương với 1 viên nang). Bạn dùng thuốc theo đường uống với một cốc nước đầy. Sử dụng thuốc trong bữa ăn để gia tăng hiệu quả điều trị.
  • Lipanthyl NT 145mg: Sử dụng 1 viên nén 145mg mỗi ngày với một cốc nước đầy. Bạn có thể dùng thuốc vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày, sử dụng cùng thức ăn hoặc không.
  • Lipanthyl Supra 160mg: Sử dụng 1 viên nén 160mg mỗi ngày. Bạn dùng thuốc với một cốc nước sau bữa ăn.

Bạn nên sử dụng thuốc nguyên viên, không nghiền thuốc, nhai nát hay hòa tan thuốc. Bạn cần sử dụng thuốc đều đặn mỗi ngày và trong thời gian từ 2-3 tháng để mang lại hiệu quả rõ rệt.

unnamed-_5_-_1_.webp

Dùng Fenofibrat không đúng liều có thể làm nặng thêm tình trạng rối loạn lipid máu

Xử lý khi quên/quá liều, ngưng liều

Trong trường hợp quên sử dụng thuốc hoặc không may dùng thuốc quá liều lượng quy định, bạn xử lý theo quy trình sau:

Quên liều: Nếu quên sử dụng thuốc, bạn hãy bổ sung ngay càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu sắp tới thời gian sử dụng liều tiếp theo, bạn có thể bỏ qua và dùng thuốc theo lịch trình bình thường. Không tự ý dùng thêm thuốc để bổ sung cho liều đã quên.

Quá liều: Khi sử dụng quá liều thuốc và gặp phải những triệu chứng nghiêm trọng như khó thở, ngất xỉu,... bạn cần liên hệ ngay với các trung tâm y tế gần nhất để được điều trị kịp thời. 

Ngưng liều: Nếu bạn dừng thuốc đột ngột hoặc không sử dụng thuốc theo chỉ định, mức cholesterol sẽ không được kiểm soát. Điều này dẫn tới mức cholesterol tăng cao và gây các vấn đề nghiêm trọng như đau tim, suy tim, đột quỵ, thậm chí tử vong. 

Những điều cần lưu ý khi dùng thuốc Fenofibrat

Thuốc Fenofibrat có thể gây nên một số vấn đề nghiêm trọng với người dùng. Bạn cần lưu ý về các cảnh báo, tác dụng phụ, đối tượng cần thận trọng và tương tác thuốc của Fenofibrat để đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng.

Cảnh báo quan trọng trước khi dùng Fenofibrat

Fenofibrat đã được chuyên gia y tế gắn các cảnh báo quan trọng trước khi sử dụng. Bạn cần thảo luận với bác sĩ về lợi ích cũng như tác hại mà loại thuốc này mang tới. Cụ thể các cảnh báo mà bạn cần chú ý bao gồm:

Cảnh báo về các phản ứng dị ứng nghiêm trọng

Sử dụng Fenofibrat có thể khiến bạn gặp phải phản ứng dị ứng nghiêm trọng như sốc phản vệ, sưng tấy các vùng trên cơ thể. Các phản ứng nghiêm trọng hơn có thể gặp phải là hội chứng Stevens-Johnson, hoại tử thượng bì nhiễm độc, tăng bạch cầu ái toan,... thậm chí gây nguy hiểm tới tính mạng. 

Các phản ứng này có thể xảy ra ngay sau khi sử dụng thuốc hoặc sau một vài ngày, vài tuần điều trị. Hãy gọi cho cơ sở y tế gần nhất để được điều trị ngay lập tức nếu cơ thể bạn bắt đầu xuất hiện các triệu chứng dị ứng như phát ban, sưng phù mặt, lưỡi, họng,...

unnamed-_6_-_1_.webp

Fenofibrat có thể gây các phản ứng dị ứng nghiêm trọng như khó thở, phát ban

Cảnh báo về tổn thương gan nghiêm trọng

Sử dụng Fenofibrat có thể dẫn tới các tổn thương gan nghiêm trọng ở người dùng. Tình trạng này có thể xảy ra chỉ sau vài tuần hoặc vài tháng điều trị bằng loại thuốc này. 

Một số triệu chứng mà bạn có thể gặp phải như đổi màu nước tiểu, đau bụng, đau dạ dày, vàng da, vàng mắt,... Tổn thương gan lâu ngày có thể khiến người bệnh phải ghép gan, thậm chí gây nguy hiểm tới tính mạng. Vì vậy nếu xuất hiện bất cứ dấu hiệu nào kể trên, bạn cần liên hệ ngay với bác sĩ để được điều trị kịp thời.

Cảnh báo các vấn đề nghiêm trọng về cơ

Sử dụng Fenofibrat có thể gây ra các vấn đề về cơ như đau cơ, yếu cơ. Bạn cũng có thể gặp các bệnh nguy hiểm như tiêu cơ vân gây phá hủy cơ, tổn thương thận, thậm chí dẫn tới tử vong. Vì vậy, nếu bạn thấy cơ thể xuất hiện các triệu chứng đau, yếu cơ bất thường kèm sốt, mệt mỏi thì hãy liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn và điều trị nhanh chóng nhất.

Đối tượng cần thận trọng khi dùng Fenofibrat

Những đối tượng sau tuyệt đối không sử dụng thuốc Fenofibrat trong bất cứ trường hợp nào:

  • Người dị ứng với Fenofibrat, các loại Fenofibrat khác (như axit fenofictures) hoặc bất cứ thành phần nào trong thuốc.
  • Người đang bị suy gan: Xơ gan ứ mật hay có bất thường chức năng gan dai dẳng như viêm gan, viêm đường mật,
  • Người bị bệnh túi mật, bệnh thận nặng hoặc đang chạy thận nhân tạo.
  • Người đang cho con bú hoặc mang thai.
  • Trẻ em dưới 18 tuổi.
  • Người mắc viêm tụy cấp hoặc mạn tính (trừ trường hợp viêm tụy cấp do tăng triglyceride máu nặng).
  • Người có tiền sử dị ứng ánh sáng hoặc có nhiễm độc ánh sáng khi sử dụng Fenofibrat hoặc ketoprofen.

Còn với những nhóm đối tượng sau cần thận trọng và sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ:

  • Phụ nữ, người lớn tuổi, người bị tiểu đường hoặc suy giáp. Đây là nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị suy thận trong thời gian sử dụng thuốc. 
  • Người bị bệnh thận nhẹ, người già cần sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

unnamed-_7_-_1_.webp

Người bị bệnh gan, thận nặng không sử dụng Fenofibrat 

Tác dụng phụ có thể gặp của thuốc Fenofibrat

Người bệnh sử dụng Fenofibrat có thể gặp phải một số tác dụng không mong muốn. Dưới đây là danh sách các tác dụng phụ có thể xảy ra trong quá trình điều trị bằng loại thuốc này.

Tác dụng phụ cần can thiệp y tế

Nếu gặp phải bất cứ tác dụng phụ nào trong danh sách dưới đây, bạn cần liên hệ ngay với cơ sở y tế gần nhất:

  • Ít phổ biến: Sốt, ớn lạnh, buồn nôn, nôn, đau bụng, phát ban da, đau nhức cơ bắp.
  • Hiếm gặp: Nước tiểu sẫm màu, khó thở, chảy máu hoặc bầm tím trên da, mệt mỏi, suy nhược cơ thể, vàng mắt, vàng da, co thắt cơ, yếu cơ.
  • Tỷ lệ mắc phải không xác định: Đầy hơi, táo bón, tiểu ra máu, tăng huyết áp, mất khẩu vị ăn uống, đau lưng - bụng - hông, tăng cân, da nhợt nhạt,...

Tác dụng phụ không cần can thiệp y tế

Các tác dụng phụ này thường không quá nghiêm trọng và có thể biến mất khi cơ thể bạn đã thích nghi với thuốc. Tuy nhiên, nếu chúng kéo dài hoặc gây khó chịu cho bạn thì cần liên hệ với bác sĩ để được tư vấn. Cụ thể bao gồm:

  • Phổ biến: Chảy nước mũi, nghẹt mũi, hắt xì hơi.
  • Ít phổ biến: Tiêu chảy, nhạy cảm với ánh mặt trời, đau lưng, kích ứng mắt.
  • Tỷ lệ mắc phải không xác định: Mệt mỏi, mất sức.

Tương tác giữa Fenofibrat với thuốc khác

Một số loại thuốc khi kết hợp sử dụng với Fenofibrat có thể tạo nên những tương tác gây ảnh hưởng tới hiệu quả sử dụng thuốc. Dưới đây là danh sách các loại thuốc có thể xảy ra tương tác với Fenofibrat:

  • Thuốc làm loãng máu warfarin dùng chung với Fenofibrat sẽ tăng nguy cơ chảy máu.
  • Thuốc giảm cholesterol như chất cô lập axit mật (cholestyramine, colesevelam, colestipol,...) sẽ khiến cơ thể giảm khả năng hấp thu Fenofibrat. Trong khi đó, loại thuốc giảm cholesterol là statin (atorvastatin, fluvastatin, lovastatin,...) có thể làm người bệnh tăng nguy cơ tiêu cơ vân, khiến các tế bào cơ bị phá hủy. 
  • Thuốc trị tiểu đường như glimepiride, glipizide, glyburide,... khi sử dụng chung với Fenofibrat sẽ khiến lượng đường trong máu thấp hơn mức cần thiết của cơ thế.
  • Thuốc trị bệnh gút colchicine khi dùng chung với Fenofibrat có thể làm tăng khả năng đau cơ.
  • Thuốc ức chế miễn dịch như cyclosporine, tacrolimus,... kết hợp với Fenofibrat có thể làm tăng nồng độ Fenofibrat trong cơ thể. Điều này có thể khiến bạn dễ gặp phải các tác dụng phụ khi sử dụng thuốc.

unnamed-_1_-_1_.webp

Dùng Fenofibrat chung với một số loại thuốc làm tăng nguy cơ bị tác dụng phụ

Lời khuyên của chuyên gia khi dùng Fenofibrat

Để kiểm soát nồng độ mỡ máu hiệu quả, bạn cần kết hợp sử dụng thuốc Fenofibrat với chế độ ăn uống và tập luyện lành mạnh, khoa học. Bạn có thể tham khảo các kế hoạch ăn kiêng và tập thể dục dưới đây:

>>> Xem thêm: Top 4 thực phẩm hạ mỡ máu không cần dùng thuốc cực hay

Chế độ ăn giúp hạ mỡ máu

  • Bạn nên thực hiện chế độ ăn low carb với ít carbohydrate để giảm mỡ máu. Đồng thời, bạn nên ăn nhiều chất xơ, các loại hạt và chất béo không bão hòa trong chế độ ăn.
  • Bên cạnh đó, bạn cần hạn chế lượng đường mỗi ngày. Tránh sử dụng các chất béo dạng trans, chất kích thích như rượu bia,... do chúng có thể làm tăng nồng độ mỡ trong máu.

Chế độ tập thể dục cho người mỡ máu cao: Bên cạnh chế độ ăn, bạn nên tập luyện để giảm cân và ổn định lượng mỡ trong máu. Các bài tập thể dục rất tốt mà bạn nên thực hiện là: Chạy bộ, đi bộ nhanh, đạp xe, bơi lội, tập yoga,...

Sử dụng sản phẩm thảo dược hỗ trợ: Kết hợp sử dụng Fenofibrat với sản phẩm thảo dược có thành phần từ Cao lá sen, cao hoàng bá, chiết xuất tỏi,... sẽ gia tăng hiệu quả điều trị tình trạng mỡ máu cao. Theo nghiên cứu của các chuyên gia từ Hàn Quốc, chiết xuất từ lá sen có tác dụng làm giảm nồng độ triglyceride cũng như cholesterol xấu trong máu. Đồng thời các sản phẩm này nguồn gốc từ thảo dược nên có độ an toàn cao với sức khỏe người dùng.

unnamed-_8_-_1_.webp

Cao lá sen đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc hạ mỡ máu

Trên đây là toàn bộ những thông tin về thuốc Fenofibrat và cảnh báo cần chú ý trong quá trình điều trị bệnh mỡ máu cao. Bạn nên sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để đạt hiệu quả cao và đảm bảo an toàn. 

Bài viết chỉ mang tính chất cung cấp thông tin hữu ích và dùng với mục đích tham khảo. Nếu bạn còn thắc mắc nào liên quan tới thuốc Fenofibrat hay quy trình điều trị mỡ máu cao hiệu quả thì vui lòng để lại bình luận. Chúng tôi sẽ tư vấn nhanh chóng nhất

Tài liệu tham khảo

https://go.drugbank.com/drugs/DB01039

https://www.drugs.com/sfx/fenofibrate-side-effects.html

https://www.drugs.com/fenofibrate.html

https://www.webmd.com/drugs/2/drug-93290/fenofibrate-oral/details

https://www.rxlist.com/consumer_fenofibrate_tricor/drugs-condition.htm

https://www.healthline.com/health/drugs/fenofibrate-oral-tablet#important-considerations

Bình luận