Tất cả vấn đề cần biết về tiểu són và cách giảm són tiểu
Khi chức năng của bàng quang bị mất kiểm soát, tiểu són có thể xảy ra và khiến người bệnh cảm thấy bất tiện, khó chịu. Đặc biệt, tình trạng này ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý và cuộc sống hàng ngày của người bệnh. Nếu bạn đang gặp những vấn đề liên quan đến són tiểu, hãy tham khảo ngay bài viết dưới đây để tìm được cách khắc phục phù hợp.
Tiểu són là gì? Nguy hiểm không?
Tiểu són là hiện tượng phổ biến và có nhiều mức độ nghiêm trọng khác nhau. Tiểu són thường gặp nhiều hơn ở người già, nhưng hiện nay tình trạng này đang có xu hướng trẻ hóa. Hãy cùng tìm hiểu ngay tiểu són là gì, mức độ nguy hiểm như thế nào trong phần tiếp theo của bài viết.
Tiểu són là gì?
Tiểu són (són tiểu) là tình trạng nước tiểu bị rò rỉ không chủ ý. Tiểu són có thể xảy ra dưới dạng rò rỉ một ít/toàn bộ nước tiểu trong bàng quang. Tình trạng này có thể là tạm thời hoặc mạn tính tùy thuộc vào nguyên nhân khởi phát bệnh.
Hệ thống tiết niệu bao gồm thận, bàng quang, niệu quản và niệu đạo. Những bộ phận này sẽ đảm nhiệm vai trò khác nhau để lọc, lưu trữ hoặc loại bỏ chất thải ra khỏi cơ thể. Khi hệ thống hoạt động sai hoặc có vấn đề nào đó, bạn sẽ gặp hiện tượng rò rỉ nước tiểu.
Theo thống kê từ Hiệp hội Tiết niệu Hoa Kỳ, có từ 1/4 – 1/3 số người lớn ở Hoa Kỳ bị tiểu són. Trong đó, tình trạng này xuất hiện ở phụ nữ nhiều hơn. Ước tính, có đến 30% số phụ nữ tuổi từ 30 – 60 bị són tiểu và nam giới chỉ chiếm khoảng 1.5 – 5% trong độ tuổi này.
Tiểu són tiểu buốt là một tình trạng thường gặp hiện nay
Tiểu són có nguy hiểm không?
Trên thực tế, tiểu són ít gây nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, tiểu són có thể làm giảm đáng kể chất lượng cuộc sống của người bệnh, gây ra tâm lý xấu hổ, tự ti, cô lập và trầm cảm.
Ngoài ra, tình trạng tiểu són mạn tính cũng có thể làm tăng nguy cơ bị những biến chứng nguy hiểm hơn. Cụ thể như sau:
- Các vấn đề về da: Són tiểu có thể gây ra tình trạng viêm da tiếp xúc, tổn thương da ở những vùng thường xuyên bị ẩm ướt. Lâu dần sẽ làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng, nấm, xuất hiện các vết loét, phát ban gây đau và khó chịu.
- Nhiễm trùng đường tiết niệu: Thường gặp khi người bệnh cần sử dụng ống thông tiểu để điều trị. Trường hợp này nếu không được kiểm soát kịp thời có thể gây ra nhiễm trùng tiểu và thậm chí dẫn đến tử vong.
- Sa vùng chậu: Một phần của âm đạo, bàng quang hoặc niệu đạo có thể bị rơi xuống lối vào của âm đạo. Thường xảy ra do cơ sàn chậu bị suy yếu.
- Một số ảnh hưởng khác: Mất ngủ vào ban đêm, viêm mô tế bào, phiền muộn, xa lánh xã hội, rối loạn chức năng tình dục do xấu hổ,…
Một số biến chứng của tiểu són có thể gặp
Xác định tiểu són như thế nào?
Để xác định tình trạng tiểu són của người bệnh, bác sĩ sẽ dựa vào những dấu hiệu lâm sàng. Ngoài ra, nếu cần thiết, bác sĩ cũng sẽ thực hiện một số xét nghiệm, chẩn đoán cận lâm sàng khác.
Dấu hiệu tiểu són
Dấu hiệu chính của tiểu són là hiện tượng rò rỉ nước tiểu không chủ ý. Ngoài ra, tùy thuộc vào từng loại són tiểu, dấu hiệu cụ thể cũng sẽ có sự khác biệt. Bao gồm như sau:
Són tiểu gấp (Urge incontinence): Rò rỉ nước tiểu ở mức độ vừa – lớn mà bạn không thể kiểm soát được. Bạn có thể muốn đi tiểu đột ngột và sau đó bị rò rỉ nước tiểu không tự chủ. Són tiểu gấp có đặc điểm là xảy ra thường xuyên, kể cả ban đêm.
Són tiểu căng thẳng (Stress incontinence): Rò rỉ nước tiểu do áp lực trong ổ bụng tăng lên đột ngột (ví dụ như hắt hơi, ho, cười,…). Đây là loại tiểu són phổ biến thứ 2 sau loại són tiểu gấp. Lượng nước tiểu bị rò rỉ ở mức độ thấp và vừa.
Són tiểu tràn (Overflow incontinence): Xảy ra khi bàng quang quá đầy. Lượng nước tiểu thường nhỏ nhưng tình trạng rò rỉ vẫn xảy ra, bàng quang không rỗng hoàn toàn và nhanh đầy lại.
Tiểu không kiểm soát chức năng (Functional incontinence): Là tình trạng mất nước tiểu do suy giảm nhận thức hoặc thể chất (ví dụ như bị đột quỵ, mất trí nhớ) hoặc đang gặp những rào cản môi trường.
Tiểu không kiểm soát hỗn hợp (Mixed incontinence): Là hiện tượng kết hợp của 2 hay nhiều loại ở trên. Phổ biến là giữa són tiểu gấp với căng thẳng, són tiểu gấp với tiểu không kiểm soát chức năng,…
Són tiểu thoáng qua (Transient incontinence): Là hình thức rò rỉ nước tiểu tạm thời do nhiễm trùng hoặc tác dụng phụ của một số loại thuốc.
Đái dầm (Bedwetting): Đây là hiện tượng rò rỉ nước tiểu khi ngủ và tiểu són phổ biến ở trẻ em. Tuy nhiên, một số người lớn cũng có thể gặp tình trạng này.
Triệu chứng của tiểu són có thể tùy thuộc vào loại mắc phải
Chẩn đoán, xét nghiệm
Khi chứng tiểu són diễn ra thường xuyên, ảnh hưởng đến cuộc sống, bạn nên gặp bác sĩ càng sớm càng tốt. Bác sĩ sẽ thực hiện những biện pháp chẩn đoán, xét nghiệm để xác định chính xác tình trạng của bạn. Cụ thể bao gồm:
- Thực hiện viết nhật ký bàng quang: Người bệnh sẽ ghi lại lượng nước đã uống, thời gian đi tiểu, lượng nước tiểu (kể cả có kiểm soát và không kiểm soát).
- Khám sức khỏe: Kiểm tra tình trạng âm đạo, cơ sàn chậu với nữ giới, khám trực tràng, tuyến tiền liệt,… ở nam giới.
- Phân tích nước tiểu: Kiểm tra về dấu hiệu nhiễm trùng hoặc bất thường.
- Xét nghiệm máu: Đánh giá chức năng của thận.
- Đo lượng nước tiểu dư sau khi đi tiểu (PVR): Đánh giá lượng nước tiểu còn lại trong bàng quang sau khi người bệnh đã đi tiểu.
- Siêu âm vùng chậu: Kiểm tra khu vực tiết niệu bằng hình ảnh.
- Kiểm tra gắng sức: Người bệnh sẽ được yêu cầu tạo ra áp lực đột ngột, bác sĩ tiến hành quan sát xem nước tiểu có mất đi hay không.
- Kiểm tra niệu động học: Xác định mức độ áp lực của bàng quang, cơ thắt ống dẫn tiểu có thể chịu được là như thế nào.
- Cystogram: Chụp X-quang xác định hình ảnh của bàng quang.
- Nội soi bàng quang: Kiểm tra sự bất thường bên trong đường tiết niệu.
Nội soi bàng quang sẽ được thực hiện để chẩn đoán tiểu són
Nguyên nhân gây ra tiểu són
Nguyên nhân chính của són tiểu là quá trình lưu trữ, thải nước tiểu bình thường bị gián đoạn. Có nhiều yếu tố gây ra tình trạng này và phụ thuộc vào mức độ của bệnh. Những nguyên nhân, yếu tố này có mối liên quan mật thiết với loại tiểu són mà người bệnh mắc phải. Cụ thể như sau:
Tiểu són tạm thời – thoáng qua
Thường do việc sử dụng một số loại thực phẩm, đồ uống hoặc thuốc điều trị. Những yếu tố này sẽ kích thích lên bàng quang, làm tăng lượng nước tiểu:
- Rượu, caffeine, đồ uống có ga hoặc chứa chất tạo ngọt nhân tạo.
- Socola, ớt, những loại thực phẩm có nhiều gia vị, axit, đường,… đặc biệt là trái cây họ cam quýt,…
- Những loại thuốc như tim mạch, huyết áp, thuốc giãn cơ, thuốc an thần, thuốc lợi tiểu,…
- Sử dụng lượng lớn vitamin C.
Ngoài ra, tình trạng này cũng có thể do một số bệnh lý gây ra, bao gồm:
- Nhiễm trùng đường tiết niệu: Khi nhiễm trùng, bàng quang sẽ bị kích thích và khiến bạn đi tiểu nhiều hơn, tiểu són không tự chủ.
- Táo bón: Khi phân cứng và bị nén chặt trong trực tràng, các dây thần kinh giống nhau giữa bàng quang - trực tràng chịu sự kích thích quá mức, gây ra tình trạng tiểu són.
Một số nguyên nhân gây tiểu són tạm thời - thoáng qua
Tiểu són liên tục không kiểm soát
Tình trạng này có thể do nhiều vấn đề thể chất tiềm ẩn gây ra. Bao gồm:
Thai kỳ và sinh con: Trong giai đoạn thai kỳ, sự thay đổi nội tiết tố, tăng khối lượng và kích thước của thai nhi tạo sức ép lên bàng quang. Khi sinh con qua đường âm đạo có thể làm suy yếu các cơ cần thiết trong kiểm soát bàng quang, hỏng dây thần kinh, mô nâng đỡ tại đây và gây tiểu không kiểm soát.
Mãn kinh: Sau giai đoạn này, phụ nữ sẽ sản xuất ít estrogen hơn – hormone giúp giữ niêm mạc bàng quang, niệu đạo được khỏe mạnh, từ đó gây ra tình trạng tiểu són.
Một số vấn đề sức khỏe khác: Tiền liệt tuyến (đặc biệt ở nam giới lớn tuổi), ung thư tiền liệt tuyến, xuất hiện khối u ở bất kỳ vị trí trong đường tiết niệu gây khó tiểu, tiểu són, rối loạn hệ thần kinh thực vật,…
Yếu tố làm tăng rủi ro bị tiểu són
Ngoài những tác nhân trên, có một số yếu tố làm tăng nguy cơ bị tiểu són như:
Giới tính: Phụ nữ thường có nguy cơ bị tiểu són cao hơn bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhưng nếu nam giới gặp các vấn đề về tuyến tiền liệt sẽ có nguy cơ bị tiểu són không kiểm soát cao hơn.
Tuổi tác: Niệu đạo, bàng quang hoặc những cơ quan xung quanh sẽ bị suy giảm chức năng theo thời gian. Sức chứa của bàng quang cũng sẽ bị giảm theo, từ đó khiến nước tiểu có thể thoát ra ngoài không kiểm soát.
Thừa cân, béo phì: Dư thừa cân nặng có thể làm tăng áp lực lên bàng quang cũng như các cơ quan xung quanh. Điều này sẽ khiến chúng bị suy yếu và tạo điều kiện cho nước tiểu thoát ra ngoài khi bạn hắt hơi, ho,…
Một số yếu tố khác: Hút thuốc lá, di truyền, các bệnh lý khác như tiểu đường, ho mạn tính, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD, suy tim sung huyết, rối loạn mô liên kết, rối loạn thần kinh trung ương/tủy sống,…
Một số nguy cơ gây ra tình trạng tiểu són
Điều trị tiểu són như thế nào?
Phương pháp điều trị sẽ được lựa chọn dựa vào nguyên nhân gây ra tiểu són là gì. Một số trường hợp sẽ cần sử dụng thuốc, phẫu thuật hoặc phối hợp những phương pháp khác. Ngoài ra, bạn cũng sẽ được khuyến khích thực hiện thêm một số bài tập nhất định và cải thiện lối sống, sinh hoạt tại nhà. Cụ thể như sau:
Lối sống kiểm soát tiểu són
Bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện một số thay đổi nhỏ trong lối sống hàng ngày. Điều này sẽ giúp bạn cải thiện được các triệu chứng của tiểu són.
- Hạn chế lượng caffeine, rượu,… sử dụng hàng ngày. Tránh các loại đồ ăn cay, chua hoặc chứa chất làm ngọt nhân tạo. Cố gắng ăn nhiều chất xơ hơn để ngăn ngừa tình trạng táo bón, giảm áp lực lên bàng quang.
- Thay đổi lượng chất lỏng uống mỗi ngày, điều chỉnh về mức cần thiết. Nếu uống quá nhiều hoặc quá ít có thể làm cho chứng tiểu són nghiêm trọng hơn.
- Giảm cân nếu bạn đang gặp tình trạng béo phì. Bỏ thuốc lá nếu bạn đang sử dụng chúng.
- Tránh nâng vật nặng để không tạo áp lực lên bàng quang.
- Tránh vệ sinh, thụt rửa thường xuyên bởi có thể thói quen này sẽ lấn át khả năng bảo vệ tự nhiên của cơ thể khi bàng quang bị nhiễm trùng.
Bên cạnh cải thiện lối sống, bạn cũng có thể sử dụng thêm một số loại thảo dược để hỗ trợ kiểm soát chứng tiểu són, tiểu không kiểm soát. Ví dụ như bạch tật lê, chi tử, hạt bí ngô, hoàng cầm, trinh nữ hoàng cung,…
Trong đó thành phần bạch tật lê đã được nghiên cứu vào năm 2015 bởi Amir Raoofi và cộng sự cho thấy, thảo dược này có tác dụng lợi tiểu, chống nhiễm trùng đường tiết niệu hiệu quả,… Đây là những nguyên nhân gây ra tình trạng tiểu són. Ngoài ra, thảo dược này cũng làm tăng trương lực của cơ trơn, giúp cho bàng quang được co giãn tốt và giữ được nước tiểu nhiều hơn.
Một số loại thảo dược hỗ trợ cải thiện tiểu són
>>> Xem thêm: Bạch tật lê – Thần dược tốt cho người tiểu nhiều lần
Do đó, khi sử dụng phối hợp với các thành phần trên có thể giúp tăng sự dẻo dai của cơ nâng đỡ bàng quang, giảm cảm giác buồn tiểu. Sự phối hợp này cũng giúp giảm kích thích mót tiểu ở đại não, từ đó cải thiện chứng tiểu són, tiểu không kiểm soát.
Các bài tập cải thiện tiểu són
Ngoài thay đổi lối sống, một số bài tập cũng giúp cải thiện tình trạng tiểu són. Những bài tập này có thể bao gồm huấn luyện cho bàng quang, bài tập cơ sàn chậu (bài tập Kegel),…
Huấn luyện cho bàng quang
Bài tập này sẽ giúp tăng cường sức mạnh các cơ liên quan đến việc đi tiểu. Mục tiêu của việc huấn luyện bàng quang sẽ giúp bạn tạo thói quen đi tiểu vào một thời điểm cụ thể hoặc theo lịch trình mỗi ngày. Bao gồm:
- Bạn có thể bắt đầu với việc trì hoãn việc muốn đi tiểu bằng cách cố nhịn trong 10 phút. Cố gắng tập luyện đến khi bạn đạt được số lần đi tiểu từ 2,5 – 3,5 giờ/lần.
- Cố gắng làm trống bàng quang hoàn toàn bằng cách khi đi tiểu cố gắng đợi thêm vài phút và thử lại để xem bàng quang đã được làm rỗng chưa.
Bài tập cơ sàn chậu
Hay được gọi là bài tập Kegel, được thực hiện để giúp tăng cường sức khỏe các cơ liên quan đến việc giữ và kiểm soát nước tiểu. Thực hiện như sau:
- Hãy tưởng tượng bạn đang cố gắng ngăn dòng nước tiểu.
- Siết các cơ mà bạn sẽ sử dụng để ngừng đi tiểu, cố gắng giữ nó trong 5 giây, sau đó thả lỏng trong 5 giây. Nếu điều này khó khăn, bạn có thể giảm xuống giữ 2 giây và thả lỏng 3 giây.
- Luyện tập đến khi bạn có thể giữ các cơn co thắt 10 giây mỗi lần.
- Đặt mục tiêu thực hiện ít nhất 10 lần/ngày.
Bài tập cơ sàn chậu hoặc huấn luyện bàng quang có thể cải thiện tiểu són
Sử dụng thuốc trị tiểu són
Nếu tình trạng tiểu són không thể cải thiện được bằng thay đổi lối sống, các bài tập, người bệnh sẽ được chỉ định một số loại thuốc phối hợp. Ví dụ như:
- Thuốc kháng cholinergic: Làm dịu bàng quang hoạt động quá mức bằng cách giảm co thắt các cơ chi phối tiểu tiện, phổ biến như oxybutynin, tolterodine, darifenacin, fesoterodine, solifenacin trospium,…
- Mirabegron: Sử dụng làm giãn cơ bàng quang, tăng lượng nước tiểu mà bàng quang có thể giữ lại.
- Thuốc chẹn alpha: Giúp giãn cổ bàng quang, các sợi cơ trong tuyến tiền liệt, làm rỗng bàng quang dễ hơn.
- Estrogen tại chỗ: Giúp làm săn chắc, trẻ hóa các mô ở niệu đạo, âm đạo.
>>> Xem thêm: Lưu ý cần biết trước khi dùng Flavoxate chống co thắt bàng quang
Thủ thuật/phẫu thuật cần thiết
Các thủ thật, phẫu thuật là phương pháp được sử dụng để điều trị tiểu són khi những phương pháp khác không hiệu quả. Cụ thể:
- Kích thích điện vùng trực tràng, âm đạo để tăng cường sức mạnh cơ sàn chậu.
- Đưa một số thiết bị y tế vào cơ thể, đặc biệt là ở phụ nữ như dụng cụ chèn niệu đạo, pessary (vòng nâng cổ tử cung),…
- Tiêm botox vào cơ bàng quang.
- Sử dụng một vật liệu là Bulking để tiêm vào mô xung quanh niệu đạo.
- Sử dụng các thiết bị xung điện không đau để kích thích dây thần kinh liên quan đến kiểm soát bàng quang.
- Phẫu thuật: Treo cổ bàng quang, phẫu thuật dịu, phẫu thuật sa, phẫu thuật cơ thắt tiết niệu nhân tạo,…
Phẫu thuật có thể cần thiết nếu tiểu són không được kiểm soát bằng các phương pháp khác
Tiểu són tuy không gây nguy hiểm cho người bệnh, nhưng nó có thể ảnh hưởng đến tâm lý, làm suy giảm chất lượng cuộc sống. Nếu không được điều trị đúng cách, bệnh có thể gây ra tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng. Do đó, nếu có bất kỳ dấu hiệu tiểu són nào, hãy liên hệ ngay với bác sĩ để được thăm khám.
Trên đây chỉ là thông tin tham khảo về tiểu són. Nếu bạn còn bất kỳ thắc mắc nào cần giải đáp về tình trạng này, vui lòng để lại câu hỏi dưới phần bình luận. Đội ngũ chuyên gia nhiều năm kinh nghiệm sẽ giải đáp giúp bạn.
Tài liệu tham khảo
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/urinary-incontinence/diagnosis-treatment/drc-20352814
https://www.healthline.com/health/urge-incontinence#diagnosis
Bình luận