Tìm hiểu về viêm nướu răng là gì?

Viêm nướu răng là một tình trạng nha khoa tương đối phổ biến hiện nay. Bạn cần hiểu thế nào là tình trạng viêm nướu răng, mức độ phân loại của bệnh để có thể cải thiện và phòng ngừa tốt hơn.

Viêm nướu răng và phân loại

Viêm nướu răng là tình trạng khu vực lợi, nướu xung quanh răng bị viêm nhiễm và gây ra tình trạng sưng (viêm), kích ứng, đỏ tấy ở khu vực này. Tùy theo mức độ nghiêm trọng, viêm nướu răng có thể được phân thành các dạng khác nhau. Cụ thể sẽ bao gồm 3 loại viêm lợi phổ biến như sau:

  • Viêm nướu răng mảng bám: Viêm do các mảng bám (từ thức ăn, vi khuẩn,…) hình thành.
  • Viêm nướu răng mủ: Là tình trạng viêm kéo dài, mức độ nặng hơn. Xảy ra do các kháng thể tập trung tại các ổ viêm, từ đó hình thành mủ.
  • Viêm nướu răng trùm: Xuất hiện trong quá trình mọc các loại răng khôn, đặc biệt là răng số 8. Các răng khôn khi mọc gây chèn ép đến phần nướu, gây ra tình trạng viêm, đau nhức.

mot-so-hinh-anh-viem-nuou-rang.webp

Một số hình ảnh viêm nướu răng

Viêm nướu răng có nguy hiểm không?

Viêm nướu chân răng có thể gây ra nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Hệ quả cuối cùng có thể gây ra viêm lợi loét hoại tử cấp tính (ANUG) và có thể gây mất răng.

Bệnh viêm nướu chân răng thường xảy ra phổ biến ở phần rìa nướu và tạo ra những tổn thương ban đầu. Ở giai đoạn này, tình trạng viêm nướu cấp tính sẽ bắt đầu trong 4 – 5 ngày. Nếu không được điều trị ở giai đoạn này, các chất lỏng ở nướu và sự di chuyển của các bạch cầu trung tính ở đây sẽ tăng lên.

Điều này sẽ gây ra tình trạng lắng đọng fibrin, phá hủy collagen tại đây. Sau 1 tuần, tình trạng tổn thương được nhắc đến ở trên sẽ chuyển đổi thành trạng thái nhiễm tế bào lympho chủ yếu và chuyển thành tổn thương, viêm mạn tính, nướu có thể bị tác ra khỏi răng.

Lúc này, tình trạng chảy máu sẽ xảy ra ngay cả khi bạn ăn uống bình thường. Khi viêm kéo dài dai dẳng, dây chằng nha chu bị phá vỡ, xương ổ răng bị phá hủy cục bộ và gây ra tình trạng ANUG được nhắc đến ở trên. ANUG sẽ nhanh chóng phá hủy các mô, lây lan và làm nhiễm trùng xâm nhập vào các mô ở miệng, mặt.

Nguyên nhân viêm nướu răng

Sự hình thành mảng bám chân răng, vi khuẩn, virus, nấm,… là những nguyên nhân trực tiếp gây ra tình trạng viêm nướu răng. Cụ thể như sau:

Các mảng bám trên răng

Đây là một lớp màng dính, vô hình. Trong mảng bám sẽ chứa nhiều vi khuẩn và được hình thành trên chân răng khi đường, tinh bột không được làm sạch tương tác với vi khuẩn.

Sau thời gian tích tụ, mảng bám sẽ cứng lại và trở thành cao răng (vôi răng). Lớp cao răng này tạo ra điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn bám vào và bảo vệ chúng. Khi được lưu lại quá lâu trên răng, các mảng bám sẽ gây ra tình trạng kích ứng cho phần nướu và gây viêm.

cac-mang-bam-trem-rang-la-nguyen-nhan-hang-dau-dan-den-viem-nuou-rang.webp

Các mảng bám trên răng là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến viêm nướu răng

Viêm do vi khuẩn, virus, nấm

Khoang miệng là môi trường lý tưởng để nhiều loại vi khuẩn, virus (Herpes), nấm (Candida) sinh sống. Do đó, nếu chúng ta không bảo vệ răng miệng sạch sẽ, vi khuẩn, virus sẽ dễ xâm nhập vào đây.

Nếu bạn không có hệ miễn dịch khỏe mạnh, những vi sinh vật này sẽ nhanh chóng sinh sôi ngoài tầm kiểm soát. Từ đó, hệ thống “phòng thủ” bảo vệ nướu răng bị lấn át, nhiễm trùng bắt đầu xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào các mô mềm, xương tiếp giáp với răng và gây ra tình trạng viêm.

Nguyên nhân khác và yếu tố nguy cơ

Bên cạnh 2 nguyên nhân chính ở trên, viêm nướu răng có thể xảy ra do một số điều kiện sức khỏe, yếu tố bên ngoài tác động vào. Ngoài ra, sẽ có một số yếu tố làm tăng nguy cơ bị viêm nướu răng cao hơn. Cụ thể gồm:

Sự thay đổi nội tiết tố: Xảy ra ở tuổi dậy thì, chu kỳ kinh nguyệt, mang thai, mãn kinh. Ở các giai đoạn này, nướu dễ bị nhạy cảm hơn và có thể tăng nguy cơ bị viêm.

Các vấn đề sức khỏe: Một số bệnh lý tiềm ẩn cũng có thể khiến cho hệ thống miễn dịch bị suy yếu và tăng nguy cơ viêm lợi cao hơn. Ví dụ như tiểu đường, HIV, bệnh bạch cầu, đang điều trị ung thư…

Tác dụng phụ của một số loại thuốc: Ví dụ như phenytoin để điều trị động kinh, thuốc chẹn kênh canxi như nifedipin điều trị huyết áp cao, đau thắt ngực, thuốc chống thải ghép như cyclosporin,… Những loại thuốc này có thể dẫn đến tình trạng quá sản mô tế bào nướu răng, gây cản trở quá trình chăm sóc răng miệng, từ đó tăng nguy cơ bị viêm.

Các bệnh lý răng miệng: Ví dụ như sâu răng, viêm nha chu, ung thư miệng,… cũng có thể gây ra tình trạng viêm nướu răng.

su-dung-mot-so-loai-thuoc-co-the-lam-qua-san-mo-te-bao-gay-viem-nuou-rang.webp

Sử dụng một số loại thuốc có thể làm quá sản mô tế bào gây viêm nướu răng

Một số yếu tố nguy cơ khác:

  • Chế độ dinh dưỡng thiếu hụt chất làm giảm sức đề kháng.
  • Do miệng bị va đập với các tác động vật lý từ bên ngoài.
  • Vệ sinh răng miệng kém.
  • Người thường xuyên hút thuốc.
  • Người lớn tuổi, yếu tố di truyền.
  • Người vừa làm một số thủ thuật nha khoa như niềng răng, bọc răng sứ,…

Cách xác định viêm nướu răng

Nhiều người thường không nhận ra được tình trạng của viêm nướu răng bởi các triệu chứng của nó không quá rõ ràng. Tuy vậy, bạn có thể chú ý để có thể nhận thấy một số dấu hiệu cảnh báo về tình trạng viêm nướu răng sau đây:

  • Sự xuất hiện của các mảng bám răng, chất kết dính trên răng.
  • Sưng, đau, đỏ, chảy máu tại nướu răng khi đánh răng, dùng chỉ nha khoa,… Trong trường hợp bệnh đã tiến triển nặng, bạn có thể bị chảy máu nướu răng ngay cả khi ăn uống bình thường.
  • Nướu mềm, bị tụt, đây là dấu hiệu ban đầu của bệnh nha chu.
  • Răng bị lung lay hoặc có dấu hiệu bị mất răng.
  • Hôi miệng, hơi thở có mùi khó chịu.
  • Răng trở nên nhạy cảm hơn, đau khi nhai.
  • Có thể xuất hiện mủ giữa răng và lợi.

Bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ ngay khi gặp bất kỳ triệu chứng viêm nướu răng nào. Việc phát hiện được tình trạng viêm giai đoạn đầu sẽ giúp khả năng phục hồi tích cực hơn. Lúc này, bác sĩ có thể thực hiện một số cách kiểm tra sau đây để chẩn đoán tình trạng viêm của bạn:

  • Xem xét tiền sử răng miệng.
  • Kiểm tra về răng, nướu, lưỡi, miệng để xem có sự xuất hiện của các mảng bám hoặc tình trạng viêm nhiễm không.
  • Đo độ sâu của rãnh giữa chân răng và nướu bằng đầu dò nha khoa. Ở trường hợp người khỏe mạnh, độ sâu này khoảng 1 – 3 mm. Nếu độ sâu này hơn 4mm thì có thể là dấu hiệu của bệnh viêm nướu răng.
  • Chụp X-quang nha khoa để kiểm tra về tình trạng xương tại khu vực nghi ngờ viêm.

dau-hieu-canh-bao-viem-nuou-rang.webp

Dấu hiệu cảnh báo viêm nướu răng

Cách trị viêm nướu răng như thế nào?

Vệ sinh răng miệng tốt là một trong những yếu tố quan trọng để điều trị tình trạng viêm nướu răng. Ngoài ra, tùy thuộc vào mức độ viêm, bác sĩ có thể chỉ định bạn sử dụng thuốc, các thủ thuật nha khoa hoặc phẫu thuật nếu cần thiết.

Điều trị bằng biện pháp y tế

Các biện pháp y tế được sử dụng để điều trị viêm nướu răng bao gồm:

Thủ thuật nha khoa giúp làm sạch răng, ví dụ như:

  • Cạo vôi răng để loại bỏ lớp cao răng xung quanh đường viền của nướu.
  • Sử dụng tia laze để loại bỏ cao răng, phương pháp này ít gây đau, ít gây chảy máu hơn so với cạo vôi răng.

Sử dụng một số loại thuốc (người bệnh không được tự ý sử dụng khi chưa có sự hướng dẫn của nha sĩ, dược sĩ), bao gồm:

  • Các loại nước sát trùng răng miệng có chứa chlorhexidine để khử trùng khoang miệng.
  • Sử dụng thuốc sát trùng chứa chlorhexidine giải phóng theo thời gian, thuốc được cấy vào túi sau khi đã thực hiện bào gốc răng.
  • Sử dụng các vi cầu kháng sinh bằng minocycline để đưa vào phần nướu rau khi cạo, bào vôi răng.
  • Sử dụng một số loại kháng sinh uống để giảm tình trạng viêm: Nhóm beta-lactam (phenoxypenicillin, amoxicillin), nhóm kháng sinh kỵ khí như metronidazol, nhóm kháng sinh Macrolid như clarithromycin, azithromycin,…
  • Sử dụng thuốc giúp giảm đau, hạ sốt khi tình trạng viêm gây ra những triệu chứng này. Ví dụ như paracetamol, nhóm thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen, meloxicam, thuốc chống viêm steroid như betamethasone, methylprednisolone,…

thuoc-co-the-duoc-su-dung-de-giup-giam-dau-viem-khi-bi-viem-nuou-rang.webp

Thuốc có thể được sử dụng để giúp giảm đau, viêm khi bị viêm nướu răng

Phẫu thuật nha khoa

Nếu tình trạng viêm nướu răng nghiêm trọng và gây tổn thương đến mô xương, nướu,… bạn có thể sẽ được chỉ định phẫu thuật. Một số loại phẫu thuật có thể được dùng như:

  • Phẫu thuật vạt: Được sử dụng để nâng nướu trở lại khi nướu, mô xương được lấy ra.
  • Ghép xương và mô: Khi răng, hàm của bạn bị tổn thương quá nặng nề, bạn sẽ cần sử dụng đến biện pháp này.
  • Làm dài thân răng: Nếu viêm nướu gây ra tình trạng mô dư thừa, người bệnh sẽ được chỉ định phẫu thuật định hình lại mô nướu, mô xương để có thể cân chỉnh lại được răng phù hợp hơn.

Lưu ý khi bị viêm nướu răng

Trong quá trình bị viêm nướu răng và tiến hành điều trị, bạn nên lưu ý một số vấn đề sau đây để giúp hỗ trợ quá trình phục hồi nhanh hơn. Bao gồm như:

  • Thực hiện vệ sinh răng miệng sạch sẽ: Đánh răng 2 lần/ngày, tốt nhất là ngay sau bữa ăn chính hoặc bữa ăn nhẹ cuối cùng, sử dụng chỉ nha khoa,…
  • Thay thế các bàn chải đánh răng đang sử dụng bằng bàn chải có chất liệu mềm hơn, lưu ý bạn cần thay bàn chải từ 3 – 4 tháng/lần. Bạn cũng có thể cân nhắc việc sử dụng các loại bàn chải điện để giúp làm sạch răng hiệu quả hơn.
  • Dùng nước súc miệng có tác dụng hỗ trợ sát khuẩn trong quá trình vệ sinh răng miệng hàng ngày.
  • Thăm khám sức khỏe và lấy cao răng theo định kỳ.
  • Không sử dụng các loại thuốc lá, hạn chế đồ ăn có nhiều đường, tinh bột, kể cả rượu, bia.
  • Kiểm soát tốt bệnh lý nền có thể làm tăng nguy cơ bị viêm nướu răng.

ve-sinh-rang-mieng-sach-se-dong-vai-tro-quan-trong-khi-dieu-tri-viem-nuou-rang.webp

Vệ sinh răng miệng sạch sẽ đóng vai trò quan trọng khi điều trị viêm nướu răng

Bạn cũng có thể sử dụng thêm các sản phẩm có tác dụng hỗ trợ sát khuẩn, giảm viêm ở khu vực nướu răng đang bị viêm nhiễm. Nên ưu tiên các sản phẩm chứa thành phần thảo dược hoặc từ thiên nhiên để đảm bảo an toàn, lành tính cho vùng nướu răng. Điển hình như các thành phần nano bạc, chitosan hoặc thảo dược như cây neem, duối, đinh hương,

Nổi bật có thành phần nano bạc với khả năng giúp kháng khuẩn, chống viêm với phổ diệt vi khuẩn rộng. Theo nghiên cứu của Viện Công nghệ môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho thấy, nano bạc có khả năng tiêu diệt với nhiều chủng vi khuẩn, nấm gây bệnh khác nhau cho cơ thể, trong đó có vùng răng miệng.

Nano bạc khi được tiếp xúc với khu vực có vi khuẩn, thành phần này sẽ trực tiếp bao bọc xung quanh tế bào của chúng, phá vỡ cấu trúc và vô hiệu hóa vi khuẩn từ bên trong. Bên cạnh đó, các thảo dược như nem, duối, đinh hương cũng sẽ hỗ trợ quá trình làm thơm hơi thở, cầm máu,... Khi nano bạc kết hợp cùng những thành phần, thảo dược ở trên, có thể giúp khử mùi hôi miệng, kháng khuẩn và làm sạch răng miệng tốt hơn.

nano-bac-co-the-ho-tro-tieu-diet-vi-khuan-gay-viem-nuou-rang.webp

Nano bạc có thể hỗ trợ tiêu diệt vi khuẩn gây viêm nướu răng

Tình trạng viêm nướu răng là một bệnh lý răng miệng thường gặp hiện nay. Tuy vậy, bạn có thể cải thiện bằng cách vệ sinh răng miệng thường xuyên và áp dụng những biện pháp giúp giữ răng miệng sạch sẽ hơn. Ngoài ra, nên thường xuyên khám nha khoa định kỳ để phát hiện được những dấu hiệu về viêm nướu răng kịp thời.

Trên đây chỉ là bài viết tham khảo về tình trạng viêm nướu răng. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào, bạn có thể đặt câu hỏi tại phần bình luận của bài viết để được hỗ trợ giải đáp chi tiết hơn.

>>>XEM THÊM: Tìm hiểu về viêm loét miệng và cách giảm đau rát, khó chịu TẠI ĐÂY

Nguồn tham khảo:

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/gingivitis/diagnosis-treatment/drc-20354459

https://www.medicalnewstoday.com/articles/241721#summary

https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/10950-gingivitis-and-periodontal-disease-gum-disease

Dược sĩ Thanh Hoa

thuc-pham-bao-ve-suc-khoe-gumimouth.webp

Bình luận