Viêm loét miệng là tình trạng gì?

Viêm loét miệng là những tổn thương nhỏ, nông gây đau đớn, được hình thành bên trong các vị trí của khoang miệng hoặc ở đáy lợi. Những vết loét miệng này thường có màu đỏ, vàng, xám hoặc trắng, hình tròn. Chúng không có tính chất lây lan và thường sẽ biến mất sau một thời gian.

Hiện nay, có nhiều cách để phân loại các vết viêm loét miệng. Tuy nhiên, cách phân chia thành 3 loại chính sau đây đang được sử dụng nhiều nhất, bao gồm:

  • Viêm loét miệng nhẹ (nhỏ): Là tình trạng phổ biến nhất, thường xảy ra với tần suất 3 – 4 năm/lần. Chủ yếu xảy ra ở nhóm từ 10 – 20 tuổi, vết loét có đường kính nhỏ hơn 1cm, lành nhanh trong vòng 1 tuần, không để lại sẹo.
  • Viêm loét miệng lớn: Các vết loét có kích thước to hơn, thường kéo dài hơn 1 tuần. Sau khi lành có xu hướng để lại sẹo.
  • Viêm loét miệng do Herpetiform: Rất hiếm gặp và thường xuất hiện dưới dạng các cụm vết loét nhỏ li ti. Loại viêm loét này cũng sẽ thường lành lại sau khoảng 1 tuần.

mot-so-hinh-anh-ve-tinh-trang-viem-loet-mieng.webp

Một số hình ảnh về tình trạng viêm loét miệng

Nguyên nhân gây viêm loét miệng

Theo thông tin từ Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ, nguyên nhân gây ra viêm loét miệng chưa được biết chính xác. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, viêm loét miệng có thể do các yếu tố kích hoạt khác như chấn thương, môi trường, bệnh lý hoặc do người bệnh sử dụng một số loại thuốc. Cụ thể bao gồm các yếu tố sau:

  • Chấn thương: Vô tình cắn vào lưỡi, phần trong của má, răng quá sắc, chấn thương do thực hiện các thủ thuật nha khoa, bỏng hóa chất, niềng răng và răng giả.
  • Sử dụng thuốc lá hoặc có thói quen nhai thuốc lá khi hút.
  • Lạm dụng các loại rượu, bia, chất kích thích, ma túy.
  • Ăn các loại thực phẩm có tính axit như chanh, cam, dứa, cà chua,…
  • Phản ứng dị ứng với một số loại thuốc, thức ăn, kem đánh răng, nước súc miệng hoặc bất kỳ sản phẩm chăm sóc răng miệng nào khác.
  • Căng thẳng về tâm lý và thể chất.
  • Bị thiếu hụt dinh dưỡng một số nhóm chất như vitamin B12, axit folic, kẽm, sắt,…
  • Ở nữ giới có thể là sự thay đổi về nội tiết tố trong chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng.
  • Đang điều trị ung thư bằng xạ trị hoặc hóa trị.

Trong một số trường hợp, viêm loét miệng có thể là biểu hiện của một số bệnh lý khác. Ví dụ như:

  • Rối loạn hệ thống miễn dịch, điều này khiến hệ thống miễn dịch tấn công nhầm vào các tế bào khỏe mạnh của cơ thể thay vì tấn công vào vi khuẩn/virus.
  • Bệnh celiac, một bệnh lý liên quan đến khả năng dung nạp gluten của cơ thể.
  • Bệnh viêm ruột, bệnh tiêu hóa khác như Crohn, trào ngược axit, loét dạ dày tá tràng.
  • Bệnh Behcet, một tình trạng gây viêm khắp cơ thể.
  • Bệnh liên quan đến sự suy yếu hệ thống miễn dịch, ví dụ như HIV/AIDS, tiểu đường…
  • Các bệnh nhiễm trùng như nhiễm virus Herpes simplex, bệnh tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng, bệnh tay chân miệng.
  • Dấu hiệu mất cân bằng hormone trong cơ thể.

cac-yeu-to-tang-nguy-co-kich-hoạt-viem-loet-mieng.webp

Các yếu tố tăng nguy cơ kích hoạt viêm loét miệng

Biểu hiện của viêm loét miệng

Triệu chứng chính của các vết viêm loét miệng là chúng gây đau, xót cho người bệnh. Đặc biệt, tình trạng đau sẽ nghiêm trọng hơn khi tiếp xúc với đồ ăn, thức uống hoặc khi bạn vệ sinh răng miệng không sạch sẽ.

Trước khi các vết loét xuất hiện, bạn có thể cảm thấy ngứa, bỏng rát trong khoang miệng từ 6 – 24 giờ. Tuy nhiên, đa số người bệnh sẽ không để ý đến dấu hiệu cảnh báo này. Ngoài ra, tùy thuộc vào từng loại vết loét, biểu hiện của chúng sẽ có sự khác biệt. Cụ thể:

  • Viêm loét nhẹ: Vết loét nhỏ, nông, có hình bầu dục hoặc hình tròn, cạnh màu đỏ.
  • Viêm loét lớn: Nốt loét to hơn, sâu hơn, thường có cạnh không đều, một số trường hợp còn thấy đường viền, đa số hình tròn.
  • Viêm loét do Herpetiform: Thường xuất hiện thành từng cụm từ 10 – 100 vết loét với kích thước tương tự nhau. Cạnh của các vết loét không đều. Tái phát ngay sau khi lành.
  • Triệu chứng khác khi các vết viêm loét miệng bùng phát: Sốt, uể oải, sưng hạch.

Nếu gặp những tình trạng sau đây, bạn cần gặp ngay nha sĩ để được hỗ trợ:

  • Các vết loét lớn bất thường, lan rộng, kéo dài hơn 3 tuần.
  • Đau đớn tột độ dù bạn không sử dụng thức ăn, đồ uống.
  • Khó khăn ngay cả khi uống nước lọc thông thường.
  • Sốt cao, tiêu chảy kèm với các vết loét.

Hiếm gặp hơn, khi bạn xuất hiện những vết viêm loét miệng nhưng không gây đau, thô cứng, không dễ để cạo các vết loét ra. Những vết loét này kéo dài hơn 2 tuần, không có dấu hiệu biến mất và lây lan sang khu vực khác thì đây có thể là dấu hiệu của ung thư miệng.

Bạn nên báo cho bác sĩ nếu nghi ngờ ung thư miệng, đặc biệt là khi bạn thuộc nhóm nguy cơ cao (người thường xuyên hút thuốc, nghiện rượu nặng, nam giới từ 45 tuổi). Ung thư miệng có thể được điều trị hiệu quả nếu được phát hiện sớm.

viem-loet-mieng-thuong-gay-đau-rat-tai -hu-vuc-bi lo-loet.webp

Viêm loét miệng thường gây đau, rát tại khu vực bị lở loét

Cách giảm viêm loét miệng, đau xót

Bạn có thể thực hiện các biện pháp giảm viêm loét miệng, đau xót tại nhà theo sự hướng dẫn của nha sĩ. Trường hợp nghiêm trọng hơn, bạn sẽ cần thực hiện một số thủ thuật xử lý vết loét tại phòng khám nha khoa. Cụ thể như sau:

Sử dụng thuốc trị viêm loét miệng

Để giảm cảm giác đau xót, nha sĩ có thể hướng dẫn bạn sử dụng một số loại thuốc bôi, thuốc uống hoặc các sản phẩm hỗ trợ khác. Bao gồm:

Thuốc bôi viêm loét miệng

Một số loại thuốc bôi, gel, kem hoặc dạng chất lỏng có thể được sử dụng để giảm đau, tăng tốc độ lành, sử dụng trực tiếp lên khu vực vết viêm loét ngay khi chúng xuất hiện. Ví dụ như benzocaine, fluocinonide, hydrogen peroxide,… Đa số bạn sẽ được hướng dẫn các loại thuốc bôi có thành phần hoạt tính.

Thuốc uống viêm loét miệng

Khi vết loét nghiêm trọng và không đáp ứng được thuốc bôi tại chỗ, bạn có thể sẽ được hướng dẫn sử dụng thuốc uống. Ví dụ như thuốc trị loét sucralfate, thuốc chữa gout colchicine cũng được sử dụng điều trị vết loét, thuốc steroid,…

Nước súc miệng

Nếu số lượng vết loét miệng quá nhiều, bác sĩ cũng có thể chỉ định bạn sử dụng thêm các loại nước súc miệng. Thông thường sẽ là các loại có chứa steroid dexamethasone để giúp giảm đau, viêm hoặc chứa lidocain giúp giảm đau.

Thủ thuật xử lý viêm loét miệng

Trong một số trường hợp bắt buộc, bạn sẽ cần phải thực hiện một số thủ thuật xử lý vết viêm loét miệng tại chỗ, bao gồm đốt, cắt hoặc phá hủy mô với các dụng cụ phẫu thuật khác. Những thủ thật này sẽ dùng thêm một số chất hóa học hỗ trợ, ví dụ như:

  • Debacterol: Được sử dụng để tạo ra các phản ứng hóa học trong vết loét, làm giảm thời gian lành bệnh xuống còn khoảng 1 tuần.
  • Nitrat bạc: Tuy chưa có nhiều thông tin về tốc độ chữa lành, nhưng nitrat bạc được sử dụng để giúp giảm cơn đau do vết loét gây ra.

de-dieu-tri-viem-loet-mieng-co-the-dung-thuoc-hoac-xu-ly-bang-thu-thuat-nha-khoa.webp

Để điều trị viêm loét miệng, có thể dùng thuốc hoặc xử lý bằng thủ thuật nha khoa

Kết hợp quá trình chăm sóc tại nhà

Để giảm đau, tăng tốc độ lành các vết loét nhanh hơn, bạn nên kết hợp thêm những biện pháp chăm sóc tại nhà. Có thể sử dụng thêm các loại gel bôi hỗ trợ tại chỗ. Cụ thể:

Hỗ trợ chăm sóc viêm loét miệng tại nhà

Không chạm tay vào vùng đau, điều này có thể làm ảnh hưởng đến quá trình chữa lành, tăng khả năng nhiễm trùng. Nếu bắt buộc phải chạm vào, hãy rửa sạch tay, sát trùng với dung dịch sát khuẩn trước và ngay sau khi chạm vào. Ngoài ra, bạn cần lưu ý thêm:

  • Sử dụng bàn chải đánh răng mềm. Nếu bàn chải quá cứng có thể gây đau các vết loét.
  • Trong trường hợp vết viêm loét gây đau và không thể sử dụng bàn chải đánh răng, hãy thay thế bằng các loại nước súc miệng. Lưu ý, chỉ sử dụng nước súc miệng được hướng dẫn, không dùng sản phẩm có chứa cồn.
  • Có thể sử dụng thêm nước muối để hỗ trợ quá trình làm sạch răng miệng. Bạn có thể hòa tan một thìa cafe muối vào cốc nước, ngậm hoặc chấm vào vùng bị đau trong 2 phút, sau đó nhổ ra. Lưu ý không nuốt nước muối, có thể lặp lại 4 lần/ngày.
  • Thay đổi chế độ dinh dưỡng bằng cách tránh đồ ăn cay nóng, các loại trái cây, rau quả có tính axit, những đồ uống có ga, rượu, cà phê. Bổ sung các nhóm chất thiếu hụt nếu viêm loét miệng xuất phát từ nguyên nhân này.
  • Quản lý căng thẳng, hạn chế hoặc không nên hút thuốc, không sử dụng các chất kích thích như ma túy.
  • Điều trị các bệnh lý nền nếu viêm loét miệng xuất phát từ chúng.

nen-su-dung-ban-chai-mem-danh-rang-khi-bi-viem-loet-mieng.webp

Nên sử dụng bàn chải mềm để đánh răng khi bị viêm loét miệng

Sử dụng gel bôi tại chỗ hỗ trợ trị viêm loét miệng

Ngoài sử dụng các phương pháp điều trị trên, bạn cũng có thể kết hợp dùng sản phẩm gel bôi khác giúp sát khuẩn, làm dịu vết đau xót tốt hơn. Nên ưu tiên những sản phẩm gel bôi có thành phần nano bạc. Đây là chất đã được chứng minh có khả năng sát khuẩn an toàn cho người bị viêm loét miệng với cơ chế vô hiệu hóa các vi khuẩn gây ra tình trạng này.

Nghiên cứu về thành phần nano bạc đã được thực hiện tại Viện Công nghệ môi trường – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cho thấy, nano bạc có khả năng tiêu diệt nhiều loại vi khuẩn gây bệnh khác nhau, trong đó có các chủng vi sinh vật như E.coli, Coliform, S.aureus, P. aeruginosa, Aci.baumannii,…

Nghiên cứu này cũng cho thấy, chỉ với một lượng nhỏ nano bạc (khoảng 1 mg/L) đã có thể tiêu diệt được hoàn toàn các loại vi sinh vật gây viêm loét miệng. Khi sử dụng kết hợp thêm các loại thảo dược như lá neem, duối, đinh hương,… sẽ giúp hỗ trợ tác dụng của nano bạc, giúp các vết loét được lành nhanh hơn.

nano-bac-giup-tri-nhiet-mieng-hieu-qua.webp

Nano bạc kết hợp thêm thảo dược giúp viêm loét miệng nhanh lành hơn

Với các vết viêm loét miệng, bạn nên thực hiện điều trị càng sớm càng tốt để tránh xảy ra các hậu quả nguy hiểm khác. Nếu các vết loét kéo dài trên 3 tuần, bạn cần khám ngay với nha sĩ. Trên đây chỉ là những thông tin tham khảo về tình trạng viêm loét miệng. Nếu bạn cần biết thêm những thông tin cụ thể hơn, vui lòng đặt câu hỏi dưới bài viết này để được đội ngũ chuyên gia hỗ trợ giải đáp.

>>>XEM THÊM: Tìm hiểu về lở lưỡi (lở loét miệng lưỡi) và cách cải thiện TẠI ĐÂY

Nguồn tham khảo:

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/canker-sore/diagnosis-treatment/drc-20370620

https://www.healthdirect.gov.au/mouth-sores-and-ulcers

https://www.webmd.com/oral-health/guide/canker-sores

https://www.medicinenet.com/what_are_the_causes_of_mouth_ulcers/article.htm

Dược sĩ Thanh Hoa

thuc-pham-bao-ve-suc-khoe-gumimouth.webp

Bình luận