Viêm phổi và tất cả thông tin chi tiết bạn cần biết
Tìm hiểu về bệnh viêm phổi
Viêm phổi có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào. Do đó, bạn cần hiểu rõ viêm phổi là tình trạng gì, các loại viêm phổi hiện nay để có thể phòng ngừa viêm phổi hiệu quả hơn.
Viêm phổi là tình trạng gì?
Viêm phổi (Pneumonia) là tình trạng nhiễm trùng xảy ra ở phổi do vi khuẩn, virus hoặc nấm. Viêm khổi có thể xảy ra ở 1 hoặc cả 2 túi khí phổi (phế nang). Đặc biệt, tình trạng nhiễm trùng này có ảnh hưởng nặng nề lên các khoang phế nang. Khi bị nhiễm trùng, các phế nang này sẽ chứa đầy mủ hoặc dịch, từ đó gây khó thở cho người bệnh.
Phổi có nhiệm vụ chính là đưa oxy vào máu, loại bỏ CO2 (carbon dioxide). Nhiễm trùng khiến phổi không thể đảm nhận được chức năng của mình, từ đó có thể ảnh hưởng đến các cơ quan khác do chúng không được cung cấp đủ oxy.
Theo thống kê, có khoảng 1 triệu người trưởng thành ở Mỹ bị viêm phổi và nhập viện mỗi năm. Trong đó, có khoảng 50.000 người đã chết vì căn bệnh này.
Viêm phổi có lây không?
Viêm phổi có thể lây lan nếu nguyên nhân gây bệnh do virus, vi khuẩn. Bạn có thể bị lây viêm phổi nếu hít phải khí, dịch từ người bệnh bị ho, hắt hơi. Ngoài ra, bạn cũng có thể bị lây nếu tiếp xúc với bề mặt, đồ vật đã bị nhiễm virus, vi khuẩn gây bệnh. Viêm phổi do nấm sẽ không lây lan.
Viêm phổi do virus, vi khuẩn gây ra có thể lây từ người này sang người khác
Các loại viêm phổi hiện nay
Có nhiều cách phân loại viêm phổi. Tuy nhiên, để phục vụ cho mục tiêu điều trị, dựa theo vị trí và nguyên nhân, bệnh được chia thành những loại như sau:
Phân loại theo nguồn lây:
- Viêm phổi mắc tại cộng đồng (CAP): Là tình trạng phổi bị nhiễm trùng ở bên ngoài cộng đồng.
- Viêm phổi mắc tại bệnh viện (HAP): Là tình trạng viêm phổi do vi khuẩn bị mắc trong khoảng thời gian nằm viện. Thường xuất hiện sau 48 giờ và trước đó người bệnh không có bất kỳ dấu hiệu nhiễm trùng nào.
- Viêm phổi liên quan đến máy thở (VAP): Nhiễm trùng phổi xảy ra khi người bệnh sử dụng máy thở.
- Viêm phổi do ngạt khí (viêm phổi hít): Viêm phổi do người bệnh hít phải vi khuẩn từ thức ăn, đồ uống, nước bọt.
Phân loại theo nguyên nhân:
- Viêm phổi do virus.
- Viêm phổi do vi khuẩn.
- Viêm phổi do nấm.
- Viêm phổi do hít phải hóa chất (hiếm gặp).
>>> XEM THÊM: Ho khan kéo dài là bệnh gì? Cách điều trị ho khan như thế nào?
Vì sao viêm phổi xảy ra?
Viêm phổi sẽ xảy ra khi hàng rào bảo vệ này bị phá vỡ và khiến các vi sinh vật xâm nhập vào phổi. Ngoài ra, viêm phổi cũng có thể xảy ra do hệ vi sinh vật bình thường của phổi bị phá vỡ và tạo ra môi trường cho vi sinh vật gây hại bên ngoài phát triển. Nguyên nhân gây nhiễm trùng phổi cụ thể như sau:
Nguyên nhân gây viêm phổi
Có 4 nhóm nguyên nhân chính gây ra tình trạng viêm phổi. Cụ thể như sau:
Nguyên nhân do vi khuẩn
Đây là nguyên nhân phổ biến gây ra viêm phổi do cộng đồng ở người lớn. Loại vi khuẩn gây viêm phổi phổ biến nhất là Streptococcus pneumoniae. Ngoài ra, còn có các loại vi khuẩn khác như Haemophilus influenzae, Mycoplasma pneumoniae, Legionella pneumophila,…
Nguyên nhân do virus
Những triệu chứng viêm phổi do virus thường nhẹ hơn do vi khuẩn. Các triệu chứng của bệnh có thể được cải thiện từ 1 – 3 tuần. Hiện nay, viêm phổi do virus SARS-CoV 2 (virus gây ra dịch bệnh Covid-19) là nguyên nhân phổ biến nhất. Ngoài ra, những loại virus sau đây có thể gây ra viêm phổi:
- Virus cúm, virus cảm lạnh thông thường (hinovirus).
- Virus hợp bào hô hấp (RSV), đây là loại virus phổ biến gây ra viêm phổi ở trẻ em.
- Siêu vi trùng ở người (HMPV).
- Virus Parainfluenza ở người (HPIV).
- Virus adenovirus.
- Virus bệnh sởi, thủy đậu.
Nguyên nhân do nấm
Xảy ra khi người bệnh hít phải các bào tử nấm, bệnh phổ biến ở người có hệ thống miễn dịch suy yếu, hoặc đang mắc những bệnh mạn tính khác. Nấm làm cho tình trạng viêm phổi phát triển rất nhanh. Một số loại nấm có thể gây bệnh như Pneumocystis jiroveci, Cryptococcus, các loại nấm mô tế bào,…
Nguyên nhân do hóa chất
Bạn có thể bị viêm phổi do hít phải một số loại hóa chất. Nguyên nhân này khá hiếm gặp, nhưng nếu gặp phải sẽ rất nguy hiểm. Tùy thuộc vào loại hóa chất bạn hít phải, mức độ phơi nhiễm, tình trạng sức khỏe,… mà tình trạng nhiễm trùng tại phổi sẽ khác nhau.
Một số nguyên nhân khác
Đối với những trường hợp mắc phải viêm phổi hít, nguyên nhân chính đến từ việc chọc, hút thức ăn, chất lỏng, nước bọt hoặc các chất nôn. Những yếu tố này thay vì đi ra ngoài theo đường miệng sẽ quay trở lại vào khí quản và đi xuống phổi, gây nhiễm trùng tại mô phổi, làm hình thành viêm phổi.
Các nguyên nhân gây ra viêm phổi thường gặp
Yếu tố nguy cơ của viêm phổi
Ngoài 4 nguyên nhân chính trên, một số yếu tố khác sẽ làm tăng nguy cơ bị viêm nhiễm phổi cao hơn, bao gồm:
Tuổi tác: Trẻ em dưới 2 tuổi, người lớn trên 65 tuổi có nguy cơ bị viêm phổi cao hơn. Ở những độ tuổi này, cơ thể của họ thường có hệ miễn dịch yếu hơn độ tuổi khác nên dễ bị các yếu tố gây viêm phổi xâm nhập hơn.
Hệ miễn dịch suy yếu do một số bệnh lý khác: Bệnh tự miễn (lupus, viêm ruột, đa xơ cứng, viêm khớp dạng thấp,…), nhiễm HIV/AIDS, người đang thực hiện hóa trị liệu, vừa thực hiện phẫu thuật cấy ghép hoặc đang dùng một số thuốc ức chế miễn dịch.
Vấn đề sức khỏe liên quan đến tim, phổi: Bệnh xơ nang, hen suyễn, giãn phế quản, bệnh tim mạch, tiểu đường không kiểm soát,…
Mắc bệnh lý thần kinh gây khó nuốt: Điều này sẽ làm tăng nguy cơ bị viêm phổi cao hơn. Ví dụ như bị sa sút trí tuệ, Parkinson, người từng bị đau tim, đột quỵ,…
Một số yếu tố nguy cơ khác: Người đang ở trong bệnh viện, người thường xuyên hút thuốc, uống rượu, tiếp xúc với hóa chất, khói độc, khói thuốc thụ động, phụ nữ mang thai,…
Cách xác định bạn có bị viêm phổi không?
Viêm phổi thường được xác định thông qua các dấu hiệu lâm sàng và cận lâm sàng. Các biểu hiện khi phổi bị nhiễm trùng thường rất rõ ràng nhưng một số trường hợp sẽ không có triệu chứng. Do đó, bác sĩ sẽ thực hiện thêm các phương pháp chẩn đoán để xác định chính xác hơn về tình trạng viêm phổi.
Dựa vào triệu chứng viêm phổi
Các triệu chứng viêm phổi có thể xuất hiện từ mức độ nhẹ đến nặng phụ thuộc vào nguyên nhân gây nhiễm trùng phổi. Cụ thể như sau:
Viêm phổi do vi khuẩn – Các triệu chứng có thể xuất hiện đột ngột hoặc phát triển dần dần theo thời gian bao gồm:
- Sốt cao trên 40 độ, mệt mỏi, đổ mồ hôi, ớn lạnh.
- Khó thở, thở gấp hoặc thở nhanh.
- Ho có chất nhầy, có thể xuất hiện màu xanh lục hoặc máu.
- Đau ngực, đau bụng.
- Chán ăn, thay đổi nhận thức, trạng thái tinh thần.
Viêm phổi do virus – Triệu chứng ban đầu tương tự với cúm và có thể phát triển trong vài ngày. Bao gồm:
- Sốt nhẹ, sau vài ngày có thể sốt cao hơn.
- Ho khan, ho có đờm.
- Viêm họng, hụt hơi.
- Đau cơ, ốm yếu, mệt mỏi, ăn mất ngon.
Ho khan, ho có đờm là những triệu chứng viêm phổi dễ nhận biết
Viêm phổi ở trẻ em – Triệu chứng tương tự với viêm phổi ở người lớn. Tuy nhiên, đối với trẻ sơ sinh hoặc trẻ mới biết đi, có thể xuất hiện thêm các triệu chứng sau đây:
- Bỏ bú, khó thở, thở hổn hển hoặc thở gấp gáp.
- Có hiện tượng bị ngừng thở tạm thời khi ngủ.
- Lượng nước tiểu bị giảm, màu nhạt bất thường.
- Đi khập khiễng, quấy khóc.
Dựa vào chẩn đoán cận lâm sàng
Bên cạnh các triệu chứng lâm sàng, để chắc chắn hơn về tình trạng viêm nhiễm tại phổi, bác sĩ có thể thực hiện thêm một số phương pháp chẩn đoán khác. Ví dụ như:
- Nghe phổi bằng ống nghe y khoa chuyên dụng.
- Chụp X-quang phổi: Xác định dấu hiệu và mức độ nhiễm trùng trong phổi.
- Xét nghiệm máu bằng khí máu động mạch (ABG): Kiểm tra lượng oxy trong máu, điều này sẽ giúp bác sĩ biết được phổi của bạn có đang cung cấp đủ lượng oxy cần thiết cho cơ thể không.
- Xét nghiệm máu hoặc chất nhầy của phổi: Xác định tác nhân gây viêm phổi như virus, vi khuẩn, nấm có tồn tại không.
- Những phương pháp khác: Chụp CT, nội soi phế quản,...
Biến chứng của viêm phổi nguy hiểm không?
Biến chứng của viêm phổi rất nguy hiểm, bởi phổi là nơi cung cấp oxy cho toàn bộ cơ thể. Đặc biệt, chúng sẽ nghiêm trọng hơn nếu bạn có hệ miễn dịch suy yếu hoặc mắc bệnh lý mạn tính khác kèm theo. Bao gồm:
Bệnh mạn tính trở nặng: Ví dụ như tình trạng suy tim sung huyết, khí phế thũng, bệnh tiểu đường,… Nguy cơ gặp các cơn đau tim cũng cao hơn khi bạn bị viêm phổi.
Nhiễm trùng huyết: Vi khuẩn, virus gây viêm phổi có thể di chuyển vào máu và gây nhiễm trùng huyết, nguy hiểm hơn là gây suy giảm chức năng ở các cơ quan khác.
Áp – xe phổi: Viêm phổi có thể khiến khoang trong phổi chứa đầy dịch mủ.
Suy giảm hô hấp cấp tính: Đây là một trường hợp suy hô hấp nặng và cần phải cấp cứu y tế.
Tràn dịch màng phổi: Viêm phổi không được chữa trị sẽ gây ra tràn dịch màng phổi. Điều này ảnh hưởng đến màng phổi bảo vệ giữa phổi và lồng xương sườn.
Ảnh hưởng đến tim, gan, thận: Những bộ phận này của cơ thể có thể bị tổn thương nếu không được nhận đủ số lượng oxy cần thiết để hoạt động.
Tử vong: Viêm phổi là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới, đặc biệt ở trẻ sơ sinh và trẻ từ 1 - 5 tháng tuổi.
Viêm phổi nếu không điều trị có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tim, gan, thận
>>> XEM THÊM: Viêm phế quản mãn tính - Bệnh lý nguy hiểm và những điều cần biết
Cách điều trị viêm phổi an toàn
Việc lựa chọn cách chữa viêm phổi sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân, mức độ nghiêm trọng của bệnh. Những trường hợp viêm phổi nhẹ sẽ được hướng dẫn điều trị tại nhà bằng thuốc kèm nghỉ ngơi đúng cách. Những trường hợp nặng hơn sẽ được điều trị tại bệnh viện.
Mục tiêu chung trong điều trị viêm phổi là loại bỏ nguyên nhân gây nhiễm trùng và cải thiện triệu chứng, ngăn ngừa biến chứng. Cụ thể như sau:
Thuốc điều trị viêm phổi
Các loại thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh, thuốc điều trị đường thở, thuốc kháng virus, thuốc kháng nấm sẽ được chỉ định cho người bị viêm phổi. Bao gồm:
Thuốc kháng sinh: Sử dụng khi viêm phổi do vi khuẩn gây ra. Được dùng phổ biến là penicillin, ngoài ra có các nhóm kháng sinh khác như cephalosporin, macrolid, kháng sinh nhóm quinolon (moxifloxacin, levofloxacin, ciprofloxacin).
Thuốc kháng virus: Sử dụng khi viêm phổi do virus. Những loại thuốc thường được chỉ định gồm oseltamivir, peramivir, zanamivir,…
Thuốc kháng nấm: Điều trị bệnh do nấm gây ra, ví dụ như itraconazole, fluconazole, itraconazole,…
Thuốc điều trị đường thở: Thuốc hít, thuốc khí dung, thuốc giảm ho để giúp làm lỏng chất nhầy, dịch trong phổi và đẩy chúng ra ngoài. Một số loại thuốc thường được sử dụng như ProAir, ventolin, proventil,…
Thuốc giảm đau/hạ sốt: Trong trường hợp cần thiết, người mắc viêm phổi cũng có thể sử dụng thuốc giúp giảm đau, hạ sốt. Ví dụ như aspirin, ibuprofen, acetaminophen, paracetamol,…
Sử dụng thuốc là phương pháp cần thiết khi điều trị viêm phổi
Biện pháp khắc phục tại nhà
Bên cạnh sử dụng thuốc, bạn cần áp dụng thêm những biện pháp khắc phục viêm phổi tại nhà. Cụ thể như sau:
- Nghỉ ngơi bất kỳ lúc nào có thể: Bạn cần nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt để giúp hồi phục hệ miễn dịch, tăng cường sức đề kháng và chống lại các tác nhân gây bệnh.
- Uống nhiều nước: Cung cấp đủ nước sẽ làm loãng đờm, chất nhầy, từ đó giúp đào thải chúng dễ dàng hơn.
- Tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ về sử dụng thuốc.
- Sử dụng trà, cafe chứa caffeine có tác dụng làm giãn phế quản nhẹ, cải thiện hô hấp, mở đường thở trong tối đa 4 giờ.
- Súc miệng bằng nước muối để giúp rửa trôi những chất nhầy còn sót lại trong cổ họng, giảm đau họng.
- Cung cấp đủ độ ẩm cần thiết trong môi trường giúp giữ đường thở của bạn luôn ẩm ướt và loại bỏ đờm ra khỏi phổi, ví dụ như sử dụng máy tạo độ ẩm, máy phun sương.
Ngoài ra, bạn có thể sử dụng thêm các loại thảo dược hoặc sản phẩm có thành phần giúp tăng cường sức khỏe cho hệ hô hấp. Một số loại thảo dược, thành phần bạn có thể lựa chọn như:
Fibrolysin: Được các nghiên cứu tại Hoa Kỳ (năm 2007, 2017) chứng minh mang lại tác dụng chống tái cấu trúc phổi, chống xơ hóa, giảm các triệu chứng bị viêm phổi mạn tính, tăng cường sức khỏe của phổi, phế quản.
Nhũ hương: Vị đắng, cay, tính hơi ấm. Thảo dược này có công dụng hoạt huyết, điều khí tốt, từ đó giúp giảm ho, chữa viêm phế quản.
Bán biên liên: Vị cay, tính bình, có tác dụng kinh tâm, tiểu trường và phế. Từ đó giúp kích thích hệ hô hấp, giãn phế quản, hỗ trợ điều trị bệnh viêm phổi.
Xạ can: Vị đắng, tính mát, có tác dụng giải độc, thanh nhiệt, trừ đờm, giảm đau họng, viêm họng, ho và khó thở.
Để hiệu quả hơn trong quá trình hỗ trợ điều trị, khắc phục tại nhà, bạn có thể sử dụng phối hợp các dược liệu, thành phần ở trên.
Một số thành phần, thảo dược hỗ trợ điều trị viêm phổi an toàn
Phương pháp điều trị khác
Đối với những trường hợp viêm phổi nặng hoặc có vấn đề sức khỏe khác kèm theo, bạn cần nhập viện điều trị. Khi điều trị tại bệnh viện, bác sĩ sẽ thực hiện theo dõi nhiệt độ, nhịp thở, nhịp tim và chỉ định một số biện pháp điều trị như sau:
- Tiêm kháng sinh tĩnh mạch.
- Liệu pháp hô hấp: Đưa các loại thuốc điều trị trực tiếp vào phổi, thực hiện những bài tập thở để có thể tối đa hóa được lượng oxy của cơ thể.
- Liệu pháp oxy: Được sử dụng để duy trì lượng oxy cần thiết trong máu.
Làm thế nào để phòng ngừa viêm phổi?
Bệnh viêm phổi có thể phòng ngừa được nếu bạn thực hiện tiêm phòng và có lối sống lành mạnh. Cụ thể như sau:
Tiêm phòng vắc xin: Bạn có thể tiêm phòng các loại vắc xin ngăn ngừa cúm, viêm phổi như Prevnar 13, Pneumovax 23, những vắc xin ngăn ngừa cúm, vắc xin bảo vệ khỏi HIB hoặc vắc xin phòng ngừa virus corona,… Tùy vào mục đích tiêm chủng, thể trạng mà bạn sẽ được tiêm loại vắc xin phù hợp. Do đó, hãy nói chuyện với bác sĩ nếu bạn muốn tiêm vắc xin phòng ngừa viêm phổi.
Có lối sống lành mạnh, bao gồm:
- Bỏ thuốc lá hoặc tránh tiếp xúc với môi trường nhiều khói thuốc. Hạn chế sử dụng quá nhiều rượu, bia hoặc đồ uống có cồn khác.
- Rửa tay khi sơ chế thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh hoặc từ bên ngoài về nhà. Nên rửa tay với xà phòng hoặc các dung dịch khử trùng có cồn phù hợp.
- Không chạm hoặc dùng chung đồ vật với người khác, đặc biệt là những người đang hoặc đã bị viêm phổi.
- Thiết lập thói quen, chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh kết hợp nghỉ ngơi đầy đủ để giúp hệ thống miễn dịch được khỏe mạnh.
Bỏ thuốc lá sẽ giúp hạn chế được nguy cơ bị viêm phổi
Hầu hết các tình trạng viêm phổi đều có thể đáp ứng với những phương pháp điều trị hiện nay. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả, bạn cần tuân thủ hướng dẫn điều trị từ bác sĩ, kết hợp các biện pháp hỗ trợ khắc phục tại nhà.
Trên đây là những thông tin tham khảo về viêm phổi. Nếu bạn còn bất kỳ thắc mắc nào, vui lòng để lại thông tin số điện thoại, câu hỏi dưới phần bình luận. Đội ngũ chuyên gia sẽ hỗ trợ giúp bạn.
Tài liệu tham khảo:
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7241411/
https://www.everydayhealth.com/pneumonia/guide/
https://www.medicalnewstoday.com/articles/151632#risk_factors
Bình luận