Thông tin về ho có đờm và phương pháp điều trị cho mọi lứa tuổi
Ho có đờm là gì?
Ho có đờm hay ho ướt (đối nghịch với ho khan) là một biểu hiện viêm đường hô hấp, đặc trưng bởi các cơn ho kèm theo dịch nhầy hay còn gọi là đờm (đàm). Đờm này vốn có sẵn trong cổ họng hoặc hốc mũi và bị tống ra ngoài khi người bệnh ho mạnh.
Dịch nhầy được hình thành từ phế nang, phế quản, khí quản. Đờm khi tiết ra sẽ gây nghẹt mũi, kích ứng, khó thở. Lúc này, cơ thể sẽ phản ứng để giảm các triệu chứng bằng phản xạ ho để tống đờm ra ngoài. Tình trạng ho đờm thường tự khỏi sau vài ngày nếu hệ miễn dịch và sức đề kháng của bạn hoạt động tốt.
Tuy nhiên, nhiều trường hợp lại kéo dài dai dẳng, điều này tác động tiêu cực tới giao tiếp, sinh hoạt và công việc của người mắc. Vậy nguyên nhân gây ho đờm kéo dài do đâu?
Ho có đờm gặp ở cả người lớn và trẻ nhỏ
Nguyên nhân gây ho có đờm
Dị ứng, nhiễm vi khuẩn, virus trong các đợt cảm lạnh, cảm cúm là nguyên nhân hàng đầu khiến cổ họng có đờm. Trong hệ thống hô hấp sẽ được lót bằng các màng nhầy. Những chất nhầy này thực hiện nhiệm vụ bắt giữ các tác nhân có hại, ngăn chúng xâm nhập sâu vào đường hô hấp, giữ ẩm đường hô hấp, bảo vệ phổi khỏi các yếu tố gây kích ứng.
Tuy nhiên, khi virus, vi khuẩn xuất hiện, dịch nhầy được tiết ra nhiều hơn để giúp cố định và loại bỏ được các tác nhân này. Hành động ho có đờm lúc này giúp đẩy tất cả các chất nhầy có chứa các tác nhân gây hại, dịch nhầy dư thừa bị mắc kẹt trong phổi và ngực ra ngoài để đường hô hấp thông thoáng trở lại.
Thông thường, tình trạng này sẽ biến mất sau vài ngày, cơ thể sẽ khỏe mạnh lại bình thường. Song, nếu bị ho có đờm kéo dài (ho đờm mạn tính), bạn cần lưu ý tới các nguyên nhân bệnh lý hô hấp nghiêm trọng dưới đây:
- Viêm mũi, họng, amidan.
- Viêm phế quản, khí quản.
- Bệnh xơ nang.
- Hen suyễn.
- Viêm phổi.
- Lao phổi.
- Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).
- Ung thư phổi.
Đây đều là những tình trạng bệnh lý nghiêm trọng, cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Do đó, nếu bạn gặp phải tình trạng ho đờm lâu ngày, cần ngay lập tức gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn. Ngoài ra, để xác định được chính xác nguyên nhân, chúng ta có thể dựa vào màu sắc của đàm được tống ra. Cụ thể:
- Đờm trong: Bệnh do cảm lạnh thông thường, không đáng lo ngại.
- Đờm màu vàng/xanh lá: Cảm cúm, viêm phế quản, viêm phổi… lâu ngày khiến đờm có lẫn bạch cầu. Tế bào này chứa protein với sắc tố đặc trưng khiến đờm có màu xanh hoặc vàng.
- Đờm màu đỏ hoặc nâu: Cổ họng bị nhiễm trùng và xuất huyết sẽ khiến bạn khạc đờm ra máu. Hãy cẩn thận với các bệnh nguy hiểm như lao phổi hay ung thư phổi.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính gây ho đờm lâu ngày
Triệu chứng khi bị ho có đờm
Ho đờm có hai dạng cấp tính và mạn tính (bệnh kéo dài hơn 3 tuần do không được chữa trị đúng cách). Bên cạnh triệu chứng chính là ho ra đờm, người mắc còn có các biểu hiện kèm theo như sau:
- Ngứa cổ.
- Khàn tiếng, đau họng.
- Tức ngực, khó thở.
- Toàn thân nhức mỏi.
- Đờm có màu trắng đặc hoặc vàng xanh.
- Về đêm, khi người bệnh nghỉ ngơi, tần suất các cơn ho sẽ nhiều hơn.
- Người bệnh bị ớn lạnh từng cơn kèm theo mệt mỏi, uể oải, tinh thần chán nản.
- Ho kéo dài khiến người bệnh bị đau đầu, đau nửa đầu và đau tai.
Với trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh bị ho có đờm, cha mẹ còn để ý được các con còn có thêm những triệu chứng sau:
- Ho đờm kèm nôn trớ.
- Trẻ bị ấm đầu hoặc sốt.
- Áp tai vào ngực trẻ sẽ nghe được tiếng rít.
- Một số bé bị tím tái do ngạt khí.
Trên thực tế, ho có đờm là tình trạng không đáng lo ngại, nó chỉ là phản ứng của cơ thể với các tác nhân có hại xung quanh. Người lớn hay trẻ nhỏ ai cũng có thể mắc phải. Thông thường, bệnh sẽ tự khỏi trong 5-7 ngày nếu sức đề kháng tốt và được chăm sóc tại nhà đúng cách.
Trẻ nhỏ bị ho có đờm sẽ kèm sốt
Một số cách trị ho có đờm tại nhà
Có rất nhiều phương pháp trị liệu tại nhà giúp giảm ho, long đờm mà mọi người có thể áp dụng cho bản thân và chăm sóc cho người thân. Cụ thể:
Bài thuốc dân gian chữa ho có đờm
Nếu như tình trạng ho đờm còn nhẹ thì một số nguyên liệu dân gian vừa rẻ vừa thông dụng dưới đây sẽ hữu ích để cải thiện bệnh. Tuy nhiên, đa số các bài thuốc này đều chỉ được lưu truyền trong dân gian và hầu hết chưa có kiểm chứng. Vì vậy, bạn có thể tham khảo thêm để giảm khó chịu từ chứng ho có đờm.
Dùng gừng giúp tiêu đờm, giảm ho
Gừng chứa tinh dầu có tính ấm, giúp làm loãng đờm và giảm đau rát tại họng. Bạn có thể sử dụng gừng như sau:
- Rửa sạch gừng tươi.
- Thái thành từng lát mỏng và hãm trong cốc nước vừa đun sôi khoảng 5 phút.
- Khi dùng cho thêm mật ong để tăng tác dụng và dễ uống hơn. Uống 3-4 lần/ngày trong 1 tuần.
Có thể dùng gừng để giảm ho, tiêu đờm
Rau diếp cá chữa ho có đờm
Diếp cá vừa rẻ, lành tính lại giúp tiêu đờm, thải độc nên cũng được nhiều người ưa chuộng. Mọi người thường dùng diếp cá với nước vo gạo để gia tăng hiệu quả. Cụ thể:
- Rửa sạch và ngâm 1 nắm diếp cá với nước muối loãng trong 10 phút rồi để ráo.
- Giã nát lá diếp cá và trộn đều cùng một bát nước vo gạo đã chuẩn bị sẵn.
- Đun sôi hỗn hợp trên trong lửa nhỏ khoảng 10 phút.
- Lọc bỏ bã, chỉ dùng phần nước để uống hàng ngày. Nên uống 1-2 lần/ngày trong 2-3 ngày.
Trị ho có đờm bằng củ cải trắng
Củ cải trắng có vị thanh mát, thường được dùng nhiều để trị các bệnh đường hô hấp như: Viêm thanh quản, khí quản… nhờ công dụng giảm ho, tiêu đờm. Mọi người thường chế biến dược liệu này như sau:
- Chuẩn bị củ cải trắng 1kg, gừng 250g và mật ong 300ml.
- Rửa sạch, bỏ vỏ sau đó thái nhỏ và ép củ cải để lấy nước.
- Gừng đem rửa sạch và thái lát mỏng.
- Cho hỗn hợp gừng và nước ép củ cải đã chuẩn bị vào nồi rồi đun sôi với lửa nhỏ.
- Đun 10 phút thì tắt bếp rồi thêm mật ong.
- Chờ chế phẩm nguội thì cho vào lọ thủy tinh dùng dần. Uống ngày 2 lần, mỗi lần 5ml trong 1 tuần.
Chanh, mật ong trị ho có đờm
Chanh được biết tới với công dụng tăng đề kháng và thải độc rất tốt. Không chỉ vậy, rất nhiều người dùng chanh, đặc biệt là chanh đào kết hợp với mật ong để trị ho và long đờm cho trẻ. Cách chế biến và dùng cũng đơn giản, cụ thể:
- Rửa sạch 1 quả chanh tươi, vắt lấy nước cốt, bỏ hạt.
- Pha 1 muỗng cà phê nước cốt chanh, 1 muỗng cà phê mật ong với 100 ml nước ấm và uống. Dùng 2-3 lần/ ngày. Cách này rất nhanh, tiện và dễ uống, nhất là với các bé nhỏ.
Các bài thuốc dân gian chỉ phù hợp khi bệnh còn nhẹ hoặc ở giai đoạn đầu. Nếu thấy các triệu chứng ho đờm nặng hơn, đôi khi mọi người có thể phải cần dùng thuốc.
>>> XEM THÊM: "Bật mí" cách trị ho tại nhà hiệu quả
Sử dụng thuốc trị ho có đờm
Các nhóm thuốc trị ho, long đờm có thể dùng tại nhà nhưng cần phải được bác sĩ kê đơn hoặc dược sĩ hướng dẫn dùng. Không tự ý sử dụng. Đó là:
- Thuốc tiêu đờm: Acetylcysteine, bromhexin, carbocisteine… giúp làm giảm độ đặc của đờm nên chúng dễ bị tống ra ngoài khi ho.
- Thuốc long đờm: Terpin, guaifenesin…
- Thuốc giảm ho: Natri Benzoat, ambroxol... giúp giảm kích ứng nên hạn chế ho (khi tần suất các cơn ho quá nhiều sẽ gây ảnh hưởng tới công việc, cuộc sống).
Ngoài các thuốc trị ho, tiêu đờm, trong một số trường hợp, bạn còn phải sử dụng thêm thuốc dị ứng, kháng viêm, kháng sinh tùy vào nguyên nhân và mức độ bệnh.
Dùng thuốc tây trị ho, tiêu đờm
Dụng cụ hỗ trợ giảm ho, long đờm
Trị ho có đờm cho người lớn thường đơn giản hơn trẻ em. Để hỗ trợ việc điều trị cho các bé, cha mẹ có thể phải dùng tới một số máy móc, dụng cụ như:
- Máy/dụng cụ hút đờm.
- Máy khí dung giúp đưa thuốc vào cơ thể dưới dạng khí dung.
Phòng ngừa ho ra đờm như thế nào?
Nguyên nhân ban đầu gây ho có đờm ở trẻ em và người lớn là do môi trường, các chất kích thích… nên mọi người có thể phòng bệnh bằng cách:
- Tránh tiếp xúc với khói bụi, môi trường ô nhiễm: Có thể đeo khẩu trang khi ra ngoài hoặc dùng máy lọc không khí trong nhà để hạn chế vi khuẩn, vi nấm và bụi bẩn xâm nhập vào đường hô hấp.
- Hạn chế dùng các chất kích thích: Rượu, bia, thuốc lá, thuốc lào… gây kích ứng họng.
- Ăn uống khoa học: Bổ sung đủ vitamin và khoáng chất. Việc ăn nhiều rau, củ, quả hoặc bổ sung một số thực phẩm chức năng có tác dụng tăng sức đề kháng cũng giúp phòng ngừa ho đờm hiệu quả.
- Sử dụng thêm các sản phẩm thảo dược: Những sản phẩm chứa Fibrolysin (Fibro là chất xơ, lysis là tiêu hủy, tức là tiêu hủy các tổ chức xơ hóa, chất đờm nhầy, chống tái cấu trúc phế quản, phế nang - Đây là hỗn hợp muối kẽm gluconate và methylsulfonylmethane) được nghiên cứu tại Hoa Kỳ và Úc năm 2017 giúp tiêu đờm, giảm ho khó thở, khò khè lại hỗ trợ tăng cường miễn dịch, sức đề kháng cho phổi, phế quản hiệu quả.
- Tập thể dục, thể thao hàng ngày: Vừa tăng cường sức khỏe, cải thiện đề kháng lại giúp đường hô hấp thông thoáng.
Tập thể dục để phòng ngừa ho có đờm
Mục tiêu của việc phòng ngừa ho ra đờm là hạn chế tiếp xúc với tác nhân gây hại đồng thời tăng cường đề kháng để khi vi khuẩn, virus xâm nhập, hệ miễn dịch sẽ chiến đấu lại. Nếu hệ miễn dịch khỏe mạnh, thì bệnh sẽ kết thúc sớm, thường là trước 7 ngày. Tuy nhiên, khi bạn thấy tình trạng ho dai dẳng kéo dài (trên 7 ngày), đờm đặc quánh khó khạc ra thì cần được thăm khám và điều trị dứt điểm.
Bị ho có đờm lâu ngày không khỏi phải làm sao?
Khi tình trạng ho kèm đờm đặc kéo dài, cơ thể không thể tống đờm ra sẽ khiến người bệnh vô cùng mệt mỏi, tức ngực khó chịu. Lúc này, bạn cần cẩn trọng tới các bệnh lý đường hô hấp trên và dưới nguy hiểm như: COPD, viêm phổi, viêm phế quản/khí quản, hen suyễn… Việc chẩn đoán đúng bệnh lý cần có sự tham vấn của bác sĩ để triệu chứng ho ra đờm được cải thiện triệt để.
Như vậy, nếu bị ho có đờm lâu ngày không khỏi, người bệnh cần:
Thăm khám sớm để phát hiện nguyên nhân gây ho có đờm
- Đi khám ngay để xác định đúng nguyên nhân gây ho có đờm.
- Điều trị đúng nguyên nhân: Dùng thuốc theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ để triệu chứng biến mất, tránh nhờn thuốc dẫn đến việc chữa mãi không khỏi.
- Tăng đề kháng: Áp dụng thêm các biện pháp điều trị hỗ trợ tại nhà bên trên để tăng cường đề kháng, phòng bệnh tái phát.
Trên đây là toàn bộ thông tin về tình trạng ho có đờm. Hy vọng chúng sẽ cung cấp cho mọi người những kiến thức bổ ích để xác định được nguyên nhân, biểu hiện bệnh và cách điều trị hiệu quả, tránh bị ho đờm kéo dài và tái phát nhiều lần. Nếu bạn cần tư vấn thêm các thông tin liên quan đến ho có đờm, vui lòng liên hệ đến số Hotline 024. 38461530 - 028. 62647169 để được tư vấn.
Tài liệu tham khảo:
https://www.healthline.com/health/wet-cough#causes-in-young-children
https://www.medicalnewstoday.com/articles/327442#overview
https://www.webmd.com/lung/productive-cough-causes
https://www.healthgrades.com/right-care/lungs-breathing-and-respiration/wet-cough
Bình luận