Thấp tim là gì? Đánh giá mức độ nguy hiểm

Thấp tim là các rối loạn tim ngắn hạn (cấp tính) và dài hạn (mạn tính) do tình trạng sốt thấp khớp gây ra. Bệnh không xảy ra ở ngay lần đầu tiên người mắc bị sốt thấp khớp mà thường ủ bệnh sau khoảng 10-20 năm mới bùng phát. Tuy nhiên, không phải ai bị sốt thấp khớp cũng sẽ mắc bệnh thấp tim.

Bệnh thấp tim có nguy hiểm không?

Thấp tim là bệnh lý nguy hiểm. Bệnh thường xuất hiện ở những người dưới 25 tuổi. Theo thống kê từ WHO, bệnh thấp tim đã cướp đi sinh mạng của 288.348 người mỗi năm. Con số này cho thấy, mức độ nguy hiểm của biến chứng bệnh thấp tim. Cụ thể, nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh có thể phải đối mặt với những vấn đề sau: 

  • Suy tim: Xảy ra khi van tim bị hẹp hoặc rò rỉ nghiêm trọng.

  • Viêm nội tâm mạc do vi khuẩn: Đây là tình trạng nhiễm trùng màng trong tim có thể xảy ra khi van tim đã bị hỏng.

  • Phụ nữ có thai: Phụ nữ mang thai bị bệnh thấp tim có nguy cơ bị loạn nhịp tim và suy tim do lượng máu tăng lên gây áp lực nhiều hơn cho van tim. Do vậy, đối tượng phụ nữ mắc bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi mang thai.

  • Hở van tim: Đây là tình trạng cấp cứu phải được điều trị bằng phẫu thuật để thay thế hoặc sửa van tim.

Thấp tim là bệnh lý nguy hiểm gây tổn thương tim

Thấp tim là bệnh lý nguy hiểm gây tổn thương tim

Triệu chứng bệnh thấp tim

Các dấu hiệu của bệnh thấp tim khác nhau tùy từng trường hợp. Người bệnh có thể có ít hoặc nhiều triệu chứng và chúng có thể thay đổi trong quá trình tiến triển của bệnh. Bệnh thấp tim có thể gây viêm ở tim, khớp, da hoặc hệ thần kinh trung ương. Các triệu chứng cụ thể bao gồm:

Triệu chứng trên hệ xương khớp

Viêm khớp là một rối loạn phổ biến khi mắc bệnh thấp tim. Tình trạng này gây triệu chứng đau, viêm, đỏ, nóng hoặc sưng các khớp, phổ biến nhất là ở: Mắt cá chân, bàn tay, hông, đầu gối, khuỷu tay và cổ tay,... Bệnh có thể gây đau ở một hay nhiều khớp cùng lúc và di chuyển giữa các khớp. 

Triệu chứng trên tim

Các bộ phận cấu tạo của tim đều có thể bị tổn thương do bệnh thấp tim. Tuy nhiên, nó thường ảnh hưởng nhiều nhất đến van hai lá nằm giữa hai buồng bên trái của tim. Tổn thương có thể gây hẹp van, hở van hoặc tổn thương cơ tim.

Tình trạng này làm giảm khả năng bơm máu và gây ra nhịp tim nhanh hoặc bất thường. Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh gây ảnh hưởng đến cơ tim phổ biến bao gồm:

  • Tức ngực.
  • Loạn nhịp tim.
  • Khó thở ngay cả khi nghỉ ngơi hoặc khi hoạt động.
  • Mệt mỏi.
  • Các dấu hiệu và triệu chứng khác bao gồm đau đầu, sốt, đau họng hoặc tiêu chảy.

Thấp tim gây triệu chứng đau ngực

Thấp tim gây triệu chứng đau ngực

Triệu chứng trên da

Người bệnh có thể bị nổi u cục nhỏ dưới da. Đây là tình trạng không phổ biến, xảy ra ở dưới 2% bệnh nhân thấp tim. Các nốt mọc lên nhưng không đau, thường xuất hiện ở các khớp như khuỷu tay, đầu gối, mắt cá chân, khớp ngón tay, da đầu và vùng cột sống. 

Ngoài ra, người bệnh có thể bị phát ban tạo thành các nốt trên da, diện tích bằng đồng tiền xu, màu hồng nhạt. Tình trạng này xuất hiện sau 4-6 tuần từ khi bắt đầu đợt bệnh cấp tính.

Triệu chứng trên hệ thần kinh trung ương

Cần đặc biệt chú ý là tình trạng bị múa giật Sydenham ở bệnh nhân thấp tim. Triệu chứng cụ thể của ảnh hưởng trên hệ thần kinh đó là: Thay đổi chữ viết, cử động bất thường, cơ thể giật giật, không kiểm soát được hành động, thường xảy ra nhất ở tay, chân và mặt, mất kiểm soát cảm xúc, hành vi bất thường. 

Nguyên nhân, cơ chế và yếu tố nguy cơ

Xác định được nguyên nhân gốc rễ gây thấp tim có ý nghĩa lớn trong điều trị và phòng ngừa mắc bệnh:

Nguyên nhân gây thấp tim

Thấp tim bắt đầu từ tình trạng đau họng do loại vi khuẩn có tên là Streptococcus pyogenes (liên cầu nhóm A). Bệnh này có thể lây truyền dễ dàng từ người này sang người khác giống như các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp thông thường. Bệnh do nhiễm trùng liên cầu nhóm A thường gặp nhất ở trẻ em.

Nếu không được phát hiện sớm, điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh lý do nhiễm trùng liên cầu nhóm A sẽ lặp đi lặp lại khiến hệ thống miễn dịch phản ứng chống lại các mô của cơ thể, bao gồm cả tim. Do vậy, thấp tim còn được gọi là bệnh viêm tự miễn.

 

Thấp tim có nguồn gốc do nhiễm liên cầu nhóm A

Thấp tim có nguồn gốc do nhiễm liên cầu nhóm A

Cơ chế gây bệnh

Hiện nay, cơ chế gây thấp tim vẫn còn nhiều tranh cãi, có 3 lý thuyết chính giải thích về bệnh lý này như sau:

Thông qua hệ miễn dịch: Cấu trúc của nhiễm trùng liên cầu nhóm A có nhiều điểm tương đồng với cấu trúc của một số cơ quan như tim, xương khớp, hệ thần kinh,... trên cơ thể. Do đó, khi bị nhiễm trùng, hệ miễn dịch phản ứng với tác nhân gây bệnh nhưng cũng đồng thời gây ảnh hưởng đến chính những cơ quan trong cơ thể.

Nhiễm độc trực tiếp từ tác nhân gây bệnh: Liên cầu nhóm A có thể gây độc trực tiếp đến các cơ quan xương, da, hệ thần kinh, tim,... khi xâm nhập vào cơ thể.

Cơ địa: Nhiều người có ái lực mạnh với liên cầu nhóm A hơn so với bình thường sẽ có khả năng bị tác nhân này tấn công và gây bệnh.

Yếu tố nguy cơ

Một số yếu tố liên quan đến nguy cơ mắc thấp tim đó là: 

  • Khí hậu: Tỷ lệ mắc bệnh tăng vào mùa đông, xuân ở các nước vùng nhiệt đới, ôn đới.
  • Địa lý: Thấp tim vẫn còn phổ biến ở nhiều khu vực như châu Phi, Trung Đông, Trung và Nam Á, Nam Thái Bình Dương. Đặc biệt là người nhập cư và người cao tuổi sống ở quốc gia có thu nhập cao.
  • Kinh tế: Bệnh thấp tim thường gặp ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, đặc biệt là những nơi nghèo đói, khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế còn hạn chế. Những người sống trong điều kiện quá khó khăn có nguy cơ mắc bệnh cao nhất.
  • Tuổi tác: Bệnh xuất hiện ở trẻ em bị nhiễm trùng liên cầu khuẩn nhiều lần. Đặc biệt thấp tim ở nữ giới có nguy cơ phát triển cao hơn gấp 2 lần so với nam giới.

​​​​​​​

Bệnh thấp tim thường gặp ở người trẻ tuổi

Bệnh thấp tim thường gặp ở người trẻ tuổi

​​​​​​​​​​​​​Chẩn đoán bệnh thấp tim như thế nào?

Để chẩn đoán thấp tim, bác sĩ sẽ dựa trên các dấu hiệu, triệu chứng lâm sàng. Ví dụ như những người có các dấu hiệu của thấp tim như viêm khớp, viêm tim, phát ban da, múa giật,... Đặc biệt, bệnh chủ yếu gặp ở trẻ nhỏ và người trẻ tuổi. Bên cạnh đó, để chính xác hơn, bác sĩ sẽ cần thực hiện thêm các phương pháp chẩn đoán Y khoa. Cụ thể như: 

  • Điện tâm đồ (ECG): Xét nghiệm này ghi lại cường độ và thời gian hoạt động điện của tim, phát hiện nhịp tim bất thường và một số những tổn thương cơ tim. 
  • Chụp X-quang vùng ngực: Chụp X-quang có thể được chỉ định để kiểm tra xem liệu tim có bị to về kích thước hay không. Ngoài ra, phương pháp này còn giúp phát hiện những dấu hiệu thay đổi bất thường ở phổi.
  • MRI tim: Cho kết quả là hình ảnh chi tiết của tim, được sử dụng để đánh giá chính xác hơn về van tim và cơ tim.
  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu có thể được sử dụng để xem cơ thể có bị nhiễm trùng hay viêm không.
  • Siêu âm tim (tiếng vang): Sử dụng sóng âm thanh để kiểm tra các buồng tim và van tim. Xét nghiệm này cho thấy tổn thương ở các nắp van, dòng máu chảy qua van bị rò rỉ hoặc trường hợp bị tim to. 

Thấp tim cần tiến hành chẩn đoán phân biệt với một số bệnh lý khác như viêm khớp dạng thấp, viêm khớp, viêm cột sống dính khớp, lupus ban đỏ,... Thông thường, nếu mắc các bệnh trên, xét nghiệm xác định nhiễm liên cầu sẽ cho kết quả âm tính. ​​​​​​​

 

Siêu âm tim là phương pháp hữu ích nhất trong chẩn đoán các bệnh lý về van tim.

Siêu âm tim là phương pháp hữu ích nhất trong chẩn đoán các bệnh lý về van tim.

Điều trị thấp tim bằng phương pháp gì?

Theo giới chuyên gia, không có cách chữa khỏi hoàn toàn bệnh thấp tim. Tùy vào mức độ nghiêm trọng và sức khỏe tổng thể của người bệnh, bác sĩ sẽ yêu cầu phẫu thuật để thay thế hoặc sửa chữa van tim bị hư hại.

Sử dụng thuốc điều trị

Trong trường hợp bệnh thấp tim ở mức độ nhẹ, bác sĩ có thể cho bạn sử dụng các loại thuốc để giúp kiểm soát nhịp tim, các triệu chứng khác. Những loại thuốc này cũng sẽ giúp hạn chế nguy cơ bị đột quỵ hoặc hình thành cục máu đông. Ví dụ như:

  • Thuốc kháng sinh: Cách tốt nhất để điều trị thấp tim là xử lý kịp thời tình trạng nhiễm trùng liên cầu nhóm A. Thuốc kháng sinh là một trong những lựa chọn đầu tay để điều trị và ngăn ngừa tình trạng này phát triển. 
  • Thuốc chống viêm: Thuốc chống viêm (aspirin, thuốc nhóm steroid hoặc thuốc nhóm không steroid) có thể được sử dụng kết hợp để giảm viêm, giảm nguy cơ tổn thương tim và một số loại thuốc khác dùng để kiểm soát suy tim.
  • Các nhóm thuốc chống đông máu khác như Warfarin,..

>>> XEM THÊM: Thuốc giảm đau xương khớp Piroxicam và 4 vấn đề cần lưu ý

Phẫu thuật

Trong trường hợp tình trạng thấp tim nặng hơn, không đáp ứng được thuốc điều trị, các van tim hoặc yếu tố khác trong tim bị ảnh hưởng. người bệnh có thể được chỉ định phẫu thuật. Những phẫu thuật này có thể gồm phẫu thuật van tim, thay van,... với mục đích sửa chữa hoặc thay thế van tim đã hỏng.

 

Phẫu thuật có thể được chỉ định nếu thấp tim không đáp ứng thuốc điều trị

Phẫu thuật có thể được chỉ định nếu thấp tim không đáp ứng thuốc điều trị

Làm sao để ngăn ngừa biến chứng thấp tim?

Bệnh thấp tim xuất phát từ sốt thấp khớp. Do đó, để phòng ngừa bệnh và hạn chế nguy cơ gặp phải biến chứng của thấp tim, “sống chung hòa bình” với căn bệnh này, người bệnh cần chú ý:

  • Tái khám liên tục để theo dõi sức khỏe, kiểm tra sức khỏe của tim, phát hiện sớm bất thường.
  • Tùy thuộc vào mức độ tổn thương tim, người bệnh có thể phải hạn chế một số hoạt động nặng.
  • Bác sĩ có thể khuyến nghị người bệnh dùng thuốc kháng sinh trong thời gian dài để ngăn ngừa nhiễm trùng sốt thấp khớp khác. Thuốc kháng sinh điều trị hiệu quả nhất trong việc ngăn ngừa nhiễm trùng thêm là benzathine penicillin G, được tiêm bắp mỗi 3-4 tuần trong nhiều năm.
  • Đối với các nước có bệnh thấp tim lưu hành, các chiến lược chính để phòng ngừa, kiểm soát và loại trừ bệnh đó là: Nâng cao mức sống và mở rộng khả năng tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe của người dân. 

Ngoài ra, người bệnh cần thực hiện các biện pháp giúp tăng cường sức khỏe cho xương khớp, ngăn ngừa tình trạng sốt thấp khớp, từ đó giúp ngăn ngừa thấp tim hiệu quả. Một trong các giải pháp được nhiều người áp dụng là sử dụng các loại thảo dược từ thiên nhiên.

Trong đó có các dược liệu như Sói rừng, Hy thiêm, Bạch thược, Nhũ hương,... Đây là các loại thảo dược có lợi cho xương khớp. Khi sử dụng phối hợp với nhau cùng với các thành phần khác có thể giúp tăng cường sức khỏe cho xương khớp, giảm các triệu chứng đau, viêm, sưng. Những tác dụng trên đều đã được nghiên cứu lâm sàng tại bệnh viện lớn và cho hiệu quả tích cực. Ngoài ra, chúng còn hỗ trợ phục hồi cơ xương khớp, từ đó ngăn ngừa được thấp tim.

Đặc biệt nghiên cứu cho thấy, các thành phần chính như alkaloid, daturosid, orientin, rientalid… trong hy thiêm đem lại tác dụng chống viêm giảm đau tại chỗ, bảo vệ màng bao khớp, giảm sưng khớp hiệu quả.

Sói rừng có thể giúp phục hồi xương khớp hiệu quả
Sói rừng có thể giúp phục hồi xương khớp hiệu quả

Thấp tim là bệnh lý mạn tính, tiến triển qua nhiều năm và có thể ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh. Do vậy, bạn đọc nên nắm rõ nguyên nhân sâu xa gây thấp tim để phòng tránh từ sớm, phát hiện kịp thời và tuân thủ các phương pháp điều trị ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra!
Những thông tin liên quan đến bệnh thấp tim ở trên chỉ mang tính chất tham khảo. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào về thấp tim cùng các bệnh lý xương khớp liên quan, vui lòng bình luận bên dưới để được hỗ trợ.
Linh tham khảo:
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/28376775/
https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/rheumatic-heart-disease
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/rheumatic-fever/symptoms-causes/syc-20354588
https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/rheumatic-heart-disease

Dược sĩ Thu Thảo

Thuc-pham-bao-ve-suc-khoe-Hoang-Thap-Linh

Bình luận