Giới thiệu về thuốc Acetylcystein

Acetylcystein có khá nhiều dạng bào chế và tên thương mại khác nhau. Vì vậy, hiểu rõ về bản chất, cơ chế của Acetylcystein sẽ giúp bạn tránh bị nhầm lẫn với những thuốc khác.

Acetylcystein là thuốc gì?

Acetylcystein hay N-acetylcysteine (NAC) là thuốc kê theo toa thuộc nhóm thuốc long đờm trong điều trị các bệnh lý đường hô hấp. Đây là dẫn chất của N - acetyl và L - cysteine, một amino acid có trong tự nhiên.

Hiện tại, Acetylcystein được nhiều người biết đến với tên gọi Acemuc - một sản phẩm đến từ Sanofi - Pháp. Các chế phẩm khác cũng chứa Acetylcystein khá phổ biến trên thị trường gồm: Exomuc, Glotamuc...

acemuc-la-san-pham-chua-200mg-acetylcystein-giup-long-dom

Acemuc là sản phẩm chứa 200mg Acetylcystein giúp long đờm

Các dạng bào chế và giá thuốc Acetylcystein

Hiện nay, Acetylcystein đang được bào chế dưới các dạng như sau:

Bảng 1: Các dạng bào chế của Acetylcystein

Dạng bào chế

Hàm lượng

Viên nang

100mg, 200mg

Thuốc bột (gói)

100mg, 200mg

Viên nén sủi bọt

200mg

Dung dịch thuốc hít qua miệng, thuốc nhỏ khí quản và thuốc uống

10% (100mg/ml), 20% (200mg/ml)

Dung dịch tiêm đậm đặc

200mg/ml

Thuốc nhỏ mắt

Acetylcysteine 5%, hypromellose 0,35% (Ilube)

Tại Việt Nam, phần lớn thuốc Acetylcystein được dùng dưới dạng viên nén hoặc gói thuốc bột để tiêu nhầy. Các dạng bào chế còn lại chỉ sử dụng trong một số trường hợp nhất định.

Như vậy, tùy vào mỗi dạng bào chế và nhà sản xuất mà giá bán Acetylcystein sẽ khác nhau. Dưới đây là giá bán tham khảo của một số loại Acetylcystein phổ biến trên thị trường, mức giá có thể chênh lệch tùy vào chính sách của mỗi cửa hàng:

  • Acetylcystein Stada 200mg: Hộp 10 vỉ x 10 viên nang cứng, giá bán 76.000 đồng/hộp.
  • Acetylcystein 200mg Imexpharm: Hộp 10 vỉ x 10 viên nang cứng, giá bán 117.000 đồng/hộp.
  • Acetylcystein 200mg F.T Pharma: Hộp 10 vỉ x 10 viên nang cứng, giá bán 66.000 đồng/hộp.
  • Acetylcystein 200mg (Glotamuc): Hộp 10 vỉ x 10 viên nang cứng, giá bán 210.000 đồng/hộp.
  • Acetylcystein 200mg (Acemuc): Hộp 3 vỉ x 10 viên nang cứng, giá bán 210.000 đồng/hộp.
  • Acetylcystein 100mg (Acemuc): Hộp 30 gói x 0,5g, giá bán 54.000 đồng/hộp.
  • Acetylcystein 200mg Pharimexco: Hộp 30 gói x 1g, giá bán 62.370 đồng/hộp.
  • Acetylcystein Boston 200mg: Hộp 30 gói x 1g, giá bán 48.000 đồng/hộp.

acetylcystein-co-nhieu-dang-bao-che-khac-nhau-tuy-vao-muc-dich-su-dung

Acetylcystein có nhiều dạng bào chế khác nhau tùy vào mục đích sử dụng

Cơ chế và tác dụng của thuốc Acetylcystein

Acetylcystein có tác dụng làm sạch chất nhầy ở những người bệnh bị tắc nghẽn đường thở. Cơ chế hoạt động của thuốc là khi đi vào trong khí quản sẽ làm giảm độ quánh của đờm bằng cách tách đôi cầu nối disulfua trong mucoprotein (thành phần của chất nhầy). Từ đó, chất nhầy được tống ra ngoài khi ho khạc, dẫn lưu tư thế hoặc bằng phương pháp cơ học. Do đó, thuốc được sử dụng chính cho các vấn đề liên quan đến ho có đờm hoặc liên quan đến chất nhầy cản trở hô hấp.

Ngoài ra, Acetylcystein còn được dùng để giảm bớt tổn thương gan do ngộ độc paracetamol thông qua việc duy trì và khôi phục nồng độ glutathion của gan về mức cho phép. Trong quá liều paracetamol, một lượng lớn chất chuyển hóa được tạo ra vì đường chuyển hóa chính trở thành bão hòa. Acetylcystein chuyển hóa thành cystein kích thích gan tổng hợp glutathion - một chất chống oxy hóa có thể vô hiệu hóa các sản phẩm phân hủy độc hại của paracetamol, từ đó giảm độc tính và bảo vệ gan. Tác dụng này của Acetylcystein đạt hiệu quả tốt nhất nếu bắt đầu điều trị trong vòng 4 đến 8 giờ sau quá liều paracetamol.

>>> Xem thêm: Cách sử dụng thuốc Bisolvon trị ho, long đờm hiệu quả cần biết

Hướng dẫn sử dụng Acetylcystein cho từng trường hợp

Những hướng dẫn về cách sử dụng Acetylcystein dưới đây chỉ mang tính chất tham khảo. Do đó, người bệnh nên hỏi ý kiến của bác sĩ/dược sĩ với trường hợp của bản thân.

Cách dùng Acetylcystein

Tùy vào mục đích sử dụng Acetylcystein, người bệnh cần lưu ý những vấn đề về cách dùng như sau:

Làm thuốc tiêu nhầy

Đối với viên nang cứng: Sử dụng theo đường uống, có thể hoặc không dùng cùng với thức ăn. Nên dùng nhiều nước khi uống thuốc.

Đối với dạng hít: Thuốc được hít qua mặt nạ, ống ngậm hoặc phẫu thuật mở khí quản. Thông qua các dụng cụ phù hợp, dung dịch thuốc được hít vào như một màn sương dày đặc trong một lớp mặt nạ.

Đôi khi các dung dịch thuốc Acetylcystein được đặt trực tiếp vào khí quản hoặc thông qua một ống thông vào khí quản trong các điều kiện nhất định. Thuốc có tác dụng tốt nhất ở độ pH từ 7 đến 9, tuy nhiên nồng độ này có thể điều chỉnh được bằng natri hydroxyd. Tuyệt đối không trộn lẫn Acetylcystein với thuốc hít khác nếu chưa có chỉ dẫn của bác sĩ.

Lưu ý: Bạn có thể nhận thấy mùi hôi nhẹ khi lần đầu tiên hít phải thuốc Acetylcystein nhưng nó sẽ nhanh chóng biến mất. Nếu bạn đang dùng mặt nạ để hít thuốc, có thể có một số vết dính trên mặt sau khi sử dụng. Hãy nhớ rửa sạch mặt với nước để loại bỏ chất nhờn dính.

Làm thuốc giải độc paracetamol

Nếu dùng Acetylcystein làm thuốc giải độc trong quá liều paracetamol, có thể sử dụng dung dịch uống 5%. Một vài trường hợp khác có thể dùng thuốc qua đường tiêm nhỏ giọt tĩnh mạch nhưng các bác sĩ thường cho người bệnh uống thuốc sẽ an toàn và nhanh chóng hơn.

Làm thuốc giảm các triệu chứng khô mắt

Thuốc nhỏ mắt Acetylcystein 5% dùng tại chỗ giúp giảm nhẹ các triệu chứng do thiếu màng mỏng nước mắt.

dung-dich-thuoc-acetylcystein-5-giup-giam-kho-mat

Dung dịch thuốc Acetylcystein 5% giúp giảm khô mắt

Liều dùng Acetylcystein

Tương ứng với mỗi dạng bào chế, thuốc Acetylcystein sẽ có liều dùng khác nhau. Cụ thể như sau:

Làm thuốc tiêu nhầy

Đối với đường uống: Dưới dạng viên nang cứng hoặc gói bột hòa tan trong nước. Cụ thể:

  • Người lớn và trẻ từ 6 tuổi: Uống với liều 200mg/lần, 3 lần/ngày. Tối đa không quá 700mg/ngày.
  • Trẻ em từ 2 đến 6 tuổi: Uống 200mg/lần, 2 lần/ngày.
  • Trẻ em dưới 2 tuổi: Uống 50 mg/lần, 2 lần/ngày.

Đối với dạng hít:

  • Người lớn và trẻ trên 6 tuổi: Dùng 3 - 5 ml dung dịch 20% hoặc 6 - 10 ml dung dịch 10% trong một bình xịt hoặc mặt nạ phun sương, từ 3-4 lần/ngày.
  • Trẻ em: Cho trẻ sử dụng 3-5 ml dung dịch 20% hoặc 6-10 ml dung dịch 10% dùng trong một bình xịt hoặc mặt nạ phun sương, từ 3-4 lần/ngày.
  • Nếu dùng Acetylcystein để xét nghiệm chẩn đoán các bệnh về phổi, sử dụng 1-2 ml dung dịch 20% hoặc 2-4 ml dung dịch 10% được hít vào bằng miệng hoặc đặt trực tiếp vào khí quản hai hoặc ba lần trước khi xét nghiệm.

Làm thuốc giải độc paracetamol

Dạng lỏng: Tiêm truyền tĩnh mạch

Nếu dùng Acetylcystein làm thuốc giải độc và sử dụng biện pháp tiêm truyền tĩnh mạch thì nên dùng Glucose 5% làm dịch truyền. Có thể sử dụng dung dịch NaCl 0,9% nếu Glucose 5% không phù hợp.

Toàn bộ quá trình điều trị gồm 3 lần tiêm, cụ thể:

  • Với người lớn:
  • Liều đầu tiên: Liều ban đầu 150 mg/kg thể trọng, dưới dạng dung dịch 20% trong 200 ml glucose 5%, tiêm tĩnh mạch trong 15 phút.
  • Liều thứ 2: Liều 50 mg/kg thể trọng trong 500ml glucose 5% trong 4 giờ tiếp theo.
  • Liều thứ 3: Liều 100 mg/kg thể trọng trong 1000ml glucose 5% trong 16 giờ tiếp theo. 

Như vậy, người bệnh sẽ nhận được tổng cộng 300 mg/kg trong khoảng thời gian 21 giờ.

  • Với trẻ em: 

Trẻ em nên được điều trị với chế độ và liều lượng như người lớn. Tuy nhiên, thể tích dịch truyền tĩnh mạch phải thay đổi theo độ tuổi và cân nặng của trẻ, vì quá tải chất lỏng đặc biệt nguy hiểm.

Dạng uống:

  • Liều đầu tiên 140 mg/kg thể trọng, dùng dung dịch Acetylcystein 5%.
  • Tiếp theo cách 4 giờ uống 1 lần, liều 70 mg/kg thể trọng và uống tổng cộng thêm 17 lần.

Làm thuốc giảm các triệu chứng khô mắt

Acetylcystein được dùng tại chỗ, dưới dạng dung dịch 5% cùng với hypromellose, mỗi lần nhỏ 1-2 giọt, 3-4 lần/ngày.

Xử trí khi quên/quá liều thuốc

Nếu quên hoặc quá liều Acetylcystein, người bệnh có thể xử trí như sau:

Quên liều: Sử dụng ngay khi nhớ ra, nhưng nếu liều đã quên gần sát với liều tiếp theo, có thể bỏ qua và tiếp tục liệu trình. Không dùng gấp đôi liều trong một lần để bù cho liều đã quên trước đó.

Quá liều: Quá liều Acetylcystein có thể gây ra một số triệu chứng của sốc phản vệ. Người bệnh cũng có thể gặp các triệu chứng khác bao gồm suy hô hấp, tan máu, hội chứng đông máu rải rác nội mạch và suy thận. Đã có báo cáo về trường hợp tử vong đã xảy ra ở người bị quá liều Acetylcystein trong quá trình điều trị ngộ độc paracetamol. Quá liều Acetylcystein sẽ xảy ra khi tiêm truyền với tốc độ quá nhanh và liều quá cao. Vì vậy, nếu thấy cơ thể có bất kỳ dấu hiệu gì bất thường sau khi dùng Acetylcystein, hãy ngừng thuốc và liên hệ ngay với bác sĩ để được hướng dẫn xử lý kịp thời.

qua-lieu-acetylcystein-co-the-gay-ra-cac-trieu-chung-cua-soc-phan-ve.webp

Quá liều Acetylcystein có thể gây ra các triệu chứng của sốc phản vệ

Những lưu ý để sử dụng Acetylcystein an toàn

Để sử dụng Acetylcystein an toàn và đem lại hiệu quả tốt nhất, người bệnh cần nắm rõ về tác dụng phụ, đối tượng chống chỉ định dùng thuốc cũng như các tương tác của Acetylcystein với thuốc khác. Điều này giúp hạn chế nguy cơ gặp các sự cố, nguy hiểm khi dùng thuốc.

Ai nên và không nên dùng Acetylcystein?

Acetylcystein được dùng cho người lớn và trẻ từ 2 tuổi trở lên. Đối với trẻ em dưới 2 tuổi, thuốc vẫn có thể sử dụng nhưng cần hết sức thận trọng vì trẻ rất khó ho, khạc đờm một cách chủ động. Vì thế, trẻ có nguy cơ gặp các phản ứng phụ nhiều hơn, nhất là suy hô hấp, do đó đa số nhà sản xuất khuyến cáo không nên dùng Acetylcystein cho đối tượng này.

Thuốc Acetylcystein an toàn cho phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú. Thậm chí, thuốc còn đem lại hiệu quả cao khi sử dụng để điều trị quá liều paracetamol ở phụ nữ mang thai và giảm độc tính trên gan xảy ra với em bé cũng như người mẹ. Lưu ý rằng bạn cần hỏi ý kiến và tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ khi dùng thuốc.

Tuy nhiên, Acetylcystein vẫn chống chỉ định với một số trường hợp nhất định, bao gồm:

  • Đã và đang bị dị ứng với bất kỳ thành phần nào có trong thuốc.
  • Người có tiền sử mắc bệnh hen suyễn, loét dạ dày.
  • Người có các bệnh nền liên quan đến dị ứng thuốc khi sử dụng Acetylcystein cần đặc biệt thận trọng vì có thể kích hoạt cơn hen xảy ra.

Các tác dụng phụ của thuốc Acetylcystein

Tương tự các loại thuốc khác, Acetylcystein có thể gây ra một số tác dụng phụ khi sử dụng, bao gồm:

Tác dụng phụ thường gặp: Buồn nôn, nôn. Đây là phản ứng thông thường và sẽ biến mất trong vài ngày. Nếu tình trạng này kéo dài, bạn cần liên hệ ngay với bác sĩ để được hướng dẫn.

Tác dụng phụ ít gặp: Buồn ngủ, nhức đầu, ù tai. Nhiệt miệng và chảy nước mũi cũng có thể xảy ra nếu hít thuốc qua đường miệng. Người bệnh cũng dễ ho nhiều hơn vì Acetylcystein phá vỡ chất nhầy và kích thích phản ứng ho. Một số trường hợp bị phát ban, nổi mày đay tại một số vùng hoặc khắp cơ thể.

Tác dụng phụ hiếm gặp: Co thắt phế quản với các triệu chứng như thở khò khè, khó thở, tức ngực. Phản ứng này không thường xuyên và không thể lường trước được, ngay cả ở những người bệnh hen phế quản hoặc viêm phế quản.

Đây là những tác dụng phụ phổ biến của thuốc Acetylcystein. Tuy nhiên, vì thuốc ảnh hưởng đến mỗi người khác nhau nên vẫn có một số ít trường hợp xảy ra các tác dụng phụ khác. Do đó, nếu có bất kỳ một tác dụng phụ nào trong quá trình sử dụng, cần lập tức ngừng thuốc và liên hệ ngay với bác sĩ hoặc cấp cứu để được xử lý, hướng dẫn kịp thời.

buon-non-la-tac-dung-phu-thuong-gap-nhat-khi-dung-thuoc-acetylcystein.webp

Buồn nôn là tác dụng phụ thường gặp nhất khi dùng thuốc Acetylcystein

Acetylcystein và tương tác thuốc

Acetylcystein có thể tương tác với một số loại thuốc khác làm giảm hiệu quả điều trị của thuốc và tăng nguy cơ gặp các tác dụng phụ hoặc gây hại cho người bệnh. Để đảm bảo an toàn, hãy liệt kê một danh sách thuốc, thực phẩm chức năng bạn đang sử dụng cho bác sĩ trước khi dùng Acetylcystein. 

Việc nắm rõ các tương tác của thuốc Acetylcystein dưới đây cũng sẽ giúp bạn tránh được những tác dụng không mong muốn:

  • Acetylcystein phản ứng mạnh với một số kim loại như sắt, đồng, niken và cao su.
  • Acetylcystein tương kỵ về mặt hóa học với các dung dịch chứa dầu iod, trypsin và hydrogen.
  • Dung dịch natri nitroglycerin cũng tương kỵ với các thuốc chứa kháng sinh như penicillin, oxacillin, tetracycline... 
  • Acetylcystein tương tác với 2 thuốc Carbamazepine và Nitroglycerine. Thế nhưng, 2 thuốc này đều đem lại hiệu quả cao khi điều trị bệnh. Do đó, nếu 2 thuốc được kê đơn cùng nhau, bác sĩ có thể thay đổi liều lượng hoặc thời điểm sử dụng giữa các thuốc.

Một số lưu ý khác cần biết

Khi sử dụng Acetylcystein, người bệnh cũng cần lưu ý thêm một số vấn đề sau đây:

  • Acetylcystein có thể tương tác với rượu bia, thuốc lá nên trong thời gian dùng thuốc nên hạn chế sử dụng.
  • Nếu bị buồn nôn hoặc nôn do thuốc, bạn có thể pha loãng dung dịch uống (nếu là gói bột) hoặc uống nhiều nước (nếu thuốc viên) để làm giảm triệu chứng.
  • Tuyệt đối không dùng Acetylcystein chung với các thuốc ho hay thuốc làm giảm bài tiết đờm.
  • Nếu bị hạn chế về khả năng ho trước lúc dùng Acetylcystein thì sau khi uống thuốc, bạn có thể cần được hút đờm.
  • Khi dùng dung dịch thuốc, cần pha loãng ngay trước thời điểm sử dụng bởi thuốc chỉ ổn định trong vòng một giờ. Nếu dung dịch thuốc đã mở và tiếp xúc với không khí, phải bảo quản ở nhiệt độ từ 2-8 độ C để làm chậm quá trình oxy hóa, đồng thời dùng ngay trong vòng 4 ngày.
  • Nếu dùng Acetylcystein dạng hít, hãy nhớ vệ sinh mặt nạ phun sương ngay sau mỗi lần sử dụng. Nếu bạn không vệ sinh đúng cách, mặt nạ có thể bị tắc và gây khó khăn trong quá trình hít thuốc. Hãy đọc kỹ và làm theo hướng dẫn của nhà sản xuất một cách cẩn thận và hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về việc vệ sinh dụng cụ dùng thuốc.
  • Trước khi sử dụng thuốc nhỏ mắt Acetylcystein, bạn cần vệ sinh tay thật kỹ để tránh đưa vi khuẩn vào thuốc. Đặt lọ thuốc thật gần mắt nhưng không được chạm vào mắt.
  • Bảo quản thuốc ở nhiệt độ phòng, tránh những nơi ẩm ướt và ánh nắng trực tiếp chiếu vào. Để thuốc xa tầm tay trẻ em và thú nuôi.

bao-quan-thuoc-acetylcystein-o-nhung-noi-kho-rao-tranh-anh-nang.webp

Bảo quản thuốc Acetylcystein ở những nơi khô ráo, tránh ánh nắng

Bên cạnh việc sử dụng Acetylcystein để long đờm, bạn có thể kết hợp thêm với sản phẩm hỗ trợ từ thảo dược như rẻ quạt, bán biên liên, bồ công anh, sói rừng để cải thiện bệnh tốt hơn. Nghiên cứu tại Trung Quốc cho thấy, trong thân và rễ rẻ quạt chứa các hợp chất như isoflavonoid, flavonoid, iridal-triterpenoid có tác dụng như kháng sinh thực vật giúp chống viêm, kháng khuẩn, chống oxy hóa mạnh. Nhờ đó, các thảo dược này không chỉ giúp giảm triệu chứng ho đờm, mà còn làm giảm nguy cơ mắc các bệnh viêm đường hô hấp khác hiệu quả, an toàn. Đặc biệt, theo khảo sát của Tạp chí Kinh tế Việt Nam vào tháng 1/2021 cho thấy, có đến 90,8% người tiêu dùng hài lòng khi sử dụng sản phẩm chứa thành phần chính từ rẻ quạt.

Trên đây là một số thông tin chung về thuốc Acetylcystein (Acemuc) được sử dụng để làm tiêu chất nhầy, đặc biệt trong các bệnh lý viêm đường hô hấp, viêm họng và các trường hợp khác. Hy vọng những nội dung này sẽ giúp bạn hiểu và sử dụng Acetylcystein đúng và đạt được hiệu quả điều trị tốt. 

Điều quan trọng là bài viết được tổng hợp từ các nguồn uy tín nên chỉ mang tính chất tham khảo. Người bệnh cần tuân thủ theo đúng chỉ định, lộ trình và hướng dẫn của bác sĩ khi dùng thuốc. Nếu còn bất kỳ thắc mắc, câu hỏi liên quan đến thuốc Acetylcystein, vui lòng liên hệ đến tổng đài 024. 38461530 – 028. 62647169 để được hỗ trợ.

Nguồn tham khảo

https://www.webmd.com/drugs/2/drug-8938/acetylcysteine/details

https://www.drugs.com/mtm/acetylcysteine.html

https://www.medicines.org.uk/emc/product/2488/smpc#gref

Dược sĩ Ngọc Hà

BOX-SP-TKT.webp

Bình luận