Bệnh rối loạn thần kinh thực vật là gì?

Rối loạn thần kinh thực vật là tình trạng các hoạt động của hệ thống thần kinh giao cảm (SANS) và phó giao cảm (PANS) bị mất cân bằng. Sự mất cân bằng này làm rối loạn các chức năng không tự ý của cơ thể mà chúng điều khiển gây nên tình trạng lo âu, căng thẳng, tim đập nhanh, ra mồ hôi, rối loạn hệ tiết niệu…

Hệ thần kinh thực vật (hệ thần kinh tự chủ - ANS) gồm thần kinh giao cảm và phó giao cảm. Có chức năng điều hoà các hoạt động không tự chủ như huyết áp, nhịp tim, tiêu hoá, tiết niệu, hô hấp… 

  • Nhiệm vụ của hệ thần kinh giao cảm là kích hoạt các phản ứng của cơ thể khi có mối đe dọa. Ví dụ như trong trường hợp bị rượt đuổi thì chức năng bơm máu của tim và thông khí của phổi sẽ tăng. 
  • Nhiệm vụ của hệ thần kinh phó giao cảm là duy trì và hồi phục, tức là điều hành các hoạt động tiêu hoá và nghỉ ngơi của cơ thể.

Khi hệ thần kinh thực vật bị rối loạn, những hoạt động không tự chủ này sẽ bị ảnh hưởng. Đặc biệt, nó gây ra những vấn đề liên quan đến huyết áp, tim mạch, rối loạn cương dương nam giới,...

Nguoi-benh-roi-loan-than-kinh-thuc-vat-bi-anh-huong-nghiem-trong-den-tam-ly.webp

Người bệnh rối loạn thần kinh thực vật bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý

Nguyên nhân gây rối loạn thần kinh thực vật

Rối loạn thần kinh thực vật thường xảy ra đơn lẻ hoặc là hậu quả của bệnh lý khác. Một số trường hợp là tạm thời, một số trường hợp rối loạn thần kinh thực vật có thể gây nguy hiểm. Vì vậy, cần xác định đúng nguyên nhân gây bệnh. Nguyên nhân của rối loạn thần kinh thực vật có thể là do:

  • Hệ miễn dịch bị suy giảm do bệnh ung thư, xạ trị.
  • Dây thần kinh bị tổn thương do các cuộc phẫu thuật.
  • Biến chứng liên quan đến thần kinh của bệnh tiểu đường.
  • Các loại bệnh tự miễn (lupus hệ thống, viêm khớp dạng thấp).
  • Bệnh do vi khuẩn, virus gây ra.
  • Hệ thống thần kinh bị tích tụ nhiều protein.
  • Tác dụng phụ của một số loại thuốc điều trị bệnh trầm cảm, tim, ung thư…
  • Rối loạn do di truyền.

Ngoài ra, sẽ có những đối tượng có nguy cơ cao bị rối loạn thần kinh thực vật.  Gồm có:

  • Người có yếu tố di truyền, trong gia đình đã có người bị bệnh.
  • Người bị rối loạn tâm lý.
  • Người mắc Parkinson mãn tính.
  • Người mắc ung thư, HIV có hệ miễn dịch bị suy giảm.
  • Người bị tiểu đường hoặc các bệnh tự miễn.
  • Người bị các bệnh truyền nhiễm do virus, vi khuẩn.

Biểu hiện rối loạn thần kinh thực vật thường gặp

Các triệu chứng của rối loạn thần kinh thực vật có thể xuất hiện trên hầu hết các cơ quan của cơ thể. Điển hình như:

  • Triệu chứng trên hệ tim mạch: Khó thở, hồi hộp, tim đập nhanh, huyết áp tăng giảm không ổn định, đánh trống ngực, đau thắt ngực…
  • Triệu chứng trên hệ thần kinh: Nhiều người sẽ cảm thấy trằn trọc, khó ngủ, suy giảm trí nhớ, kém tập trung, luôn cảm thấy lo âu, căng thẳng, dễ buồn bực, đau đầu khi thay đổi thời tiết. Những triệu chứng này làm ảnh hưởng lớn đến tâm lý người bệnh.
  • Triệu chứng trên hệ sinh dục: Đối với nam giới có thể gặp tình trạng xuất tinh sớm, giảm khả năng tình dục. Đối với nữ giới có thể bị rối loạn kinh nguyệt, vùng âm dạo khô rát khi quan hệ.
  • Triệu chứng trên hệ bài tiết: Cơ thể tăng tiết mồ hôi, thân nhiệt thay đổi bất thường.
  • Triệu chứng trên hệ tiết niệu: Khi hệ thần kinh thực vật bị rối loạn, nhiều người có thể bị khó tiểu, tiểu rắt, tiểu không tự chủ, tình trạng nặng hơn có thể dẫn đến nhiễm khuẩn đường tiết niệu.
  • Triệu chứng toàn thân: Cơ thể mệt mỏi, đau nhức vai gáy, thiếu sức sống, không nhạy cảm với ánh sáng, khó di chuyển, lái xe vào ban đêm.

Benh-roi-loan-than-kinh-thuc-vat-lam-co-the-met-moi-thieu-suc-song-dau-nhuc.jpg

Bệnh rối loạn thần kinh thực vật làm cơ thể mệt mỏi, thiếu sức sống, đau nhức

Rối loạn thần kinh thực vật có nguy hiểm không?

Rối loạn dây thần kinh thực vật tuy không làm nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý, sinh hoạt và sức khỏe của người bệnh. Do khó xác định nguyên nhân và triệu chứng không rõ ràng nên người bệnh có thể sẽ hoang mang vì điều trị mãi không khỏi. 

Ngoài ra, bệnh có thể gây ra một số triệu chứng cũng là biến chứng nguy hiểm hơn. Tuy khá hiếm gặp nhưng nó có thể xuất hiện ở bất kỳ ai. Cụ thể:

  • Hội chứng POTS: Là hội chứng nhịp tim nhanh trong tư thế đứng. Nó ảnh hưởng đến tất cả mọi đối tượng và ngăn người bệnh có thể làm các công việc bình thường.
  • Ngấy vận mạch (NCS): Rối loạn ANS khiến máu đột ngột lên não chậm sau khi đứng, ngồi trong thời gian dài hoặc bị căng thẳng,... Điều này khiến cho người bệnh bị ngất xỉu, hôn mê.
  • Gây teo nhiều hệ thống (MSA): Đây cũng là một triệu chứng và hệ quả của người bị rối loạn ANS. Đặc biệt, MSA có thể gây ra tử vong tuy nhiên khá hiếm trường hợp này.
  • Ảnh hưởng đến thị lực: Rối loạn thần kinh thực vật có thể gây ra hội chứng Holmes-Adie (HAS). HAS ảnh hưởng đến hệ thống dây thần kinh mắt và gây ra các vấn đề liên quan đến thị lực, mất phản xạ mắt vĩnh viễn.

Rối loạn thần kinh thực vật có tự khỏi không?

Trên thực tế, bệnh lý này có thể tự khỏi sau một khoảng thời gian tuỳ từng đối tượng và mức độ. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp bệnh nặng gây ảnh hưởng lớn đến đời sống hằng ngày. Do đó nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng rối loạn kéo dài và nặng hơn sẽ làm cho người bệnh mệt mỏi, thiếu sức sống, tâm lý chán nản có thể dẫn đến trầm cảm và những hậu quả nghiêm trọng khác.

Rối loạn thần kinh thực vật và cách điều trị 

Bệnh rối loạn thần kinh thực vật được điều trị bằng cách làm giảm và kiểm soát triệu chứng mà nó gây ra. Bệnh rối loạn thần kinh thực vật uống thuốc gì sẽ tuỳ vào những chức năng của cơ thể bị ảnh hưởng. Dựa trên tình hình thực tế bác sĩ sẽ đề xuất những biện pháp điều trị phù hợp.

Điều trị triệu chứng về tiêu hoá

  • Nâng cao đầu giường để tránh triệu chứng ợ nóng.
  • Sử dụng thuốc metoclopramide để điều trị các vấn đề về tiêu hoá. Thuốc giúp tăng sự co bóp cơ dạ dày, đẩy nhanh quá trình tiêu hoá và hấp thu. Sử dụng thêm các thuốc giảm táo bón, tiêu chảy như thuốc nhuận tràng, các loại kháng sinh nếu cần thiết.

Điều trị triệu chứng về tim và huyết áp

  • Fludrocortisone, droxidopa, Midodrine, Pyridostigmine là những thuốc thường dùng để ổn định huyết áp. Tuy nhiên, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn điều trị phù hợp..
  • Bạn có thể sử dụng thuốc chẹn beta để điều trị triệu chứng tim đập nhanh giúp ổn định nhịp tim.

Điều trị triệu chứng về tiết niệu

  • Luyện tập để hình thành một thói quen uống nước và đi tiểu cùng thời điểm trong ngày sẽ giúp giảm các bệnh đường tiết niệu.
  • Sử dụng các thuốc như oxybutynin, darifenacin, soterodine… để điều trị triệu chứng bàng quang tăng hoạt.
  • Hỗ trợ tiết niệu bằng cách thông tiểu nhờ ống dẫn qua niệu đạo.

Co-the-giam-trieu-chung-tiet-nieu-do-roi-loan-than-kinh-thuc-vat-bang-thuoc-Tay.webp

Có thể giảm triệu chứng tiết niệu do rối loạn thần kinh thực vật bằng thuốc Tây

Điều trị triệu chứng đổ mồ hôi

Những trường hợp rối loạn thần kinh thực vật có triệu chứng tiết mồ hôi nhiều có thể sử dụng các thuốc như glycopyrrolate và pyridostigmine. Những thuốc này có một số tác dụng phụ như tiêu chảy, mờ mắt, nhịp tim không ổn định… do đó nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng.

Điều trị triệu chứng rối loạn chức năng tình dục

  • Nam giới có thể sử dụng một số thuốc hỗ trợ cương cứng và duy trì sự cương cứng như sildenafil, vardenafil, avanafil… Cần sử dụng thuốc điều độ vì có thể gây ra những tác dụng phụ như: nhức đầu nhẹ, giảm huyết áp, đau bụng…
  • Nữ giới có thể dùng Flibanserin để tăng ham muốn tình dục hoặc sử dụng các chất bôi trơn để giảm khô rát, tạo cảm giác thoải mái khi quan hệ.

Biện pháp kiểm soát và phục hồi tại nhà

Để chữa rối loạn thần kinh thực vật ngoài việc điều trị bằng thuốc cần phối hợp với chế độ ăn uống, sinh hoạt và nghỉ ngơi hợp lý. Có thể sử dụng thêm các thảo dược tự nhiên để hỗ trợ điều trị hiệu quả.

Rối loạn thần kinh thực vật nên ăn gì?

Chế độ ăn dành cho người bị thần kinh thực vật đóng vai trò hỗ trợ điều trị rất tốt. Bạn có thể tham khảo một số thực phẩm nên dùng sau đây:

  • Thực phẩm chứa nhiều vitamin B như: Ngũ cốc, gạo lứt, yến mạch, chuối, bơ... Vitamin B tốt cho quá trình dẫn truyền thần kinh, điều hoà hô hấp, tim mạch.
  • Thực phẩm giàu omega-3 như: Các loại cá, quả óc chó, đậu nành, hạnh nhân… Omega-3 tác động mạnh mẽ lên não bộ và hệ thống thần kinh giúp giảm trầm cảm, tăng trí nhớ hiệu quả.
  • Thực phẩm có chứa vitamin E và các chất chống oxy hoá như: Các loại rau củ quả, cam, quýt, bưởi… Những thành phần này giúp ổn định dẫn truyền thần kinh, tốt cho tiêu hoá..

Ngoài ra, tùy thuộc vào những triệu chứng mắc phải để bổ sung thêm những thực phẩm cần thiết. Ví dụ như:

  • Bổ sung thêm chất xơ để giảm chướng bụng, đầy hơi.
  • Bổ sung muối và chất lỏng vào các bữa ăn giúp giải quyết tình trạng giảm huyết áp. Tuy nhiên phương pháp này không nên sử dụng cho bệnh nhân suy tim và cần kiểm soát để không tăng quá cao, gây hại cho cơ thể.

Bên cạnh đó, người bị rối loạn thần kinh thực vật nên tránh sử dụng rượu bia, cafe, không hút thuốc lá, uống nhiều nước và hạn chế đồ uống có đường.

Vitamin-va-omega3-tot-cho-nguoi-bi-roi-loan-than-kinh-thuc-vat.webp

Vitamin và omega3 tốt cho người bị rối loạn thần kinh thực vật

>>>XEM THÊM: Kinh nghiệm chữa rối loạn thần kinh thực vật nhờ 5 lời khuyên hữu ích!

Rối loạn thần kinh thực vật nên tập gì?

Người bị rối loạn thần kinh thực vật cần giải tỏa căng thẳng, mệt mỏi và tăng cường lưu thông máu. Phối hợp giữa điều trị với tập thể dục hằng ngày có thể giúp đẩy nhanh quá trình hồi phục, sớm lấy lại cuộc sống bình thường.

4 bài tập tốt cho người bệnh rối loạn thần kinh thực vật:

  • Hít thở sâu: Việc hít thở đều đặn, đúng cách giúp cơ thể sản sinh ra lượng lớn serotonin, chất này có tác dụng tăng khả năng tập trung, cải thiện thâm trạng, hỗ trợ điều trị rối loạn thần kinh hiệu quả. Bên cạnh đó, khi hít thở sâu giúp quá trình đào thải CO2 và H2 tích tụ tại tim nên bảo vệ tim hiệu quả.
  • Thiền: 15 phút ngồi thiền là khoảng thời gian người bệnh thư giãn, điều chỉnh lại tâm lý giúp giảm sự mất cân bằng hệ thần kinh thực vật do căng thẳng gây ra.
  • Tập Yoga: Luyện tập yoga hằng ngày có thể cải thiện chức năng hô hấp, tiêu hoá, tốt cho thần kinh, xương khớp, giúp điều chỉnh lại sự mất cân bằng trong hệ thần kinh thực vật. 
  • Các môn thể thao nhẹ nhàng như đạp xe, bơi lội, chạy bộ…

Lưu ý: Người bệnh rối loạn thần kinh thực vật cần tập luyện vừa sức, nếu cảm thấy khó thở, choáng váng hay đánh trống ngực cần giảm cường độ tập luyện và nghỉ ngơi.

Sử dụng thảo dược để hỗ trợ giảm triệu chứng

Sử dụng thảo dược để hỗ trợ điều trị bệnh rối loạn thần kinh thực vật đã được nhiều người lựa chọn và đem lại kết quả tích cực. Đây là giải pháp giúp giảm các triệu chứng nhịp tim đập nhanh, huyết áp không ổn định, khó thở, hồi hộp, lo âu...

Một trong những vị thuốc thường có mặt trong các bài thuốc cổ truyền điều trị thần kinh là hợp hoan bì. Thảo dược này đem lại tác dụng an thần, hỗ trợ quá trình lưu thông máu, giải trầm uất, lo âu hiệu quả. Nghiên cứu của Đại học ở tỉnh Chiết Giang và Quỹ Nghiên cứu Khoa học của Đại học Thiệu Hưng phối hợp với Phòng Khoa học & Công nghệ Thành phố Thiệu Hưng, Trung Quốc đã nhận thấy hợp hoan bì đem lại tác dụng tăng cường sức khỏe thần kinh, cải thiện rối loạn thần kinh thực vật nhờ cơ chế kích thích não bộ tăng tiết serotonin.

Hop-hoan-bi-ho-tro-dieu-tri-roi-loan-than-kinh-thuc-vat-giam-mat-ngu-tram-cam.webp

Hợp hoan bì hỗ trợ điều trị rối loạn thần kinh thực vật, giảm mất ngủ, trầm cảm

Ngoài ra, để tăng tác dụng điều trị rối loạn thần kinh, suy nhược cơ thể người ta thường kết hợp sử dụng Hợp hoan bì với một số loại dược liệu quý khác như:

  • Táo nhân: Có tác dụng dưỡng tâm, an thần, giảm triệu chứng mệt mỏi, lo âu, giảm ra mồ hôi.
  • Hồng táo: Có chứa một lượng lớn vitamin tự nhiên giúp tăng miễn dịch, dưỡng huyết an thần, giảm căng thẳng, ngủ ngon.
  • Viễn chí: Thành phần có chứa saponin triterpen, dầu béo, polygalitol hiệu quả trong chữa hồi hộp mất ngủ, rối loạn trí nhớ.
  • Ngũ vị tử: Thành phần hoạt chất trong Ngũ vị tử có sesquiterpen, các dẫn chất của dibenzo [a,c] cycloocten… đem đến tác dụng giảm mệt mỏi, cải thiện trí nhớ, hỗ trợ điều trị các triệu chứng tim đập nhanh, trống ngực.
  • Uất kim: hay còn gọi với tên khác là củ nghệ, có tác dụng tăng cường lưu thông máu, giúp thư giãn, giảm trầm uất.

Ngoài ra, người ta thường phối hợp thêm vitamin PP, soy lecithin để tăng tác dụng điều trị các triệu chứng của bệnh rối loạn thần kinh thực vật. Ngày nay, thay vì sử dụng các bài thuốc y học cổ truyền thì các sản phẩm thực phẩm chức năng được chiết xuất từ các loại thảo dược trên là giải pháp giúp tiết kiệm thời gian và tăng tác dụng được nhiều người lựa chọn.

Hiện nay vẫn chưa có cách để điều trị triệt để bệnh rối loạn thần kinh thực vật. Tuy nhiên bạn có thể áp dụng những phương pháp gợi ý ở trên để ổn định huyết áp, nhịp tim và làm giảm trạng thái khó thở, lo lắng, hồi hộp… một cách hiệu quả. 

Bệnh lý này không gây tử vong nhưng không nên vì thế mà chủ quan, cần chú ý để phát hiện bệnh sớm và áp dụng những phương pháp điều trị phù hợp. Nếu còn bất kỳ thắc mắc, vấn đề nào cần được giải đáp liên quan đến bệnh rối loạn thần kinh thực vật, vui lòng liên hệ đến hotline 024. 38461530 – 028. 62647169 để được hỗ trợ.

Tài liệu tham khảo

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/autonomic-neuropathy/diagnosis-treatment/drc-20369836

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/autonomic-neuropathy/symptoms-causes/syc-20369829

https://my.clevelandclinic.org/health/articles/17851-living-with-dysautonomia

Dược sĩ Hoàng Anh

Bình luận