Thời tiết giao mùa và thay đổi nhiệt độ thất thường là nguyên nhân chính gây viêm mũi dị ứng thời tiết. Bệnh gây phiền toái cho người mắc, đặc biệt là khi thời tiết chuyển mùa. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn những điều cần biết về viêm mũi dị ứng và cách phòng ngừa hiệu quả.

Thế nào là viêm mũi dị ứng thời tiết

Viêm mũi dị ứng thời tiết hay còn được gọi là viêm mũi dị ứng theo mùa, là một loại viêm mũi dị ứng kéo dài qua các năm và có triệu chứng xuất hiện tùy thuộc vào mùa của các tác nhân gây dị ứng. Các tác nhân có thể kể đến như: mùa nở hoa của cây cối, mùa sâu bướm sinh sôi, mùa ẩm ướt với sự phát triển của nấm mốc hay mùa khô lạnh...

Viêm mũi dị ứng thời tiết là một dạng viêm mũi dị ứng phổ biến. Khi tiếp xúc với niêm mạc mũi, những tác nhân này kích thích phản ứng dị ứng, giải phóng histamin - một chất trung gian hóa học, gây ra các triệu chứng như ngứa mũi, hắt hơi, chảy nước mũi và nghẹt mũi.

Bệnh thường xuất hiện trong giai đoạn chuyển mùa hoặc khi thời tiết trở lạnh. Mọi đối tượng đều có thể mắc phải bệnh này, tuy nhiên, nhóm người phổ biến nhất là trẻ em dưới 10 tuổi và người trưởng thành có hệ miễn dịch yếu hoặc cơ địa dị ứng.

Viêm mũi dị ứng thời tiết thường thay đổi theo mùa

Viêm mũi dị ứng thời tiết thường thay đổi theo mùa

Nguyên nhân dẫn đến viêm mũi dị ứng thời tiết

Nguyên nhân chính gây ra viêm mũi dị ứng thời tiết là phấn hoa từ các loài cây nở hoa vào mùa cụ thể trong năm như:

  • Mùa xuân: Hoa của cây nhãn, cây xoan, cây bưởi...
  • Mùa hè: Hoa của cây phượng, cây bằng lăng...
  • Mùa thu: Hoa của cây hoa sữa, ngọc lan...
  • Mùa đông: Hoa của cây cúc hoạ mi, cải ngồng...

Các loài cây này thường giải phóng phấn hoa vào mùa nở hoa và khi tiếp xúc với phấn hoa này, người mắc viêm mũi dị ứng có thể phản ứng dị ứng dẫn đến ngứa mũi, hắt hơi, chảy nước mũi và nghẹt mũi. 

Bên cạnh đó, viêm mũi dị ứng thời tiết có thể tăng cao do các nguyên nhân sau:

  • Cơ địa dị ứng: Cơ địa dị ứng có thể có liên quan chặt chẽ với bệnh viêm mũi dị ứng. Những người có cơ địa dị ứng, như viêm da dị ứng, mề đay mạn tính, hen suyễn, có nguy cơ mắc viêm mũi dị ứng cao hơn so với người bình thường.
  • Di truyền: Nếu có người thân như cha mẹ, chị em hoặc ông bà mắc các bệnh lý tương tự, nguy cơ mắc viêm mũi dị ứng thời tiết cũng tăng lên đáng kể.
  • Suy giảm hệ miễn dịch: Hệ miễn dịch đóng vai trò quan trọng trong phản ứng với các yếu tố thời tiết như không khí, độ ẩm và gió. Khi hệ miễn dịch suy giảm, nguy cơ phản ứng dị ứng tăng lên. Những đối tượng như trẻ nhỏ, người cao tuổi, người mắc HIV và người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ mắc viêm mũi dị ứng cao hơn so với người bình thường.
  • Thời tiết: Viêm mũi dị ứng thường bùng phát trong giai đoạn chuyển mùa hoặc khi thời tiết trở lạnh. Ngược lại, triệu chứng thường giảm khi thời tiết ấm. Nguyên nhân là do trong mùa lạnh, các chất gây dị ứng trong không khí tăng lên đáng kể, gây kích thích và phản ứng dị ứng, làm cho niêm mạc mũi sưng viêm.
  • Cấu trúc mũi bất thường: Sự bất thường trong cấu trúc mũi như vẹo, gai vách ngăn mũi có thể làm tăng sự nhạy cảm của niêm mạc mũi, gây kích thích và gây ra bệnh phát sinh viêm mũi dị ứng.

Cần lưu ý rằng, viêm mũi dị ứng do thời tiết là một bệnh phức tạp và có nhiều yếu tố đóng vai trò. Việc hiểu rõ những yếu tố này giúp chúng ta nắm bắt tình hình, đưa ra các biện pháp phòng ngừa và điều trị hiệu quả hơn.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến viêm mũi dị ứng tăng cao

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến viêm mũi dị ứng tăng cao

Dấu hiệu của viêm mũi dị ứng thời tiết

Nhìn chung, viêm mũi dị ứng do thời tiết có các dấu hiệu nhận biết tương tự như viêm mũi dị ứng thông thường nhưng có một số triệu chứng phổ biến:

  • Chảy nước mũi, nghẹt mũi hoặc ngứa mũi.
  • Hắt hơi liên tục, đặc biệt khi tiếp xúc với không khí lạnh, nấm mốc, phấn hoa.
  • Ngứa nhẹ ở cổ họng hoặc mắt, có thể gây đỏ và chảy nước mắt. Trong trường hợp nhiễm trùng nặng, dịch tiết mũi có thể chuyển thành màu vàng đục.
  • Niêm mạc mũi phù nề, gây ra tiết dịch hô hấp chảy xuống sau họng, gây ho, khàn tiếng và ngứa cổ họng.
  • Phát ban, xuất hiện mề đay, viêm da cơ địa...

Mặc dù không phải là một bệnh lý nguy hiểm, nhưng cần đặc biệt cẩn trọng trong trường hợp nhiễm trùng vi khuẩn, vì lúc này người bệnh có thể gặp phải một số biến chứng.

Viêm mũi dị ứng thời tiết gây ra nhiều triệu chứng khó chịu

Viêm mũi dị ứng thời tiết gây ra nhiều triệu chứng khó chịu

Xem thêm: Nguyên nhân và cách cải thiện viêm mũi dị ứng ở trẻ em

Phòng ngừa và điều trị viêm mũi dị ứng thời tiết hiệu quả

Để điều trị viêm mũi dị ứng thời tiết, người bệnh cần thăm khám để chẩn đoán tác nhân gây bệnh một cách chính xác. Phương pháp điều trị phổ biến hiện nay là sử dụng thuốc. 

Một số thuốc phổ biến trong điều trị viêm mũi dị ứng thời tiết bao gồm: thuốc kháng histamin, thuốc chứa decongestant. Những loại thuốc này giúp thông mũi, giải phóng nghẹt mũi và làm thông thoáng xoang. Tuy nhiên, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng thuốc và chỉ sử dụng trong thời gian ngắn, không quá 3 ngày. Lưu ý rằng lạm dụng thuốc trong thời gian chỉ định có thể gây tác dụng không mong muốn.

Trong một số trường hợp viêm mũi dị ứng kèm theo polyp, thoái hóa cuốn mũi hoặc vấn đề cấu trúc giải phẫu như lệch vách ngăn, gai vách ngăn, việc can thiệp bằng phẫu thuật có thể được cân nhắc.

Bên cạnh điều trị, sử dụng các biện pháp phòng ngừa cũng được các chuyên gia khuyến cáo:

  • Hạn chế tiếp xúc với các chất gây dị ứng như khói, bụi, khói thuốc lá... Nếu không thể tránh được tiếp xúc, hãy sử dụng khẩu trang để che chắn.
  • Thường xuyên vệ sinh nơi sống và giữ môi trường xung quanh luôn sạch sẽ.
  • Bảo vệ các vùng mũi, họng, đầu và cổ bằng cách giữ ấm khi thời tiết thay đổi, đặc biệt là trong giai đoạn chuyển mùa, để tránh tác động của thay đổi thời tiết.
  • Cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể bằng cách bổ sung trái cây và rau xanh trong khẩu phần ăn hàng ngày. Đồng thời, xây dựng lối sống và thời gian nghỉ ngơi hợp lý để tăng cường sức đề kháng.
  • Sử dụng sản phẩm xịt mũi họng thảo dược giúp bảo vệ niêm mạc hô hấp, nâng cao sức đề kháng và loại bỏ tác nhân ngay từ “cửa ngõ” mũi họng. Điển hình như xịt mũi họng chứa thành phần chính là Hinokitiol từ cây tuyết tùng đỏ đem đến nhiều tác dụng cho người viêm mũi dị ứng thời tiết.

Xịt mũi họng thảo dược chứa Hinokitiol giúp cải thiện viêm mũi dị ứng thời tiết

Xịt mũi họng thảo dược chứa Hinokitiol giúp cải thiện viêm mũi dị ứng thời tiết

Xem thêm: Top 7 cách trị viêm xoang tại nhà vừa đơn giản lại hiệu quả

Viêm mũi dị ứng do thời tiết là một trong những bệnh hô hấp phổ biến liên quan đến yếu tố cơ địa. Nếu không được điều trị kịp thời và bệnh kéo dài có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Do đó, người bệnh cần tích cực điều trị và chủ động trong việc phòng ngừa tái phát bệnh. Nếu còn bất cứ thắc mắc nào về viêm mũi dị ứng thời tiết, đừng ngần ngại để lại câu hỏi bên dưới phần bình luận, để được giải đáp chi tiết nhất.

Dược sĩ Ngọc Thảo

cong-bo-xit-mui-hong-khiet-thanh.webp

Bình luận