Hội chứng ruột kích thích: Tất cả những điều bạn cần biết
Hội chứng ruột kích thích là một dạng rối loạn tiêu hóa thường gặp với tỉ lệ mắc khoảng 18% trên toàn thế giới. Liệu bạn có đang gặp các rắc rối về tiêu hóa (đau bụng, táo bón, tiêu chảy…) và băn khoăn không biết bản thân mình đã mắc hội chứng này hay chưa? Hãy cùng theo dõi bài viết sau để có câu trả lời!
Dấu hiệu nhận biết hội chứng ruột kích thích
Hội chứng ruột kích thích (IBS) là tình trạng khó chịu hoặc đau bụng tái phát kèm theo ≥ 2 trong số các triệu chứng sau: đau liên quan đến đại tiện, đau liên quan đến sự thay đổi số lần đi ngoài (tiêu chảy hoặc táo bón), hoặc đau liên quan đến sự thay đổi độ đặc của phân. Bệnh ảnh hưởng nhiều đến khu vực đại tràng nên còn được gọi là bệnh đại tràng cơ năng hay đại tràng co thắt.
Hội chứng ruột kích thích còn được gọi là bệnh đại tràng co thắt
Cụ thể các dấu hiệu hội chứng ruột kích thích như sau:
- Đau bụng: Cơn đau thường khu trú ở vùng bụng dưới trái (vị trí của đại tràng), đau dọc khung đại tràng hoặc đau lan ra toàn bộ vùng bụng. Đau xuất hiện sau khi ăn và giảm sau khi bạn đi đại tiện. Đặc biệt, nếu tiếp tục ăn những đồ lạ, đồ không phù hợp thì cơn đau lại tiếp diễn.
- Rối loạn đại tiện: Bình thường một người khỏe mạnh sẽ đi đại tiện 1-2 lần/ngày. Tuy nhiên, người mắc hội chứng ruột kích thích có thể đi tới 4-5 lần/ngày, thậm chí 10 lần với những ca nặng.
- Đầy hơi, chướng bụng: Mô tả về triệu chứng này, nhiều người bệnh cho biết: bụng của họ ngày càng phình to hơn vào trong ngày, đặc biệt sau khi ăn. Tuy nhiên, triệu chứng thường có xu hướng giảm khi bệnh nhân nằm xuống hoặc khi ngủ.
- Tiêu chảy và táo bón xen kẽ: Khoảng 20% bệnh nhân bị hội chứng ruột kích thích sẽ bị táo bón xen kẽ các đợt tiêu chảy. So với các triệu chứng thiên về tiêu chảy hay táo bón, các bệnh nhân bị tiêu chảy và táo bón kết hợp có xu hướng nghiêm trọng hơn. Các triệu chứng thường xuyên xuất hiện và dữ dội khiến bệnh nhân vô cùng khó chịu.
- Các triệu chứng khác: Ngoài các biểu hiện rối loạn tiêu hóa, người bệnh có thể gặp tình trạng mót rặn, cảm giác đi không hết phân, mệt mỏi, mất ngủ, căng thẳng, lo âu…
Những ai dễ mắc ruột kích thích?
Hội chứng ruột kích thích IBS thường gặp nhất ở độ tuổi 18-40 tuổi, giảm sau tuổi 50, nữ giới mắc bệnh nhiều hơn nam giới. Ngoài ra những người phải chịu nhiều áp lực như người có trình độ học vấn cao, học sinh, cán bộ… nguy cơ mắc bệnh sẽ cao hơn.
Căng thẳng stress làm tăng nguy cơ mắc IBS
Nguyên nhân gây hội chứng ruột kích thích
Nguyên nhân gây ra hội chứng ruột kích thích rất đa dạng, có thể là do chế độ ăn, tác dụng phụ của thuốc, di truyền… nhưng chủ đạo là do nhiễm trùng khiến miễn dịch đường ruột suy giảm và rối loạn tâm lý khiến hệ thống đường ruột bị nhạy cảm quá mức. Khi này thức ăn vào cơ thể chưa kịp tiêu hóa đã bị tống ra ngoài và gây ra tình trạng đau bụng, đi ngoài phân lỏng…
Hội chứng ruột kích thích có nguy hiểm không?
Hội chứng ruột kích thích không phải là bệnh nguy hiểm tuy nhiên lại ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe tinh thần của người mắc. Cụ thể: người bệnh sẽ phải kiểm soát chế độ ăn, lối sống nghiêm ngặt hơn. Trường hợp bệnh tái đi tái lại nhiều lần sẽ khiến bệnh nhân mệt mỏi, chán ăn, sụt cân, căng thẳng, mất ngủ… từ đó ảnh hưởng đến công việc và chất lượng cuộc sống.
Vì vậy, ngay từ khi có những dấu hiệu đầu tiên, các chuyên gia Tiêu hóa khuyến cáo người bệnh cần điều trị sớm. Điều trị càng sớm, khả năng thành công càng cao.
Cách điều trị hội chứng ruột kích thích
Điều trị hội chứng ruột kích thích muốn hiệu quả cần phối hợp nhiều phương pháp cả Tây y và Đông y, đặc biệt người bệnh cần điều chỉnh lối sống, thư giãn tâm lý. Bởi căn bệnh này rất dễ tái phát, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống cũng như sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.
Điều trị IBS bằng y học hiện đại
Y học hiện đại không có thuốc điều trị đặc hiệu cho IBS. Các thuốc hiện nay chủ yếu là thuốc điều trị triệu chứng như thuốc bổ sung chất xơ, thuốc chống tiêu chảy, thuốc chống co thắt… Trong trường hợp nặng, bác sĩ có thể phải kê thêm thuốc chống trầm cảm cho người bệnh.
Thuốc Tây chỉ có tác dụng giảm triệu chứng hội chứng ruột kích thích
Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy, một số loại lợi khuẩn như Lactobacillus rhamnosus có thể hỗ trợ giảm tình trạng đi ngoài do nhiễm trùng đường ruột, nâng cao sức đề kháng đường ruột. Vì thế người bệnh hội chứng ruột kích thích có thể sử dụng thêm để cải thiện triệu chứng tốt hơn.
Điều trị IBS bằng y học cổ truyền
Sử dụng thảo dược Đông y là một hướng điều trị ngày càng được nhiều người bệnh mắc IBS sử dụng vì tính an toàn và hiệu quả.
Theo Đông y, nguyên nhân gây hội chứng ruột kích thích là do rối loạn công năng các tạng phủ, đặc biệt là tỳ vị, thận, can và các yếu tố đàm thấp, huyết ứ. Do đó, việc sử dụng các vị thuốc kiện tỳ vị như Sử quân tử, Bạch truật, Mộc hương… sẽ giúp cải thiện các triệu chứng đau bụng, đầy chướng, đi ngoài, táo bón… do IBS gây ra hiệu quả.
Nghiên cứu hiện đại cũng cho thấy, các thảo dược kể trên có tính chống viêm, ức chế tiết các hormone gây căng thẳng nên cũng giúp thư giãn thần kinh đại tràng, đường ruột. Điều này lý giải tại sao những bệnh nhân IBS sử dụng thêm thảo dược ít bị tái phát hơn.
Các thảo dược, lợi khuẩn có tác dụng tốt với hội chứng ruột kích thích
Điều trị IBS bằng điều chỉnh lối sống
Để điều trị và phòng ngừa hội chứng ruột kích thích hiệu quả, người bệnh cần thực hiện tốt 1 số điểm sau:
- Ăn uống đúng giờ, lượng vừa phải, không nên ăn uống quá nhiều.
- Hạn chế ăn đồ ăn tanh, lạnh, cay, nhiều dầu mỡ, bia rượu, cà phê và những đồ ăn uống sinh hơi như: đồ uống có ga, các loại đậu, bắp cải, nho, táo...
- Tăng cường rau xanh chất xơ, hoa quả.
- Tập thể dục và xoa bụng theo khung đại tràng 30 phút mỗi ngày
- Tránh căng thẳng, lo âu, suy nghĩ.
Giải đáp một số câu hỏi về hội chứng ruột kích thích
Dưới đây là một số câu hỏi thường gặp về IBS:
Chẩn đoán hội chứng ruột kích thích như thế nào?
Hội chứng ruột kích thích được chẩn đoán dựa vào triệu chứng kết hợp với kết quả nội soi tiêu hóa và các xét nghiệm cận lâm sàng (xét nghiệm máu, phân…) để loại trừ các bệnh lý tiêu hóa khác.
Cách phòng ngừa hội chứng ruột kích thích?
Điều quan trọng nhất trong phòng ngừa hội chứng ruột kích thích là chế độ dinh dưỡng và thói quen sống. Cụ thể bạn cần:
- Ăn chậm, điều độ, không bỏ bữa.
- Hạn chế ăn các thực phẩm cay nóng nhiều, dầu mỡ và các thực phẩm đóng hộp, chế biến sẵn…
- Hạn chế rượu bia, đồ uống có gas và chứa chất kích thích.
- Tập thể dục, ngủ đủ giấc, giữ tinh thần thoải mái.
Lối sống lành mạnh là chìa khóa để phòng ngừa hội chứng ruột kích thích
Thuốc chữa hội chứng ruột kích thích tốt nhất là gì?
Không có loại thuốc nào được coi là tốt nhất cho hội chứng ruột kích thích. Tùy theo triệu chứng, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc khác nhau và để đạt hiệu quả tốt nhất, người bệnh cần phối kết hợp nhiều phương pháp điều trị khác nhau.
Hội chứng ruột kích thích nên ăn gì kiêng gì?
Thực tế người bị hội chứng ruột kích thích không cần kiêng khem quá mức. Thay vào đó người bệnh nên lắng nghe cơ thể mình để tránh những thực phẩm gây khó chịu cho đường tiêu hóa của bản thân.
Dưới đây là 1 số gợi ý về thực phẩm cho người bị IBS
- Nên ăn: Thực phẩm sạch, an toàn, không chứa hóa chất và chất bảo quản; Các món ăn chứa nhiều chất xơ như rau xanh, củ quả, trái cây; thực phẩm ít chất béo và nhiều carbohydrate, ví dụ mì ống, gạo, bánh mì ngũ cốc nguyên cám,...
- Nên hạn chế: Thực phẩm sống như rau sống, tiết canh, gỏi cá; Đồ cay, chua, dưa muối; Trái cây đóng hộp; Đồ chiên rán; Thực phẩm dễ sinh hơi như đậu, bắp cải, cảnh xanh, hành; Chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, cà phê; Sữa chứa nhiều chất béo và đường lactose…
Hội chứng ruột kích thích có thể dẫn đến nhiều bất tiện trong cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên hiểu về bệnh và có phương pháp điều trị đúng đắn sẽ giúp bạn thoát khỏi rủi ro này.
Bình luận