Da nhăn nheo là như thế nào? Cách khắc phục da bị nhăn nheo
Da nhăn nheo là da như thế nào?
Da nhăn nheo (nếp nhăn) là những nếp/đường gấp, rãnh trên da. Chúng phát triển như một quá trình lão hóa da tự nhiên của cơ thể. Mọi vùng da trên cơ thể đều có nguy cơ bị nhăn nheo. Tuy nhiên, những vùng da như mặt, mu bàn tay, cánh tay, mặt,… thường phổ biến và dễ nhận biết hơn.
Da nhăn nheo thường không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Tuy nhiên, chúng làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Một số trường hợp, tình trạng da nhăn nheo nghiêm trọng có thể gây lo lắng, khó chịu hoặc ảnh hưởng đến tâm lý của người bệnh.
Da nhăn nheo thường xuất hiện dưới dạng các đường/nếp gấp trên da
Nguyên nhân nào khiến da bị nhăn nheo?
Quá trình lão hóa là nguyên nhân chính gây ra tình trạng nhăn nheo. Ngoài ra sẽ có những nguyên nhân khác như tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, sự chuyển động của cơ mặt, chế độ ăn uống,… Cụ thể như sau:
Da nhăn nheo do lão hóa
Theo tuổi tác, tế bào da thực hiện quá trình phân chia chậm hơn, lớp trung bì của da cũng bị mỏng hơn. Lúc này, collagen, elastin, các sợi protein ở lớp hạ bị giảm hoặc bị mất đi. Tính đàn hồi của da cũng sẽ bị giảm theo, cấu trúc bề mặt da thay đổi. Những sự biến đổi này gây ra tình trạng da nhăn nheo.
Các chất béo trên bề mặt da cũng sẽ bị giảm dần theo thời gian khiến cho các vết nhăn trở nên sâu hơn. Da cũng bị kém hấp thu và khả năng duy trì độ ẩm suy giảm, bã nhờn tiết ra không đủ đáp ứng được nhu cầu của da. Điều này khiến cho da bị khô và tăng khả năng hình thành da nhăn nheo.
Sự chuyển động trên cơ mặt
Những người thường xuyên sử dụng cơ mặt nhiều hoặc thường xuyên cau mày, nheo mắt, mỉm cười sẽ khiến cho cơ mặt bị co lại. Theo thời gian, những cơ bị co không thể thư giãn ra, kèm theo với lực kéo của trọng lực và gây ra tình trạng da nhăn nheo.
Những vết nhăn do sự chuyển động trên cơ mặt có thể thay đổi theo thời gian. Chúng sẽ xuất hiện với những đường nhỏ kéo dài dọc từ môi trên đến nếp nhăn sâu giữa mắt. Sau đó sẽ bắt đầu xuất hiện các nếp gấp ở mũi hoặc kéo dài từ mũi đến khóe miệng (đường cười).
Những người thường xuyên mỉm cười có thể bị da nhăn nheo ở vùng mắt
Một số nguyên nhân, yếu tố tác nhân khác
Ngoài 2 nguyên nhân chủ yếu ở trên, da nhăn nheo còn có thể xuất hiện sớm hơn dưới tác động của những yếu tố khác. Ví dụ như:
Tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời
Tia cực tím (UV) có trong ánh nắng mặt trời là tác nhân gây ra 90% quá trình lão hóa da sớm. Điều này cũng kéo theo tình trạng da bị nhăn nheo sớm và nghiêm trọng hơn.
Khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời trong thời gian dài có thể làm hỏng các sợi collagen ở lớp hạ bì, các sợi elastin tích tụ với mức độ bất thường. Khi đó, enzym metalloproteinase được kích thích sản xuất với số lượng lớn hơn để tăng sinh collagen. Quá trình này lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ khiến cho các nếp da nhăn nheo được hình thành.
Hút thuốc lá thường xuyên
Thuốc lá làm chậm quá trình sản xuất collagen ở da. Như đã nhắc đến ở trên, sự suy thoái, thiếu hụt collagen sẽ khiến cho các nếp nhăn nheo trên da hình thành sớm hơn.
Thói quen chăm sóc da
Việc thay đổi, áp dụng quá nhiều liệu trình, biện pháp chăm sóc da trong thời gian ngắn cũng có thể khiến cho da bị khô, nhạy cảm hơn. Từ đó da sẽ dễ bị kích ứng hơn, các protein như collagen, elastin dễ bị tổn thương và tạo ra các nếp nhăn.
Chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt
Quá trình lão hóa da có thể diễn ra sớm hơn nếu bạn có chế độ ăn uống, thói quen sinh hoạt, tập thể dục không lành mạnh. Những yếu tố này có thể tác động đến kết cấu da, màu da, giảm sản xuất collagen tại làn da.
Chế độ dinh dưỡng không khoa học là một tác nhân làm da nhăn nheo
Cách khắc phục da nhăn nheo
Hiện có rất nhiều phương pháp giúp khắc phục tình trạng da nhăn nheo. Tùy thuộc vào từng mức độ, nguyên nhân mà bạn có thể lựa chọn phương pháp phù hợp.
Sử dụng kem bôi tại chỗ
Những loại kem bôi tại chỗ là giải pháp đầu tiên được nhiều người lựa chọn để giảm tình trạng da nhăn nheo bởi hiệu quả, tính tiện dụng. Bạn nên ưu tiên những sản phẩm có chứa các thành phần sau:
Kem bôi có chứa Retinoids
Đây cũng là một trong những thành phần được chứng minh có hiệu quả với tình trạng da nhăn nheo, lão hóa sớm. Retinoids là dẫn xuất có nguồn gốc từ vitamin A. Khi sử dụng có thể đem lại kết quả sau vài tuần đến vài tháng.
Tuy nhiên, không phải loại da nào cũng có thể sử dụng sản phẩm có chứa thành phần này. Ngoài ra, Retinoids có thể gây ra tình trạng kích ứng tạm thời như đỏ, ngứa, rát, khô,…
Kem bôi có chứa thành phần Silica
Đây cũng là một trong những thành phần có thể giúp giảm thiểu được tình trạng da nhăn nheo. Silica là một hoạt chất được chiết xuất từ lá tre. Khi sử dụng kết hợp với các thành phần khác như collagen, cao hoa hồng, kẽm gluconat sẽ giúp xây dựng, tái tạo lại mô liên kết cho da.
Ngoài ra, sự phối hợp này cũng giúp da được bổ sung lượng collagen thiếu hụt, chống oxy hóa, chống lại gốc tự do, tăng độ đàn hồi cho da. Đặc biệt, khi bạn sử dụng những sản phẩm có chứa cả Silica và Collagen có thể tạo ra được hiệu quả giảm nhăn nheo, khô da bền vững hơn.
Silica có thể cải thiện độ đàn hồi ở làn da bị nhăn nheo
Kem bôi có chứa Axit alpha-hydroxy, vitamin A, C, E
Axit alpha-hydroxy là một loại axit trái cây bao gồm 2 thành phần chính là axit lactic và axit glycolic có tác dụng giúp loại bỏ tế bào chết trên da, kích thích sự phát triển da mới. Trong khi đó, những loại vitamin như A,C, E… được xem là các chất chống oxy hóa có khả năng cải thiện nếp nhăn nhẹ.
Các thủ thuật giảm nhăn nheo khác
Ngoài sử dụng kem bôi tại chỗ, một số phương pháp khác cũng đang được sử dụng để giúp làm giảm tình trạng da nhăn nheo. Ví dụ như:
Dermabrasion (mài mòn da): Là thủ thuật làm mòn lớp da bị nhăn trên bề mặt. Phương pháp này được sử dụng để xóa các nếp nhăn nhỏ ở mức độ nhẹ. Tuy nhiên, Dermabrasion sẽ gây ra tình trạng vảy, sưng tấy, màu da bị thay đổi. Những tác dụng phụ này có thể biến mất sau từ 2 tuần đến vài tháng.
Microdermabrasion: Là phương pháp phun các tinh thể oxit nhôm lên bề mặt da để giúp khôi phục lại sự tươi trẻ của làn da. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ giúp cải thiện tình trạng trong thời gian ngắn và bạn sẽ cần thực hiện thường xuyên.
Sử dụng các liệu pháp tái tạo da: Ví dụ như liệu pháp laser không bóc tách, liệu pháp tần số vô tuyến RF, liệu pháp nguồn sáng xung, liệu pháp quang động (PDT),… Để những liệu pháp này có thể nhìn thấy được hiện quả, bạn sẽ cần kiên trì điều trị trong một thời gian khá dài.
Tiêm độc tố Botox (botulinum loại A): Độc tố này sẽ được tiêm với một lượng rất nhỏ và tùy thuộc vào từng vùng da nhăn nheo khác nhau để xác định được liều cụ thể. Tuy nhiên, hiệu quả chỉ kéo dài khoảng phải tháng và bạn sẽ phải tiêm lại để duy trì tình trạng da.
Sử dụng chất độn mô mềm: Bao gồm chất béo, axit hyaluronic, collagen,… để tiêm trực tiếp vào các nếp nhăn. Phương pháp này có thể khiến bạn bị các tác dụng phụ như sưng, đỏ, bầm tím tạm thời và kết quả chỉ kéo dài ngắn hạn.
Phẫu thuật nâng cơ mặt: Phương pháp này khá tốn kém và hiệu quả không được vĩnh viễn. Bạn sẽ cần phải thực hiện lại phẫu thuật sau vài năm.
Microdermabrasion là một biện pháp giúp khôi phục làn da nhăn nheo
Biện pháp khắc phục tại nhà
Bên cạnh những cách điều trị ở trên, bạn có thể áp dụng thêm một số biện pháp khác tại nhà để khắc phục tình trạng da nhăn nheo tốt hơn. Ví dụ như:
- Thường xuyên sử dụng kem chống nắng và các biện pháp khác để bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời.
- Xây dựng thói quen chăm sóc da khoa học, bao gồm việc lựa chọn loại kem dưỡng ẩm phù hợp với làn da, thường xuyên tẩy tế bào chết (2 – 3 lần/tuần), …
- Hạn chế hoặc bỏ thuốc lá.
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều trái cây, rau củ quả, vitamin,… Bổ sung đủ nước cho cơ thể.
Trên đây là một số thông tin về tình trạng da nhăn nheo. Đây là hiện tượng tự nhiên của cơ thể và bạn không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, bạn có thể áp dụng các phương pháp được nhắc đến trong bài viết để làm chậm quá trình da bị nhăn nheo.
Nếu bạn còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến tình trạng da nhăn nheo, hãy để lại bình luận hoặc số điện thoại dưới bài viết. Đội ngũ chuyên gia sẽ hỗ trợ giải đáp chi tiết cho bạn.
Tham khảo
https://wexnermedical.osu.edu/blog/stop-doing-these-6-things-that-cause-wrinkles
Bình luận