Thế nào là suy dinh dưỡng?

Suy dinh dưỡng thường được hiểu là cơ thể không thể cung cấp đủ năng lượng và chất dinh dưỡng để đáp ứng được nhu cầu hoạt động cơ bản và duy trì một sức khoẻ tốt cho con người. Hay lúc này, cơ thể đang bị thiếu, thừa hoặc mất cân bằng các chất dinh dưỡng cần thiết. Suy dinh dưỡng có thể diễn ra ở cả trẻ em và người lớn nhưng nhiều hơn ở nhóm đối tượng là trẻ em.

Bạn cũng cần lưu ý rằng, suy dinh dưỡng cũng có thể xảy ra cả ở nhóm trẻ bị thiếu - thừa cân khi bị thiếu hụt bất kỳ nhóm dinh dưỡng nào. Theo thống kê tại Mỹ, số trẻ bị suy dinh dưỡng do mất cân bằng chế độ ăn nhiều hơn so với trẻ bị thiếu hụt dinh dưỡng. WHO năm 2020 cũng đã có thống kê ước tính rằng, có 149 triệu trẻ em quá gầy và nhẹ cân so với chiều cao và 38,9 triệu trẻ thừa cân hoặc béo phì.

Hiện nay, để đánh giá và xác định tình trạng suy dinh dưỡng, các chỉ tiêu nhân trắc (cân nặng theo tuổi, chiều cao theo tuổi và cân nặng theo chiều cao) được lựa chọn sử dụng. Theo chuẩn tham khảo năm 2006 của WHO, suy dinh dưỡng được chia thành 4 nhóm chính:

  • Suy dinh dưỡng thể gầy còm: Tỷ lệ cân nặng và chiều cao thấp.
  • Suy dinh dưỡng thể thấp còi: Tỷ lệ chiều cao theo tuổi thấp.
  • Suy dinh dưỡng thể nhẹ cân: Bao gồm cả thể gầy còm và thấp còi.
  • Suy dinh dưỡng thiếu hụt vitamin và khoáng chất.

suy-dinh-duong-co-the-dien-ra-o-ca-nguoi-lon-va-tre-em.webp

Suy dinh dưỡng có thể diễn ra ở cả người lớn và trẻ em

Nguyên nhân gây ra suy dinh dưỡng

Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra suy dinh dưỡng nghiêm trọng. Tùy thuộc vào từng đối tượng, nguyên nhân gây ra suy dinh dưỡng có thể khác biệt nhau. Ở bài viết này, nguyên nhân gây suy dinh dưỡng được chia ra thành 5 nhóm đối tượng chính. Bao gồm:

Suy dinh dưỡng của bé ở giai đoạn thai kỳ

Nếu trẻ bị suy dinh dưỡng từ thời kỳ thai nhi còn trong bụng mẹ, trẻ có thể bị chậm phát triển hoặc các vấn đề khác khi sinh ra. Suy dinh dưỡng của bé trong giai đoạn thai kỳ có thể xuất phát từ những nguyên nhân sau:

  • Chế độ dinh dưỡng của mẹ không đầy đủ: Đặc biệt khi mẹ bị thiếu hụt nhóm protein có thể khiến trẻ bị chậm phát triển hơn.
  • Bệnh lý nền của mẹ: Nếu mẹ đang bị các bệnh lý mạn tính như thiếu máu, tim mạch, thận,... hoặc bị các bệnh nhiễm trùng, sốt rét, HIV,... cũng là nguyên nhân dẫn đến thai nhi không được cung cấp đủ dinh dưỡng.
  • Bệnh của thai nhi: Trong một số trường hợp khác, nếu trong quá trình mang thai, nhau thai bị tổn thương bánh nhau hoặc những bệnh nhau thai khác cũng sẽ dẫn đến sự rối loạn về dinh dưỡng được cung cấp đến trẻ.

tre-bi-suy-dinh-duong-giai-doan-thai-ky-co-the-dan-den-cham-phat-trien-ve-sau.webp

Trẻ bị suy dinh dưỡng giai đoạn thai kỳ có thể dẫn đến chậm phát triển về sau

Suy dinh dưỡng ở trẻ em

Tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em mỗi độ tuổi sẽ có những nguyên nhân khác biệt nhau. Cụ thể như:

Ở trẻ sơ sinh - dưới 6 tháng tuổi:

  • Trẻ bú mẹ không thường xuyên hoặc trong thời gian quá ngắn.
  • Trẻ không được bú sữa mẹ mà bị thay thế hoàn toàn bằng sữa công thức hoặc sữa bò, điều này cũng khiến cho trẻ có nguy cơ cao bị thiếu dinh dưỡng do sữa bị pha quá loãng hoặc bị nhiễm khuẩn từ cốc, thìa, bình trong quá trình pha sữa.

Ở trẻ từ 6 tháng tuổi - 5 tuổi:

  • Trẻ được cho ăn dặm quá muộn hoặc thức ăn dặm không phù hợp với nhu cầu của trẻ. Thức ăn không phù hợp với khẩu vị khiến trẻ không yêu thích bữa ăn và bỏ bữa.
  • Thức ăn của trẻ có lượng dinh dưỡng quá nghèo nàn hoặc trẻ không được cho ăn thường xuyên. Vì trẻ có dạ dày nhỏ nên cần được ăn thức ăn có chất lượng dinh dưỡng cao và được cho ăn thành nhiều bữa trong ngày.

>>> XEM THÊM: Nguyên nhân trẻ biếng ăn và 3 cách giúp trẻ ăn ngon miệng hơn

Trẻ em ở độ tuổi đi học

Ở độ tuổi này, trẻ ít mắc các tình trạng suy dinh dưỡng hơn do đã phát triển khả năng miễn dịch đối với các bệnh nhiễm trùng thông thường, trẻ đã có thể hỏi và tự đi tìm kiếm thức ăn khi đói. Bên cạnh đó, dạ dày của trẻ cũng đã đủ lớn cho việc hấp thu đủ chất dinh dưỡng cho một bữa ăn, đáp ứng đủ nhu cầu về dinh dưỡng để trẻ có thể hoạt động và phát triển bình thường. 

Mặc dù có tỷ lệ suy dinh dưỡng ở độ tuổi này không cao, những trẻ em trong độ tuổi đi học vẫn có thể phát triển chậm hơn so với những đứa trẻ khác. Ở tuổi dậy thì nhu cầu chất dinh dưỡng tăng đột biến do trẻ lớn nhanh và hoạt động rất nhiều. Ngoài ra, một số bé có thể bị suy dinh dưỡng do bố mẹ thiếu kiến thức về dinh dưỡng hoặc do bị rối loạn vi khuẩn, hệ vi sinh đường ruột.

roi-loan-he-vi-sinh-duong-ruot-co-the-khien-tre-bi-suy-dinh-duong.webp

Rối loạn hệ vi sinh đường ruột có thể khiến trẻ bị suy dinh dưỡng

Một số yếu tố rủi ro khác gây suy dinh dưỡng

Ngoài trẻ em, người lớn cũng có thể bị suy dinh dưỡng. Thực tế  cho thấy, có rất nhiều người lớn gặp phải các vấn đề về dinh dưỡng hay bị suy dinh dưỡng. Ngoài những nguyên nhân suy dinh dưỡng trên, sẽ có thêm các tác nhân, yếu tố rủi ro khác gây ra tình trạng thiếu hụt chất dinh dưỡng ở cả người lớn, trẻ em như sau:

  • Chế độ ăn kiêng thiếu hụt một số nhóm chất: Ví dụ như các chế độ ăn kiêng cắt giảm carbohydrate, cắt giảm chất béo.
  • Cơ thể kém hấp thu do bị các bệnh lý liên quan đến đường ruột, hoặc vừa thực hiện các cuộc phẫu thuật liên quan đến vùng bụng.
  • Lượng năng lượng vận động thấp hơn so với nhu cầu của cơ thể cũng khiến nhiều người bị suy dinh dưỡng.
  • Sử dụng một số nhóm thuốc có tác dụng phụ gây biếng ăn, chán ăn, buồn nôn, tiêu chảy cũng có thể khiến thâm hụt các chất dinh dưỡng.
  • Những yếu tố khác như đau răng, làm răng giả, các bệnh tâm lý, kiến thức về dinh dưỡng không đủ, thu nhập thấp, nghiện rượu hoặc ma túy.

Dấu hiệu nhận biết suy dinh dưỡng

Dấu hiệu nhận biết rõ ràng nhất của suy dinh dưỡng là sự thiếu hụt chất béo trong cơ thể (mô mỡ) dẫn đến sụt cân nhanh chóng ngoài ý muốn. Bên cạnh đó, một số dấu hiệu liên quan khác. Cụ thể như sau: 

Giảm cân - dấu hiệu đặc trưng của thiếu dinh dưỡng

Hầu hết trẻ bị suy dinh dưỡng có dấu hiệu giảm cân ngoài ý muốn. Tuy vậy, cũng có một số trường hợp cân nặng vẫn đảm bảo hoặc thậm chí thừa cân béo phì nhưng vẫn bị xếp vào nhóm suy dinh dưỡng. Những trường hợp này thường xảy ra khi trẻ thiếu hụt một vài nhóm như vitamin, khoáng chất trong chế độ ăn uống.

Nếu bạn hoặc trẻ đang có những dấu hiệu sau đây về cân nặng, có thể bạn đã bị suy dinh dưỡng:

  • Giảm từ 5 - 10% trọng lượng cơ thể trong thời gian 3 - 6 tháng.
  • Chỉ số khối BMI dưới 18.5, một số người dưới 20 cũng có thể được xếp vào nhóm nguy cơ.
  • Bạn cảm thấy quần áo của trẻ hoặc của bạn rộng hơn bình thường.

Một số triệu chứng khác của suy dinh dưỡng

Ngoài triệu chứng chính là giảm cân, bạn có thể quan sát thêm các triệu chứng sau đây ở cả trẻ em và người lớn. Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng bất thường nào đi kèm giảm cân, có thể bạn hoặc trẻ đã bị suy dinh dưỡng:

  • Luôn cảm thấy chán ăn hoặc giảm cảm giác thèm ăn, không có hứng thú với đồ ăn.
  • Mệt mỏi, kém tập trung, luôn luôn cảm thấy lạnh, cáu kỉnh và thờ ơ với mọi người.
  • Da trở lên mỏng và rất khô, thiếu sự đàn hồi, xanh xao và thường lạnh.  Lớp mỡ trên mặt mất đi làm cho má hóp lại và mắt trũng sâu. Tóc khô và rụng đi rất nhiều.
  • Mất nhiều thời gian phục hồi hơn sau khi bị ốm, tình trạng ốm diễn ra thường xuyên hơn.
  • Trẻ em tăng trưởng chậm lại hoặc không tăng trưởng.

giam-can-la-mot-dau-hieu-pho-bien-cua-suy-dinh-duong.webp

Giảm cân là một dấu hiệu phổ biến của suy dinh dưỡng

Các phương pháp chẩn đoán suy dinh dưỡng

Nếu bạn hoặc trẻ đang có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ nào được nhắc đến ở phần trên, nên tiến hành đến gặp bác sĩ để được thăm khám, chẩn đoán cụ thể và chính xác hơn. Trong điều kiện không cho phép, để kiểm tra và chẩn đoán suy dinh dưỡng, bác sĩ hoặc các nhân viên y tế thường sử dụng dụng cụ đo chu vi bắp tay để kiểm tra lượng cơ và mỡ. Bên cạnh đó, một số phương pháp khác để chẩn đoán suy dinh dưỡng gồm có:

  • Chỉ số nhân trắc (đo chiều cao và cân nặng).
  • Tính chỉ số BMI (chỉ số khối của cơ thể)  theo tuổi: Công thức tính đơn giản của BMI là bằng (trọng lượng cơ thể)/(chiều cao x chiều cao). 
  • Tỷ lệ phần trăm cân lý tưởng: Tính bằng cân nặng hiện tại/ cân nặng lý tưởng theo chiều cao hoặc theo tuổi.
  • Thực hiện một số xét nghiệm cần thiết như xét nghiệm máu, xét nghiệm chỉ số protein prealbumin, xét nghiệm albumin (chỉ số liên quan đến gan, thận).
  • Dựa vào các triệu chứng lâm sàng khác.

Hậu quả của suy dinh dưỡng cấp và mãn tính

Suy dinh dưỡng kéo dài gây ra cho nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em, thậm chí là tử vong nếu không được chữa trị kịp thời. Hậu quả dễ gặp nhất của suy dinh dưỡng ở cả trẻ em và người lớn là nó ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng, sự phát triển và phục hồi của tất cả các hệ cơ quan trong cơ thể. Cụ thể như sau:

Ảnh hưởng đến sự tăng trưởng, phát triển ở trẻ

Hậu quả suy dinh dưỡng đến sự tăng trưởng và phát triển bình thường của trẻ em có thể bao gồm:

Ở trẻ sơ sinh: Làm tăng tỷ lệ mắc bệnh và tử vong của thai nhi và trẻ mới sinh. Trẻ chậm phát triển cảm xúc và trí tuệ. Chậm phát triển chiều cao, nhẹ cân và có thể dẫn đến còi cọc vĩnh viễn. Trẻ dễ có khuynh hướng mắc các bệnh mãn tính liên quan tới dinh dưỡng như béo phì, tiểu đường hay các bệnh về tim mạch sau này.

Trẻ từ 6 tháng trở lên: Trẻ chậm lớn và thường xuyên mắc các bệnh nhiễm trùng kéo dài với mức độ nghiêm trọng. Suy dinh dưỡng góp phần làm cho trẻ trở nên biếng ăn, từ đó tạo nên một vòng tròn bệnh lý luẩn quẩn làm trẻ suy nhược nghiêm trọng.

Trẻ em ở độ tuổi đi học: Thiếu máu và chất dinh dưỡng thường thấy ở trẻ em gái khi các em bắt đầu dậy thì và có kinh nguyệt. Trẻ em gái đang tuổi vị thành niên mang thai có nguy cơ bị suy dinh dưỡng rất cao.

suy-dinh-duong-anh-huong-truc-tiep-den-su-phat-trien-cua-be.webp

Suy dinh dưỡng ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của bé

Hậu quả đến hệ cơ quan ở trẻ em và người lớn

Ngoài tác động đến sự tốc độ tăng trưởng, phát triển của trẻ, thiếu hụt dinh dưỡng còn để lại những hậu quả nguy hiểm khác lên các hệ cơ quan trong cơ thể. Bao gồm những hậu quả sau:

Ảnh hưởng đến chức năng cơ: Thiếu hụt dinh dưỡng, đặc biệt là nhóm chất béo khiến khối lượng cơ bị thay đổi, dẫn đến các chức năng của cơ bị suy giảm theo.

Ảnh hưởng đến chức năng của tim - hô hấp: Suy dinh dưỡng khiến khối lượng cơ tim bị suy giảm, các vi chất dinh dưỡng cho chức năng của tim, hô hấp bị giảm ảnh hưởng nghiêm trọng đến những cơ quan này.

Ảnh hưởng đến dạ dày: Suy dinh dưỡng ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến dạ dày, đặc biệt tình trạng suy dinh dưỡng mãn tính. Lúc này, hệ tiêu hóa GI bị rối loạn chức năng, dẫn đến tiêu chảy. Đây là yếu tố có liên quan cao đến tỷ lệ tử vong ở người bị suy dinh dưỡng.

Ảnh hưởng đến hệ miễn dịch: Tăng nguy cơ bị nhiễm trùng, chậm lành vết thương.

Ảnh hưởng tâm lý: Dễ dẫn đến trầm cảm, bỏ bê bản thân hoặc có ý định tự sát nghiêm trọng.

Những phương pháp điều trị và phòng tránh suy dinh dưỡng 

Các giải pháp điều trị hay phòng tránh suy dinh dưỡng sẽ phụ thuộc chủ yếu vào nguyên nhân, mức độ suy dinh dưỡng hiện tại của trẻ. Dựa vào những số liệu đó, bác sĩ hoặc các chuyên viên về dinh dưỡng sẽ có các biện pháp phù hợp cho trẻ hoặc người bị suy dinh dưỡng. Cụ thể như sau.

Thực hiện thay đổi, bổ sung chế độ ăn uống

Với việc cải thiện, thay đổi và bổ sung chế độ dinh dưỡng, sẽ có đôi chút sự khác biệt ở từng nhóm đối tượng khác nhau. Bao gồm:

Cải thiện dinh dưỡng cho mẹ ở thời kỳ mang thai: 

  • Sản phụ cần bổ sung sắt và acid folic trong suốt quá trình mang thai.
  • Sản phụ và người thân cần có kiến thức chăm sóc trước và sau sinh, cách phát hiện, điều trị suy dinh dưỡng.
  • Cần theo dõi thai kỳ chặt chẽ, khám thai định kỳ theo yêu cầu của bác sĩ.
  • Tăng khẩu phần ăn và đa dạng nguồn thực phẩm cho mẹ lúc mang thai.
  • Điều trị dứt điểm bệnh của mẹ trước khi mang thai hoặc trong quá trình mang thai.

nguoi-me-can-co-nhung-kien-thuc-ve-dinh-duong-tu-som.webp

Người mẹ cần có những kiến thức về dinh dưỡng từ sớm

Trẻ sơ sinh từ 0 đến 6 tháng

  • Đảm bảo rằng trẻ được bú trong vòng 1h sau khi sinh (trừ khi trẻ không thể bú). Sữa non rất giàu dinh dưỡng và bảo vệ cho trẻ chống lại các bệnh nhiễm trùng. Cho trẻ bú thường xuyên cách 2-3 tiếng/lần.
  • Trẻ nên bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Bên cạnh việc trẻ có được sức đề kháng từ mẹ, chất dinh dưỡng có trong sữa mẹ đã cung cấp đủ cho nhu cầu phát triển của trẻ.
  • Chia nhỏ bữa ăn thành nhiều bữa trong ngày, cho ăn với một lượng nhỏ trước rồi tăng dần lượng thức ăn.
  • Hướng dẫn trẻ vệ sinh răng miệng và rửa tay trước khi ăn, bên cạnh đó các dụng cụ ăn của trẻ cũng cần được rửa sạch và diệt khuẩn.
  • Nếu trẻ bị tiêu chảy, không cho trẻ ăn vội để tránh tình trạng tiêu chảy trở lên nghiêm trọng hơn. Trong khoảng thời gian này, trẻ nên được truyền chất dinh dưỡng và điều trị dứt điểm tiêu chảy.

Trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi

  • Trẻ nên được bú sữa mẹ đến ít nhất là 2 tuổi.
  • Thức ăn giàu năng lượng và chất dinh dưỡng, đa dạng về nguyên liệu chế biến món ăn.
  • Ăn đúng giờ, đúng bữa, không cho trẻ vừa ăn vừa chơi.
  • Thức ăn không quá chua, quá mặn hoặc nhiều đường, sữa động vật nên được đun sôi trước khi cho trẻ uống.
  • Thức ăn hợp vệ sinh, mềm và dễ ăn
  • Trẻ 6 tháng cho ăn từ 2-3 lần/ ngày, tăng lên 4 lần/ ngày khi trẻ được 1 tuổi.
  • Không ép trẻ ăn, bổ sung vitamin A trong trong thức ăn hay thực phẩm bảo vệ sức khỏe cho trẻ từ 6 tháng tuổi cho đến khi trẻ được 5 tuổi.

tre-thich-thu-voi-nhung-mon-an-ngon.webp

Trẻ thích thú với những món ăn ngon

Trẻ em ở độ tuổi đi học

  • Trẻ cần ăn ba bữa một ngày với các loại thức ăn khác nhau, trẻ học tập và hoạt động tốt hơn nếu được ăn sáng và có bữa ăn nhẹ vào buổi chiều.
  • Ở tuổi dậy thì, khẩu phần ăn của trẻ nhiều hơn, cần các thực phẩm bổ sung có hàm lượng dinh dưỡng cao.
  • Giáo dục giới tính cho trẻ, tránh để trẻ mang thai ở tuổi vị thành niên.

Người lớn

Những người gặp khó khăn trong việc ăn thức ăn rắn có thể bổ sung dinh dưỡng bằng cách truyền dinh dưỡng hoặc ăn các thức ăn dạng lỏng. Thông thường, thức ăn có chứa lactose hoặc được bổ sung lactose (các sản phẩm từ sữa) bị hạn chế do người suy dinh dưỡng thường gặp khó khăn trong việc tiêu hóa lactose dẫn đến tiêu chảy kéo dài.

Phụ nữ cần được hỗ trợ về tâm lý và thể chất khi mang thai, đặc biệt khi họ có con lần đầu. Nên để 2-3 năm giữa các lần mang thai để bồi bổ lại sức khỏe cho sản phụ.

Nguyên tắc chung cho người bị suy dinh dưỡng

Trẻ hoặc người bị suy dinh dưỡng cần đảm bảo những nguyên tắc chung trong chế độ ăn uống hàng ngày như sau:

  • Lựa chọn những thực phẩm lành mạnh và tốt cho sức khỏe, tăng cường ăn hoa quả, rau xanh. Hạn chế ăn dầu mỡ, đường, muối, đồ uống có cồn hay chất kích thích.
  • Ăn đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng chính: chất đạm, chất béo, chất đường bột, vitamin và khoáng chất. Giảm thiểu mỡ động vật, không ăn quá mặn hay quá nhiều đường
  • Bổ sung đạm động vật từ cá, tôm, cua, trứng,... lựa chọn các rau củ giàu vitamin A như ớt chuông, bí ngô, khoai lang, rau lá xanh. Ưu tiên các loại chất béo, đạm từ thực vật như các loại đỗ, đậu, ngũ cốc nguyên hạt, sữa đậu nành hay đậu phụ.
  • Đa dạng hơn về cách chế biến món ăn.

Ngoài ra, nên bổ sung thêm các loại sản phẩm như cốm tiêu hoá, sữa cho trẻ biếng ăn, chậm lớn. Đặc biệt là sản phẩm có chứa lợi khuẩn Bacillus subtilis được kết hợp với các chất có lợi cho sức khỏe hệ tiêu hóa của trẻ như inulin, fructose, vitamin nhóm B, magnesium, zinc, calcium, L-lysine, taurine. Ngoài ra, sử dụng phối hợp cùng một số loại thảo dược như Cao bạch truật, Sơn tra, Hoài sơn có tác dụng cải thiện chứng đầy bụng, ợ chua, kém tiêu, kích thích tiêu hóa, giúp trẻ ăn ngon.

Bên cạnh đó, các thành phần khác nên được bổ sung trong sản phẩm giúp nâng cao hệ miễn dịch nên có là fructo-oligosaccharides (FOS) và inulin. Hai thành phần này đã được chứng minh trong một nghiên cứu tại Anh cho thấy chúng có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nếu được tiêu thụ thường xuyên. Những lợi ích sức khỏe bao gồm tăng cường hấp thụ khoáng chất và cải thiện phản ứng miễn dịch và trong khi có nhiều bằng chứng cho thấy prebiotics đóng một vai trò trong việc ngăn ngừa ung thư đại trực tràng

Suy dinh dưỡng hoàn toàn có thể khắc phục bằng một chế độ ăn uống khoa học và hợp lý. Giữ một tinh thần thoải mái, tăng cường vận động thể dục thể thao sẽ giúp cho cơ thể chúng ta khoẻ mạnh và đẩy lùi bệnh tật. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến suy dinh dưỡng, vui lòng để lại thông tin liên hệ để được chúng tôi tư vấn sớm nhất.

Tham khảo:

https://www.slideshare.net/ThanhLiemVo/bai-308-suy-dinh-duong-29547032

http://viendinhduong.vn/vi/pho-bien-kien-thuc-chuyen-mon/suy-dinh-duong-protein-nang-luong.html

https://nutrihome.vn/phan-loai-suy-dinh-duong-o-tre-theo-cap-do/

https://www.msdmanuals.com/home/disorders-of-nutrition/undernutrition/undernutrition

 

 

Dược sĩ Đoàn Xuân

box-bbg.webp

Bình luận