Dưới đây là một số phương pháp chống ngậm, kích thích trẻ ăn ngon hơn, các mẹ hãy tham khảo nhé.

1. Tập cho bé ăn lợn cợn dần: Từ chén cháo loãng, nhuyễn đến cháo hạt với thịt, cá, rau lổn nhổn, cháo đặc, các loại bún, mỳ phở… rồi đến cơm nát, sau đó bé mới nhai được cơm hạt với thịt, cá, rau xé nhỏ, cắt nhuyễn.

2. Bé nuốt cơm khô hơi khó, nếu thấy bé đã nhai nát cơm nhưng chưa nuốt, các mẹ có thể cho bé nhấp một tí nước lọc, nước canh, hay một miếng trái cây nhỏ (đu đủ, nho, táo ), muỗng yaourt… để bé đưa thức ăn xuống dễ dàng hơn.

3. Mẹ nên giải thích cho bé hiểu răng dùng để làm gì. Hãy vừa nói, vừa làm mẫu cho bé tập nhai theo.

4. Động viên khuyến khích bé làm tốt nhiệm vụ dinh dưỡng cao cả: “Nuốt cơm xuống bụng đi, cơm sẽ giúp con chạy nhanh hơn, thịt, cá, sẽ làm chân con cứng cáp, leo cao hơn…”.

5. Cảnh báo con về những tác hại của việc ngậm cơm: “Con mà cứ ngậm cơm hoài như vậy coi chừng con sâu sẽ ăn luôn răng con đó”.

6. Làm cho bữa cơm của bé vui vẻ, hào hứng hơn: Cho bé ăn cùng với gia đình, rủ bạn bé của bé đến cùng ăn…

7. Hỗ trợ bé nuốt: Thử dùng tay nâng cằm bé lên một chút, hay vuốt ve nhẹ phía ngoài cổ từ trên xuống dưới cho bé nuốt.

8. Đôi khi bé ngậm là để phản đối việc ăn, vì vậy, các mẹ hãy để cho bé thoải mái hơn một chút: Cho bé lựa chọn món ăn, cái bát bé thích, cho bé tự xúc bằng thìa, đũa, hay cùng lắm là cho bé bốc ăn (Nhưng nhớ rửa tay bé thật sạch trước khi ăn).

Các mẹ nên nhớ là phải phòng tránh tật ngậm cơm ở bé ngay từ những ngày đầu khi bé mới tập ăn cháo, ăn cơm, vì nếu để bé ngậm cơm kéo dài thành tật thì rất khó sửa đổi.

Ngoài ra, mẹ cũng cần lưu ý những lý do như mọc răng, đau họng… hoặc thức ăn không hợp khẩu vị của bé sẽ khiến bé lười ăn và ăn chậm. Và tất nhiên, việc áp dụng thực đơn đa dạng, thay đổi thường xuyên cũng sẽ giúp bé thích ăn hơn và ăn ngon miệng hơn.

Bình luận