Tìm hiểu về Vitamin B6 là gì?

Vitamin B6 là 1 trong 8 loại vitamin B có thể tan trong nước. Loại vitamin này còn được gọi với tên khác là Pyridoxine. Đây là loại vitamin có thể tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm tự nhiên. Vitamin B6 là tên gọi chung của 4 loại hợp chất có chung hoạt tính khác nhau. Bao gồm:

  • Pyridoxine (một loại rượu).
  • Pyridoxal (một loại andehit).
  • Pyridoxamine (chứa nhóm amin).
  • Các Este 5’-photphat.

Trong đó, có dạng Pyridoxamine 5' phosphate (PMP) và Pyridoxal 5 'phosphate (PLP) là hai loại coenzyme hoạt động của vitamin B6. Với dạng coenzyme, vitamin nhóm B này sẽ thực hiện nhiều chức năng khác nhau trong cơ thể.

Cơ thể bình thường của con người sẽ không dự trữ vitamin B6 và có thể đào thải lượng dư thừa bất kỳ lúc nào qua nước tiểu. Do đó, bạn nên bổ sung loại vitamin này hàng ngày để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.

vitamin-b6-la-nhom-vitamin-b-hoa-tan-trong-nuoc.webp

Vitamin B6 là nhóm vitamin B hòa tan trong nước

Vitamin B6 có tác dụng gì?

Trong cơ thể, vitamin B6 tham gia vào hơn 100 phản ứng enzyme khác nhau. Chủ yếu sẽ là các phản ứng liên quan đến chuyển hóa protein. Ngoài ra, vitamin B6 sẽ tham gia vào quá trình chuyển hóa axit amin, các đơn vị cacbon, lipit.

Vitamin này cũng tham gia vào quá trình phát triển nhận thức thông qua tổng hợp các chất dẫn truyền thần kinh. Vitamin B6 cũng sẽ góp phần vào quá trình tạo nên Glycogenolysis và Gluconeogenesis, hình thành Hemoglobin và chức năng miễn dịch.

Với các vai trò đó, vitamin B6 sẽ có những tác dụng với cơ thể như sau:

  • Cải thiện tâm trạng, giảm các triệu chứng của bệnh trầm cảm.
  • Tăng cường sức khỏe cho não bộ, giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer.
  • Ngăn ngừa, tham gia điều trị bệnh thiếu máu nhờ cơ chế hỗ trợ cơ thể sản xuất Hemoglobin.
  • Điều trị các triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt như trầm cảm, cáu kỉnh, lo lắng.
  • Điều trị chứng buồn nôn hoặc nôn mửa khi đang mang thai. Các nghiên cứu, thử nghiệm ngẫu nhiên cho thấy, nếu kết hợp vitamin B6 và Doxylamine có thể giảm được 70% triệu chứng buồn nôn, nôn ở phụ nữ mang thai.
  • Ngăn chặn các nguy cơ tắc động mạch, giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.
  • Ngăn ngừa một số loại ung thư phát triển, ví dụ như ung thư vú, ung thư đại tràng,...
  • Tăng cường sức khỏe cho mắt và giúp phòng ngừa các bệnh về mắt. Đặc biệt là tình trạng mất thị lực ở người lớn tuổi (thoái hóa điểm vàng).
  • Giảm các triệu chứng có liên quan đến bệnh viêm khớp dạng thấp.

mot-trong-cac-tac-dung-cua-vitamin-b6-la-cai-thien-tam-trang.webp

Một trong các tác dụng của Vitamin B6 là cải thiện tâm trạng

Dấu hiệu nhận biết thiếu hụt vitamin B6

Vì một số nguyên nhân, bạn có thể bị thiếu hụt vitamin B6 cho cơ thể. Sự thiếu hụt này ảnh hưởng đến các quá trình trao đổi chất cho cơ thể. Do đó, bạn cần nhận biết được khi nào cơ thể bị thiếu vitamin B6 và bổ sung kịp thời.

Những dấu hiệu để nhận biết cơ thể thiếu vitamin B6 có thể bao gồm:

Phát ban da (viêm da tiết bã): Xuất hiện trên da đầu, cổ, mặt, vùng ngực. Các vết phát ban có bề mặt bóng nhờn, bong tróc, sưng tấy hoặc thấy những mảng trắng.

Nứt nẻ, đau môi: Môi bị đỏ, nứt nẻ, sưng tấy. Những vết nứt có thể chảy máu, nhiễm trùng và gây đau đớn.

Lưỡi bóng, đau: Lưỡi bị sưng, đau, nhẵn tấy đỏ hoặc viêm.

Thay đổi tâm trạng thất thường: Lo lắng, cáu kỉnh, tăng cảm giác đau, trầm cảm.

Hệ miễn dịch bị suy yếu, cơ thể mệt mỏi: Dễ bị nhiễm trùng hơn, uể oải bất thường, yếu ớt.

Tổn thương dây thần kinh ngoại vi: Gây đau, ngứa ran ở cánh tay, bàn tay, bàn chân và chân. Khó giữ thăng bằng, đi lại.

Xuất hiện động kinh: Co thắt cơ, đảo mắt liên tục, tay/chân co giật. Người bị run, không kiểm soát được các cơ, co giật hoặc thậm chí mất ý thức.

Dấu hiệu Homocysteine cao: Gây ra bệnh tim, đột quỵ não, bệnh Alzheimer.

nut-ne-moi-la-mot-dau-hieu-cua-thieu-vitamin-b6-trong-co-the.webp

Nứt nẻ môi là một dấu hiệu của thiếu vitamin B6 trong cơ thể

Các cách bổ sung vitamin B6 an toàn

Vậy, nên làm gì khi bị thiếu hụt vitamin B6? Nếu bạn đang gặp các vấn đề liên quan đến thiếu vitamin B6, hãy tham khảo ngay các cách bổ sung an toàn sau đây.

Cần bổ sung bao nhiêu vitamin B6?

Theo khuyến cáo từ Viện hàn lâm Khoa học Quốc gia Washington, liều lượng của vitamin B6 trong Chế độ ăn tham khảo (DRIs) từ trẻ sơ sinh đến người lớn như sau:

Bảng 1: Lượng hấp thụ đầy đủ vitamin B6 theo khuyến cáo hàng ngày (ĐV: mg)

Tuổi

Nam giới

Nữ giới

Sơ sinh – 6 tháng tuổi

0.1

0.1

7 – 12 tháng tuổi

0.3

0.3

1 – 3 tuổi

0.5

0.5

4 – 8 tuổi

0.6

0.6

9 – 13 tuổi

1.0

1.0

14 – 18 tuổi

1.3

Bình thường: 1.2

Mang thai: 1.9

Cho con bú: 2.0

19 – 50 tuổi

1.3

Bình thường: 1.3

Mang thai: 1.9

Cho con bú: 2.0

Từ 51 tuổi

1.7

1.5

Lưu ý: Đối với trẻ sơ sinh, vitamin B6 cần được cung cấp từ sữa mẹ, sữa công thức, thức ăn hàng ngày. Không được sử dụng những nguồn cung cấp khác.

Vitamin B6 có trong thực phẩm nào?

Thực phẩm là một trong những cách để bạn có thể bổ sung nguồn vitamin B6 bị thiếu hụt hàng ngày. Người có chế độ ăn uống cân bằng tốt sẽ giảm được tình trạng thiếu vitamin B6.

Những thực phẩm giàu vitamin B6 bao gồm cá, gan bò, thịt nội tạng, khoai tây, rau giàu tinh bột, trái cây (trừ cam, quýt). Theo thống kê từ Viện hàn lâm Khoa học Quốc gia Washington, khoảng 75% hàm lượng vitamin B6 trong chế độ ăn hàng ngày sẽ có giá trị sinh học với cơ thể.

Một số loại thực phẩm giàu vitamin B6 mà bạn có thể tham khảo như sau:

  • Sữa bò/sữa dê: Một cốc sữa các loại này có thể cung cấp được 5% lượng vitamin B6 cần thiết mỗi ngày.
  • Trứng: Có 10% lượng vitamin B6 cần thiết hàng ngày trong 2 quả trứng gà.
  • Gan bò: 100g có 1.02mg vitamin B6.
  • Cá ngừ: 100g cung cấp 0.981mg vitamin B6.
  • Thịt bò: 100g có 0.88mg vitamin B6.
  • Thịt ức gà: 100g có 0.711mg vitamin B6.
  • Bạch tuộc: 100g có chứa 0.664mg vitamin B6.
  • Thịt lợn nạc: 100g có 0.583mg vitamin B6.
  • Chuối: 1 quả kích thước trung bình có 0.462mg vitamin B6.
  • Khoai lang: 100g có 0.3mg vitamin B6.
  • Quả bơ: 100g có chứa 0.257mg vitamin B6.
  • Cải bó xôi:100g có 0.242mg vitamin B6.

Ngoài bổ sung những loại thực phẩm chứa nhiều vitamin B6, bạn nên hạn chế các loại đồ uống, thực phẩm có nhiều natri, đường bổ sung, chất béo bão hòa. Ngoài ra cũng cần hạn chế đồ uống có cồn và ổn định nhu cầu calo của cơ thể mỗi ngày (không ăn quá ít hoặc quá nhiều).

bo-chuoi-va-mot-so-thuc-pham-giau-vitamin-b6-co-the-bo-sung-hang-ngay.webp

Bơ, chuối và một số thực phẩm giàu vitamin B6 có thể bổ sung hàng ngày

Sử dụng các sản phẩm bổ sung vitamin B6

Ngoài bổ sung vitamin B6 từ thực phẩm, bạn cũng có thể lựa chọn các sản phẩm tổng hợp để sử dụng tiện lợi hơn. Ví dụ như:

  • Viên uống vitamin B tổng hợp B-Complex 50: Đóng gói lọ 50 viên, giá bán tham khảo khoảng 460.000 đồng/lọ.
  • Viên uống vitamin B tổng hợp Vitaform Allmax (chỉ dành cho nam giới): Đóng gói lọ 60 viên, giá bán tham khảo khoảng 400.000 đồng/lọ.
  • Viên uống vitamin Magnesi B6: Đóng gói hộp 10 vỉ x 10 viên, giá bán tham khảo 20.000 – 60.000 đồng/hộp.
  • Viên uống Magne – B6 Corbiere: Đóng gói hộp 50 viên, giá bán tham khảo khoảng 100.000 đồng.

>>> Xem thêm: Chi tiết về thiếu máu não và cách cải thiện lưu lượng máu

Tác dụng phụ có thể gặp khi dùng vitamin B6

Trong quá trình bổ sung vitamin B6 từ các loại viên uống tổng hợp, bạn có thể gặp một số tác dụng phụ, ví dụ như:

  • Thiếu kiểm soát cơ, thiếu phối hợp giữa các chuyển động của cơ thể gây mất điều hòa, thăng bằng.
  • Tổn thương da, đau hoặc bị biến dạng.
  • Ợ chua, buồn nôn, tê một số bộ phận trong cơ thể.
  • Bị nhạy cảm hơn với ánh nắng mặt trời.
  • Giảm khả năng nhận thức cơn đơn hoặc giảm khả năng cảm nhận nhiệt độ (khi nhiệt độ nóng quá hoặc lạnh quá).

Với trường hợp ảnh hưởng đến hệ thần kinh, xuất hiện các triệu chứng mệt mỏi, căng thẳng, chóng mặt,… do thiếu vitamin B6, có thể bổ sung thêm các thảo dược giúp tăng tuần hoàn máu não. Ví dụ như Sâm đất, Hạt mào gà trắng, Bạch quả, Đinh lăng.

Đây đều là những thảo dược giúp ức chế được quá trình stress hóa do các tác nhân gây độc hệ thần kinh, tăng cường tuần hoàn máu não. Đặc biệt, khi sử dụng phối hợp với nhau có thể cải thiện được các rối loạn dẫn truyền thần kinh, bảo vệ tế bào. Từ đó, hỗ trợ giúp giảm chóng mặt, đau đầu, mất ngủ, mệt mỏi hiệu quả hơn.

mot-so-duoc-lieu-giup-ho-tro-giam-chong-mat-mat-ngu-met-moi-do-thieu-vitamin-b6.webp

Một số dược liệu giúp hỗ trợ giảm chóng mặt, mất ngủ, mệt mỏi do thiếu vitamin B6

Lưu ý khi dùng vitamin B6 với các thuốc khác

Để đảm bảo an toàn hơn, hãy nói với bác sĩ/dược sĩ về tất cả các loại thuốc mà bạn đang sử dụng. Đặc biệt, khi sử dụng các viên uống bổ sung vitamin B6, bạn lưu ý không nên sử dụng bất kỳ loại thuốc nào sau đây:

  • Nhóm thuốc làm giảm mức độ của vitamin B6 trong cơ thể: Thuốc điều trị lao (Cycloserine, Isoniazid), thuốc điều trị huyết áp cao (Hydralazine), thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp (Penicillamine), thuốc điều trị bệnh hen suyễn (Theophylline).
  • Nhóm thuốc kháng sinh, Tetracycline: Vitamin B6 có thể làm cản trở sự hấp thu, hiệu của của nhóm thuốc này.
  • Thuốc chống trầm cảm nhóm chất ức chế MAOIs: Làm giảm nồng độ của vitamin B6 trong máu.
  • Thuốc điều trị nhịp tim không đều Amiodarone: Làm tăng sự nhạy cảm ánh sáng khi dùng chung cùng vitamin B6.
  • Thuốc hóa trị: Vitamin B6 có thể làm giảm tác dụng của một số loại thuốc thuộc nhóm này, ví dụ như Doxorubicin, Fluorouracil.
  • Liệu pháp Erythropoietin trong điều trị thiếu máu nặng: Dùng chung làm giảm nồng độ của vitamin B6 trong hồng cầu.
  • Thuốc điều trị Parkinson Levodopa: Vitamin B6 làm giảm hiệu quả của các thuốc này.
  • Thuốc điều trị động kinh ví dụ như nhóm Axit Valproic, Levetiracetam, Carbamazepine, Phenytoin: Dùng chung làm giảm nồng độ vitamin B6 PLP trong huyết tương, giảm tác dụng, hiệu quả của các thuốc này.

Đảm bảo hàm lượng vitamin B6 hàng ngày là điều rất cần thiết. Bởi, loại vitamin này sẽ có ảnh hưởng đến các chức năng của một số cơ quan trong cơ thể. Trên đây là những thông tin tham khảo về Vitamin B6. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến loại vitamin này hoặc các vấn đề liên quan đến giảm căng thẳng, mệt mỏi, vui lòng để lại comment ở dưới để được hỗ trợ giải đáp.

Tham khảo

https://www.nap.edu/catalog/6015/dietary-reference-intakes-for-thiamin-riboflavin-niacin-vitamin-b6-folate-vitamin-b12-pantothenic-acid-biotin-and-choline

https://www.healthline.com/nutrition/vitamin-b6-deficiency-symptoms#TOC_TITLE_HDR_12

https://www.hsph.harvard.edu/nutritionsource/vitamin-b6/

 

Bình luận