Suy thận độ 4 phải chạy thận nhân tạo có biến chứng gì không?
Chào chuyên gia, người nhà tôi bị suy thận độ 4 chuẩn bị chạy thận nhân tạo. Tôi không biết chạy thận nhân tạo liệu có biến chứng gì không?
(Nguyễn Thị Hòa, Hà Nam)
Chuyên gia trả lời:
Chào chị, cảm ơn chị đã gửi câu hỏi về cho chúng tôi.
Phương pháp chạy thận nhân tạo được chỉ định cho người bị suy thận từ giai đoạn 3B đến 5, khi chức năng thận suy giảm gần như hoàn toàn hoặc hoàn toàn. Chạy thận nhân tạo giúp thay thế chức năng lọc của thận để đào thải các chất độc và chất lỏng dư thừa ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên, người bệnh có thể gặp một số biến chứng như:
- Hạ huyết áp: Huyết áp thấp là biến chứng thường gặp ở người đang chạy thận nhân tạo. Trong quá trình lọc máu, người bệnh có thể kèm theo khó thở, đau quặn bụng, co cứng cơ, buồn nôn và nôn.
- Chuột rút: Tình trạng này thường do sự mất cân bằng lượng chất lỏng và natri giữa các lần chạy thận nhân tạo.
- Ngứa: Người bệnh thường bị ngứa da nặng hơn trong và sau khi chạy thận.
- Thiếu máu: Sau mỗi lần chạy thận nhân tạo, người bệnh thường bị sót lại một lượng máu nhỏ trong máy, khiến tình trạng thiếu máu càng trở nên nghiêm trọng. Do đó, người bệnh cần được bổ sung sắt hoặc các thực phẩm giúp cải thiện thiện tình trạng thiếu máu khác.
- Các bệnh về xương: Suy thận dẫn đến sản xuất quá mức hormone tuyến cận giáp, khiến lượng canxi trong xương giảm. Chạy thận nhân tạo có thể làm cho tình trạng này trở nên nghiêm trọng hơn, khiến xương yếu dần và dễ gãy.
- Trầm cảm: Người bệnh suy thận thường bị trầm cảm hoặc lo lắng quá mức trong quá trình chạy thận nhân tạo.
- Hạ kali máu: Chạy thận nhân tạo khiến nồng độ kali giảm quá mức. Điều này có thể gây ra mệt mỏi, yếu, táo bón, tim đập nhanh.
- Biến chứng khác: Các biến chứng nguy hiểm tiềm ẩn - chẳng hạn như nhiễm trùng, hẹp hoặc phình thành mạch máu (chứng phình động mạch) hoặc tắc nghẽn - có thể ảnh hưởng đến chất lượng chạy thận nhân tạo.
Do đó, trong thời gian người bệnh lọc máu nhân tạo, nên chú ý theo dõi những bất thường có thể xảy ra và báo với bác sĩ điều trị để kịp thời xử lý.
Chúc chị và gia đình nhiều sức khỏe!
Chuyên gia Thận - Tiết niệu
Bình luận