Xẹp đốt sống là gì? 

Xẹp đốt sống là hiện tượng phần thân xương đốt sống bị gãy vụn, sập xuống gây đau dữ dội ảnh hưởng đến toàn bộ hình dạng, chiều cao của cột sống. Xẹp đốt sống khiến cho xương đốt sống bị giảm ít nhất từ 15-20% chiều cao do gãy. 

Tình trạng xẹp lún đốt sống có thể xảy ra ở bất cứ vị trí nào trên cột sống, thường gặp là đoạn dưới của cột sống ngực T10, T11, T12 và đoạn đầu của cột sống thắt lưng như L1, L2. Lún xẹp đốt sống thường xảy ra ở những người trung niên, cao tuổi, gặp nhiều ở nữ giới hơn nam. Người đã từng bị xẹp đốt sống sẽ có nguy cơ cao gãy bổ sung ở chính đốt sống đó hoặc vị trí khác. 

Trong số các loại gãy xương đốt sống thì gãy xương chêm là chỉ xảy ra ở mặt phía trước của cột sống, phía sau không bị biến dạng. Đây là dạng gãy ổn định về cơ học ít gây hậu quả nặng nề và có thể chỉ có các triệu chứng nhẹ, không rõ ràng. Còn loại gãy xương cả thành trước và thành sau của đốt sống thì sẽ vô cùng nguy hiểm, chúng làm cấu trúc cột sống bị ảnh hưởng và dễ gây tổn thương dây thần kinh. 

xep-dot-song-la-benh-ly-nguy-hiem-co-the-dan-den-nhieu-bien-chung-nguy-hiem_11zon.webp

Xẹp đốt sống là bệnh lý nguy hiểm có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm

Nguyên nhân xẹp đốt sống 

“Thủ phạm” chính gây xẹp đốt sống là do loãng xương, thoái hóa cột sống khiến chất lượng xương đốt sống suy yếu, dễ tổn thương. Ngoài ra còn rất nhiều nguyên nhân khác, cùng tìm hiểu chi tiết ngay dưới đây: 

Loãng xương 

Loãng xương được định nghĩa là tình trạng cấu trúc xương đốt sống không còn chắc khỏe, xốp, giòn, dễ gãy. Loãng xương xảy ra do sự thiếu hụt canxi, vitamin K2, mất cân bằng giữa quá trình tạo xương và hủy xương. 

Loãng xương ở mức độ trung bình thì gãy đốt sống xảy ra khi ngã, nâng vật nặng. Còn với những trường hợp mức độ loãng xương nặng, thì ngay cả những hoạt động đơn giản như thay đổi tư thế, bước ra khỏi bồn tắm, hắt hơi,... cũng có thể dẫn đến xẹp đốt sống. 

Thoái hóa cột sống 

Tuổi cao cùng với chế độ ăn uống thiếu dưỡng chất cần thiết chính là nguyên nhân sâu xa gây thoái hóa cột sống. Thoái hóa cột sống khiến cho xương đốt sống lỏng lẻo, không còn cứng chắc, đĩa đệm cũng xơ hóa, dễ bị nứt, vỡ, sụn khớp bào mòn. Tất cả đều góp phần khiến cho xương đốt sống suy yếu, dễ tổn thương, gãy xẹp. 

Viêm khớp cột sống: Khi các khớp cột sống bị viêm cũng sẽ làm cho xương yếu và dễ gãy hơn. 

Chấn thương: Va đập mạnh, tai nạn xe cộ, chấn thương khi chơi thể thao vào vùng cột sống cũng có thể gây ra tình trạng gãy xương đốt sống. 

Ung thư: Người bị ung thư xương hoặc di căn đến xương cột sống cũng sẽ phá hủy các đốt xương gây xẹp lún. 

Xác định được chính xác nguyên nhân gây xẹp đốt sống sẽ giúp cho quá trình điều trị, chăm sóc bệnh nhân đúng cách cũng góp phần làm tăng hiệu quả điều trị. 

2-nguyen-nhan-chinh-gay-xep-dot-song-la-loang-xuong-thoai-hoa-cot-song_11zon.webp

2 nguyên nhân chính gây xẹp đốt sống là loãng xương, thoái hóa cột sống

XEM THÊM: 7 biểu hiện của thoái hóa đốt sống cổ bạn nên biết!

Xẹp đốt sống có chữa được không? 

Xẹp đốt sống có thể được chữa khỏi nếu gãy ở mức độ nhẹ và phát hiện sớm. Và sẽ không thể chữa khỏi nếu xẹp đốt sống ở mức độ nặng, gãy hoàn toàn, trên 80% thân đốt sống. Khi đốt sống đã bị tổn thương, việc hồi phục lại xương đốt sống như ban đầu là không thể. 

Các phương pháp tạo hình đốt sống bằng cách bơm xi măng để khôi phục chiều cao đốt sống, hạn chế phần nào biến chứng chứ không thể ngăn chặn gãy xẹp đốt sống tái phát hoặc xảy ra ở các đốt khác. Bởi hầu hết quá trình thoái hóa, loãng xương sẽ xảy ra đồng thời ở nhiều đốt chứ không phải chỉ xảy ra ở 1 đốt sống nào đó.

Hơn nữa, hậu quả của xẹp đốt sống là vô cùng nghiêm trọng. Khi các đốt sống bị gãy sẽ khiến cho một đoạn cột sống suy yếu, không còn đủ sức nâng đỡ cơ thể, cột sống bị cong vẹo chèn ép lên tim, phổi, ruột, gây khó thở, mệt mỏi và hàng loạt hệ lụy khác. 

Đặc biệt, nếu các phần xương bị gãy rơi vào ống tủy sống, gây chèn ép hoặc làm tổn thương tủy sống, rễ thần kinh sẽ dẫn đến các cơn đau nhức triền miên, nguy cơ tàn phế rất cao. Vì vậy, người đã từng bị xẹp đốt sống dù ở mức độ nhẹ cũng cần chú ý chăm sóc sức khỏe cột sống, có chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý thì mới có thể giảm thiểu được những hậu quả nghiêm trọng do xẹp đốt sống gây ra. 

xep-lun-dot-song-co-the-chua-khoi-neu-duoc-phat-hien-som-va-o-muc-do-nhe_11zon.webp

Xẹp lún đốt sống có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và ở mức độ nhẹ

Chẩn đoán xẹp đốt sống như thế nào?

Có thể nhận biết xẹp lún đốt sống bằng nhiều cách, thường là qua triệu chứng lâm sàng và kết quả cận lâm sàng. Cụ thể là:

Chẩn đoán qua các triệu chứng

  • Xuất hiện cơn đau lưng đột ngột, dữ dội, nhói như có luồng điện, gây mất khả năng vận động tạm thời. 
  • Đau tăng khi đứng, đi bộ, giảm khi nằm ngửa, không thể đứng thẳng lưng được. 
  • Lưng luôn ở tư thế cong cong mới dễ chịu. 
  • Trường hợp xẹp nhiều đốt sống cùng một lúc sẽ thấy rõ giảm chiều cao và lưng gù, biến dạng nhiều.
  • Nếu có chèn ép tủy sống và rễ thần kinh sẽ gây tê bì, đau nhức, rối loạn hoặc mất cảm giác của vùng thân dưới. 

Chẩn đoán bằng kỹ thuật Y khoa

Ngoài các biểu hiện lâm sàng nói trên, để có thể khẳng định chính xác có phải xẹp đốt sống hay không, cần có thêm chẩn đoán hình ảnh sau: 

  • Chụp X-quang tình trạng cột sống: Qua hình ảnh phim chụp có thể thấy được hình dạng của cột sống, đốt sống, có thẳng hàng không, cong hay vẹo chỗ nào không, gãy xẹp đốt nào không. Tuy nhiên, hình ảnh không được rõ nét lắm, không đo được chiều cao thân đốt sống thay đổi một cách chính xác. 
  • Chụp cắt lớp điện toán (CT scan): Cũng là phương pháp sử dụng tia X để cho thấy hình ảnh cột sống, kích thước của ống sống. Hình ảnh rõ nét hơn phim chụp X-quang, cho thấy rõ hình ảnh đốt sống bị gãy, tình trạng hẹp ống sống nếu có. 
  • Chụp MRI (cộng hưởng từ): Đây là phương pháp chụp hiện đại cho hình ảnh rõ nét bậc nhất hiện nay. Hình ảnh gãy xẹp đốt sống, tổn thương tại rễ thần kinh, tủy sống được thấy rõ. Mức độ gãy xẹp và vị trí, chiều cao của đốt sống đều được xác định rõ. 
  • Đo mật độ xương (BMD): Người ta dùng tia X hoặc hấp thụ tia X năng lượng kép, chụp CT để xác định hàm lượng canxi và các khoáng chất có trong xương từ đó xác định được mức độ loãng xương. Vị trí thường được áp dụng phương pháp này đó là cột sống, xương hông và cẳng tay.

do-do-dam-cua-xuong-de-xac-dinh-muc-do-loang-xuong_11zon.webp

Đo độ đậm của xương để xác định mức độ loãng xương 

Điều trị xẹp đốt sống ngăn ngừa tàn tật 

Áp dụng sớm các phương pháp điều trị xẹp đốt sống đúng cách sẽ giúp ngăn chặn tối đa biến chứng tàn tật vĩnh viễn có thể xảy ra. Các phương pháp điều trị xẹp đốt sống thường được dùng đó là: 

Điều trị bằng phương pháp bảo tồn 

Hầu hết các trường hợp bị xẹp đốt sống sẽ được khuyên nằm nghỉ tại giường kết hợp dùng thuốc giảm đau, hạn chế vận động và dùng áo nẹp cột sống. Các loại thuốc giảm đau thường dùng đó là: Acetaminophen, ibuprofen, codeine, pethidin,... Có thể kèm theo thuốc kháng viêm không steroid, giãn cơ để giảm đau hiệu quả hơn. 

Tuy nhiên, phương pháp này chỉ phù hợp với các trường hợp gãy đốt sống nhẹ, thường là gãy xương chêm. Người bệnh cần nghỉ ngơi, hạn chế vận động mạnh ít nhất 3 tháng xương mới bắt đầu hồi phục dần. Lưu ý, luôn mang nẹp lưng cứng, đặc biệt khi cử động để tránh làm tình trạng gãy đốt sống nghiêm trọng hơn. 

Đồng thời người bệnh cũng cần có biện pháp tăng cường sức khỏe xương cột sống bằng cách bổ sung canxi, sử dụng các thuốc hỗ trợ xương phục hồi, làm chậm quá trình mất xương như bisphosphonates,... 

nam-nghi-ngoi-giup-cai-thien-con-dau-do-xep-dot-song_11zon.webp

Nằm nghỉ ngơi giúp cải thiện cơn đau do xẹp đốt sống

XEM THÊM: Cách dùng Chondroitin chữa thoái hóa cột sống hiệu quả

Điều trị bằng phẫu thuật xâm lấn

Trong trường hợp điều trị xẹp đốt sống bảo tồn không có hiệu quả tích cực, người bệnh sẽ được chỉ định phương pháp xâm lấn tối thiểu là tạo hình đốt sống và tạo hình gù. 

  • Tạo hình đốt sống: Là phương pháp dùng một kim nhỏ đưa xi măng xương acrylic vào thân đốt sống bị xẹp. Xương đốt sống lúc này sẽ cứng lên sau vài phút từ giúp đốt sống bị gãy cứng chắc hơn. Các cơn đau cũng sẽ thuyên giảm đáng kể. Để thực hiện phương pháp này, người bệnh sẽ được gây tê tại chỗ hoặc gây mê toàn thân. 
  • Tạo hình vùng gù: Đây là một kỹ thuật hiện đại hơn là tiêm xi măng vào đốt sống. Với phương pháp này, bác sĩ sẽ cắt 2 vết nhỏ vùng lưng tương ứng với vị trí đốt sống bị gãy. Đặt đầu dò vào khoang đốt sống bị gãy, 2 bong bóng đặt ở hai bên, xương được khoan. Rồi bơm bong bóng phồng lên với chất cản quang cho đến khi đến khi đạt được chiều cao như trước đây của đốt sống. Lúc này, bong bóng sẽ được lấy ra và khoảng không gian trống đó sẽ được bơm đầy xi măng. 

Với phương pháp này, đốt sống không chỉ cứng chắc hơn mà còn đảm bảo được chiều cao đốt sống như trước đây. 

Lưu ý, không phải ai cũng có thể áp dụng phương pháp điều trị xẹp đốt sống xâm lấn. Những trường hợp sau đây có thể thực hiện tạo hình đốt sống bằng xi măng: 

  • Gãy xương đốt sống trên 2 tuần, đã dùng thuốc giảm đau, nghỉ ngơi, áo nẹp lưng nhưng không đỡ. 
  • Ung thư di căn gây xẹp đốt sống. 
  • Hoại tử xương đốt sống do thiếu máu nuôi dưỡng. 

Không dùng trong các trường hợp xẹp đốt sống trên 1 năm, đốt sống gãy trên 80% thân đốt sống, hẹp ống sống, thoát vị đĩa đệm chèn ép rễ thần kinh, cong vẹo cột sống do nguyên nhân khác loãng xương. 

tao-hinh-dot-song-la-bien-phap-dieu-tri-xep-dot-song-hieu-qua_11zon.webp

Tạo hình đốt sống là biện pháp điều trị xẹp đốt sống hiệu quả 

Giảm đau do xẹp đốt sống tại nhà

Cách giảm đau xẹp đốt sống tại nhà tốt nhất chính là nằm nghỉ ngơi. Hạn chế vận động, đi lại nhẹ nhàng và luôn luôn đeo nẹp cứng ở lưng. 

Trong thời gian này, tuyệt đối không gắng sức mang, bê, vác bất cứ vật nặng nào dù chỉ là nồi cơm điện. Có thể thực hiện một vài động tác đơn giản cho giãn gân cốt, nhưng thực hiện một cách chậm rãi, nhẹ nhàng. Tránh các cử động cúi xuống, ngửa người ra phía sau,... Tóm lại, hạn chế mọi động tác sử dụng đến cột sống lưng. 

Hướng dẫn cách phòng ngừa xẹp đốt sống

Muốn phòng ngừa xẹp đốt sống hiệu quả, ngay từ bây giờ bạn cần có chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý, khoa học và đặc biệt cần chú trọng bổ sung các dưỡng chất cần thiết cho sức khỏe của cột sống:

  • Bổ sung đầy đủ omega-3, canxi, vitamin D, K2,... mỗi ngày giúp cho cột sống chắc khỏe. Có thể bổ sung qua chế độ ăn hàng ngày hoặc sản phẩm bổ sung. 
  • Có chế độ luyện tập thể dục thể thao hàng ngày cho cho cột sống linh hoạt, dẻo dai. 
  • Định kỳ thăm khám sức khỏe, đặc biệt là phụ nữ tuổi tiền mãn kinh để phát hiện sớm tình trạng loãng xương. Từ đó có hướng khắc phục sớm, ngăn chặn xẹp đốt sống hiệu quả. 

Ngoài ra, người bệnh có thể sử dụng thêm các dược liệu có nguồn gốc từ thiên nhiên như tinh chất dầu vẹm xanh, Cao thiên niên kiện, chiết xuất nhũ hương,... Những loại thảo dược này có thể giúp cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho cột sống, làm chậm quá trình thoái hóa, ngăn chặn xẹp đốt sống hiệu quả. Nghiên cứu của Parkpoom Siriarchavatana và cộng sự năm 2019 cho thấy: Vẹm xanh có tác dụng phòng ngừa viêm khớp giai đoạn đầu ở chuột mắc bệnh béo phì do chế độ ăn uống.

cao-thien-nien-kien-co-tac-dung-tot-giup-ngan-ngua-xep-dot-song_11zon.webp

Cao thiên niên kiện có tác dụng tốt giúp ngăn ngừa xẹp đốt sống

Nếu trước đây xẹp đốt sống chỉ xảy ra ở người già thì nay bệnh đang có xu hướng trẻ hóa do chế độ ăn uống không đảm bảo khiến quá trình thoái hóa cột sống, loãng xương xảy ra sớm hơn. Bởi vậy, ngay từ bây giờ chúng ta cần có biện pháp phòng ngừa xẹp đốt sống càng sớm càng tốt, giảm thiểu tối đa biến chứng tàn tật vĩnh viễn có thể xảy ra.

Trên đây là những thông tin tham khảo liên quan đến bệnh xẹp cột sống. Nếu còn bất kỳ vấn đề gì cần giải đáp liên quan đến các bệnh lý xương khớp, vui lòng liên hệ ngay đến số hotline 024.38461530 hoặc 028.62647169 để được hỗ trợ.

Nguồn 

https://www.spine-health.com/conditions/osteoporosis/osteoporosis-primary-cause-collapsed-vertebrae

https://www.aans.org/en/Patients/Neurosurgical-Conditions-and-Treatments/Vertebral-Compression-Fractures

https://www.webmd.com/osteoporosis/guide/spinal-compression-fractures-symptom

Dược sĩ Bình Nguyên

thuc-pham-bao-ve-suc-khoe-cot-thoai-vuong

Bình luận