Những vấn đề về rối loạn tuần hoàn não và cách cải thiện
Những vấn đề về rối loạn tuần hoàn não
Hiểu về khái niệm, nguyên nhân, triệu chứng và mức độ nguy hiểm của rối loạn tuần hoàn não sẽ giúp bạn biết cách điều trị, phòng tránh tốt hơn. Cụ thể như sau:
Bệnh rối loạn tuần hoàn não là gì?
Rối loạn tuần hoàn não (RLTHN) là tình trạng máu, oxy bị suy giảm và không cung cấp đầy đủ để đáp ứng được quá trình trao đổi chất của não bộ. Bệnh lý này còn có tên gọi khác là thiểu năng tuần hoàn não.
Rối loạn tuần hoàn não thường có nguy cơ xuất hiện cao hơn sau độ tuổi 40. Tuy nhiên, tình trạng rối loạn tuần hoàn não ở người trẻ đang ngày càng phổ biến do những áp lực hoặc các vấn đề khác trong cuộc sống. Khi RLTHN xảy ra, các tế bào não có thể bị hỏng và dẫn đến nhiều hệ lụy khác nhau.
Rối loạn tuần hoàn não là tình trạng não bộ bị thiếu oxy và các dưỡng chất cần thiết để hoạt động
Rối loạn tuần hoàn não được chia thành 2 trường hợp gồm:
- Rối loạn tuần hoàn não cấp tính: Thường xảy ra ngắn hạn, ví dụ như xuất hiện cơn đột quỵ do thiếu máu não thoáng qua (TIA).
- Rối loạn tuần hoàn não mãn tính: Là tình trạng giảm lưu lượng máu đến não bộ trong thời gian dài dẫn đến suy giảm nhận thức, sa sút trí tuệ có nguyên nhân liên quan đến mạch máu.
Triệu chứng rối loạn tuần hoàn não
Triệu chứng của rối loạn tuần hoàn não sẽ tùy thuộc vào vị trí bị tắc nghẽn hoặc mức độ tác động của nó lên các mô não. Nhìn chung sẽ có những biểu hiện như sau:
- Đau đầu: Đây là triệu chứng phổ biến và xuất hiện sớm. Bạn có thể gặp những cơn đau đầu kéo dài theo từng đợt. Những cơn đau này có thể lan dần đến khu vực vai, gáy, vùng trán, nửa đầu,…
- Tê bì: Cảm giác này thường xuất hiện ở tay, chân, đầu ngón tay, ngón chân. Bạn cũng có thể thấy khó chịu giống như kiến bò ở những bộ phận này.
- Chóng mặt, hoa mắt thường xuyên xảy ra.
- Gặp các rối loạn liên quan đến giấc ngủ như ngủ không sâu giấc, mất ngủ, thường bị tỉnh giấc giữa đêm và không thể tiếp tục ngủ trở lại,…
- Xuất hiện các rối loạn liên quan đến cảm xúc như dễ nóng giận, bực tức…
- Trí nhớ suy giảm kèm theo dấu hiệu của sa sút trí tuệ như mất tập trung, giảm chú ý.
Với trường hợp cấp tính, người bệnh cũng có thể xuất hiện thêm những triệu chứng như:
- Đau đầu dữ dội.
- Bị tê liệt mặt, khó nói, nói lắp, méo miệng, sụp mi mắt.
- Đột ngột yếu các chi, khó phối hợp với nhau.
- Mất thăng bằng hoặc không thể đứng vững.
- Mất thị lực một phần, nhìn mờ hoặc nhìn đôi.
Đau đầu, chóng mặt là những biểu hiện rối loạn tuần hoàn não
Chẩn đoán rối loạn tuần hoàn não
Ngay khi gặp những triệu chứng rối loạn tuần hoàn não cấp tính, người bệnh cần được thực hiện cấp cứu ngay để tránh tình trạng đột quỵ xuất hiện. Ngay cả khi chỉ bắt gặp một vài triệu chứng ở trên, bạn cũng nên liên hệ với bác sĩ để được tiến hành kiểm tra động mạch và não bộ bên trong cơ thể. Một số phương pháp được thực hiện như:
- Siêu âm: Sử dụng sóng âm thanh để tạo ra các hình ảnh động mạch não bộ bên trong.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Giúp nhìn thấy rõ ràng hình ảnh của não bộ. Được thực hiện nếu bạn đã từng bị đột quỵ hoặc các bệnh lý tương tự trước đó.
- Chụp X-quang: Phương pháp này sẽ giúp bác sĩ xác định xem bạn có bị tắc nghẽn mạch máu không.
- Các phương pháp khác: Kiểm tra khả năng, tốc độ máu lên não bằng lưu huyết đồ, kiểm tra chức năng tưới máu lên não (điện não đồ, đo nhiệt độ ở mặt, kiểm tra tâm lý,…).
Nguyên nhân rối loạn tuần hoàn não
Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng rối loạn tuần hoàn não. Căn nguyên chính là do lượng máu và oxy đến não không đủ khiến quá trình tuần hoàn, trao đổi chất tại đây bị rối loạn. Sẽ có những nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp gây ra vấn đề này, bao gồm:
Nguyên nhân trực tiếp:
- Mạch máu bị thu hẹp khiến máu không thể chảy qua.
- Mạch máu bị tắc nghẽn.
- Xuất hiện các cục máu đông gây ảnh hưởng đến dòng chảy của máu.
- Vỡ mạch máu khiến một lượng máu bị chảy ra ngoài khỏi mạch.
Cục máu đông, vỡ mạch máu có thể dẫn đến rối loạn tuần hoàn não
Nguyên nhân gián tiếp:
- Xơ vữa động mạch: Xảy ra khi có sự tích tụ của các mảng xơ vữa động mạch được hình thành từ canxi, cholesterol.
- Rối loạn huyết áp: Huyết áp cao hoặc thấp đều có thể khiến cho dòng máu di chuyển bị rối loạn ảnh hưởng đến não bộ.
- Các bệnh lý tim mạch: Van tim, suy tim, rung nhĩ,…
- Một số tình trạng sức khỏe khác: Dị dạng mạch máu, thoái hóa khớp, đau nhức xương, bệnh hồng cầu hình liềm,…
Ngoài ra, sẽ có một số yếu tố làm tăng nguy cơ bị rối loạn tuần hoàn não cao hơn, ví dụ như:
- Tuổi tác: Nhìn chung, RLTHN có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng người cao tuổi sẽ dễ mắc hơn.
- Giới tính: Nam giới có nguy cơ gặp RLTHN cao hơn nữ giới.
- Di truyền: Nếu trong gia đình có người từng bị RLTHN hoặc đột quỵ, bạn sẽ có nguy cơ bị bệnh này cao hơn.
- Người bị các vấn đề về huyết áp.
- Người thường xuyên ăn các loại thức ăn có chất béo bão hòa, cholesterol cao.
- Người đang gặp các vấn đề liên quan đến tim mạch, có tiền sử gia đình bị bệnh tim.
- Người bệnh tiểu đường, thừa cân, có chế độ ăn uống không hợp lý, lười vận động.
- Người sử dụng thuốc lá, rượu bia quá mức.
Người cao tuổi có nguy cơ bị rối loạn tuần hoàn não cao hơn
Rối loạn tuần hoàn não có nguy hiểm không?
Tương tự với các vấn đề liên quan đến não bộ, rối loạn tuần hoàn não có thể gây ra nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Khi xảy ra rối loạn tuần hoàn máu tại não bộ, lượng oxy và glucose cần cho cơ quan này cũng bị suy giảm theo. Điều này sẽ dẫn đến tổn thương não và gây ra các vấn đề liên quan đến thần kinh. Bao gồm:
Đột quỵ
Là một trong những biến chứng rất nghiêm trọng của RLTHN. Khi đột quỵ xảy ra, các mô não ở một khu vực nào đó sẽ bị tổn thương và chết đi. Kéo theo đó, các chức năng của phần não đó đảm nhiệm cũng bị mất kiểm soát.
Đột quỵ là một tình huống y tế khẩn cấp, nếu không được cấp cứu kịp thời có thể tử vong. Trong trường hợp được cấp cứu, người bệnh vẫn có nguy cơ cao bị các di chứng về sau như ảnh hưởng đến vấn động (liệt, tàn tật), trí nhớ, lời nói,…
Thiếu oxy lên não bộ
Não bộ khi không được cung cấp đủ oxy có thể khiến người bệnh rơi vào trạng thái thiếu dưỡng khí. Hôn mê, đãng trí, nghiêm trọng hơn là tử vong có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.
Xuất huyết não
Là tình trạng chảy máu bên trong hộp sọ của bạn. Xuất huyết não xảy ra khi thành động mạch tại đây bị suy yếu và vỡ ra, lúc này máu sẽ tràn vào khoang sọ, tạo ra áp lực lên não bộ và có thể khiến người bệnh bất tỉnh, chấn thương não bộ nguy hiểm đến tính mạng. Tương tự với đột quỵ, đây cũng là một trường hợp cần được cấp cứu y tế khẩn cấp.
Phù não
Rối loạn tuần nào não khiến máu không được lưu thông, tắc nghẽn tại một vị trí nào đó sẽ dẫn đến tích tụ chất lỏng gây phù não. Điều này khiến áp lực trong não bộ bị tăng lên và có thể chèn ép, nghiền nát hoặc làm tổn thương não từ bên trong nếu không được phát hiện kịp thời.
Rối loạn tuần hoàn não bộ có thể gây ra đột quỵ
Cải thiện rối loạn tuần hoàn não
Để cải thiện được rối loạn tuần hoàn não, bác sĩ sẽ xem xét nguyên nhân gây ra nó là gì. Mục tiêu chung trong điều trị là tăng lưu lượng máu đến não bộ tốt hơn. Hầu hết các trường hợp có thể kết hợp điều trị y tế và cải thiện lối sống.
Điều trị y tế rối loạn tuần hoàn não
Sử dụng các loại thuốc giúp cải thiện chức năng não bộ, tăng tuần hoàn máu lên não sẽ được ưu tiên lựa chọn. Khi người bệnh không đáp ứng được thuốc, bác sĩ có thể đề nghị can thiệp phẫu thuật. Cụ thể như sau:
Thuốc chữa rối loạn tuần hoàn não
Thuốc thường được dùng để điều trị cho người bị tắc nghẽn hoặc thu hẹp mạch máu não dưới 50%. Bao gồm một số loại thuốc như thuốc huyết áp, thuốc điều trị cholesterol, thuốc làm loãng máu,… Ví dụ như:
- Cinnarizin: Giảm hoạt động cơ mặt, tăng cường lưu lượng máu đến não. Tuy nhiên có tác dụng phụ là buồn ngủ, tiểu nhiều, tim đập nhanh, dị ứng, khó thở,…
- Piracetam: Có tác dụng lên não, hệ thần kinh trung ương, tăng cường huy động chuyển hóa oxy để giảm sự thiếu hụt ở não bộ. Tác dụng phụ có thể gặp phải là mất ngủ, đau đầu, lo lắng, bồn chồn, hoang mang, kích động.
- Chất kích hoạt plasminogen mô (tPA): Sử dụng để phá vỡ cục máu đông trong trường hợp RLTHN cấp tính.
Thực hiện phẫu thuật
Thường được lựa chọn khi người bệnh không đáp ứng với thuốc hoặc những trường hợp tắc nghẽn hoàn toàn, hẹp nghiêm trọng. Tuy vậy, phương pháp phẫu thuật thường không được khuyến khích bởi nó có thể ảnh hưởng đến cột sống của người bệnh, có thể gây ra tình trạng suy đốt sống.
Với những trường hợp RLTHN chuyển biến thành xuất huyết não, người bệnh cũng có thể cần phẫu thuật để làm giảm áp lực do chảy máu gây ra. Một số phẫu thuật thường được áp dụng như cắt động mạch cảnh, đặt stent, nong mạch cảnh, phẫu thuật bắc cầu mạch vành,…
Phẫu thuật không phải là sự lựa chọn ưu tiên khi bị rối loạn tuần hoàn não
Phục hồi chức năng sau điều trị
Trong trường hợp rối loạn tuần hoàn não đã dẫn đến những biến chứng như đột quỵ, xuất huyết não,… người bệnh sẽ cần thực hiện phục hồi chức năng sau điều trị. Những phương pháp phục hồi này có thể bao gồm:
- Vật lý trị liệu: Mục đích chính để phục hồi khả năng vận động, các chức năng khác của chân tay.
- Liệu pháp ngôn ngữ: Cải thiện khả năng giao tiếp, lấy lại giọng nói cho người bệnh.
- Liệp pháp nghề nghiệp: Giúp người bệnh sau điều trị có thể tiếp cận lại với công việc, cuộc sống hàng ngày tốt hơn.
- Liệu pháp tâm lý: Những khuyết tật liên quan đến thể chất có thể gây ra ảnh hưởng tâm lý cho người bệnh. Do đó, các liệu pháp tâm lý sẽ được thực hiện để giảm thiểu ảnh hưởng này.
>>> Xem thêm: Tất cả thông tin cần biết về vitamin B6 và cách bổ sung an toàn
Giảm nguy cơ tiến triển rối loạn tuần nào não
Chế độ dinh dưỡng, vận động là một yếu tố có thể góp phần hỗ trợ tăng cường máu lưu thông đến não bộ tốt hơn. Do đó, người bệnh nên lưu ý về những vấn đề sau đây trong chế độ ăn uống hàng ngày.
Rối loạn tuần hoàn não ăn gì?
Người bị RLTHN nên bổ sung các loại thực phẩm, đồ uống có thể làm tăng lưu lượng máu của cơ thể. Ví dụ như:
- Các loại thịt động vật: Đặc biệt là thịt đỏ như thịt bò, thịt gà, lợn,… Đây là những nguồn thực phẩm cung cấp hàm lượng sắt rất tốt cho cơ thể.
- Các loại hải sản: Lưu ý lựa chọn hải sản giàu omega 3 như cá thu, cá hồi,… bởi chất béo này rất tốt cho tim mạch, từ đó giúp cải thiện được lưu thông máu.
- Gan động vật: Giàu hàm lượng sắt giúp bổ sung lượng máu thiếu hụt trong cơ thể.
- Các loại ngũ cốc: Giúp cung cấp thêm chất xơ, magie để làm dịu các cơn đau đầu do RLTHN gây ra.
- Thực phẩm có màu xanh: Cải xoong, súp lơ xanh, rau chân vịt,… có chứa nhiều vitamin, sắt, canxi,… sẽ giúp cho cơ thể hấp thu được sắt tốt hơn, bổ máu.
- Dầu thực vật: Giúp cung cấp thêm chất xơ, L-arginine, omega 3, chất béo không bão hòa, vitamin E,... ngăn ngừa những bệnh lý có thể làm trầm trọng hơn tình trạng RLTHN như tim mạch.
- Một số loại củ quả, trái cây giàu vitamin C: Lựu, dâu tây, chanh, bưởi, cà rốt, bí ngô,… giúp quá trình trao đổi chất, lưu thông máu được diễn ra tốt hơn.
Thực phẩm giàu sắt sẽ giúp bổ sung máu cho người bị rối loạn tuần hoàn não
Bên cạnh các loại thực phẩm nên bổ sung, người bị rối loạn tuần hoàn não bộ nên lưu ý tránh sử dụng các loại chất tạo màu, bột ngọt, phụ gia thực phẩm, đồ uống có cồn, chất kích thích (bia, rượu), đồ uống có chứa caffeine, thức ăn nhanh,… Những thực phẩm này có thể làm tăng nguy cơ bị các bệnh lý ảnh hưởng đến RLTHN, huyết áp,…
Chiến lược quản lý rối loạn tuần hoàn não
Bác sĩ có thể sẽ hướng dẫn cho bạn thêm một số chiến lược để quản lý tình trạng rối loạn tuần hoàn não. Ví dụ như:
- Kiểm soát đường huyết đối với người bệnh tiểu đường.
- Bỏ thuốc lá, hạn chế căng thẳng, cải thiện giấc ngủ hàng ngày.
- Giảm lượng cholesterol xuống mức cho phép, duy trì cân nặng phù hợp.
- Thực hiện tập luyện thể chất ít nhất 30 phút/ngày, 5 ngày/tuần.
Ngoài ra, bổ sung thêm các loại thảo dược như sâm đất, hạt mào gà trắng, bạch quả, đinh lăng… hàng ngày cũng sẽ hỗ trợ cải thiện lưu lượng máu, chất dinh dưỡng đến hệ thần kinh não bộ, tăng tuần hoàn máu tốt hơn. Trong đó:
Bạch quả: Còn được gọi là Ginkgo Biloba. Một nghiên cứu của tác giả Ameneh Mashayekh cùng cộng sự đã cho thấy, bạch quả có tác dụng tăng cường lưu thông máu lên vùng chất xám, chất trắng đỉnh thùy chẩm phải tốt hơn. Từ đó cải thiện được lượng máu đến toàn bộ các vùng não khác.
Sâm đất: Giúp chống lại sự hình thành của các gốc tự do, ức chế quá trình stress oxy hóa gây độc lên hệ thần kinh não bộ. Tác dụng này đã được tác giả Prathapan Ayyappan cùng cộng sự nghiên cứu và chứng minh tại đề tài “Tác dụng chống oxy hóa của sâm đất giúp ức chế stress oxy hóa gây ra bởi các tác nhân gây độc thần kinh khác nhau”. Nghiên cứu này cũng cho thấy, sâm đất có khả năng bảo vệ được tổn thương DNA trong các mô, giảm quá trình peroxy hóa lipid đáng kể trong vỏ não.
Khi phối hợp những thảo dược này sẽ có tác dụng hỗ trợ cho người bệnh cải thiện được tình trạng rối loạn tuần hoàn não, giảm các triệu chứng khó chịu như đau đầu, mất ngủ, chóng mặt, mệt mỏi…
Một số thảo dược hỗ trợ tăng cường lưu thông máu khi bị rối loạn tuần hoàn não
Trên đây là những thông tin liên quan đến bệnh rối loạn tuần hoàn não. Sự thiếu hụt oxy, máu và các dưỡng chất lên não bộ do tình trạng này gây ra có thể gây nguy hiểm cho tính mạng người bệnh. Vì vậy, bạn nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa biến chứng ngay từ bây giờ.
Tuy vậy, bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo. Nếu còn thắc mắc liên quan đến rối loạn tuần hoàn não, vui lòng đặt câu hỏi dưới phần bình luận để được giải đáp chi tiết hơn.
Tham khảo:
https://link.springer.com/chapter/10.1007/978-1-4684-2670-0_2
https://www.medicalnewstoday.com/articles/184601#diagnosis
https://www.healthline.com/health/cerebral-circulation
Bình luận