Những điều cần biết về đau khớp gối
Đau khớp gối là triệu chứng có thể gặp ở nhiều người do thói quen sinh hoạt, chấn thương… gây ra. Cùng chúng tôi tìm hiểu ngay những điều cần biết về tình trạng đau khớp gối qua bài viết sau đây!
Đau khớp gối là gì?
Đau khớp gối hay đau gối, đau đầu gối là tình trạng vùng đầu gối chân bị đau nhức, đi lại khó khăn. Bệnh gây đau đớn dai dẳng ảnh hưởng đến sinh hoạt, vận động, công việc của người mắc. Tùy thuộc nguyên nhân gây đau khớp gối, người bệnh còn có thể gặp phải những dấu hiệu như sau:
- Sưng và cứng khớp gối.
- Đầu gối ửng đỏ, chạm vào cảm thấy ấm.
- Nghe tiếng lạo xạo, lục khục tại khớp khi vận động.
- Khớp gối bị yếu, dị dạng, cong hoặc lõm.
- Cứng đầu gối, không duỗi thẳng, uốn cong được.
- Sốt, ớn lạnh tại khớp gối.
Triệu chứng đau khớp gối thường sẽ dữ dội hơn khi thay đổi thời tiết, trời rét hoặc phải đứng, ngồi nhiều.
Đau nhức khớp gối là tình trạng đau nhức vùng đầu gối, không đi lại được
Nguyên nhân gây đau khớp gối
Đau khớp gối có thể xuất hiện do chấn thương, chẳng hạn như đứt dây chằng hoặc rách sụn, các bệnh lý về khớp gối như viêm khớp, thoái hóa khớp gối, nhiễm trùng… hay bệnh gút. Cụ thể như sau:
Chấn thương khớp gối
Chấn thương khớp gối có thể do các bộ phận quanh khớp gối bị tổn thương như dây chằng, gân, bao hoạt dịch khớp. Một số chấn thương khớp gối phổ biến bao gồm:
- Rách dây chằng: Xương đùi được nối với xương chày bằng hệ thống dây chằng. Khi dây chằng bị đứt rách, những cơn đau khớp gối sẽ kéo đến nhanh chóng. Rách dây chằng chéo trước là tình trạng thường gặp nhất, đặc biệt là ở người thường xuyên chơi các môn thể thao như bóng đá, bóng rổ, thay đổi hướng đột ngột.
- Bong gân: Là tình trạng một vài mô sợi bị đứt rách hoặc dây chằng bị giãn nhưng chưa đứt. Khi bị bong gân, đầu gối rất đau, bầm tím quanh khớp do máu tụ lại. Sờ vùng bong gân có cảm giác nóng
- Gãy xương: Khi bị ngã, tai nạn có thể khiến các xương đầu gối bị sứt, mẻ, gãy dẫn đến những cơn đau nhức ở khớp gối. Những người bị loãng xương cũng dễ bị gãy xương do cấu trúc xương giòn, xốp, dễ vỡ hơn.
- Rách sụn chêm: Sụn chêm là phần sụn cứng, dẻo, nằm giữa xương đùi và xương chày có tác dụng giảm xóc. Khi vận động sai tư thế đột ngột, sụn chêm có thể bị rách gây đau khớp gối
- Viêm bao hoạt dịch đầu gối: Bao hoạt dịch là một túi nhỏ chứa dịch nhầy bên trong. Hoạt dịch có tác dụng bôi trơn khớp, cung cấp dưỡng chất cho sụn khớp cứng chắc. Viêm bao hoạt dịch bị viêm sẽ gây đau nhức khớp gối, cơn đau tăng khi đi lại hoặc ấn vào vùng sưng đỏ.
- Viêm gân bánh chè: Tình trạng viêm này có thể xảy ra khi có chấn thương ở gân bánh chè, các mô xơ, dày gắn cơ vào xương. Người thường xuyên chạy bộ, đi xe đạp hay những người tham gia các môn thể thao có động tác nhảy dễ gặp phải nguy cơ bị viêm gân bánh chè hơn những đối tượng khác.
Bong gân là một trong những nguyên nhân dẫn đến đau khớp gối
Viêm khớp gối
Theo nghiên cứu, có đến hơn 100 loại viêm khớp khác nhau có thể dẫn đến đau khớp gối. Các nguyên nhân phổ biến nhất bao gồm:
- Thoái hóa khớp gối: Hay viêm khớp thoái hóa là tình trạng hao mòn của sụn khớp đầu gối theo tuổi tác và thời gian. Đây là nguyên nhân gây đau khớp gối phổ biến nhất hiện nay.
- Viêm khớp dạng thấp: Là bệnh tự miễn hệ thống mạn tính, ảnh hưởng đến hầu hết mọi khớp trong cơ thể, bao gồm cả đầu gối. Viêm khớp dạng thấp thường gây ra tình trạng sưng đau các khớp, cứng khớp vào buổi sáng và khi ngồi, đứng quá lâu tại một chỗ mà không hoạt động.
- Bệnh gout (gút): Là một dạng viêm khớp gây đau và sưng khớp xảy ra khi các tinh thể axit uric tích tụ trong khớp. Tình trạng sưng đau do gout thường xuất hiện ở đầu gối, các ngón chân, ngón tay khiến người bệnh vận động khó khăn.
- Giả gút: Thường bị nhầm lẫn với bệnh gút. Bệnh giả gút cũng gây ra những cơn sưng, đau ở các khớp do tinh thể canxi phát triển trong dịch khớp gây tổn thương khớp.
- Viêm khớp nhiễm khuẩn: Là tình trạng nhiễm trùng bên trong khớp, do vi khuẩn xâm nhập vào khớp, dẫn đến sưng, nóng, đỏ, đau.
Thoái hóa khớp gối là nguyên nhân dẫn đến đau khớp gối
Các vấn đề khác
Một số nguyên nhân khác cũng có thể dẫn đến viêm khớp gối như:
- Hội chứng đau xương bánh chè: Có thể gây ra những cơn đau ở đầu gối. Trường hợp này xảy ra chủ yếu ở các vận động viên, người thường xuyên chạy bộ, đạp xe đạp.
- Trật khớp xương bánh chè: Là chấn thương có thể gặp phải khi bàn chân đang trông trụ dưới đất nhưng lại thay đổi tư thế đột ngột vùng đầu gối gây trật khớp bánh chè.
- Hội chứng dải chậu chày: Là tình trạng chấn thương do sự hoạt động quá mức của các mô liên kết nằm ở mặt ngoài đầu gối và xương chày. Lúc này, dải chậu chày sẽ siết chặt, tạo nên ma sát ở đầu gối khi co chân và gây đau khớp gối.
Chẩn đoán đau khớp gối
Trường hợp cảm thấy đau, vận động bị hạn chế, bạn nên đi khám để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân. Các phương pháp thường được áp dụng bao gồm:
Khám lâm sàng
Dựa vào mức độ đau khớp gối kèm theo các dấu hiệu khác, các bác sĩ có thể xác định sơ bộ căn nguyên. Người bệnh sẽ được kiểm tra các dấu hiệu như:
- Kiểm tra khả năng vận động của khớp.
- Sự biến dạng khớp.
- Các dấu hiệu xương khớp bất thường khác.
Chẩn đoán hình ảnh
Ngoài thăm khám lâm sàng, để xác định chính xác nguyên nhân, người bệnh có thể được chỉ định làm các xét nghiệm hình ảnh như:
- Chụp X-quang: Giúp xác định các chấn thương gây đau khớp gối liên quan đến tổn thương ở xương.
- Chụp CT: Giúp chẩn đoán các vấn đề về xương, gãy xương và xác định chính xác bệnh gout ngay cả khi khớp không bị viêm.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Giúp bác sĩ xem xét để xác định nguyên nhân gây đau khớp gối. Chụp cộng hưởng từ sử dụng từ trường, sóng vô tuyến và máy tính để quét hình ảnh chi tiết các bộ phận của khớp gối. Một số các vấn đề có thể được quan sát thấy khi chụp MRI đầu gối như: sụn bị hư hỏng, rách gân hoặc dây chằng, gãy xương, thoái hóa khớp, nhiễm trùng, khối u…
- Siêu âm: Giúp đánh giá các tổn thương mô mềm bên trong và xung quanh đầu gối, từ đó đưa ra giải pháp điều trị phù hợp.
Kỹ thuật siêu âm giúp chẩn đoán đau khớp gối
Xét nghiệm
Để chẩn đoán nguyên nhân gây đau khớp gối, người bệnh có thể được chỉ định thực hiện các xét nghiệm máu hoặc chọc hút dịch khớp gối trường hợp nghi ngờ do nhiễm khuẩn, viêm khớp.
Một số yếu tố nguy cơ gây đau khớp gối
Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về đầu gối, bao gồm:
- Thừa cân: Thừa cân hoặc béo phì làm tăng áp lực lên cho khớp gối, ngay cả trong các hoạt động thông thường như đi bộ hoặc lên xuống cầu thang. Nó cũng khiến bạn có nguy cơ bị viêm xương khớp do đẩy nhanh quá trình phá hủy sụn khớp.
- Cơ thể thiếu linh hoạt hoặc bị yếu cơ bắp: Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến làm tăng nguy cơ chấn thương đầu gối.
- Chơi thể thao hoặc tai nạn nghề nghiệp: Một số môn thể thao có thể tác động lớn tới đầu gối của bạn như bóng rổ, trượt tuyết, nhảy cao… gây ra các chấn thương gây đau khớp gối khi chơi thể thao hoặc tai nạn nghề nghiệp.
- Tiền sử chấn thương: Bạn có khả năng cao bị đau khớp gối nếu trước đó đã từng bị chấn thương ở khu vực này.
Biến chứng
Không phải tất cả các trường hợp bị đau khớp gối đều nghiêm trọng. Tuy nhiên, một trong số đó lại có thể để lại những biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng tới lớn tới sức khỏe nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời như bệnh viêm xương khớp, giãn hoặc đứt dây chằng…
Phòng ngừa đau khớp gối
Để ngăn ngừa đau khớp gối xuất hiện hay tái phát, bạn nên lưu ý một số vấn đề như sau:
- Duy trì cân nặng ở mức hợp lý: Giúp hạn chế được gánh nặng lên các khớp gối, từ đó giảm nguy cơ chấn thương và viêm xương khớp.
- Tập thể dục, chơi các môn thể thao phù hợp: Giúp tăng cường sức khỏe và giảm khả năng gặp các chấn thương không đáng có trong quá trình tập luyện. Bạn không nên tập thể dục với cường độ quá mạnh trong thời gian dài mà không có sự trợ giúp của các chuyên gia trong quá trình tập luyện. Thực hiện các bài tập thể dục nhẹ nhàng để rèn luyện sự dẻo dai và sức mạnh cơ bắp là một trong những phương pháp hiệu quả giúp ngăn ngừa tình trạng đau khớp gối. Lưu ý bạn nên tập thể dục đều đặn mỗi ngày hoặc ít nhất vài lần mỗi tuần để giúp cơ thể linh hoạt và dẻo dai.
Điều trị đau khớp gối
Một số phương pháp điều trị cho người đau khớp gối thường được bác sĩ chỉ định thực hiện như:
- Dùng thuốc: Một số thuốc giảm đau, kháng viêm có thể được bác sĩ khuyên dùng trong điều trị đau khớp gối. Bạn phải tuyệt đối tuân theo chỉ dẫn dùng thuốc để cải thiện tình trạng bệnh và hạn chế những tác dụng không mong muốn khi dùng thuốc.
- Sử dụng các dụng cụ hỗ trợ như nạng hoặc gậy, nẹp đầu gối để giảm căng thẳng cho các khớp gối.
- Châm cứu: Phương pháp châm cứu được bắt nguồn từ Y học cổ truyền Trung Quốc. Người thầy thuốc sẽ châm kim nhỏ vào một số điểm nhất định quanh đầu gối để giảm tình trạng đau khớp gối.
- Sử dụng miếng đệm lót giày để làm giảm áp lực lên khớp gối. Đối với bệnh thoái hóa khớp gối, các bác sĩ thường khuyên bạn nên dùng miếng lót giày đặc biệt để trong giày.
- Chườm lạnh: Trong 48 đến 72 giờ đầu sau khi bị chấn thương đầu gối, hãy sử dụng túi chườm lạnh trong thời gian khoảng 15-20 phút, 3-4 lần/ngày để giảm sưng đau khớp gối. Sau đó, bạn có thể tắm nước ấm, dùng đệm sưởi hoặc khăn ấm để cân bằng lại nhiệt độ cơ thể.
- Tránh tập luyện với cường độ quá cao trong quá trình điều trị. Các bài tập tác động mạnh, nhanh có thể làm tổn thương thêm đầu gối đau. Ngoài ra, tránh thực hiện các bài tập như gập người và ngồi xổm sâu gây nhiều áp lực lên đầu gối của bạn. Những điều này có thể làm cơn đau trầm trọng hơn và nếu không được thực hiện đúng cách sẽ gây tổn thương nghiêm trọng cho khớp gối.
- Sử dụng sản phẩm có chứa màng vỏ trứng với nguồn dinh dưỡng dồi dào cho khớp (collagen type 1, glucosamine, chondroitin, acid hyaluronic...) giúp giảm đau, kháng viêm, bổ sung dưỡng chất cho khớp. Từ đó giúp tái tạo sụn khớp, chống khô, cứng khớp, giúp khớp gối vận động linh hoạt.
Sử dụng sản phẩm có chứa màng vỏ trứng giúp giảm đau khớp gối
Hy vọng những thông tin trong bài viết trên đã giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về tình trạng đau khớp gối. Nếu cơn đau khớp gối xuất hiện, hãy đến thăm khám bác sĩ ngay để có giải pháp điều trị hiệu quả bạn nhé.
Link tham khảo:
- https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/knee-pain/symptoms-causes/syc-20350849
- https://www.nhs.uk/conditions/knee-pain/
- https://acc.vn/en/problems-we-treat/knee-pain/
Bình luận