Khi khớp đau kéo dài, ngày càng đau dữ dội, cử động thấy phát ra tiếng kêu lạo xạo…đừng chủ quan, bởi đó là dấu hiệu rất đặc trưng, thể hiện sự “già nua” của khớp.

Tiếng kêu lục cục, lạo xạo kèm đau nhức xuất hiện khi các đầu xương bị va vào nhau do mất lớp sụn ở giữa. Ở khớp khỏe mạnh, sụn hoạt động như một tấm đệm giảm xóc, cung cấp chất nhầy có độ trơn hơn 20 lần so với mặt băng trượt để các đầu xương không ma sát vào nhau. Tuy nhiên, khi sụn bắt đầu “xuống cấp” và “tiêu” dần, khiến cho 2 đầu xương dần tiếp xúc với nhau, gọi là thoái hóa khớp (THK). Tổn thương THK thường gặp ở các khớp chịu lực: khớp gối, khớp háng hoặc cột sống. Nguyên nhân gây THK bao gồm: béo phì, tuổi cao, chấn thương hoặc dị dạng ở khớp, lao động nặng... Quá trình điều trị THK lâu dài nên người bệnh phải kết hợp cả các biện pháp điều trị dùng thuốc và biện pháp không dùng thuốc.

cốt thống linh - ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Các biện pháp không dùng thuốc:

Nghỉ ngơi: Bệnh nhân cần làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đầy đủ. Khớp bị bệnh cần được giảm tải bằng cách hoạt động vừa phải, sử dụng công cụ hỗ trợ và tập luyện phòng ngừa cứng khớp, để khớp không bị tổn thương thêm và không bị kích ứng tại chỗ.

Thể dục thể thao: Nên chọn lựa những môn thể thao làm tăng sức cơ mà không kích ứng cơ (như bơi lội, đạp xe, đi bộ…)

Vật lý trị liệu: Có tác dụng giảm đau tốt với các biện pháp như mát xa cơ, tập vận động khớp và các biện pháp dùng nhiệt lượng (hồng ngoại, sóng ngắn, điện phân...). Có thể chườm nóng, chườm lạnh hay chườm luân phiên nóng - lạnh sau mỗi 3 phút.

Các biện pháp dùng thuốc:

Hai nhóm thuốc được khuyên dùng gồm thuốc giảm đau (paracetamol đơn thuần hay phối hợp với chất khác để tăng hiệu quả giảm đau) và thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDS). Thuốc kháng viêm không steroid thường chỉ cần dùng trong đợt cấp và ngưng khi không cần thiết để tránh tác dụng phụ của thuốc.

 

Linh Nhật

Bình luận