Mọi thông tin về táo bón và 10 cách phòng ngừa hiệu quả tại nhà
Táo bón là gì?
Táo bón là tình trạng đi tiêu không thường xuyên hoặc khó đi tiêu. Tình trạng này kéo dài trong vài tuần hoặc lâu hơn. Táo bón có thể gây khó chịu cho người bệnh trong sinh hoạt hằng ngày, thậm chí gây đau đớn và nhiễm độc nếu không được điều trị kịp thời. Bất kỳ lứa tuổi nào đều có thể bị táo bón. Táo bón được chia thành 2 loại chính:
- Táo bón chức năng: Chiếm tới 95% các trường hợp táo bón. Nguyên nhân dẫn đến táo bón chức năng do rối loạn chức năng hệ tiêu hóa và chế độ sinh hoạt chưa hợp lý.
- Táo bón thực thể: Táo bón do các nguyên nhân như tổn thương cấu trúc hoặc chức năng tại trong hay ngoài đường tiêu hóa. Cần được phát hiện và điều trị nguyên nhân để cải thiện tình trạng bệnh.
Nguyên nhân dẫn đến táo bón
Cơ chế hay nguyên nhân trực tiếp dẫn đến táo bón là do đại tràng hấp thụ quá nhiều nước từ chất thải, khiến phân bị khô, cứng và khó đẩy ra cơ thể. Hay nói cách khác, táo bón xảy ra khi thức ăn di chuyển quá chậm qua đường tiêu hóa, nó làm cho đại tràng phải mất nhiều thời gian hơn để hấp thu chất thải.
Có nhiều yếu tố, tác nhân gây ra cơ chế táo bón. Ví dụ như:
Do chế độ ăn uống
Chế độ ăn uống là một trong những tác nhân chính dẫn đến táo bón. Những yếu tố gây táo bón từ chế độ ăn uống có thể bao gồm:
- Chế độ ăn ít chất xơ, đặc biệt là chế độ ăn nhiều thịt, sữa và phô mai.
- Uống một số thuốc, bao gồm thuốc kháng axit, thuốc giảm đau, thuốc lợi tiểu và một số thuốc điều trị Parkinson.
- Uống ít nước.
- Uống nhiều rượu, bia, ăn nhiều đồ cay nóng.
- Ăn kiêng.
- Uống quá nhiều thực phẩm bổ sung canxi, hay sắt.
Do chế độ sinh hoạt
Ngoài chế độ ăn uống, thói quen sinh hoạt cùng những yếu tố khác cũng có thể dẫn đến tình trạng táo bón ở người bình thường. Cụ thể gồm:
- Căng thẳng kéo dài.
- Nhịn đi vệ sinh, không có thời gian đi vệ sinh cụ thể.
- Ít vận động và tập thể dục.
- Thay đổi môi trường hoặc chế độ sinh hoạt.
- Đặc thù công việc phải ngồi trong thời gian dài (người làm văn phòng, bác sĩ nha khoa,...)
Nhịn đi vệ sinh lâu ngày là thói quen thường gặp ở những người có công việc bận rộn
Do tình trạng sức khỏe
Người bệnh có thể bị táo bón nếu đang gặp một số vấn đề sức khỏe, bệnh lý. Ví dụ như các bệnh:
- Ung thư trực tràng, hội chứng ruột kích thích IBS.
- Các vấn đề liên quan đến nội tiết như suy giáp, tiểu đường, tăng calci huyết, urê huyết.
- Các bệnh rối loạn thần kinh như chấn thương tủy sống, Parkinson, đa xơ cứng, đột quỵ.
- Hội chứng ruột lười biếng, tắc ruột, xảy ra khiếm khiếm trong cấu trúc đường tiêu hóa.
- Có các bệnh đa cơ quan như lupus, bệnh xơ cứng bì.
- Đang mang thai.
>>> XEM THÊM: Rối loạn tiêu hóa ở trẻ em và 7 điều đặc biệt cần chú ý
Sử dụng một số loại thuốc
Một số loại thuốc điều trị cũng có thể gây ra tác dụng phụ táo bón. Ví dụ như các loại thuốc chống viêm không steroid, thuốc giảm đau mạnh, thuốc dị ứng, thuốc chống trầm cảm vòng ba, thuốc huyết áp, thuốc chống co giật,...
Triệu chứng và hậu quả của táo bón
Táo bón khá dễ nhận biết, khi bạn đi vệ sinh ít hơn 3 lần/tuần và gặp khó khăn khi đưa chất thải ra ngoài thì khả năng rất cao bạn đã bị táo bón. Nếu chủ quan không điều trị sớm, táo bón sẽ gây ra nhiều hậu quả nguy hiểm kéo theo.
Dấu hiệu nhận biết táo bón
Triệu chứng đặc trưng của người bị táo bón dễ nhận biết nhất là số lần đi vệ sinh theo chu kỳ. Thói quen đi vệ sinh của mỗi người là khác nhau, có người đi vệ sinh nhiều lần và có người chỉ đi 3 lần/tuần. Tuy nhiên, bạn có thể bị táo bón nếu bạn có các triệu chứng sau:
- Đi ngoài ít hơn 3 lần/tuần.
- Phân đi ngoài vón cục, cứng và khô.
- Khó chịu hoặc cảm thấy đau khi đi ngoài.
- Luôn có cảm giác đầy bụng, khó chịu, muốn đi ngoài tiếp ngay cả khi vừa đi xong.
- Cảm giác như không thể tống hết phân ra khỏi trực tràng.
- Cần rặn thật mạnh hoặc tác động bằng tay ở ngoài để tống phân ra.
Hậu quả mà táo bón kéo dài gây ra
Mọi người thường có xu hướng chủ quan xem nhẹ khi bị táo bón vì cho rằng đây là một bệnh lý thông thường. Tuy nhiên, các biến chứng của táo bón kéo dài cũng rất nguy hiểm, cụ thể:
- Nhiễm trùng trong túi đôi hình thành khi ruột kết từ phân, gây ra bệnh lý viêm ruột thừa.
- Sưng tĩnh mạch ở hậu môn (trĩ): Việc rặn khi đi vệ sinh trong một thời gian dài gây sưng các tĩnh mạch trong và xung quanh hậu môn của bạn, từ đó gây ra trĩ.
- Rách da ở hậu môn: Phân lớn hoặc cứng có thể gây ra những vết rách ở hậu môn gây rát, chảy máu hoặc nhiễm trùng.
- Phân không thể tống ra ngoài được: Táo bón mãn tính có thể gây ra sự tích tụ của phân cứng và mắc kẹt trong ruột già của bạn.
- Sa trực tràng (ruột chui ra ngoài): Rặn quá nhiều khi đi vệ sinh làm cho một phần trực tràng bị căng và dãn ra, chui ra khỏi hậu môn.
Khi nào tôi nên đi khám bác sĩ?
Táo bón có thể xuất hiện trong một thời gian ngắn rồi biến mất nếu người bệnh cải thiện chế độ ăn uống của mình. Tuy nhiên, bạn nên đi khám bác sĩ nếu:
- Đau bụng, chướng bụng (đầy hơi) mà không đi vệ sinh trong một vài ngày.
- Không đi vệ sinh từ 5 ngày đến 1 tuần
- Phải sử dụng thuốc nhuận tràng nhiều hơn ba lần/tuần
- Chảy máu trực tràng (có máu trong phân)
Nhiều biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra khi người bệnh táo bón kéo dài
Điều trị táo bón sao cho đúng?
Phương pháp điều trị táo bón như thế nào sẽ phụ thuộc vào tình trạng bệnh. Một số phương pháp thường được bác sĩ chỉ định để giảm thiểu tình trạng táo bón từ nhẹ đến nặng là:
Thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt
Tăng cường bổ sung thêm các loại thực phẩm có thể hỗ trợ hệ đường ruột đào thải phân tốt hơn. Ví dụ như:
- Tăng chất xơ trong thực đơn của bạn: Ăn nhiều trái cây tươi và rau củ mỗi ngày, lựa chọn ăn xen kẽ các loại ngũ cốc nguyên hạt.
- Ăn sữa chua hoặc sữa chua uống làm cân bằng lợi khuẩn, từ đó có thể cải thiện tình trạng đi tiêu khó khăn của bạn.
Hạn chế hấp thu các loại thức ăn làm gia tăng tình trạng táo bón. Một số thực phẩm dễ làm cho bạn khó tiêu và táo bón gồm:
- Thức ăn rất cay.
- Thức ăn nhiều dầu mỡ.
- Sản phẩm từ bơ sữa.
- Thực phẩm nhiều chất béo.
Sử dụng các loại thuốc
Sử dụng các thuốc nhuận tràng không kê đơn có tác dụng bổ sung chất xơ, tăng chất lỏng có trong ruột và kích thích ruột vận động, các chất bôi trơn như dầu khoáng, chất làm mềm phân sẽ giúp bạn đi vệ sinh dễ dàng hơn.
Nếu các loại thuốc trên không hiệu quả, bác sĩ có thể kê các đơn thuốc theo toa để giảm thiểu tình trạng táo bón. Các loại thuốc kê toa thường thấy là: Lubiprostone (Amitiza), linaclotide (Linzess) giúp tăng tốc độ di chuyển phân, Prucalopride (Motegrity) giúp di chuyển phân qua ruột kết,..
Tập luyện cơ xương chậu
Thả lỏng cơ xương chậu khi đi tiêu vào đúng thời điểm sẽ làm cho quá trình đào thải phân của bạn dễ dàng hơn. Bác sĩ sẽ cung cấp cho bạn một số bài tập trị liệu cho bộ phận này giúp việc đi đại tiện dễ dàng hơn.
Phẫu thuật
Phẫu thuật là biện pháp cuối cùng được lựa chọn nếu bạn đã thử hết những biện pháp trên nhưng không có hiệu quả hoặc được bác sĩ chỉ định phẫu thuật. Phẫu thuật cắt bỏ một phần ruột kết thường được chỉ định trong phẫu thuật với những người có phân di chuyển chậm bất thường.
Phẫu thuật là giải pháp cuối cùng khi táo bón đã gây ra hậu quả nghiêm trọng
10 cách phòng ngừa táo bón hiệu quả tại nhà
Táo bón có thể ngăn ngừa bằng nhiều phương pháp đơn giản và hiệu quả. Dưới đây là 10 cách giảm táo bón tại nhà bạn nên biết:
1. Uống nhiều nước hơn
Việc mất nước thường xuyên có thể khiến cho chúng ta bị táo bón. Để ngăn ngừa chuyện này, bạn cần phải uống đủ nước và giữ đủ nước cho cơ thể. Hãy đảm bằng rằng bạn uống đủ 2 lít nước mỗi ngày và phân bố thời điểm uống đồng đều trong ngày.
Một số nghiên cứu lâm sàng đã phát hiện ra rằng nước có ga có tác dụng trong việc giảm táo bón hiệu quả hơn so với nước thông thường. Những các triệu chứng khác như khó tiêu, đầy bụng hoặc những người bị táo bón vô căn mãn tính cũng thấy cải thiện khi sử dụng nước có ga.
Tuy nhiên, nước có ga được khuyên sử dụng là loại nước không có đường. Đồ uống có ga như nước ngọt có thể gây hại cho sức khỏe và khiến cho tình trạng táo bón trở nên tồi tệ hơn. Một số người mắc hội chứng ruột kích thích cũng không nên sử dụng nước có ga. Chúng sẽ làm các triệu chứng này thêm trầm trọng.
2. Ăn nhiều chất xơ
Một nghiên cứu năm 2016 cho thấy 77% những người bị táo bón mãn tính cảm thấy tình trạng bệnh được cải thiện sau khi được bổ sung chất xơ. Chất xơ làm tăng khối lượng và thể tích phân có trong nhu động ruột. Phân dễ dàng được tạo ra và đi qua hệ tiêu hóa nhanh hơn.
Chất xơ có trong nhiều loại thực phẩm khác nhau. Nhìn chung, chúng được chia thành 2 loại: Chất xơ không hòa tan và chất xơ hòa tan.
- Chất xơ không hòa tan: Có trong cám lúa mì, rau xanh và các loại ngũ cốc nguyên hạt - chúng làm cho phân được tạo và đi qua hệ tiêu hóa nhanh chóng và dễ dàng hơn.
- Chất xơ hòa tan: Có trong cám yến mạch, lúa mạch, quả hạch, các loại hạt, và các loại đậu. Chúng hấp thụ nước và làm cho phân mềm và xốp hơn.
Để ngăn ngừa táo bón, bạn nên sử dụng cả các chất xơ hòa tan và không hòa tan. Tổng lượng chất xơ được khuyến nghị mỗi ngày là 25g đối với nữ và 38g đối với nam.
Các loại hạt giúp cho phân qua hệ tiêu hóa nhanh chóng và dễ dàng hơn
3. Tập thể dục đều đặn
Một lối sống ít vận động sẽ làm tăng nguy cơ táo bón. Do đó, các chuyên gia chăm sóc sức khỏe khuyên bạn nên tăng cường tập thể dục để làm cho phân dễ dàng di chuyển. Một số nghiên cứu khác đã báo cáo rằng tập thể dục đã làm giảm một số triệu chứng của táo bón và làm cho người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn.
Bạn hãy thử thực hiện một số bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, bơi lội, đạp xe hoặc chạy bộ đều đặn trong 1-2 tháng. Sau đó bạn có thể đánh giá được hiệu quả của chúng đối với chứng táo bón bạn gặp phải.
4. Uống cà phê hay sử dụng cafein
Đối với một số người, uống cà phê có thể làm tăng cảm giác muốn đi vệ sinh. Điều này được lý giải do cà phê kích thích các cơ có trong hệ tiêu hoá.
Thực tế một nghiên cứu năm 1998 cho thấy cà phê có chứa cafein có thể kích thích đường ruột hoạt động như khi bạn đang ăn. Tác dụng này mạnh hơn 60% so với uống nước lọc và 23% so với uống cà phê đã khử caffeine. Trong cà phê cũng chứa một lượng nhỏ chất xơ hoà tan. Các chất này giúp cải thiện sự cân bằng của vi khuẩn đường ruột và ngăn ngừa táo bón. Tuy nhiên, bạn không nên uống cà phê khi đói vì nó dễ làm cho bạn cồn ruột, thậm chí say cà phê.
5. Sử dụng thực phẩm chứa probiotic hay bổ sung probiotic
Probiotic hay còn gọi là vi khuẩn sống (các chất trợ sinh). Khi được đưa vào cơ thể với số lượng vừa đủ sẽ sinh ra những lợi khuẩn tự nhiên có lợi cho ruột. Probiotic bao gồm Bifidobacteria và Lactobacillus. Sử dụng nhiều thực phẩm chứa probiotic sẽ giúp cải thiện sự mất cân bằng trong vi khuẩn đường ruột. Từ đó ngăn ngừa táo bón hiệu quả.
Lựa chọn các sản phẩm chứa lợi khuẩn Bacillus subtilis kết hợp với inulin, fructose oligosaccharide (FOS), vitamin nhóm B, L-lysine, taurine, magnesium, zinc, calcium,… vừa giúp cải thiện triệu chứng rối loạn tiêu hóa như táo bón, tiêu chảy, đầy hơi, khó tiêu,...
Thành phần fructose oligosaccharide (FOS) đã được nghiên cứu về đề tài: "Tác dụng của việc bổ sung Fructo-Oligosaccharide đối với táo bón ở bệnh nhân chạy thận phúc mạc liên tục cấp cứu người cao tuổi" của tác giả Kulwara Meksawan và rút ra được kết luận: "Fructo-oligosaccharides làm tăng đáng kể tần suất đại tiện. Bổ sung Fructo-oligosaccharide có hiệu quả, được dung nạp tốt và có thể là một thay thế cho các thuốc nhuận tràng ở bệnh nhân đang chạy thận bị táo bón".
Sản phẩm chứa lợi khuẩn Bacillus subtilis đã được nghiên cứu lâm sàng tại 1 trường mầm non ở Bắc Giang. Kết quả cho thấy: 100% không có tác dụng phụ, 84% trẻ em cải thiện triệu chứng rối loạn tiêu hóa, 77% cải thiện dinh dưỡng, 68% trẻ ăn ngon miệng hơn.
Các lợi khuẩn Bacillus subtilis rất có lợi cho việc hỗ trợ chứng táo bón
Dùng men vi sinh trong trong 2 tuần trở lên có thể điều trị táo bón, tăng tần suất đi ngoài và tăng độ mềm của phân. Bạn có thể sử dụng các thực phẩm bảo vệ sức khoẻ chứa probiotic hoặc ăn nhiều thực phẩm giàu probiotic. Một số thực phẩm chứa nhiều probiotic bạn có thể dễ dàng tìm mua gồm có:
- Sữa chua và sữa chua uống
- Dưa muối, cà muối
- Kim chi
6. Thử dừng uống sữa
Ở những người không có khả năng dung nạp sữa, uống sữa có thể gây ra táo bón do chúng ảnh hưởng xấu đến hoạt động của đường ruột. Những đối tượng này bao gồm trẻ em không thể dung nạp protein sữa bò và người lớn không thể dung nạp lactose.
Nếu nghi ngờ bản thân hay người thân của mình không có khả năng dung nạp sữa, bạn có thể đến thăm khám tại các trung tâm y tế gần nhất. Bác sĩ có thể khuyên bạn nên tạm thời bỏ sữa ra khỏi chế độ ăn uống và đồng thời bổ sung sự thiếu hụt canxi bằng các thực phẩm khác để đánh giá xem các triệu chứng táo bón có được cải thiện hay không.
7. Ăn táo tàu hay mận khô
Sử dụng những sản phẩm có chứa mận khô, táo tàu là phương pháp tự nhiên chữa táo bón tại nhà khá hiệu quả Ngoài chất xơ, táo tàu và mận khô còn chứa sorbitol, đây là một loại chất có tác dụng nhuận tràng rất tốt. Thậm chí nếu ăn nhiều, bạn có thể bị tiêu chảy nhẹ. Liều lượng tốt nhất bạn nên ăn mỗi ngày là khoảng 50g - trung bình là 7 quả, ăn 2 lần/ngày.
8. Lựa chọn nguyên liệu nấu ăn chứa prebiotic
Prebiotic làm giảm táo bón bằng cách cải thiện độ đặc và độ lớn của phân, tăng tần suất đi ngoài và làm phân mềm hơn. Ngoài ra, prebiotics còn cải thiện sức khỏe hệ tiêu hoá khi cung cấp lợi khuẩn trong đường ruột, giúp cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột.
Dưới đây là một số thực phẩm chứa prebiotic:
- Rau diếp xoăn
- Tỏi
- Hành
- Chuối
- Rong biển
- Lúa mạch, yến mạch
- Táo, củ đậu
Thực phẩm chứa probiotic và prebiotic
9. Bổ sung glucomannan
Glucomannan là một chất xơ hoà tan có trong rễ của cây konjac (khoai tượng hay khoai nưa). Cũng giống như prebiotic, glucomannan làm cải thiện nhu động ruột bằng cách cân bằng hệ vi khuẩn có trong ruột.
Một thí nghiệm cho thấy 45% trẻ em dùng glucomannan giảm được chứng táo bón nặng. Trong khi đó với nhóm trẻ không sử dụng glucomannan, tỉ lệ này chỉ là 13%. Bên cạnh đó, Glucomannan còn có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường, làm cho da trở nên khoẻ hơn, giảm cholesterol và giảm cân.
10. Hạn chế sử dụng thuốc giảm đau chứa opioid
Opioid làm giảm hoạt động của nhu động ruột, khiến phân ở lâu mà không được thải ra ngoài và bị hút nước ngược trở lại. Không chỉ vậy, opioid còn khiến hệ tiêu hoá giảm tiết dịch vào lòng ống ruột già. Cả hai yếu tố trên làm cho phân trở nên rất cứng, khô và khó tống ra ngoài.
Táo bón là một chứng bệnh hoàn toàn có thể khắc phục bằng một chế độ ăn uống khoa học và hợp lý. Giữ một tinh thần thoải mái, tăng cường vận động thể dục thể thao sẽ giúp cho cơ thể chúng ta khoẻ mạnh và đẩy lùi bệnh tật. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến bệnh loạn khuẩn đường ruột, vui lòng để lại thông tin liên hệ để được chúng tôi tư vấn sớm nhất.
Link tham khảo:
https://www.medicalnewstoday.com/articles/320940
Bình luận