Lưu ý khi nấu ăn dặm cho bé
Mỗi bà mẹ luôn có cho mình một bí kíp riêng để chế biến đồ ăn dặm cho bé sao cho vừa miệng nhất. Tuy nhiên, làm sao để xay thịt thật mịn, không bị vón thành cục,… thì không phải ai cũng biết. Dưới đây sẽ là một số bí kíp giúp mẹ chế biến đồ ăn dặm ngon hơn.
Sơ chế sạch
Đảm bảo tất cả các đồ dùng chế biến thức ăn đều được cọ rửa thật sạch trước khi nấu. Mẹ hãy chọn mua 1 chiếc thớt dành riêng cho việc cắt rau quả, 1 cái cho cắt thái thịt sống và một cái dành cho thực phẩm đã nấu chín hơn là chỉ một cái dùng chung cho mọi công đoạn.
Dụng cụ cần thiết
Đồ dùng nấu thức ăn dặm cho bé không cần thiết phải cầu kỳ. Một nồi luộc, một nồi hấp hay một cái rổ hấp đặt trong nồi luộc cùng máy xay và bộ lọc tốt là đủ.
Còn muốn chuẩn bị thức ăn nhiều hơn cho bé ăn dần trog 1 – 2 ngày, mẹ chỉ cần làm đông lạnh thực phẩm đã xay cho bé. Và lúc này mẹ cần chuẩn bị khay đá viên và túi nhựa chuyên dụng. Đảm bảo rằng các dụng cụ đựng thức ăn đều sạch sẽ và an toàn cho hệ tiêu hóa của trẻ vốn rất nhạy cảm.
Ảnh 1 : Nấu đồ ăn dặm cho bé không cần quá cầu kỳ
Chế biến
Một chiếc máy xay sinh tố hay máy xay thịt là mẹ có thể có được đồ ăn dặm cho con theo ý muốn (thật mịn hay lổn nhổn). Vậy làm sao để sử dụng máy xay để thịt thật mịn, nhuyễn cho trẻ dễ nuốt, mẹ hãy thử áp dụng một số kinh nghiệm sau:
“Mình hấp thịt để giữ lại mùi vị và tránh hao hụt vitamin. Sau đó, cho thịt vào máy xay. Hoặc mình băm nhuyễn, sau đó dùng râyđể loại bỏ những cục bã. Sau đó, nấu thịt với bột hoặc cháo của bé như bình thường nghĩa là khi bột đã chín thì cho thịt vào và đợi sôi lại là được.” Mẹ Chít chia sẻ.
Nếu mẹ muốn thịt có mùi ngậy để giúp dụ bé ăn hết đĩa bột thì mẹ hãy thử cách của Mẹ Bi: “Cho thịt còn sống vào máy xay để xay mịn, rồi cho vào nồi cháo đang sôi thì thịt mềm hơn. Tuy nhiên, thịt nấu chín mới xay lại có ưu điểm là thơm hơn và nhiều bé thích ăn kiểu này”.
Mẹ Cu Tít chia sẻ: “Mình đang ở nhà chăm con nên có nhiều thời gian rỗi. Mình thường sử dụng máy xay thịt lẫn rau củ sống. Sau đó, đổ hỗn hợp vào cháo đang sôi. Lúc đó cháo sẽ có mùi thơm ngon và bổ dưỡng. Khi bé ăn được thức ăn cục thì mình không dùng máy xay thịt, cối xay thịt hay rây nữa mà băm nhỏ thịt và rau vừa bổ lại vừa giúp bé tập nhai hiệu quả.”
“Khi bắt đầu ăn dặm, bé Nấm rất thích nhiều chất lỏng, vì thế mình thường cho thêm hỗn hợp bột, rau củ của bé cho thêm một ít sữa mẹ hoặc sữa công thức… Bé sẽ háu ăn, ngon miệng hơn rất nhiều” Mẹ Bé Nấm chia sẻ.
Nguyên tắc khi phối hợp thức ăn
- Trẻ dưới 8 tháng tuổi không nên ăn các các loại đồ hải sản vì trẻ ở tuổi đó chưa đủ men tiêu hóa các loại thức ăn này.
- Giữ nguyên tắc thực phẩm thuần nhất: Càng thuần nhất thì càng tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ. Ví dụ, không nên kết hợp cá, tôm, cua… với các loại thịt, đặc biệt là thịt có màu đỏ. Nghĩa là chỉ cho trẻ ăn một loại đạm động vật trong bữa ăn.
- Không nên thêm nhiều loại rau vào cùng một nồi cháo. Làm như thế là mẹ vô tình làm ‘hỏng’ vị giác của bé.
- Tránh cho trẻ ăn nhiều chất xơ vì sẽ gây tiêu chảy do ruột bị kích thích quá nữa hoặc chất xơ ứ đọng lại trong ruột gây táo bón.
- Phối hợp linh hoạt các loại đạm có nguồn gốc thực vật và động vật. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, tỷ lệ phối hợp tốt nhất là 50/50.
- Đừng quên nguyên tắc 4 ngày đợi khi cho bé thử bất kỳ loại thức ăn mới nào.
Bình luận