Suy thận – Ăn uống, tập luyện và điều trị như thế nào?
Những bệnh nhân bị mắc suy thận hoặc các bệnh nguy cơ dẫn đến suy thận như: viêm cầu thận, hội chứng thận hư, sỏi thận, thận đa nang… cần phải tuân thủ chặt chẽ phác đồ điều trị cùng chế độ ăn uống và tập luyện hợp lý. Việc này có ý nghĩa quan trọng trong điều trị bảo tồn, làm chậm diễn tiến suy thận.
Quá trình suy thận mạn diễn tiến kéo dài, âm ỉ và được chia thành 5 giai đoạn. Suy thận ở giai đoạn đầu thường rất ít triệu chứng. Khi đã có dấu hiệu như: buồn nôn, nôn, biếng ăn, mệt mỏi, phù tay chân, tăng huyết áp, tiểu đêm,... thì có thể bệnh đã ở giai đoạn muộn.
PGS.BS Trần Văn Chất – Nguyên Chủ tịch Hội Thận học Hà Nội cho biết, đối với bệnh nhân suy thận, chế độ dinh dưỡng phải theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ điều trị. Bệnh nhân thận phải ăn chế độ giàu calo, tăng khoảng 30% so với bình thường (khoảng 3.000 Kcal), ăn chia nhỏ từ 4-6 bữa/ ngày, hạn chế đạm ở mức 0,3 - 0,4g/kg cân nặng/ngày. Đồng thời, người bệnh cần có chế độ ăn nhạt, không ăn quá 2- 4g muối ăn/ngày. Không nên dùng các đồ uống kích thích như: trà, rượu bia…; Cần phải hạn chế ăn các thức ăn có chứa nhiều phốt pho như: pho- mát, gan, lạc, đậu đỗ và các thức ăn có chứa nhiều kali như: chuối, các loại quả khô, mứt hoa quả,... Các đồ ăn tốt cho bệnh thận như: gạo, bánh mì không có muối, mì ống, khoai tây…, có thể uống sữa. Nên ăn các loại trái cây tươi tốt cho thận như: táo, dưa hấu, lê, đào.
Người bị bệnh thận tránh tập luyện nặng và làm việc căng thẳng. Bệnh nhân được bác sĩ khuyến cáo chỉ nên lao động nhẹ, tập luyện các bài tập có cường độ vận động thấp như đi bộ, đạp xe nhẹ nhàng.
Ảnh minh họa
Việc điều trị suy thận được tiến hành theo 2 hướng: điều trị bảo tồn (chế độ dinh dưỡng hợp lý kết hợp dùng thuốc) và điều trị thay thế (lọc máu ngoài thận, ghép thận). Đối với bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối, ghép thận là giải pháp tối ưu để duy trì sự sống. Tuy nhiên, phương pháp này cần chi phí cao, hạn chế về nguồn thận cung cấp, đồng thời có nguy cơ thải ghép sau phẫu thuật.
Bình luận