Phát hiện sớm u xơ tử cung
U xơ tử cung đa số là khối u lành tính, thường gặp ở phụ nữ trong lứa tuổi sinh sản và chiếm 18-20% các bệnh phụ khoa. Khối u xuất hiện từ lớp cơ tử cung, có thể khu trú để tạo thành nhân xơ hay đều khắp tử cung tạo u xơ. Người bệnh bị u xơ tử cung thường bị đau tức bụng dưới, rong kinh, mệt mỏi, sảy thai, khó có con….
Nguyên nhân mắc u xơ tử cung vẫn chưa rõ, nhưng giả thuyết cho rằng do cường nội tiết tố nữ (estrogen) được nhiều người ủng hộ. Người bệnh có thể bị một hoặc nhiều u xơ tử cung. Với khối u có kích thước nhỏ (vài milimet), việc phát hiện khi đi khám sẽ khó khăn hơn. Vị trí thường gặp của u xơ là thành tử cung, đôi khi nằm nhô hẳn ra ngoài hoặc xuống sâu vào lòng tử cung.
Ảnh minh họa.
PGS.TS Vương Tiến Hòa, bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, khối u buồng trứng là bệnh khá phổ biến và đang có chiều hướng gia tăng. Ở các nước phát triển, ung thư buồng trứng được xếp đứng hàng thứ 5 sau ung thư vú, đại tràng, cổ tử cung và thân tử cung. Tỷ lệ mắc bệnh cao ở người độc thân, vô sinh, có mức sinh hoạt cao, chế độ ăn nhiều mỡ động vật. Khối u buồng trứng có 2 nguy cơ lớn là biến chứng và thoái hóa ác tính. Trong đó ung thư buồng trứng là vấn đề rất đáng quan tâm vì thời gian sống thêm 5 năm không tới 30%.
Hiện nay, u xơ tử cung thường được điều trị bằng các thuốc hooc-môn giúp giảm triệu chứng bệnh, nhưng thường gây rối loạn tiêu hóa, rậm lông, lãnh cảm… Những bệnh nhân có u xơ tử cung to trên 8cm có thể phẫu thuật, vì lúc này u dễ có khả năng gây biến chứng chèn ép lên các cơ quan trong ổ bụng và dễ bị thoái hóa. Nếu u có biến chứng như hoại tử, cường kinh, rong kinh, phối hợp với các thương tổn khác ở cơ quan sinh dục như sa tử cung, u nang buồng trứng, dị sản cổ tử cung….cũng cần phẫu thuật. Trong phẫu thuật, người ta có thể bóc u xơ tử cung, cắt hoàn toàn tử cung hoặc cắt một phần, cắt 2 phần phụ. Sử dụng phương pháp này thường tốn kém, đôi khi gây biến chứng sau phẫu thuật và không điều trị được căn nguyên của bệnh.
Trần Phương Linh
Bình luận