Giảm thiểu sự gia tăng bệnh nhân viêm khớp dạng thấp
Hàng năm, ở nước ta có khoảng 700-750 người mới mắc viêm khớp dạng thấp trên một triệu dân từ 15 tuổi trở lên, trong đó, khoảng 80% ở độ tuổi trung niên. Vậy làm thế nào để phòng ngừa, giảm thiểu sự gia tăng không ngừng của căn bệnh này? Đây là câu hỏi đang cần lời giải đáp.
Đa số trường hợp viêm khớp dạng thấp khởi phát từ từ và tăng dần, nhưng có khoảng 15% bắt đầu đột ngột với những triệu chứng cấp tính. Trước khi dấu hiệu ở khớp xuất hiện, bệnh nhân có thể thấy một số biểu hiện như sốt nhẹ, mệt mỏi, gầy sút, tê các đầu chi, đau nhức và khó cử động khớp khi ngủ dậy. Khoảng 2/3 trường hợp bắt đầu bằng viêm một khớp, thường là khớp nhỏ ở bàn tay, sau lan xuống khớp gối, bàn chân, cổ chân, ngón chân,… đối xứng hai bên khớp, sưng đau, hạn chế vận động, ít nóng đỏ,… viêm khớp dạng thấp thường gây hậu quả nặng nề nếu không được điều trị kịp thời, dẫn tới tình trạng dính, biến dạng khớp, thậm chí là tàn phế vĩnh viễn. Ngoài những tổn thương tại khớp, viêm khớp dạng thấp còn ảnh hưởng tới các cơ quan khác (tim, phổi,…).
Viêm khớp dạng thấp là bệnh mạn tính, không chữa khỏi được hoàn toàn, song có thể phòng các đợt viêm khớp tiến triển bằng việc dùng thuốc kết hợp với vận động, sinh hoạt đúng cách như: tránh đứng hoặc ngồi quá lâu; giữ tư thế thẳng, cân đối khi đứng, đi và ngồi; cầm nắm và cử động bàn tay, ngón tay, xoa bóp các khớp. Bệnh nhân cũng nên đi bộ hàng ngày, song cần nghỉ trong thời gian 5-10 phút sau mỗi giờ đi; nằm trên giường phẳng và ngủ đủ giấc.
Về điều trị viêm khớp dạng thấp, bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhân dùng thuốc, vật lý trị liệu, nẹp chỉnh hình hay phẫu thuật thay khớp tuỳ thuộc mức độ nặng của bệnh.
Thu Hương
Bình luận