Chế độ dinh dưỡng cho người bướu cổ
Bướu cổ là biểu hiện điển hình của các bệnh lý tuyến giáp như cường giáp hay nhược giáp. Mặc dù có triệu chứng khác nhau nhưng đều cùng nguyên nhân là rối loạn miễn dịch. Người bệnh có thể tăng cường điều trị hoặc phòng ngừa nếu có chế độ dinh dưỡng hợp lý.
Bệnh bướu cổ (hay bướu tuyến giáp) là một loại bệnh lý rất hay gặp trên thế giới và đặc biệt ở Việt Nam. Bệnh thường đi kèm hội chứng cường giáp, suy giáp, ung thư tuyến giáp hay các loại bướu cổ đơn thuần và bướu cổ dịch tễ địa phương..., trong đó hay gặp nhất là bướu cổ dịch tễ địa phương thường chiếm đến trên 80% các trường hợp bướu cổ. Theo nhiều thống kê, Đông Nam Á đã có tới 176 triệu người (chiếm 13% dân số) bị bệnh bướu cổ. Ở Việt Nam, tuy chưa có số liệu thống kê chính thức về số bệnh nhân nhưng ở một số vùng có tỉ lệ người mắc bệnh khá cao - từ 3% ở vùng ngoại ô Hà Nội đến 67% ở các tỉnh vùng núi như Lào Cai, Tây Nguyên…
Chế độ dinh dưỡng có thể giúp phòng ngừa và tăng hiệu quả điều trị bệnh tuyến giáp.
Theo các công trình nghiên cứu của một số chuyên gia y học và nội tiết hàng đầu thế giới, người bệnh bướu cổ có thể dựa vào chế độ dinh dưỡng để dự phòng hoặc tăng cường khả năng điều trị. Đối với người bị bướu cổ do suy giáp, bệnh nhân cần hạn chế một số thực phẩm kháng giáp như: hạnh nhân, bắp cải, bông cải, ngô, cải xoăn, củ cải, sắn, hồ đào.... và bổ sung protein và i-ốt hợp lý trong khẩu phần ăn hàng ngày. Tuy nhiên, đối với người bị bướu cổ do cường giáp, cung cấp quá nhiều i-ốt có thể khiến tình trạng bệnh nặng thêm. Một số khuyến cáo của các nhà khoa học cho biết, lượng i-ốt cần thiết cho cơ thể hàng ngày ở người trưởng thành là khoảng 150 mg, đối với phụ nữ có thai và cho con bú, lượng i-ốt cần cung cấp mỗi ngày là 200 mg. Ngoài ra, tình trạng suy dinh dưỡng trầm trọng do thiếu vitamin A cũng gây ra hiện tượng rối loạn sinh tổng hợp hormon tuyến giáp. Do vậy, trong khẩu phần ăn của những bệnh nhân bị bướu cổ cần phải chú ý bổ sung đủ lượng vitamin A cần thiết.
Ngọc Trinh
Bình luận