Theo tổ chức Y tế Thế giới, hiện nay, có khoảng 40% người trên 65 tuổi bị suy giảm thính lực. Tuy nhiên, điều đáng nói là tình trạng này gia tăng không ngừng ở lứa tuổi thanh thiếu niên do những thói quen xấu gây hại lên thính lực. Do đó, chủ động bảo vệ và tăng cường thính lực là điều cần thiết nhằm phòng ngừa suy giảm thính lực.

Cuộc sống hiện đại, thính giác của con người phải chịu sự tác động của nhiều yếu tố gây hại làm suy giảm thính lực như: ô nhiễm tiếng ồn, lão hóa, sử dụng một số loại thuốc độc với tai, chấn thương đầu… Suy giảm thính lực là một quá trình diễn ra từ từ, tích lũy và thường không gây ra đau đớn. Ở giai đoạn mới bắt đầu, các tổn thương mô mềm của tai trong khiến thính lực bị suy giảm. Càng nhiều tế bào thần kinh bị phá hủy thì tình trạng suy giảm thính lực càng trầm trọng.

kim thính - tăng cường thính lực (Ảnh minh họa)

Suy giảm thính lực đang ngày càng gia tăng ở nhiều lứa tuổi (Ảnh minh họa).

Biểu hiện đầu tiên của suy giảm thính lực là những cảm giác rất mơ hồ, khó phát hiện, thường bị bỏ qua, bao gồm: nghe người khác nói như ở xa hơn, nghe có tiếng ong, tiếng muỗi kêu trong tai khi ở nơi yên tĩnh. Đặc biệt, người bệnh không nghe được âm thanh tần số cao, không nghe được giọng nói trong một đám đông hoặc ở khu vực ồn ào. Những triệu chứng này có thể mất đi trong vài phút, vài giờ hoặc vài ngày. Tuy nhiên, nếu tổn thương tiếp tục diễn ra, thính lực suy giảm hơn nữa thì không nghe được cả âm thanh có tần số thấp.

Trong phòng ngừa suy giảm thính lực, có nhiều biện pháp hỗ trợ như: Đeo dụng cụ bịt tai khi làm việc trong môi trường ồn ào; sử dụng các vật liệu hấp thụ âm thanh ở nhà và nơi làm việc để giảm tiếng ồn; hạn chế nghe nhạc có cường độ âm thanh lớn hơn 90dB và không sử dụng tai nghe quá 2 giờ/ ngày; đảm bảo chế độ ăn uống đủ dưỡng chất; sử dụng thuốc đúng cách có sự tư vấn của bác sĩ;…

Trong điều trị, người bị suy giảm thính lực có thể dùng các thuốc giúp cung cấp dưỡng chất cho tế bào thần kinh tai, từ đó tăng cường thính lực. Đối với người cao tuổi, hiện nay phương pháp phổ biến là sử dụng máy trợ thính có khả năng khuếch đại âm thanh từ hai bên tai về não để tăng cảm nhận âm thanh. Thiết bị này giúp bệnh nhân khắc phục các trở ngại khi nghe điện thoại, radio, xem truyền hình hoặc nói chuyện trước đám đông. Tuy nhiên, máy trợ thính cũng có những hạn chế như: người bệnh cần thời gian để thích nghi, phải vệ sinh máy thường xuyên để tránh nhiễm trùng tai;… đặc biệt, đối với người già, việc sử dụng máy móc rườm rà là điều rất phiền toái.

Bình luận