Lá mơ lông hay còn gọi là mơ tam thể, ngưu bì đống, mẫu cẩu đằng, ngũ hương đằng, thanh phong đằng, mao hồ lô. Đây là một loại cây leo mọc hoang hoặc được trồng làm hàng rào nhiều nơi ở nước ta. Lá cây mọc đối, hình trứng hay mác dài, gốc lá tròn hay hình tim, cuống dài. Hoa tím nhạt, tràng hình ống mọc thành xim kép ở kẽ lá hoặc đầu cành. Mơ lông còn là một vị thuốc khá độc đáo. Theo dược học cổ truyền, lá mơ lông vị chua, tính bình, có công dụng trừ phong hoạt huyết, chỉ thống giải độc, tiêu thực đạo trệ, trừ thấp tiêu thũng.

 Thường được dùng để chữa các chứng bệnh như phong thấp (đau khớp), phúc thống (đau bụng), lỵ tật (kiết lỵ), phù thũng, thực tích (đầy bụng, chậm tiêu), cam tích (trẻ em suy dinh dưỡng), can tỳ thũng đại (gan, lách to), trúng độc, thoát giang (sa trực tràng), bối ung (mụn nhọt mọc ở lưng), bạch đới (khí hư), thương tổn do trật đả...

Lá mơ chữa kiết lỵ

Ảnh minh họa

Sau đây tôi xin chia sẻ một số bài thuốc từ loại cây này:

Ðể chữa kiết lỵ, dùng lá mơ lông 30-50g rửa sạch thái nhỏ, trộn với 1 quả trứng gà rồi bọc lá chuối đem nướng hoặc đặt vào chảo rán (không cho mỡ), ăn 2 lần trong ngày, 7 ngày là một liệu trình.

 Ðể chữa chứng phong thấp, cổ nhân khuyên nên dùng rễ hoặc dây mơ lông 30-50g sắc uống với một chút rượu. Ðể chữa chứng bối ung nên dùng 50g dây mơ lông tươi sắc uống, bên ngoài lấy lá giã nát đắp.

Ðể chữa chứng cam tích trẻ em, có thể dùng rễ mơ lông 15-20g hầm với dạ dày lợn 1 cái mà ăn. Ðể giải độc dùng rễ và dây mơ lông 100g, đậu xanh 30g sắc uống làm 3 lần, mỗi lần cách nhau 2-3 giờ.Chữa lỵ trực tràng shiga.

Chúc bạn sức khỏe

Thu Hương

Bình luận