Chế độ dinh dưỡng của chúng ta có ảnh hưởng đáng kể tới nguy cơ phát triển bệnh viêm khớp dạng thấp, nghiên cứu gần đây được trình bày tại hội nghị thường niên của Hội thấp khớp học Mỹ (ACR) cho thấy.

Chế độ ăn uống ảnh hưởng tới nguy cơ mắc viêm khớp dạng thấp như thế nào?

Viêm khớp dạng thấp ảnh hưởng tới mọi đối tượng ở những độ tuổi khác nhau, trong đó, phụ nữ thường gặp hơn nam giới. Bệnh gây sưng, đau, cứng khớp, xuất hiện tại nhiều khớp khác nhau. Việc điều trị muộn hoặc không đúng cách có thể khiến người bệnh bị biến dạng khớp, nặng hơn là gây tàn phế.

 Viem-khop-dang-thap-co-the-gay-bien-dang-khop

Viêm khớp dạng thấp có thể gây biến dạng khớp

Trong một nghiên cứu được trình bày tại hội nghị thường niên của Hội thấp khớp học Mỹ, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng, chế độ ăn điển hình của phương Tây bao gồm: nhiều thịt đỏ, thức ăn chế biến sẵn, ngũ cốc tinh chế, đồ chiên, sữa và đồ ngọt… làm tăng nguy cơ phát triển viêm khớp dạng thấp hơn so với chế độ ăn khoa học gồm nhiều trái cây, rau, các loại đậu, ngũ cốc, thịt gia cầm, cá…

Cụ thể, trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã khai thác dữ liệu từ 93.859 phụ nữ Mỹ không mắc viêm khớp dạng thấp. Trong khoảng thời gian nghiên cứu từ 1991 đến 2011, họ được khảo sát trả lời bảng câu hỏi về khẩu phần ăn 4 năm 1 lần. Sau thời gian khảo sát, có 347 trường hợp phát triển viêm khớp dạng thấp ở độ tuổi trung bình là 49. Sau khi xem xét những yếu tố nguy cơ như: uống rượu, hút thuốc lá, chỉ số khối cơ…, các nhà khoa học nhận thấy, người thực hiện chế độ dinh dưỡng khoa học sẽ khiến bệnh ít có cơ hội phát triển. Bởi vậy, việc thực hiện một chế độ ăn uống đúng đắn, hợp lý cũng là cách giúp bạn ngăn chặn bệnh tấn công.

Tuấn Anh

Bình luận