Suy thận có thể gây ra các vấn đề về tiêu hóa, ảnh hưởng đến việc ăn uống của người bệnh, từ đó làm chức năng của thận càng kém hơn, dễ tiến triển nặng hơn.

 

Suy thận gây ảnh hưởng đến tiêu hóa

Các vấn đề về tiêu hoá trong bệnh suy thận

Bệnh nhân có thể gặp một số vấn đề về tiêu hóa khi bị suy thận bao gồm: Chán ăn, buồn nôn, nôn, có vị ngọt trong miệng, xuất huyết tiêu hóa, loét dạ dày tá tràng,... Tất cả những triệu chứng này xuất hiện do lượng urê nitrogen trong máu cao, còn được gọi là BUN (Blood Urea Nitrogen).

Urê nitrogen là sản phẩm của protein, một chất cần thiết của cơ thể và thường được đào thải qua thận. Tuy nhiên, do thận bị giảm chức năng, bệnh nhân suy thận không thể đào thải được lượng urê nitrogen ra khỏi cơ thể. Do đó, lượng urê nitrogen tích tụ dần trong máu, tức chỉ số BUN tăng cao. Lượng urê nitrogen này kích thích đường tiêu hóa, gây ra một loạt các vấn đề về tiêu hóa đặc trưng như: Buồn nôn, nôn, chán ăn…

Thận chịu trách nhiệm đào thải chất độc và chất thải có trong máu. Khi thận gặp vấn đề, việc đào thải urê nitrogen cùng với nhiều chất thải và chất độc khác gặp trục trặc. Lúc đó, những độc tố và chất thải này vẫn được giữ trong hệ tuần hoàn của bệnh nhân, từ đó có thể gây hại cho bất kỳ bộ phận nào của cơ thể. Do đó, bệnh nhân suy thận có kèm các vấn đề về tiêu hoá sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như: suy tim, bệnh về máu, bệnh về hô hấp, thần kinh.

Các biện pháp nhằm giảm urê máu

Vì mức BUN cao có thể gây ra nhiều ảnh hưởng đến mô khỏe mạnh nên việc giảm mức BUN là rất cần thiết. Mức BUN nhạy cảm với chế độ ăn kiêng và trạng thái thận. Do đó, để kiểm soát được mức BUN, người bệnh cần điều chỉnh chế độ ăn uống và cải thiện tình trạng thận.

- Để làm giảm lượng urê máu là điều khó khăn khi bị bệnh thận mạn tính. Bệnh nhân cần phải áp dụng một liệu pháp phù hợp như: Tiêm truyền tĩnh mạch dưới sự kiểm soát của thầy thuốc.

- Để hạn chế việc tăng urê máu, người bệnh cần phải có chế độ ăn uống hợp lý như: Trong thức ăn không có quá nhiều hoặc quá ít protein, không sử dụng các loại thuốc làm tăng lượng urê trong máu.

- Khi cảm thấy cơ thể có những biểu hiện không bình thường, bệnh nhân cần phải đến bệnh viện để tiến hành xét nghiệm giúp ngăn chặn lượng urê máu.

Urê được xem là sản phẩm quan trọng nhất của chuyển hóa Ni-tơ. Nó có nguồn gốc chủ yếu từ quá trình chuyển hóa protein trong cơ thể. Vì vậy, đối với những người bệnh thận có urê máu tăng, chất dinh dưỡng đóng một vai trò đặc biệt quan trọng cho cơ thể. Chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ làm chậm quá trình phát triển của bệnh urê máu, tăng cường và nâng cao sức khỏe cho bệnh nhân.

Vân Anh

Bình luận