Trước đây, đã có nhiều nghiên cứu chứng minh người mẹ mắc trầm cảm thì dễ sinh non và trẻ bị nhẹ cân. Một nghiên cứu gần đây của các nhà khoa học Thụy Điển đã chứng minh, người cha tương lai mắc căn bệnh này trong thời gian vợ mang thai cũng có tác động không nhỏ và có thể khiến trẻ bị sinh non.

Trầm cảm và tỷ lệ sinh non có liên quan như thế nào?

Nghiên cứu này đã sử dụng dữ liệu từ hơn 366.499 ca sinh tại Thụy Điển từ năm 2007 đến 2012 với mục đích xác định mối liên quan giữa việc cha mẹ mắc trầm cảm và tỷ lệ sinh non. Trong số những ca sinh này có nhiều trường hợp trẻ bị sinh non khi được 32 đến 36 tuần tuổi, thậm chí là mới 22 đến 31 tuần tuổi. Thời gian khảo sát về việc những ông bố, bà mẹ tương lai mắc trầm cảm được tính từ 12 tháng trước khi thụ thai đến tháng thứ 6 trong thai kỳ.

Kết quả cho thấy, trầm cảm ở cả cha và mẹ đều có thể làm tăng nguy cơ trẻ bị sinh non. Cụ thể, người mẹ mắc bệnh này khiến nguy cơ sinh non tăng lên từ 30-40% còn nếu đối tượng bị bệnh là người cha thì nguy cơ này tăng 38%. Rõ ràng qua những số liệu này, ta thấy được tác động của bệnh ở cả cha và mẹ đứa trẻ tới nguy cơ sinh non là tương đương nhau.

 Cha-me-mac-benh-tram-cam-thi-con-de-bi-sinh-non

Cha mẹ mắc bệnh trầm cảm thì con dễ bị sinh non

Giáo sư Anders Hjern (Viện Karolinska, Stockholm, Thụy Điển), một trong những tác giả của nghiên cứu cho biết: “Tình trạng trầm cảm ở người chồng được coi là một trong những nguyên nhân gây căng thẳng cho thai phụ và khiến nguy cơ sinh non tăng. Bệnh cũng ảnh hưởng tới chất lượng tinh trùng và chức năng nhau thai”.

Những phát hiện trên cho thấy các tác động lâu dài của trầm cảm tới sức khỏe con người: không chỉ dừng lại ở bệnh nhân mà còn ảnh hưởng đến mọi người xung quanh. Đối với các trường hợp cha mẹ mắc bệnh, người mẹ cần cẩn trọng trong quá trình mang thai và nên có biện pháp phòng ngừa sinh non. Bởi vậy, những ông bố, bà mẹ tương lai cần đi khám, sàng lọc các vấn đề sức khỏe tâm thần trước khi có ý định sinh con và có biện pháp điều trị bệnh sớm.

Anh Minh

Bình luận