Suy thận mạn là hội chứng chức năng thận bị giảm dần, không hồi phục và ngày càng nặng. Khi bệnh tiến triển đến giai đoạn cuối, nếu không được điều trị thay thế, bệnh nhân sẽ bị tử vong do các biến chứng.

Quá trình suy thận diễn tiến kéo dài, âm ỉ và được chia thành 5 giai đoạn. Suy thận ở giai đoạn đầu thường rất ít triệu chứng. Khi đã có dấu hiệu như: buồn nôn, nôn, biếng ăn, mệt mỏi, phù thũng tay chân, cao huyết áp, rối loạn đi tiểu,... thì có thể bệnh đã ở giai đoạn muộn.

Các nguyên nhân tử vong do suy thận bao gồm: tăng huyết áp (huyết áp tăng tối đa vượt quá 220 mmHg, gây nhiều biến chứng nguy hiểm, phù phổi cấp tính); tai biến mạch máu não (do tăng huyết áp, hội chứng tan máu - tăng urê máu, xuất huyết giảm tiểu cầu); nhồi máu cơ tim xảy ra ở bệnh nhân lớn tuổi, dẫn đến sốc tim, rối loạn nhịp, rối loạn dẫn truyền, suy tim cấp tính, tràn dịch màng tim, suy tim mãn tính không hồi phục; xuất huyết tiêu hoá; nhiễm khuẩn; tăng kali máu; nhiễm toan chuyển hoá.

Hiện nay, việc điều trị suy thận được tiến hành theo 2 hướng: điều trị bảo tồn (chế độ dinh dưỡng hợp lý kết hợp dùng thuốc) và điều trị thay thế (lọc máu ngoài thận, ghép thận). Đối với bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối, ghép thận là giải pháp tối ưu để duy trì sự sống. Tuy nhiên, phương pháp này cần chi phí cao, hạn chế về nguồn thận cung cấp, đồng thời có nguy cơ thải ghép sau phẫu thuật.

Bình luận