Giới thiệu và Galantamine và công dụng

Galantamine là thuốc điều trị các triệu chứng sa sút trí tuệ (nhẹ đến trung bình), mất trí nhớ, thay đổi tinh thần hoặc lú lẫn,… Đa số các triệu chứng này xuất hiện trên người bệnh bị Alzheimer.

Tuy nhiên, Galantamine không có tác dụng chữa khỏi được Alzheimer. Galantamine chỉ là chất ức chế Acetylcholinesterase, do đó, cơ chế hoạt động của thuốc sẽ tác động và làm tăng chất dẫn truyền thần kinh trong não (acetylcholin). Từ đó, thuốc ngăn ngừa các triệu chứng của bệnh Alzheimer trở nên trầm trọng hơn.

Hiện tại, bạn có thể tìm thấy hoạt chất này ở nhiều biệt dược khác nhau. Ví dụ như Nivalin, Nedaryl, Vingalan,… Với biệt dược Reminyl, thuốc được sản xuất dưới dạng viên nén bao phim, với 3 hàm lượng là 4mg, 8mg, 12mg. Trong đó phổ biến là:

  • Reminyl Galantamine 4mg: Đóng gói hộp 14 viên, mức giá tham khảo 300.000 đồng/hộp.
  • Reminyl Galantamine 8mg: Đóng gói hộp 14 viên, mức giá tham khảo khoảng 890.000 đồng/hộp.
  • Ngoài ra, Galantamine cũng được sản xuất dưới một số dạng bào chế khác như dung dịch uống 4mg/ml, viên nang phóng thích kéo dài hàm lượng 8mg, 16mg, 24mg,…

thuoc-galantamine-duoc-su-dung-cho-nguoi-benh-alzheimer.webp

Thuốc Galantamine được sử dụng cho người bệnh Alzheimer

>>> XEM THÊM: Donepezil điều trị sa sút trí tuệ và lưu ý để sử dụng an toàn

Hướng dẫn sử dụng thuốc Galantamine an toàn

Bạn nên sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ và khuyến cáo liều lượng từ nhà sản xuất. Những thông tin về cách dùng, liều dùng của Galantamine dưới đây chỉ mang tính chất tham khảo.

Cách dùng và liều dùng Galantamine

Để thuốc đem lại được hiệu quả tối đa, bạn nên sử dụng theo hướng dẫn như sau:

Cách dùng thuốc

Với dạng dung dịch hoặc thuốc tiêm, bạn cần uống theo liều lượng có sẵn. Lưu ý sử dụng các dụng cụ định liều cụ thể, không dùng các loại dụng cụ nhà bếp như thìa, muỗng,…

Với dạng viên nang giải phóng kéo dài thường được chỉ định dùng 1 lần/ngày vào buổi sáng. Trong quá trình uống không nghiền nát, nhai, bẻ thuốc do điều này làm thay đổi tới sự hấp thu của thuốc vào cơ thể.

Dạng viên nén galantamine tác dụng ngắn hoặc dung dịch uống thường dùng 2 lần/ngày, uống cùng với bữa ăn.

Trong quá trình dùng Galantamine, bạn cần bổ sung thêm nhiều nước hàng ngày. Hãy uống tối thiểu từ 6 – 8 cốc nước/ngày để ngăn ngừa tình trạng mất nước khi dùng thuốc.

Liều dùng phù hợp

Liều dùng của Galantamine sẽ được chỉ định khác nhau tùy vào từng đối tượng. Cụ thể như sau:

Đối với người lớn:

Viên nang giải phóng kéo dài

  • Liều bắt đầu: 8mg/ngày, sử dụng đều đặn vào buổi sáng trong 4 tuần.
  • Liều duy trì: Sau 4 tuần tăng lên 16mg/lần/ngày. Dùng duy trì trong 4 tuần tiếp theo. Sau đó có thể tăng lên tối đa 24mg/lần/ngày dựa vào khả năng dung nạp của người bệnh.

Viên nén tác dụng ngắn và dạng dung dịch uống

  • Liều bắt đầu: 4mg/2 lần/ngày vào buổi sáng và tối trong 4 tuần, sau đó tăng liều lên 8mg/2 lần/ngày sử dụng trong 4 tuần.
  • Liều duy trì: 16-24mg/ngày chia 2 lần, liều tối đa là 24mg/ngày.

Đối với trẻ em: Thuốc không được khuyến khích sử dụng cho đối tượng này.

Người bị bệnh suy thận, suy gan: Điều chỉnh liều lượng không vượt quá 16mg/ngày. Không dùng cho trường hợp bị suy gan, suy thận nặng.

nen-su-dung-lieu-luong-galantamine-dung-voi-chi-dan-tu-bac-si.webp

Nên sử dụng liều lượng Galantamine đúng với chỉ dẫn từ bác sĩ

Xử lý khi quên/quá liều Galantamine

Trong quá trình sử dụng thuốc, với tình trạng bệnh lý có sẵn, người bệnh rất dễ quên hoặc dùng quá liều Galantamine. Nếu gặp một trong những trường hợp này, người bệnh có thể xử lý như sau:

Quên liều: Nên sử dụng ngay khi nhớ ra. Không dùng gấp đôi liều trong 1 lần uống. Nếu sắp đến liều tiếp theo, có thể bỏ qua liều đã quên và tiếp tục liệu trình. Để hạn chế tình trạng quên sử dụng thuốc, người bệnh có thể đặt báo thức về giờ uống thuốc theo chỉ định.

Quá liều: Sử dụng quá liều Galantamine có thể gây ra một số triệu chứng như buồn nôn hoặc nôn mửa nghiêm trọng, chảy nước mắt – nước dãi, bị co thắt dạ dày gây đau, yếu/co thắt cơ, đi tiểu/đi nặng nhiều hơn. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể xuất hiện thêm các triệu chứng như đổ mồ hôi, giảm nhịp tim chậm, choáng váng, co giật hoặc thậm chí ngất xỉu. Vì vậy, trong trường hợp sử dụng thuốc quá liều, cần liên hệ ngay với bác sĩ/trung tâm y tế gần nhất để được hỗ trợ.

Ngừng dùng thuốc: Tuyệt đối không được tự ý ngưng dùng Galantamine. Nếu bạn muốn ngừng thuốc, cần liên hệ với bác sĩ để được giảm liều từ từ.

>>> XEM THÊM: Tổng hợp thông tin về thuốc Nicergoline phục hồi chức năng não bộ

Tác dụng phụ của Galantamine có thể gặp

Galantamine có thể gây ra các tác dụng phụ khi sử dụng thuốc. Tuy không phải ai cũng gặp, nhưng người bệnh cần lưu ý theo dõi các phản ứng bất thường xảy ra trong quá trình dùng thuốc để xử lý kịp thời. Một số nhóm tác dụng phụ của Galantamine như sau:

Tác dụng phụ thường gặp – Nhóm này ít gây nguy hiểm cho người bệnh, chúng có thể biến mất sau khi cơ thể đã quen với thuốc. Tuy nhiên nếu chúng kéo dài, gây khó chịu cho bạn, hãy thông báo cho bác sĩ. Bao gồm các phản ứng như bị chán ăn, giảm cân, buồn nôn, nôn mửa, chóng mặt, nhức đầu, tiêu chảy.

Tác dụng phụ cần trợ giúp từ bác sĩ – Nếu người bệnh gặp bất kỳ phản ứng nào sau đây, hãy báo ngay lập tức cho bác sĩ. Bao gồm:

  • Không đi tiểu hoặc tần suất đi tiểu ít bất thường, xuất hiện máu trong nước tiểu.
  • Xuất hiện các cơn đau ngực, chậm nhịp tim.
  • Thuốc gây xuất huyết dạ dày: Phân có màu hắc ín hoặc lẫn máu, ho ra máu, nôn mửa, chất nôn có màu tương tự bã cafe.
  • Ảnh hưởng đến gan: Đau khu vực bụng trên, buồn nôn, ngứa ở cơ thể, chán ăn, mệt mỏi bất thường. Phân, nước tiểu sẫm màu. Xuất hiện tình trạng vàng da, vàng mắt.
  • Thuốc làm mất nước: Đi tiểu nhiều bất thường dù không uống nhiều nước, luôn cảm thấy nóng, khát nước. Đổ mồ hôi nhiều, da khô.
  • Phản ứng dị ứng, Phản ứng da nghiêm trọng: Đau họng, sốt, sưng tấy mặt, miệng hoặc lưỡi. Phát ban có màu đỏ/tím lan rộng (đặc biệt ở khu vực mặt, phần trên cơ thể). Phồng rộp, bong tróc da.

gay-mat-nuoc-khat-nuoc-lien-tuc-la-tac-dung-phu-cua-galantamine.webp

Gây mất nước, khát nước liên tục là tác dụng phụ của Galantamine

Các cảnh báo cần biết trước khi dùng Galantamine

Ngoài những vấn đề liên quan đến cách sử dụng, tác dụng phụ của thuốc, bạn nên lưu ý thêm về các cảnh báo khác trước khi dùng Galantamine. Những cảnh báo bao gồm các đối tượng nên thận trọng khi dùng và tương tác thuốc của Galantamine có thể xảy ra.

Đối tượng nên thận trọng và tương tác thuốc

Hãy thông báo cho bác sĩ nếu bạn đang thuộc nhóm đối tượng nên thận trọng khi sử dụng thuốc. Cụ thể sẽ bao gồm những trường hợp sau:

Người đang hoặc có tiền sử bị dị ứng/mẫn cảm với thành phần Galantamine hoặc bất kỳ tá dược nào trong thuốc. Tuyệt đối không dùng thuốc cho trường hợp này.

  • Người bị các vấn đề liên quan đến tiểu tiện.
  • Đang bị các bệnh lý tim mạch, rối loạn nhịp tim.
  • Đang bị hoặc có tiền sử liên quan đến loét, chảy máu dạ dày.
  • Đang bị hoặc có tiền sử bị động kinh, co giật.
  • Đang bị các bệnh lý liên quan đến thận, gan.
  • Có tiền sử liên quan đến bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính COPD, hen suyễn.
  • Vừa thực hiện hoặc sắp có các cuộc phẫu thuật.
  • Phụ nữ mang thai, cho con bú và trẻ em.

Ngoài ra, Galantamine khi sử dụng cùng với một số loại thuốc khác có thể gây ra sự thay đổi về tác dụng, gia tăng nguy cơ bị tác dụng phụ. Do đó, cần thông báo cho bác sĩ nếu bạn đang sử dụng bất kỳ loại thuốc, vitamin hoặc thảo dược nào. Đặc biệt là những loại thuốc sau:

  • Thuốc cảm, thuốc dị ứng có chứa histamin.
  • Các loại thuốc điều trị bệnh lý Parkinson, loét dạ dày, dư thừa axit trong dạ dày.
  • Thuốc chống say tàu xe.
  • Thuốc điều trị hội chứng ruột kích thích.
  • Thuốc điều trị bằng quang hoặc niệu như Solifenacin, Darifenacin, Oxybutynin, Fesoterodine, Tolterodine,…
  • Thuốc giãn phế quản như Tiotropium, Ipratropium, Aclidinium,..
  • Thuốc cảm ứng, ức chế Cytochrom P4650.
  • Thuốc kích thích hoặc thuốc kháng Cholinergic.
  • Nhóm thuốc chống viêm không Steroid NSAIDs.
  • Thuốc làm chậm nhịp tim như nhóm ức chế beta, digoxin.

Thông tin thêm từ dược sĩ về Galantamine

Quá trình sử dụng thuốc Galantamine cần bảo quản đúng cách. Không dùng khi thuốc đã hết hạn, thay đổi màu sắc, xuất hiện ẩm mốc hoặc thuốc dạng dung dịch uống bị cô đặc lại. Cần lưu ý thêm, không sử dụng chung thuốc Galantamine với người khác ngay cả khi có bệnh lý giống nhau.

Trong quá trình sử dụng các loại thuốc điều trị bệnh Alzheimer, người bệnh cần kết hợp thêm chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học. Ngoài ra cũng có thể sử dụng thêm một số loại thảo dược để hỗ trợ cải thiện bệnh hiệu quả, an toàn hơn.

Một số loại thảo dược người bệnh có thể tham khảo như Thạch tùng răng, Thiên ma, Cao Natto, Đinh Lăng,… Những loại thảo dược này khi phối hợp cùng với dược liệu khác sẽ giúp hỗ trợ đẩy nhanh được quá trình phục hồi não bộ. Từ đó giúp người bệnh có thể tỉnh táo và nhận thức tốt hơn. Đặc biệt, thảo dược Thạch tùng răng đã được nghiên cứu tại Trung Quốc (2000) và chứng minh có tác dụng làm giảm tổn thương oxy hóa của peptide amyloid có trong bệnh lý Alzheimer.

thach-tung-rang-giup-tang-dan-truyen-than-kinh.webp

Thạch tùng răng giúp tăng dẫn truyền thần kinh

Lú lẫn, sa sút trí tuệ, suy giảm trí nhớ,... là những triệu chứng gây ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của người bệnh. Do đó, việc sử dụng các loại thuốc như Galantamine để ngăn ngừa tình trạng bệnh trầm trọng hơn là cần thiết.

Tuy vậy, quá trình sử dụng thuốc cần đặc biệt lưu ý để đảm bảo an toàn hơn. Trên đây là những thông tin tham khảo về Galantamine. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến các nội dung trên, vui lòng để lại bình luận để được chuyên gia hỗ trợ.

Tài liệu tham khảo:

https://www.drugs.com/mtm/galantamine.html

https://my.clevelandclinic.org/health/drugs/19251-galantamine-tablets

https://www.goodrx.com/galantamine/what-is

Bình luận