Bệnh suy thận cấp là một tổn thương thận thường diễn biến nhanh chóng, với nhiều biến chứng nguy hiểm thậm chí tử vong. Do đó, bệnh cần được điều trị trong thời gian sớm nhất có thể. Vậy, suy thận cấp là gì? Làm thế nào để phát hiện được suy thận cấp? Nếu không điều trị sẽ có những nguy hiểm như thế nào? Hãy cùng theo dõi trong bài viết chi tiết về suy thận cấp hôm nay.

Suy thận cấp là gì?

Suy thận cấp (Acute Renal Failure - ARF) là một đợt suy thận đột ngột hoặc tổn thương thận do giảm mức lọc cầu thận của cả 2 bên thận. Suy thận cấp nhấn mạnh đến sự suy giảm chức năng thận đột ngột hơn. Tuy nhiên, ngoài sự suy giảm, thận cũng có thể gặp những “sự cố” đột ngột khác như sự thay đổi về creatinin huyết thanh, sự thay đổi về lượng nước tiểu,... cũng có thể kéo theo nhiều biến chứng nguy hiểm.

Do đó, theo Thư Viện Y khoa Quốc Gia Hoa Kỳ (PMC), khái niệm suy thận cấp chưa đủ bao hàm về các trường hợp suy giảm chức năng thận, do đó, khái niệm khác là Tổn thương thận cấp tính (Acute Kidney Injury - AKI) đã được dùng để thay thế cho thuật ngữ suy thận cấp trong thời gian gần đây. Theo đó, khái niệm này sẽ bao gồm cả tình trạng bị tổn thương cấu trúc và suy giảm chức năng đột ngột.

Suy thận cấp có thể gây ra cơn đau trong vài giờ hoặc vài ngày. Khi suy thận cấp xảy ra có thể làm tích tụ chất thải trong máu, khiến cho thận bị mất cân bằng các chất lỏng trong cơ thể. Ngoài ra, nó cũng gây ảnh hưởng đến những bộ phận khác. Tình trạng giảm mức lọc cầu thận sẽ khiến các chất thải không được bài tiết ra ngoài, từ đó gây ra tình trạng điển hình là thiểu niệu, vô niệu, tăng huyết áp, rối loạn điện giải và phù. 

Nhiều người bệnh hiện nay vẫn nhầm lẫn giữa suy thận cấp và suy thận mạn. Nhưng đây là hai bệnh lý khác nhau. Đặc điểm dễ phân biệt giữa hai bệnh lý này là thời gian bị và khả năng phục hồi của thận, cụ thể:

  • Suy thận cấp: Diễn ra nhanh (vài giờ hoặc vài ngày), có thể phục hồi nếu được điều trị kịp thời.
  • Suy thận mạn: Diễn ra trong vài năm và thận bị suy giảm từ từ, không thể phục hồi do Nephron (đơn vị chức năng thận) đã bị phá hủy.

suy-than-cap-thuong-dien-ra-rat-dot-ngot-va-kho-luong-truoc.webp

Suy thận cấp thường diễn ra rất đột ngột và khó lường trước

Nguyên nhân gây ra hiện tượng suy thận cấp

Có nhiều nguyên nhân và yếu tố tiềm ẩn có thể gây ra suy thận cấp. Nguyên nhân chủ yếu liên quan đến sự phân phối oxy, chất dinh dưỡng đến các đơn vị chức năng của thận kèm theo nhu cầu năng lượng tăng lên do căng thẳng tế bào.

Nguyên nhân suy thận cấp theo từng loại

Dựa vào cơ chế bệnh sinh mà các chuyên gia Y tế đã chia thành 3 nhóm suy thận cấp gồm suy thận cấp trước thận, suy thận cấp tại thận và suy thận cấp sau thận. Dựa vào từng loại suy thận cấp sẽ có nguyên nhân gây bệnh khác nhau.

Suy thận cấp do nguyên nhân trước thận

Suy thận cấp trước thận xảy ra do dòng máu đến thận bị giảm, làm giảm áp lực lọc cầu thận dẫn đến tình trạng thiểu niệu hay vô niệu. Dưới đây là các nguyên nhân làm giảm dòng máu đến thận:

  • Nguyên nhân do sốc: Sốc giảm thể tích tuần hoàn (Do mất nước, mất máu nhiều), tình trạng sốc nhiễm khuẩn hay sốc quá mẫn vì dị ứng.
  • Nguyên nhân giảm khối lượng tuần hoàn chung: Tình trạng xơ gan mất bù,  giảm áp lực keo trong máu cho hội chứng thận hư.

Suy thận cấp do nguyên nhân tại thận

Nguyên nhân suy thận cấp tại thận thường khó đánh giá vì sẽ có nhiều yếu tố tổn thương liên quan đến loại suy thận cấp này. Các bệnh lý tại thận gây ra các tổn thương thực thể, dẫn đến chức năng thận bị suy giảm. Một số bệnh lý có thể kể đến như:

  • Bệnh lý về cầu thận hay mạch máu nhỏ trong thận: Viêm cầu thận cấp sau đợt nhiễm liên cầu beta tan huyết nhóm A, bệnh xơ cứng bì hay tình trạng tăng huyết áp ác tính.
  • Bệnh lý về ống thận: Thận bị nhiễm độc và hoại tử do sử dụng thuốc, nhiễm độc hóa chất hay độc tính trong thức ăn (nấm độc, mật động vật).
  • Bệnh lý mô kẽ thận: Viêm kẽ thận do sử dụng thuốc, do nhiễm khuẩn hay có khối u ác tính.
  • Hoại tử ống thận cấp tính (ATN): Đây cũng là một tổn thương nội tại ở ống thận và gây ra suy thận cấp. Nặng hơn có thể gây viêm cầu thận cấp.

Suy thận cấp do nguyên nhân sau thận

Suy thận cấp sau thận thường do tình trạng tắc đường dẫn niệu. Điều này dẫn đến tăng áp lực ống và giảm mức lọc cầu thận (GFR). Ngoài ra, sự tắc nghẽn này cũng sẽ làm suy giảm lưu lượng máu đến thận, kèm theo đó các quá trình gây viêm cũng là yếu tố làm giảm GFR gây suy thận cấp. 

  • Tắc đường dẫn niệu cao: Do khối u chèn ép, cục máu đông hay sỏi thận - tiết niệu gây ra tình trạng hẹp tắc.
  • Tắc đường dẫn niệu thấp: Có thể do ung thư tuyến tiền liệt hay phì đại tuyến tiền liệt gây nên. 

lien-cau-beta-tan-huyet-nhom-a-gay-benh-ly-viem-cau-than-cap.webp

Liên cầu beta tan huyết nhóm A gây bệnh lý viêm cầu thận cấp

Yếu tố nguy cơ mắc bệnh suy thận cấp

Những yếu tố chính làm tăng nguy cơ dẫn đến suy thận cấp bao gồm:

  • Người cao tuổi (Trên 65 tuổi) có các bệnh nền như tăng huyết áp, suy gan mạn tính, đái tháo đường hay bệnh mạch vành.
  • Bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết dẫn đến suy đa tạng.
  • Người bệnh phải nhập viện điều trị trong thời gian dài, đặc biệt là chăm sóc đặc biệt.
  • Người tiếp xúc với hóa chất độc hại, thuốc cản quang, điều trị bằng thuốc độc với thận (Ví dụ: Thuốc hạ lipid máu nhóm Statin, aspirin, naproxen,...).

Các cách xác định bệnh suy thận cấp

Để xác định được triệu chứng suy thận cấp, bác sĩ sẽ dựa vào các triệu chứng suy thận cấp lâm sàng và các phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng. Người bệnh suy thận cấp tính thường xuất hiện một số triệu chứng suy thận cấp lâm sàng như sau:

  • Đi tiểu ít hơn bình thường do bị tắc nghẽn đường tiết niệu.
  • Cơ thể giữ nước, chất lỏng khiến chân, mắt cá chân hoặc bàn chân bị sưng, phù.
  • Khó thở, đau tức ngực hoặc đau ngực, cảm thấy buồn ngủ hoặc mệt mỏi bất thường.
  • Xuất hiện các phát ban, ngứa trên da, tình trạng này do ảnh hưởng gián tiếp của thiếu máu cục bộ.
  • Đau khớp xương, sưng tấy ở khu vực đau. 
  • Xuất hiện các cơn co giật cơ.
  • Đau dạ dày và đau vùng lưng.
  • Sốt, chảy máu cam, động kinh hoặc hôn mê nghiêm trọng.

Ngoài những triệu chứng lâm sàng đó, để có thể xác định được suy thận cấp, bác sĩ sẽ làm thêm các xét nghiệm cận lâm sàng khác. Các yếu tố để chẩn đoán trường hợp suy thận cấp bao gồm:

  • Đo lượng nước tiểu: Xác định lượng nước tiểu của cơ thể trong 24 giờ.
  • Xét nghiệm nước tiểu: Kiểm tra máu và protein ở trong nước tiểu.
  • Xét nghiệm máu: Kiểm tra nồng độ thanh thải Creatinin, nito Ur, Kali huyết thanh và Natri huyết thanh trong máu.
  • Đo mức lọc cầu thận.
  • Siêu âm chẩn đoán qua hình ảnh: Chẩn đoán xem thận có đang bị mở rộng hoặc bị tắc nghẽn dòng nước tiểu không.
  • Sinh thiết thận: Xét nghiệm chẩn đoán các tổn thương hoặc bệnh lý có trong thận.

Suy thận cấp có nguy hiểm không?

Bệnh suy thận cấp thường có diễn biến rất nhanh, người bệnh có thể phải chịu nhiều di chứng, thậm chí tử vong. Dưới đây là một số biến chứng nguy hiểm sau đợt suy thận cấp:

Phù: Phù là biến chứng điển hình nhất khi bị suy thận cấp. Tình trạng phù làm tăng lưu lượng tuần hoàn chung, làm tăng áp lực lên tim và phổi gây ra tình trạng tức ngực, khó thở.

Nhiễm toan chuyển hóa: Máu trong tuần hoàn không được thận lọc và bài tiết chất thải gây ra nhiễm toan chuyển hóa. Bệnh nhân cảm thấy buồn nôn, nôn mửa.

Tổn thương và ảnh hưởng tế bào gan: Suy thận cấp do thiếu máu cục bộ sẽ khiến cho các tế bào gan bị stress oxy hóa, thúc đẩy quá trình apoptosis do viêm, làm tổn thương tế bào gan. Từ đó, gan bị rối loạn chức năng và có thể gây ra hội chứng gan thận.

Nhược cơ, yếu cơ: Nguyên nhân do tình trạng rối loạn điện giải, điển hình là nồng độ kali trong máu cao. Bệnh nhân bị mỏi cơ, tê liệt và rối loạn nhịp tim.

Thận bị mất chức năng vĩnh viễn: Tình trạng suy thận cấp nếu không được điều trị kịp thời sẽ chuyển thành suy thận mạn giai đoạn cuối. Do tế bào chức năng của thận (Nephron) bị tổn thương không hồi phục quá nhiều, người bệnh có thể phải đối mặt với việc chạy thận suốt đời.

Tử vong: Suy thận cấp dẫn đến suy giảm chức năng của thận đột ngột, có thể gây ra tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

phu-bien-chung-thuong-gap-cua-suy-than-cap.webp

Phù – biến chứng thường gặp của suy thận cấp

Cách điều trị suy thận cấp theo từng giai đoạn

Khi điều trị suy thận cấp, bác sĩ sẽ dựa trên nguyên tắc loại bỏ nguyên nhân gây ra tình trạng bệnh, duy trì huyết áp ở ngưỡng ổn định, đồng thời phục hồi lại đường dẫn niệu để cân bằng lại thể tích tuần hoàn chung. Ngoài ra bệnh nhân cũng cần được cân bằng lại lượng điện giải và bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết.

Giai đoạn 1 - Tấn công của tác nhân gây bệnh

Bệnh nhân cần được loại bỏ nhanh chóng các nguyên nhân gây bệnh:

  • Bù nước, điện giải cho người bệnh nếu cần thiết.
  • Loại bỏ các nguyên nhân gây tắc nghẽn đường dẫn nước tiểu.
  • Theo dõi thường xuyên tình trạng thiểu niệu, vô niệu để có biện pháp xử lý sớm cho bệnh nhân.

Giai đoạn 2 - Điều trị thiểu niệu, vô niệu

Giai đoạn thiểu niệu, vô niệu người bệnh cần được điều chỉnh lại lượng nước và điện giải. Nhóm thuốc lợi tiểu sẽ được sử dụng hoặc chỉ định lọc máu khi tình trạng bệnh nặng.

Cân bằng nước và điện giải

Nếu bệnh nhân bị phù, cần điều chỉnh sao cho lượng nước vào nhỏ hơn lượng nước đi ra. Sử dụng thuốc lợi tiểu: Ưu tiên dùng thuốc lợi tiểu quai (VD: Furosemid). Liều ban đầu cho bệnh nhân có thể từ 40mg và tối đa không quá 1000mg. Furosemid có thời gian tác dụng kéo dài, do đó nên dừng sử dụng khi bệnh nhân tự đái được. 

Lưu ý không dùng thuốc lợi tiểu trong trường hợp suy thận cấp do nguyên nhân sau thận. Đối với suy thận cấp trước thận cần bù lại thể tích tuần hoàn cho bệnh nhân, không được sử dụng các thuốc lợi tiểu nếu thể tích tuần hoàn chưa đủ.

Điều trị tình trạng tăng kali máu, tăng Nitophiprotein máu, toan máu

Bệnh nhân cần được kiểm soát nguồn kali vào như thực phẩm chứa nhiều kali, chế độ ăn giảm chất đạm và điều trị tình trạng nhiễm khuẩn, các mô hoại tử nếu có.

Bệnh nhân cần được chỉ định lọc máu cấp cứu trong trường hợp:

  • Kali máu trên 6,5mmol/l mà không đáp ứng với biện pháp điều trị nội khoa.
  • Tình trạng toan máu (Ph <7,2).
  • Thừa dịch gây nguy cơ phù phổi cấp.

su-dung-thuoc-loi-tieu-de-dieu-tri-thieu-nieu-vo-nieu.webp

Sử dụng thuốc lợi tiểu để điều trị thiểu niệu, vô niệu

Giai đoạn 3 - Phục hồi chức năng thận

Trong giai đoạn này sẽ gồm 2 giai đoạn nhỏ hơn là giai đoạn đái trở lại và phục hồi chức năng thận. Theo dõi lượng nước tiểu của bệnh nhân để điều chỉnh nước, điện giải đi vào cho phù hợp:

  • Nếu lượng nước tiểu trên 3 lít một ngày: Bù nước, điện giải theo đường tĩnh mạch.
  • Sử dụng Oresol đường uống khi lượng nước tiểu dưới 3 lít một ngày nếu không có rối loạn điện giải nặng.

Kiểm soát chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân bằng cách tăng lượng chất đạm nạp vào khi chỉ số Ure máu ở ngưỡng bình thường. Theo dõi người bệnh thường xuyên và điều trị nguyên nhân gây ra suy thận cấp nếu có.

Chăm sóc và phục hồi cho bệnh nhân suy thận cấp

Trong suốt quá trình điều trị suy thận cấp, người bệnh cần được theo dõi và chăm sóc đặc biệt. Thời điểm này người bệnh vẫn có thể bị nhiễm khuẩn hay rối loạn điện giải. Vì vậy, người bệnh cần có kế hoạch chăm sóc, ăn uống và phục hồi phù hợp để giúp phục hồi được chức năng của thận. Trong quá trình này, người bệnh và người chăm sóc cần lưu ý những vấn đề sau:

Chống nhiễm khuẩn, chống loét cho bệnh nhân

Bệnh nhân sau đợt suy thận cấp có tình trạng vô niệu thường bị nhiễm khuẩn thứ phát. Vì vậy kháng sinh dự phòng nhiễm khuẩn thứ phát có thể được chỉ định. Lưu ý không dùng các kháng sinh gây độc với thận để dự phòng nhiễm khuẩn như kháng sinh nhóm Aminosid.

Dự phòng tình trạng tăng kali máu

Tăng kali máu rất nguy hiểm đối với bệnh nhân suy thận cấp, có thể dẫn đến rung thất và ngừng tim. Vì vậy bệnh nhân cần được kiểm soát chặt chẽ lượng kali nạp vào. Theo dõi bệnh nhân bằng điện tim để có thể phát hiện nồng độ kali máu tăng cao.

Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân suy thận cấp

Trong suốt thời gian điều trị, chế độ dinh dưỡng của bệnh nhân cần được kiểm soát nghiêm ngặt. Tiết chế lượng thực phẩm chứa nhiều kali, chất đạm nếu kali máu, ure máu cao. Điều chỉnh cân bằng lượng nước và điện giải cho phù hợp để tránh phù hay tình trạng toan máu.

Cải thiện chức năng thận bằng các thảo dược

Trong quá trình chăm sóc, có thể kết hợp sử dụng các thảo dược để hỗ trợ phục hồi, cải thiện chức năng thận cho bệnh nhân. Nhiều thảo dược quý như Dành dành, đan sâm, mã đề đã được chuyên gia nghiên cứu, chứng minh có công dụng tăng cường miễn dịch cho tế bào thận, cải thiện hiệu quả các triệu chứng của suy thận. Trong đó, thảo dược dành dành được nhóm tác giả từ các trường đại học Y dược tại Trung Quốc nghiên cứu cho thấy tác dụng ức chế quá trình dịch chuyển biểu mô và trung mô, giúp ngăn ngừa tổn thương mô kẽ thận, giảm xơ hóa thận tiến triển.

>>>XEM THÊM: Dành dành có công dụng gì với suy thận?

danh-danh-ho-tro-phuc-hoi-chuc-nang-cua-than-o-nguoi-bi-suy-than-cap.webp

Dành dành hỗ trợ phục hồi chức năng của thận ở người bị suy thận cấp

Sản phẩm kết hợp dành dành cùng với nhiều thảo dược khác có tác dụng tăng cường chức năng, hiệu quả trong phòng ngừa và hỗ trợ điều trị suy thận cấp nói riêng và các bệnh lý về thận nói chung đã được chứng minh qua con số 92,9% người dùng có trải nghiệm rất hài lòng hoặc hài lòng khi sử dụng sản phẩm (theo Tạp chí Kinh tế Việt Nam).

Suy thận cấp là bệnh nguy hiểm, tuy nhiên nếu bệnh nhân được chẩn đoán, điều trị sớm thì tỷ lệ hồi phục hoàn toàn là rất cao. Hy vọng sau bài này viết độc giả sẽ có cái nhìn tổng quát hơn về suy thận cấp để có thể nhận biết, dự phòng bệnh hiệu quả. Nếu có thông tin nào còn thắc mắc vui lòng để lại câu hỏi dưới dưới phần bình luận.

Tài liệu tham khảo

  1.  https://www.webmd.com/a-to-z-guides/what-is-acute-kidney-failure
  2. https://www.nhs.uk/conditions/acute-kidney-injury/
  3. https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/28810600/
  4. https://www.kidney.org/atoz/content/AcuteKidneyInjury
  5. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5198510/
  6. https://emedicine.medscape.com/article/243492-treatment
Dược sĩ Đào Ngọc

banner web sản phẩm.jpg

Bình luận