Estrogen là hormone quan trọng với nhiều vai trò khác nhau trong cơ thể. Đây là một loại hormone do cơ thể tự sản xuất và được tìm thấy ở cả nam và nữ. Tuy nhiên liệu bạn đã thực sự hiểu hết về loại hormone này? Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ những thông tin tổng quan nhất mà bạn cần biết về hormone sinh dục này.

Tìm hiểu hormone estrogen là gì?

Estrogen và progesterone là hai hormone sinh dục chính ở phụ nữ. Trong đó, estrogen chịu trách nhiệm trong việc tạo nên những điểm đặc trưng về cơ thể cũng như khả năng sinh sản của phụ nữ. Loại hormone này cũng có thể được tìm thấy trong cơ thể đàn ông nhưng với tỉ lệ ít hơn. 

Có khoảng 3 loại estrogen được cơ thể con người sản xuất. Trong đó, số lượng mỗi loại hormone có thể thay đổi tùy thuộc theo từng giai đoạn, độ tuổi.

Estradiol (E2): Loại hormone này được sản xuất trong buồng trứng với số lượng thay đổi theo chu kỳ kinh nguyệt mỗi tháng. Đây là loại estrogen phổ biến nhất ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (tính từ trước kỳ kinh đầu tiên cho đến kỳ cuối cùng hoặc thời kỳ tiền mãn kinh). Trong khoảng thời gian này, số lượng E2 sẽ nhiều hơn so với 2 loại còn lại. 

Estrone (E1): Là loại hormone với số lượng nhiều thứ 2 do cơ thể sản xuất. Buồng trứng chỉ sản xuất một lượng nhỏ loại hormone này. Chủ yếu lượng estrone trong cơ thể được tạo ra dựa trên quá trình aromatization diễn ra trong mô mỡ hoặc cơ bắp. Quá trình này giúp biến đổi nội tiết tố androgen thành hormone estrone. Chính vì vậy cũng là loại hormone duy nhất cơ thể tiếp tục sản xuất trong thời kỳ mãn kinh.

Estriol (E3): Là loại estrogen đặc trưng với nồng độ tăng cao trong thời gian thai kỳ. Estriol có vai trò quan trọng, thúc đẩy sự phát triển của thai nhi cũng như giúp cơ thể phụ nữ chuẩn bị cho quá trình sinh nở, nuôi con sau này.

 estrogen-la-mot-trong-hai-hormone-sinh-duc-chinh-o-nu-gioi.webp

Estrogen là một trong hai hormone sinh dục chính ở nữ giới

Chức năng của estrogen với cơ thể

Estrogen là một trong những hormone sinh dục chính đối với nữ giới. Vậy estrogen có vai trò gì? Cụ thể các chức năng chính của loại hormone này như sau: 

Phát triển cơ quan sinh dục

Estrogen mang lại những thay đổi về thể chất trong độ tuổi dậy thì của nữ giới. Hormone này giúp phát triển những cơ quan sinh dục như âm đạo, tử cung, buồng trứng, ngực, các tuyến lông. Sự thay đổi này báo hiệu thời kỳ kinh nguyệt sắp bắt đầu và đánh dấu thời điểm bạn bước vào độ tuổi sinh nở. 

Kiểm soát chu kỳ kinh nguyệt

Estrogen tạo nên lớp niêm mạc trong tử cung hàng tháng để chuẩn bị cho việc mang thai. Nếu bạn không mang thai, lớp niêm mạc này sẽ bong ra và gây nên kinh nguyệt ở nữ giới. Quá trình trên sẽ lặp đi lặp lại cho tới thời điểm bạn có thai.

Bảo vệ và phát triển sức khỏe xương

Estrogen có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và phát triển hệ thống xương ở cả nam và nữ giới. Chúng giúp duy trì mật độ xương và bảo vệ cơ thể khỏi sự mất xương. Chính vì vậy trong thời kỳ mãn kinh, khi nồng độ hormone này giảm xuống, phụ nữ có tỷ lệ mất xương, loãng xương, gãy xương hông sẽ tăng cao hơn. 

Bảo vệ sức khỏe tim mạch

Estrogen có khả năng chống viêm nhiễm ở mạch máu và kiểm soát nồng độ cholesterol trong máu. Điều này đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa bệnh tim ở nữ giới trước thời kỳ mãn kinh. Sau mãn kinh, nồng độ estrogen giảm mạnh khiến tỷ lệ mắc bệnh tim ở phụ nữ gia tăng. Theo thống kê từ Tổ chức Y tế thế giới WHO năm 2019, bệnh về tim mạch là nhóm bệnh gây tử vong nhiều nhất trên thế giới. 

Điều hòa tâm trạng

Các nhà khoa học cho rằng estrogen có ảnh hưởng đến tế bào, mô, cấu trúc và thậm chí là hình dạng não bộ. Ngoài ra, hormone này có tác động thúc đẩy sản sinh ra chất dẫn truyền thần kinh serotonin, một chất hóa học giúp điều hòa tâm trạng. Chính vì vậy sự sụt giảm estrogen sẽ dẫn tới nồng độ serotonin thấp và có thể gây tình trạng trầm cảm sau sinh hoặc sau mãn kinh. 

mot-so-tac-dung-cua-estrogen-voi-co-the.webp

Một số tác dụng của estrogen với cơ thể

Các vấn đề liên quan tới estrogen

Mức độ estrogen có thể khác nhau giữa mỗi người. Số lượng hormone này cũng thay đổi theo chu kỳ kinh nguyệt ở nữ giới - cao nhất ở giữa chu kỳ, thấp nhất trong suốt kỳ kinh và giảm mạnh ở kỳ mãn kinh. Dưới đây là 2 vấn đề chính có thể xảy ra với mức độ estrogen mà bạn cần quan tâm:

Nồng độ estrogen thấp

Nguyên nhân phổ biến nhất gây nên tình trạng này là thời kỳ tiền mãn kinh, mãn kinh hoặc sau phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng. Ngoài ra, mức độ estrogen có thể suy giảm do một số nguyên nhân khác như suy buồng trứng, hội chứng bẩm sinh Turner, rối loạn tuyến giáp, hóa trị liệu,... 

Ở nữ giới, thiếu estrogen có thể dẫn tới những tình trạng dưới đây:

  • Kinh nguyệt không đều, trễ kinh, rối loạn kinh nguyệt.
  • Khó khăn trong việc mang thai hoặc vô sinh.
  • Mất xương, yếu xương dẫn tới loãng xương hoặc gãy xương dễ dàng hơn.
  • Giảm ham muốn tình dục, tình trạng khô âm đạo, đau đớn khi quan hệ tình dục.
  • Cơn bốc hỏa (đột nhiên cảm thấy nóng bừng ở mặt, phần trên ngực và lan ra toàn thân), ra mồ hôi ban đêm gây khó chịu, bức bối và rối loạn giấc ngủ.
  • Rối loạn tâm trạng, trầm cảm.
  • Làm mỏng các mô ở niệu đạo khiến tình trạng nhiễm trùng đường tiết niệu gia tăng.

Ở nam giới, nồng độ estrogen thấp có thể gây tình trạng tích trữ mỡ thừa ở bụng và giảm ham muốn tình dục.

muc-do-estrogen-thap-co-the-gay-ra-nhung-con-boc-hoa-o-nu-gioi.webp

Mức độ estrogen thấp có thể gây ra những cơn bốc hỏa ở nữ giới

Nồng độ estrogen cao

Nguyên nhân khiến nồng độ estrogen tăng cao có thể là do sự sản xuất quá mức hoặc những thay đổi trong cách cơ thể phá vỡ, bài tiết hormone này. Ngoài ra, một số yếu tố khác có thể dẫn tới nồng độ estrogen gia tăng là béo phì, căng thẳng, lạm dụng rượu, sử dụng thuốc, một số loại bệnh như u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung, ung thư,...

Ở nữ giới, mức độ estrogen cao có thể dẫn tới một số tình trạng như: 

  • Tăng cân, tích lũy mỡ thừa ở khu vực eo, hông, đùi.
  • Các vấn đề về kinh nguyệt như chảy máu ít hơn hoặc nhiều hơn.
  • U xơ tử cung, u xơ vú.
  • Giảm ham muốn tình dục.
  • Các hội chứng tiền kinh nguyệt trở nên nghiêm trọng hơn. 
  • Mệt mỏi, chán nản, lo lắng. 
  • Rụng tóc, rối loạn giấc ngủ.

Ở nam giới, estrogen nồng độ cao có thể gây nên tình trạng vú to (nữ hóa tuyến vú), rối loạn dương cương, khô khan trong quan hệ tình dục.

Phương pháp cân bằng nội tiết tố nữ estrogen

Do nhiều nguyên nhân mà nồng độ estrogen có thể sụt giảm hoặc tăng cao nhiều hơn mức thông thường. Điều này gây ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe. Vì vậy bạn cần chú ý duy trì sự cân bằng hormone này trong cơ thể bằng các phương pháp sau:

Bổ sung thêm estrogen

Nếu nồng độ estrogen trong cơ thể suy giảm thấp hơn mức thông thường, bạn có thể bổ sung thêm bằng các liệu pháp dưới đây:

Thực phẩm bổ sung estrogen

Đây là liệu pháp dành cho mọi đối tượng và có độ an toàn cao, không mang lại tác dụng phụ. Bạn nên kết hợp sử dụng các loại thực phẩm cung cấp estrogen tự nhiên hoặc thúc đẩy quá trình sản sinh hormone bằng cách sử dụng những loại thực phẩm sau: Hạt vừng, đậu xanh, củ cải đỏ, ngũ cốc, sản phẩm từ đậu nành, tỏi, quả khô, các loại đậu, hạt lanh, quả mọng, rau họ cải,...

cac-loai-thuc-pham-bo-sung-estrogen-tu-nhien-cho-co-the.webp

Các loại thực phẩm bổ sung estrogen tự nhiên cho cơ thể

Thuốc bổ sung estrogen

Phương pháp bổ sung estrogen này thường được chỉ định cho những đối tượng như phụ nữ vừa cắt bỏ buồng trứng, tiền mãn kinh hoặc mãn kinh, rối loạn kinh nguyệt,... Các loại thuốc được kê toa dựa trên tình trạng bệnh thực thế cũng như dạng bào chế (thuốc viên, miếng dán, gel, thuốc xịt,...). Tuy nhiên phương pháp này chỉ nên được sử dụng trong 1-2 năm để hạn chế nguy cơ mắc bệnh ung thư. 

Kiểm soát mức độ estrogen

Nếu mức độ estrogen của bạn cao hơn thông thường, bạn có thể kiểm soát số lượng hormone bằng các biện pháp sau đây:

Áp dụng chế độ ăn kiêng

Một số chế độ ăn kiêng đã được kiểm chứng về tác dụng giúp kiểm soát nồng độ estrogen ở mức an toàn, lành mạnh. Cụ thể những chế độ ăn này gồm: 

  • Chế độ ăn Địa Trung Hải: Chế độ này khuyến khích người bệnh sử dụng nhiều rau củ (bông cải xanh, cải xoăn, cải mầm, cà rốt, bó xôi,...), trái cây (táo, cam, nho, dâu,...), các loại quả hạch (hạt điều, óc chó, quả phỉ, hạnh nhân,...), ngũ cốc nguyên hạt (yến mạch, gạo lứt, bắp,...), cá và hải sản. Hạn chế sử dụng thực phẩm làm gia tăng estrogen như thịt đỏ, thịt đã qua chế biến, thực phẩm nhiều chất béo,... 
  • Theo nghiên cứu cho thấy thực phẩm trong chế độ ăn Địa Trung Hải có chứa nhiều phytoestrogen, một chất có hoạt tính tương tự như estrogen. Hợp chất này có khả năng cạnh tranh với estrogen, từ đó ngăn chặn sự hấp thụ estrogen của cơ thể.
  • Chế độ ăn giàu chất xơ: Một số nghiên cứu chỉ ra rằng chế độ ăn giàu chất xơ, đặc biệt là các loại ngũ cốc nguyên hạt, có thể làm giảm sự hấp thụ cholesterol (tiền thân của estrogen). Ngoài ra, chất xơ giúp cơ thể giảm hấp thu estrogen ở ruột kết và tăng sự đào thải estrogen qua phân. Vì vậy áp dụng chế độ ăn này sẽ giúp bạn kiểm soát nồng độ estrogen ở mức lành mạnh.
  • Chế độ ăn dựa trên thực vật: Chế độ ăn thuần chay hoặc bán chay tập trung vào nhiều loại thực vật như trái cây, rau và các loại đậu có thể giúp kiểm soát lượng estrogen và giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư liên quan tới estrogen. Ngoài ra, chế độ ăn giàu thực vật chứa ít chất béo bão hòa nên không làm gia tăng nồng độ estrogen. 

che-do-an-dia-trung-hai-giup-kiem-soat-estrogen-o-muc-lanh-manh.webp

Chế độ ăn Địa Trung Hải giúp kiểm soát estrogen ở mức lành mạnh

Sử dụng thuốc

Tùy thuộc vào mức độ estrogen thực tế của bạn mà bác sĩ có thể kê đơn thuốc để giúp cân bằng hormone này. Trong đó, một số loại thuốc thường được sử dụng có thể kể đến như:

  • Thuốc ức chế men thơm hóa (anastrozole, exemestane, letrozole,...): Nhóm thuốc này có tác dụng ngăn chặn sự chuyển đổi androgen thành estrogen.
  • Thuốc ngăn chặn buồng trứng sản xuất estrogen như goserelin, leuprolide,...

Phẫu thuật

Nếu bạn mắc bệnh ung thư nhạy cảm với estrogen, ung thư vú hoặc ung thư buồng trứng, bác sĩ có thể đề nghị bạn thực hiện phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng. Bởi buồng trứng là nơi sản xuất estrogen nên loại bỏ bộ phận này sẽ giúp giảm mức độ estrogen trong cơ thể.

Kết hợp với thảo dược khác

Bên cạnh việc sử dụng thuốc và duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, bạn có thể kết hợp với các thảo dược khác để cân bằng nội tiết tố trong cơ thể. Trong đó một số loại dược liệu đã được chứng minh có tác dụng điều hòa nội tiết tố là:

Methylsulfonylmethane (MSM): Là một hợp chất chứa lưu huỳnh tự nhiên có khả năng chống oxy hóa và chống viêm mạnh. Theo một nghiên cứu tại Hoa Kỳ vào năm 2010, MSM có khả năng hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch, kích thích lưu thông máu, ngăn ngừa dấu hiệu lão hóa. Ngoài ra, nghiên cứu của các nhà khoa học Hàn Quốc và Trung Quốc cho thấy rằng MSM có khả năng ngăn ngừa sự phát triển của ung thư vú, một loại bệnh thường gặp ở phụ nữ sau 40 tuổi.

Đương quy: Theo đông y, đương quy mang vị ngọt, tính ấm, có tác dụng hoạt huyết, bổ huyết nên thường được dùng để điều trị các bệnh ở nữ giới như rối loạn kinh nguyệt, đau bụng kinh, rong kinh,... Theo nghiên cứu khoa học tại trường đại học Messina tại Italia (năm 2006), dịch chiết xuất từ đương quy có hoạt tính của nội tiết tố nữ estrogen. Vì vậy sử dụng thảo dược này sẽ giúp làm giảm các triệu chứng do suy giảm nội tiết tố gây ra. 

Bạch thược: Theo y học cổ truyền, bạch thược có vị chua, đắng, có tính hàn, giúp dưỡng huyết và thường được sử dụng trong điều trị tình trạng suy nhược cơ thể và các bệnh phụ nữ. Theo nghiên cứu từ trường đại học RMIT - Úc thì thảo dược này có chứa phytoestrogen - một hoạt chất tương tự như nội tiết tố nữ estrogen. Vì vậy sử dụng thảo dược này sẽ giúp kiểm soát và cải thiện triệu chứng bệnh liên quan đến nội tiết tố như rối loạn kinh nguyệt, vô kinh,... ở phụ nữ.

duoc-lieu-co-tac-dung-ho-tro-can-bang-noi-tiet-to-nu-estrogen.webp

Dược liệu có tác dụng hỗ trợ cân bằng nội tiết tố nữ estrogen

Ứng dụng của hormone estrogen trong y học

Estrogen mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể. Chính vì vậy các chế phẩm của hormone này được ứng dụng nhiều trong y học, cụ thể như sau:

Liệu pháp hormone thay thế HRT

Liệu pháp này thường được sử dụng cho những phụ nữ đang trong thời kỳ tiền mãn kinh để bổ sung estrogen và làm giảm các triệu chứng lão hóa da, giảm ham muốn tình dục, bảo vệ hệ thống xương và tim mạch,.... Tuy nhiên bạn có thể gặp một số tác dụng phụ như đau đầu, khó tiêu, buồn nôn, chảy máu âm đạo,... trong thời gian điều trị.

Ngoài ra, việc bổ sung hormone thay thế có thể làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư vú, đột quỵ, cục máu đông,... Vì vậy hãy thận trọng trao đổi với bác sĩ trước khi quyết định sử dụng liệu pháp nội tiết này.

Ứng dụng trong chuyển giới nữ

Estrogen có thể giúp cơ thể người phát triển các đặc điểm sinh dục ở nữ giới như tăng kích thước ngực, giảm sự phát triển tuyến lông,... Do đó bác sĩ có thể kê toa một số loại thuốc estrogen như là một phần của quá trình chuyển giới từ nam sang nữ.

Thuốc tránh thai

Thuốc tránh thai thường có thành phần chính là estrogen và progestin tổng hợp hoặc chỉ chứa progestin. Một số loại ngăn ngừa việc thụ thai bằng cách duy trì mức độ hormone estrogen không giao động, từ đó ngăn rụng trứng. Một số loại thuốc khác khiến chất nhầy ở cổ tử cung đặc quánh lại khiến tinh trùng không thể tiếp cận trứng. 

Tuy nhiên thuốc tránh thai đường uống có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ, cục máu đông, ung thư vú,... Phương pháp này cũng gây nhiều rủi ro hơn với phụ nữ hút thuốc hoặc trên 35 tuổi.

Trên đây là toàn bộ thông tin về hormone estrogen mà bạn nên nắm rõ. Đây là hormone quan trọng và mang lại nhiều lợi ích đối với cơ thể con người. Nếu còn bất cứ thắc mắc nào liên quan tới estrogen hay phương pháp cân bằng nội tiết tố, bạn có thể để lại bình luận dưới bài viết này để được tư vấn và giải đáp nhanh chóng nhất.

Tham khảo:

https://www.healthline.com/health/womens-health/benefits-of-estrogen#risks

https://www.verywellhealth.com/what-is-estrogen-and-what-does-it-do-to-my-body-4142677

Dược sĩ Thanh Xuân

banner NTTNAA.jpg

Bình luận