Thuốc Risperidone có công dụng như thế nào?

Risperidone là thuốc kê đơn thuộc nhóm thuốc chống loạn thần. Thuốc thường được dùng để điều trị triệu chứng của các bệnh tâm thần phân liệt, hưng cảm vừa đến nặng liên quan đến rối loạn lưỡng cực,... Thuốc có thể được sử dụng một mình hoặc kết hợp với các loại thuốc, liệu pháp điều trị khác.

Thuốc Risperidone chống loạn thần dựa trên cơ chế cải thiện các chất dẫn truyền thần kinh tự nhiên trong não như serotonin và dopamin. Với cơ chế này, thuốc thường được sử dụng để điều trị các tình trạng bệnh cụ thể như sau:

  • Khó chịu gây ra bởi bệnh tự kỷ ở trẻ từ 5-11 tuổi: Người bệnh thường cáu kỉnh, hung hăng với người khác, có suy nghĩ tự làm hại bản thân, biểu hiện rõ tâm trạng thất vọng, tức giận.
  • Tâm thần phân liệt cấp và mạn: Người bệnh thường gặp ảo giác (thấy hoặc nghe những thứ không có thật) hoặc ảo tưởng (tin vào những điều không đúng với thực tế).
  • Rối loạn lưỡng cực: Người bệnh có các cảm xúc, tâm trạng dữ dội bao gồm hưng cảm, trầm cảm hoặc cả hai.

Risperidone-(Risperdal)-dung-dieu-tri-tinh-trang-kho-chiu-o-tre-tu-ky.webp

Risperidone (Risperdal) dùng điều trị tình trạng khó chịu ở trẻ tự kỷ

Hiện nay, Risperidone được sản xuất và phân phối dưới nhiều dạng biệt dược như: Resdep, Sperifar 3mg, Amedtonin 4, Heridone, pms-Risperidone 2mg, Aziona, Docento 2. H-Rodon, Tesco-2, Zofredal,... Với biệt dược Risperdal, thuốc được công ty Janssen (Italy) sản xuất dưới dạng bào chế viên nén, cụ thể như sau:

  • Risperdal 1mg: Tương đương với hàm lượng Risperidone 1mg/viên. Thuốc được đóng gói theo hộp gồm 6 vỉ x 10 viên. Giá thuốc trung bình khoảng 720.000 VNĐ/hộp.
  • Risperdal 2mg: Tương đương với hàm lượng Risperidone 2mg/viên. Thuốc được đóng gói theo hộp gồm 6 vỉ x 10 viên. Giá thuốc trung bình khoảng 1.300.000 VNĐ/hộp. 

Đơn giá trên chỉ mang tính chất tham khảo và có thể khác biệt so với giá bán thực tế tại các nhà thuốc. 

Những lưu ý cần biết trước khi dùng Risperidone

Để sử dụng thuốc Risperidone an toàn, bạn cần lưu ý một số vấn đề quan trọng như cách sử dụng, tác dụng phụ của thuốc, đối tượng cần thận trọng,... Cụ thể như sau.

Cảnh báo hộp đen của FDA về thuốc Risperidone

Risperidone đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ FDA gắn cảnh báo hộp đen về tác dụng phụ của thuốc có thể gây nguy hiểm. Cụ thể, loại thuốc này có thể làm gia tăng tỷ lệ tử vong ở những người cao tuổi bị sa sút trí tuệ. Vì vậy không sử dụng Risperidone để điều trị rối loạn tâm thần ở nhóm đối tượng này. 

Đối tượng cần thận trọng khi dùng Risperidone

Đối tượng chống chỉ định với thuốc Risperidone bao gồm:

  • Người có tiền sử mẫn cảm, dị ứng với thuốc Risperidone hoặc các tá dược khác có trong thuốc.
  • Người sử dụng quá liều Barbiturat hoặc chế phẩm chứa thành phần rượu, thuốc phiện.
  • Trẻ em dưới 5 tuổi không được khuyến cáo sử dụng thuốc. Hiện nay chưa có nhiều nghiên cứu về tác động của thuốc trên nhóm đối tượng này.

Đối tượng cần thận trọng khi dùng thuốc Risperidone:

  • Trẻ em trên 5 tuổi điều trị bằng Risperidone cần tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Thuốc này khi sử dụng lâu dài có thể ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ.
  • Người lái xe, điều khiển máy móc hoặc thực hiện các công việc khác cần thận trọng khi dùng thuốc. Thuốc này có thể làm giảm hành vi, suy nghĩ sau khi sử dụng.
  • Người có tiền sử hoặc đang bị bệnh gan, thận, hạ huyết áp cần điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ.
  • Người cao tuổi mắc chứng sa sút trí tuệ cần thận trọng khi sử dụng bởi thuốc có thể làm tăng tỷ lệ tử vong ở nhóm đối tượng này. 
  • Người mắc bệnh Parkinson, chứng sa sút trí tuệ thể Lewy: Thuốc có thể khiến tình trạng bệnh trầm trọng hơn và tăng nguy cơ mắc hội chứng thần kinh ác tính, lú lẫn, bủn rủn tay chân, các triệu chứng ngoại tháp,...
  • Người có tiền sử số lượng bạch cầu thấp hoặc giảm bạch cầu cần theo dõi chặt chẽ trong vài tháng đầu điều trị. Thuốc có thể gây tình trạng giảm và mất bạch cầu nghiêm trọng. 
  • Người mắc bệnh tim mạch, mạch máu não, tiền sử động kinh, co cứng cơ hoặc mắc hội chứng Parkinson cần chú ý sử dụng thuốc Risperidone theo liều lượng thấp nhất có tác dụng.
  • Người đang hoặc có tiền sử bị đái tháo đường khi sử dụng thuốc Risperidone có thể gây tăng cân, hôn mê, đái tháo đường,... Vì thế, người dùng cần theo dõi chặt chẽ nồng độ glucose máu trong thời gian dùng thuốc.

>>> XEM THÊM: Dùng Olanzapine điều trị tâm thần phân liệt và lưu ý cần nhớ

Tre-em-can-su-dung-thuoc-Risperidone-theo-chi-dan-va-giam-sat-cua-bac-si.webp

Trẻ em cần sử dụng thuốc Risperidone theo chỉ dẫn và giám sát của bác sĩ

Cách sử dụng Risperidone chống loạn thần

Sử dụng Risperidone (Risperdal) theo đơn thuốc và sự chỉ định của bác sĩ. Dưới đây là cách sử dụng thuốc theo hướng dẫn của nhà sản xuất và chỉ nên dùng để tham khảo.

Cách dùng: Bạn sử dụng thuốc theo đường uống với nước lọc. Thuốc có thể được dùng với thức ăn hoặc không. 

Liều dùng: Liều dùng để điều trị các tình trạng bệnh sẽ có sự khác nhau. Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định liều dùng thấp hơn ở một số đối tượng đặc biệt. 

Điều trị bệnh tâm thần phân liệt:

  • Người lớn (từ 18-65 tuổi): Liều khởi đầu là 2mg/ngày. Từ ngày thứ 2 tăng liều lên 4-16mg/ngày và sử dụng duy trì. Không sử dụng quá 16mg/ngày. 
  • Người lớn tuổi (trên 65 tuổi): Liều khởi đầu là 0.5mg/lần, sử dụng 2 lần/ngày. Có thể tăng liều lên 1-2mg/lần, sử dụng 2 lần/ngày theo chỉ định của bác sĩ.
  • Trẻ em (Từ 13-17 tuổi): Liều khởi đầu 0.5mg/ngày, uống 1 liều vào buổi sáng hoặc tối. Có thể tăng liều không quá 6mg/ngày. 

Điều trị hưng cảm do rối loạn lưỡng cực:

  • Người lớn (từ 18-64 tuổi): Liều khởi đầu từ 2-3mg/ngày, sử dụng 1 lần trong ngày. Có thể tăng liều không quá 6mg/ngày.
  • Trẻ em (từ 10-17 tuổi): Liều khởi đầu từ 0.5mg/ngày, uống vào buổi sáng hoặc tối. Có thể tăng liều không quá 6mg/ngày. 

Điều trị rối loạn cư xử ở trẻ em từ 5 tuổi và thanh thiếu niên:

  • Với người trên 50kg: Liều khởi đầu từ 0.5mg/ngày, sử dụng 1 lần trong ngày. Có thể tăng liều cho phù hợp theo từng người bệnh nhưng không điều chỉnh sớm hơn 48 giờ.
  • Với người dưới 50kg: Hiện thuốc chưa thích hợp để điều trị cho nhóm đối tượng này.

Điều trị sự khó chịu liên quan tới bệnh tự kỷ ở trẻ từ 5-17 tuổi: Chỉ sử dụng thuốc Risperidone (Risperdal) cho trẻ có cân nặng trên 20kg. 

Liều khởi đầu khuyên dùng cho trẻ là 0.5mg/ngày. Sau 4 ngày, liều lượng thuốc có thể được tăng lên 1mg/ngày và sử dụng duy trì trong 14 ngày tiếp theo. Sau 2 tuần, liều lượng có thể được tăng lên 0.5mg. 

Liều dùng tối đa cho trẻ có cân nặng từ 25-45kg không quá 2.5mg/ngày. Với trẻ nặng trên 45kg không dùng quá 3.5mg/ngày.

Xử lý quên/quá liều và khi ngừng thuốc: 

Xử lý quên liều hoặc quá liều thuốc Risperidone như sau:

Quên liều: Sử dụng thuốc càng sớm càng tốt khi bạn vừa nhớ ra. Bỏ qua liều đã quên nếu gần tới thời gian sử dụng liều tiếp theo. Không tự ý bổ sung hoặc dùng hai liều một lúc.

Quá liều: Sử dụng quá liều thuốc Risperidone có thể dẫn tới các triệu chứng như buồn ngủ nghiêm trọng, tim đập nhanh, choáng váng, ngất xỉu, hạ huyết áp, ngừng tim, ngừng hô hấp,... Khi gặp bất cứ triệu chứng nào kể trên, bạn cần liên hệ với cơ sở y tế gần nhất để được trợ giúp nhanh chóng.

Ngừng liều: Bạn nên giảm liều lượng thuốc từ từ cho đến lúc ngừng hẳn. Không nên ngừng sử dụng thuốc đột ngột bởi điều này có thể dẫn tới những triệu chứng cai nghiện cấp tính như buồn nôn, nôn, đổ mồ hôi, mất ngủ. Ngoài ra khi ngừng thuốc, các triệu chứng loạn thần, rối loạn vận động tự chủ có thể xuất hiện trở lại.

Qua-lieu-Risperidone-co-the-dan-toi-choang-vang-ngat-xiu.webp

Quá liều Risperidone có thể dẫn tới choáng váng, ngất xỉu

Tác dụng phụ có thể gặp phải của Risperidone

Risperidone có thể gây ra các tác dụng phụ ở một số người bệnh. Dưới đây là danh sách các tác dụng phụ đã được ghi nhận ở nhiều đối tượng sử dụng loại thuốc này. Cụ thể như sau:

Tác dụng phụ thường gặp

  • Các vấn đề về thần kinh: Chóng mặt, lo âu, đau đầu, kích thích, ngủ gà, hội chứng Parkinson, triệu chứng ngoại tháp.
  • Các vấn đề tiêu hóa: Đau bụng, táo bón, khó tiêu, buồn nôn, nôn, chán ăn, đau răng, tăng tiết nước bọt.
  • Các vấn đề về hô hấp như: Viêm mũi, viêm xoang, viêm họng, ho, khó thở.
  • Các vấn đề về da: Phát ban, khô da, tăng tiết bã nhờn.
  • Các vấn đề tim mạch: Tăng nhịp tim, hạ huyết áp tư thế.
  • Các vấn đề khác: Đau nhức xương khớp, đau lưng, mệt mỏi, nhìn mờ, rối loạn chức năng sinh dục,...

Tác dụng phụ hiếm gặp

  • Các vấn đề về thần kinh: Trầm cảm, lãnh đạm, giảm sự tập trung, mất trí nhớ, lú lẫn, dị cảm, phản ứng tăng trương lực,...
  • Các vấn đề về tiêu hóa: Tiêu chảy, đầy hơi, trĩ, tăng cảm giác thèm ăn, khó nuốt, loét miệng, viêm dạ dày,...
  • Các vấn đề hô hấp: Thở gấp, thở rít, co thắt phế quản, viêm phổi.
  • Các vấn đề về da: Rụng tóc, rụng lông, tăng hoặc giảm tiết mồ hôi, mọc mụn trứng cá.
  • Các vấn đề về tim mạch: Rối loạn huyết áp, block nhĩ - thất, nhồi máu cơ tim.
  • Các vấn đề nội tiết: Tăng, giảm cân không kiểm soát, đái tháo đường, rối loạn kinh nguyệt, giảm natri máu, tăng creatine phosphokinase, tiết sữa bất thường, hội chứng vú to ở đàn ông, chảy máu âm đạo, đau ngực ở phụ nữ.
  • Các vấn đề về mắt: Khô mắt, rối loạn điều tiết.
  • Các vấn đề về tiết niệu: Đái ra máu, tăng hoặc giảm số lần tiểu tiện, đái khó,...
  • Các vấn đề khác: Chảy máu, thiếu máu, rét run, các triệu chứng bệnh cảm cúm,...

Ngoài ra, một số triệu chứng khác không có trong danh sách trên có thể xuất hiện trong quá trình dùng thuốc. Nếu gặp phải bất cứ triệu chứng bất thường nào, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ hoặc trung tâm y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.

>>> XEM THÊM: Những điều nên biết khi dùng thuốc an thần Seduxen (Diazepam)

Mot-so-nguoi-benh-dieu-tri-bang-Risperidone-co-the-cam-thay-chan-an-.webp

Một số người bệnh điều trị bằng Risperidone có thể cảm thấy chán ăn 

Các tương tác của Risperidone với thuốc khác

Thuốc Risperidone có thể tương tác với các loại thuốc, vitamin hoặc các sản phẩm hỗ trợ khác khi sử dụng chung với nhau. Dưới đây là danh sách các loại thuốc có thể gây tương tác với Risperidone.

Tương tác làm tăng nguy cơ mắc các tác dụng phụ

Khi dùng với các loại thuốc này có thể làm tăng nguy cơ gặp phải tác dụng phụ của Risperidone. Điều này xảy ra do nồng độ Risperidone tăng cao hơn hoặc cả hai loại thuốc có cùng tác dụng phụ giống nhau. 

Kết hợp với Risperidone làm tăng tác dụng phụ an thần, buồn ngủ:

  • Thuốc điều trị lo âu như alprazolam, clonazepam, diazepam,...
  • Thuốc giãn cơ như baclofen, methocarbamol, carisoprodol,...
  • Thuốc giảm đau như morphine, fentanyl, tramadol,...
  • Thuốc kháng histamin như hydroxyzine, chlorpheniramine,...
  • Thuốc an thần như zolpidem, zaleplon, eszopiclone,...

Kết hợp với Risperidone làm tăng nguy cơ kéo dài khoảng QT, block nhĩ thất và rối loạn nhịp tim:

  • Thuốc chống trầm cảm fluoxetin, paroxetin.
  • Thuốc chống loạn nhịp quinidin.

Kết hợp với Risperidone làm tăng nguy cơ mắc tác dụng phụ khác

  • Thuốc chống loạn thần clozapine: Làm tăng nguy cơ mắc hội chứng Parkinson, buồn ngủ, lo lắng, mờ mắt,...
  • Thuốc huyết áp như amlodipine, metoprolol, lisinopril,...: Tăng nguy cơ bị huyết áp thấp.
  • Thuốc điều trị bệnh Parkinson như levodopa, ropinirole,...: Tăng nguy cơ xảy ra các triệu chứng của bệnh Parkinson.

Tương tác làm giảm hiệu quả của thuốc

Một số loại thuốc khi dùng cùng Risperidone có thể làm giảm hiệu quả điều trị của thuốc. Hãy thông báo với bác sĩ nếu bạn đang dùng các thuốc sau:

  • Thuốc chống co giật phenytoin.
  • Thuốc kiểm soát cơn động kinh carbamazepine.
  • Thuốc kháng sinh rifampicin.
  • Thuốc chống co giật phenobarbital.

Lời khuyên của dược sĩ khi sử dụng Risperidone

Để tăng hiệu quả điều trị chống loạn thần, người bệnh cần sử dụng thuốc Risperidone kết hợp với các phương pháp trị liệu khác. Cụ thể như sau:

Phục hồi chức năng tâm lý xã hội

Các liệu pháp giúp phục hồi chức năng tâm lý cho người bệnh sẽ giúp họ nhanh chóng làm quen và giao tiếp bình thường với gia đình, xã hội. Đồng thời cần triển khai phổ biến cho gia đình và mọi người xung quanh hiểu biết về bệnh để có thái độ, cách hành xử đúng đắn cũng như hỗ trợ điều trị hiệu quả. Kết hợp những hoạt động này sẽ giúp người bệnh phục hồi và nhanh chóng hòa nhập với xã hội.

Sử dụng các sản phẩm hỗ trợ từ thảo dược

Một số sản phẩm thảo dược có khả năng thúc đẩy hiệu quả điều trị bệnh khi sử dụng kết hợp với Risperidone. Tiêu biểu là các sản phẩm có thành phần chính từ Đinh lăng, Thăng ma, Bạch quả,...

Công dụng của các thảo dược này đối với não bộ đã được nhiều chuyên gia kiểm định. Theo Trung tâm Sâm và Dược liệu TP HCM đã chỉ ra rằng, đinh lăng có khả năng tăng cường tuần hoàn máu não, cải thiện khả năng tập trung, tiếp nhận và tích hợp các dẫn truyền thần kinh của não bộ. 

Vì vậy khi kết hợp sử dụng các thảo dược này với thuốc Risperidone sẽ làm giảm các triệu chứng của bệnh loạn thần nhanh chóng. Đồng thời, sản phẩm có nguồn gốc thảo dược nên độ an toàn cao và ít khi gây tác dụng phụ cho người dùng. 

Dinh-lang-duoc-kiem-dinh-co-hieu-qua-trong-dieu-tri-benh-loan-than.webp

Đinh lăng được kiểm định có hiệu quả trong điều trị bệnh loạn thần

Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Risperidone điều trị các bệnh loạn thần và những vấn đề cần lưu ý khi sử dụng. Bạn nên sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để phát huy hiệu quả điều trị tối đa cũng như hạn chế các tác dụng không mong muốn. Nếu bạn còn thắc mắc nào liên quan tới thuốc Risperidone, hãy đăng ký tư vấn hoặc bình luận phía dưới để được dược sĩ chỉ dẫn điều trị nhanh chóng nhất. 

*Thông tin trong bài viết chỉ sử dụng với mục đích tham khảo. 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

https://go.drugbank.com/drugs/DB00734

https://www.healthline.com/health/risperidone-oral-tablet#alternatives

https://www.drugs.com/risperidone.html

Bình luận

  • Hồng Vân
    Hồng Vân - Gửi lúc 16:48 03/02/2023
    Hỏi về cách ngừng thuốc
    • Chuyên gia tư vấn
      Chào bạn!
      Thuốc Risperidone chống loạn thần, là thuốc kê đơn thuộc nhóm thuốc chống loạn thần. Vì vậy, liều dùng, cách dùng, liệu trình để điều trị các tình trạng bệnh sẽ có sự khác nhau. Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi ngừng sử dụng bạn nhé.
      Chúc bạn sức khỏe!