Tìm hiểu về da bị kích ứng là gì?

Da bị kích ứng là tình trạng da tổn thương sau khi tiếp xúc với tác nhân gây kích ứng. Hiểu đơn giản hơn, đây là phản ứng của cơ thể với những tác nhân như mỹ phẩm, hóa chất, các loại chất độc hại,… Tình trạng kích ứng chỉ xảy ra khi làn da của bạn tiếp xúc trực tiếp với những tác nhân này.

Tình trạng da kích ứng thường dễ nhầm lẫn với da bị dị ứng. Trên thực tế, đây là 2 tình trạng da khác nhau. Điểm khác biệt của chúng cụ thể như sau:

  • Da kích ứng: Chỉ xuất hiện ở những khu vực tiếp xúc với các tác nhân gây kích ứng. Thường chỉ diễn ra trong thời gian ngắn (khoảng từ vài giờ đến vài ngày).
  • Dị ứng da: Xuất hiện ở nhiều vùng da có/không tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng trên diện rộng. Mức độ của dị ứng da sẽ nặng hơn so với kích ứng da, có thể diễn ra vài tuần đến vài tháng.

da-bi-kich-ung-se-co-su-khac-biet-voi-lan-da-bi-di-ung.webp

Da bị kích ứng sẽ có sự khác biệt với làn da bị dị ứng

Cách nhận biết da bị kích ứng

Biểu hiện của da bị kích ứng thường sẽ phụ thuộc vào mức độ kích thích đối với làn da. Khi bị kích ứng, nếu không được xử lý kịp thời, tình trạng này có thể chuyển thành viêm da tiếp xúc dị ứng. Dấu hiệu để nhận biết khi da bị kích ứng có thể gồm:

  • Da bị mẩn đỏ, châm chích, sạm màu bất thường.
  • Xuất hiện mụn trứng cá ở vùng da tiếp xúc với tác nhân gây kích ứng.
  • Xuất hiện các nốt phồng rộp trên da.
  • Nứt, bong tróc da, đặc biệt dễ gặp ở những người bị khô da.
  • Da có cảm giác cứng, căng gây đau, khó chịu.
  • Hình thành các vết loét, khi bị hở có thể tạo thành lớp vảy.

Những tình trạng này thường khá dễ điều trị. Tuy nhiên, nếu tình trạng kích ứng da có những biểu hiện trầm trọng hơn, bạn nên gặp bác sĩ da liễu càng sớm càng tốt. Các biểu hiện này có thể gồm:

  • Vùng da bị kích ứng kéo dài quá lâu, không thuyên giảm trong vòng 3 tuần.
  • Khu vực kích ứng đột ngột gây đau đớn, có dấu hiệu lan rộng và nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng đến giấc ngủ hoặc các hoạt động thường ngày của bạn.

Khi nhận thấy các biểu hiện này, rất có thể làn da của bạn đã bị nhiễm trùng ở vùng kích ứng. Các biểu hiện này sẽ đi kèm với sốt, chảy mủ từ những nốt phồng rộp trên da. Nếu tình trạng da bị kích ứng không được xử lý sớm, có thể chuyển biến thành những bệnh lý về da nghiêm trọng hơn. Ví dụ như viêm da tiếp xúc, nhiễm khuẩn thứ cấp, chàm thứ cấp lan tỏa, nhiễm trùng, nấm, tình trạng lichenification,…

mot-so-dau-hieu-da-bi-kich-ung-o-cac-muc-do-khac-nhau.webp

Một số dấu hiệu da bị kích ứng ở các mức độ khác nhau

Nguyên nhân khiến da bị kích ứng

Nguyên nhân gây ra tình trạng kích ứng da chính là do tiếp xúc trực tiếp với các tác nhân gây kích ứng. Những yếu tố chủ yếu gây ra kích ứng da gồm có:

Những chất dễ khiến da bị kích ứng

  • Mỹ phẩm, đặc biệt là những sản phẩm có chứa chất bảo quản (paraben), hương liệu (perfume), chất tạo màu, chì, cồn, dầu khoáng (mineral oil/paraffin),…
  • Xà phòng, chất tẩy rửa, chất khử trùng, chất kháng khuẩn.
  • Các loại nước hoa, chất bảo quản đồ vệ sinh cá nhân.
  • Các loại dung môi hóa học, dầu dùng trong máy móc.
  • Các sản phẩm hoặc dung dịch có chứa axit/kiềm.
  • Nước cứng (nước chứa nhiều khoáng chất hòa tan dạng ion) hoặc nước có nhiều clo.
  • Một số tác nhân khác: Bụi, đất, xi măng, quần áo có chất liệu không phù hợp với da.

Yếu tố ảnh hưởng đến sự xuất hiện, mức độ kích ứng

  • Nồng độ, số lượng, đặc tính của các chất gây kích ứng.
  • Thời gian và tần suất phơi nhiễm của da với chất kích ứng (ví dụ phơi nhiễm tập trung trong thời gian ngắn hay kéo dài lặp đi lặp lại nhiều lần).
  • Tình trạng da, bao gồm da có nhạy cảm không, có bị tổn thương trước đó không,…
  • Các yếu tố môi trường khắc nghiệt như độ ẩm, nhiệt độ,…

Các yếu tố rủi ro khác – một số nhóm đối tượng có nguy cơ bị kích ứng da cao hơn. Ví dụ như:

  • Các nhân viên chăm sóc sức khỏe, nha khoa.
  • Thợ kim khí, thợ làm tóc, chuyên gia trang điểm, thẩm mỹ.
  • Công nhân xây dựng, thợ cơ khí ô tô.
  • Những người thường xuyên bơi lội, lặn biển phải tiếp xúc thường xuyên với lớp cao su của đồ bơi, đồ lặn gây kích ứng bên trong.
  • Đầu bếp hoặc những người làm việc thường xuyên với thực phẩm.
  • Người có làn da nhạy cảm, yếu, da đang bị các tình trạng mụn hoặc sức khỏe của da không ổn định.

my-pham-la-mot-tac-nhan-khien-da-bi-kich-ung-thuong-gap.webp

Mỹ phẩm là một tác nhân khiến da bị kích ứng thường gặp

Da bị kích ứng nên làm gì?

Khi da bị kích ứng, bạn nên thực hiện các biện pháp xử lý như: Tránh tác nhân gây kích thích da, vệ sinh và chăm sóc sạch sẽ, sử dụng các loại kem bôi không kê đơn có tác dụng giảm triệu chứng trên da,… Trong trường hợp nặng hơn, bạn cần đi khám và xin tư vấn điều trị từ các bác sĩ, chuyên gia da liễu. Một vài lời khuyên bạn có thể tham khảo như:

Tránh xa các tác nhân gây kích ứng

Đây là một trong những yếu tố quyết định đến khả năng phục hồi của da bị kích thích. Bác sĩ da liễu sẽ chỉ ra những tác nhân gây ra hiện tượng kích ứng để bạn có thể tránh hay hạn chế tối đa tiếp xúc với chúng. Trong trường hợp bạn bắt buộc phải tiếp xúc với những tác nhân gây kích ứng vì công việc hoặc bất kỳ lý do gì, hãy trang bị thêm quần áo bảo hộ.

Sử dụng sản phẩm dưỡng ẩm, làm mềm da

Sử dụng sản phẩm dưỡng ẩm, làm mềm da có nguồn gốc từ thiên nhiên không những giúp da bạn được bảo vệ, đẩy nhanh quá trình phục hồi mà còn rất an toàn và lành tính. Một số thành phần có tác dụng nổi bật trong dưỡng ẩm và bảo vệ cho da có thể kể đến như: Dầu dừa, kẽm salicylate, dầu hạt neem, nano bạc, chitosan, chiết xuất vỏ thân núc nác,… Trong đó:

Kẽm: Nghiên cứu của Kim JE tại khoa Da liễu, Bệnh viện Đại học Hanyang (Hàn Quốc) năm 2014 tiến hành sử dụng kẽm trên 58 trẻ bị viêm da. Có đến 43 trẻ cho kết quả làn da được cải thiện chỉ sau 8 tuần bổ sung.

Chitosan: Có tác dụng kháng khuẩn, điều trị nhiễm trùng, chữa lành các vết thương. Tác dụng này đã được chứng minh trong một nghiên cứu tại Trung tâm Y tế quang học Wellman, Bệnh viện Đa khoa Massachusetts tại Boston năm 2010.

Dầu dừa: Với khả năng dưỡng ẩm, làm dịu da, dầu dừa giúp cải thiện được các triệu chứng của rối loạn da, trong đó có tình trạng kích ứng da. Điều này đã được chứng minh tại nghiên cứu của Sandeep R Varma và cộng sự vào năm 2018, được đăng tải trên Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ.

mot-so-thanh-phan-giup-duong-am-lam-mem-vung-da-bi-kich-ung.webp

Một số thành phần giúp dưỡng ẩm, làm mềm vùng da bị kích ứng

Đặc biệt, khi bạn sử dụng sản phẩm có tổng hợp những thành phần này sẽ giúp da được dưỡng ẩm và bảo vệ hiệu quả hơn. Ngoài ra, đây đều là những thành phần từ thiên nhiên nên an toàn, lành tính cho mọi loại da. Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều sản phẩm dưỡng da có thành phần, nguồn gốc khác nhau. Vì thế, bạn nên lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc uy tín với các thành phần đã được chứng minh tác dụng trên da.

Biện pháp chăm sóc da tại nhà

Với các biện pháp chăm sóc da tại nhà, bạn sẽ cần lưu ý những vấn đề sau:

  • Sử dụng kem chống nắng thường xuyên để bảo vệ cho làn da, ngay cả khi bạn không ra ngoài. Sử dụng ít nhất 1 – 2 lần/ngày.
  • Tránh làm trầy xước vùng da bị kích ứng, tuyệt đối không được sử dụng tay để gãi vùng da này. Thao tác gãi có thể khiến tình trạng kích ứng nặng hơn, thậm chí gây ra nhiễm trùng và bạn sẽ cần sử dụng kháng sinh.
  • Làm sạch da bằng cách tẩy trang, dùng sữa rửa mặt, tẩy tế bào chết. Lưu ý, nên ưu tiên những sản phẩm dịu nhẹ, tránh lựa chọn những sản phẩm có chất gây kích ứng.
  • Một số lưu ý khác: Uống đủ nước cho cơ thể, bổ sung nhiều rau xanh, hoa quả, vitamin. Tránh sử dụng chất kích thích như rượu bia, cà phê, nước có ga, hạn chế căng thẳng trong đời sống,…

luon-su-dung-kem-chong-nang-de-bao-ve-da-bi-kich-ung.webp

Luôn sử dụng kem chống nắng để bảo vệ da bị kích ứng

Sử dụng biện pháp xử lý tại chỗ

Trong trường hợp tình trạng da bị kích ứng đã chuyển sang viêm da tiếp xúc kích ứng hoặc nặng hơn, bạn sẽ được bác sĩ hướng dẫn sử dụng các loại thuốc điều trị. Trong trường hợp sử dụng thuốc không thể kiểm soát được các triệu chứng, bạn cũng sẽ cần áp dụng những biện pháp điều trị khác. Cụ thể như sau:

Corticoid tại chỗ

Độ mạnh của thuốc mỡ corticosteroid tại chỗ sẽ được chỉ định tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng da, vùng da bị ảnh hưởng. Bác sĩ có thể cho bạn sử dụng một loại corticosteroid nồng độ mạnh trong thời gian ngắn nếu tình trạng nghiêm trọng hoặc nồng độ nhẹ hơn trong thời gian dài nếu tình trạng đã giảm nhẹ.

Tuy vậy, việc sử dụng corticosteroid có thể gây ra một số tác dụng phụ. Ví dụ như xuất hiện châm chích nhẹ, mỏng da, nổi mụn trứng cá, thay đổi màu da, mọc lông nhanh hơn,…

Thuốc uống Steroid

Thuốc uống có thể được kê đơn khi tình trạng viêm da nghiêm trọng và lây lan sang diện rộng. Tuy vậy, sử dụng viên uống steroid thường xuyên cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ nghiêm trọng, ví dụ như tăng huyết áp, loãng xương, tiểu đường,…

Phương pháp điều trị khác

Một số trị liệu da bị kích ứng nghiêm trọng có thể được sử dụng nếu phương pháp trên không đáp ứng. Ví dụ như:

  • Quang trị liệu: Cho vùng da bị kích ứng tiếp xúc với các ánh sáng có tác dụng điều trị.
  • Liệu pháp ức chế miễn dịch: Sử dụng thuốc giảm viêm để ức chế phản ứng miễn dịch gây kích ứng da.

quang-tri-lieu-co-the-duoc-su-dung-khi-da-bi-kich-ung-khong-dap-ung-bien-phap-khac.webp

Quang trị liệu có thể được sử dụng khi da bị kích ứng không đáp ứng biện pháp khác

>>>XEM THÊM: Tất cả thông tin về Ceramid (Ceramide) dưỡng ẩm, trị viêm da

Da bị kích ứng không phải là một tình trạng quá nguy hiểm, tuy nhiên nó có thể gây mất thẩm mỹ, ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của người mắc. Do đó, nên thực hiện ngay các biện pháp xử lý da bị kích ứng càng sớm càng tốt. Trên đây chỉ là những thông tin tham khảo về tình trạng da này. Bạn có thể để lại câu hỏi hoặc số điện thoại dưới bài viết nếu còn bất kỳ thắc mắc nào. Đội ngũ chuyên gia sẽ giải đáp chi tiết hơn cho bạn.

Nguồn tham khảo

https://emedicine.medscape.com/article/1049353-overview

https://www.nhs.uk/conditions/contact-dermatitis/treatment/

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/contact-dermatitis/diagnosis-treatment/drc-20352748

https://dermnetnz.org/topics/irritant-contact-dermatitis

https://www.healthline.com/health/contact-dermatitis#pictures

https://nationaleczema.org/eczema/types-of-eczema/contact-dermatitis/

 

Dược sĩ Đoàn Thu

Eczestop.webp

Bình luận