Cúm A nguy hiểm như thế nào? Cách điều trị và phòng ngừa hiệu quả
Cúm A là bệnh gì? Triệu chứng như thế nào?
Cúm A là bệnh truyền nhiễm do virus tấn công vào hệ thống hô hấp. Tại Việt nam, các chủng virus gây bệnh cúm A trên người chủ yếu là H3N2 và H1N1 (ít hơn là H5N1). Bệnh thường tiến triển lành tính và có thể tự khỏi. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, người bệnh có thể gặp phải những biến chứng nặng nề và nguy hiểm hơn là tử vong.
Hiện nay, có 4 loại virus cúm chính là A, B, C và D. Virus cúm A và B thường xuyên xuất hiện ở người, gây ra cúm theo mùa. Theo CDC, virus cúm A là loại duy nhất được biết đến bởi gây ra dịch cúm toàn cầu.
Biểu hiện của cúm A thường bị nhầm lẫn với một số bệnh lý khác, đặc biệt là cúm thường. Cúm thông thường nhanh khỏi và ít gây ra các biến chứng nguy hiểm. Một số triệu chứng như sốt nhẹ hoặc không, ho, nhức mỏi nhẹ, nghẹt mũi, sổ mũi,.. Trong khi đó, cúm A khó kiểm soát bệnh và dễ gây ra nhiều biến chứng.
Triệu chứng cúm A ở người lớn
Thông thường, triệu chứng cúm A có thể tự hết trong 1 tuần. Nếu bệnh kéo dài hơn, hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị. Khi người lớn bị nhiễm cúm A, sẽ xuất hiện một số triệu chứng điển hình như:
- Đau đầu.
- Sưng, đau họng.
- Sốt cao trên 38.5 độ và kéo dài.
- Đau nhức mình mẩy, tê bì các chi.
- Trường hợp nặng hơn ở một số đối tượng, sẽ có cảm giác khó thở, tức ngực hay ho khan.
>>> XEM THÊM: 4 Cách trị đau họng không cần dùng thuốc
Cúm A thường gây ra đau đầu, sốt, đau họng ở người lớn
Triệu chứng cúm A ở trẻ em
Đối với trẻ em, bệnh cúm A thường gặp ở độ tuổi 24 tháng trở xuống. Khác với người lớn, trẻ mắc bệnh ở thể nhẹ đã xuất hiện những triệu chứng như: Sốt cao trên 38.5 độ, nôn trớ nhiều lần trong ngày, hay đòi uống nước,... Bệnh tiến triển nhanh và chuyển biến nặng. Bố mẹ cần theo dõi và lưu ý một số biểu hiện sau:
- Trẻ bỏ ăn, bỏ bú.
- Lòng bàn tay, bàn chân lạnh.
- Trẻ thở nhanh.
- Ngủ li bì
Bố mẹ hãy kiểm tra nhiệt độ của trẻ thường xuyên. Khi phát hiện trẻ sốt trên 39 độ C, hãy ngay lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và tư vấn.
Nguyên nhân gây bệnh cúm A
Nguyên nhân chính gây bệnh là virus cúm A, chúng gồm 2 phân nhóm chính là hemagglutinin (H) và neuraminidase (N). Trong đó, có khoảng 18 loại virus H và 11 loại virus N. Virus cúm A có thể lây lan từ người này sang người khác, ngay cả khi người mắc chưa có triệu chứng gì. Đặc biệt, khi thời tiết chuyển lạnh, đường hô hấp dễ bị tổn thương, làm tăng tính nhạy cảm, virus dễ xâm nhập. Con đường lây truyền chủ yếu gồm:
- Đường hô hấp: Là do những giọt bắn li ti khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện.
- Đường tiếp xúc: Khi một người chạm vào bề mặt hay đồ vật có chứa virus cúm A. Sau đó đưa tay lên mắt, mũi hoặc miệng cũng có thể khiến người đó nhiễm bệnh.
Ngoài những nguyên nhân trên, bệnh cúm A có thể dễ xuất hiện và gây nguy hiểm hơn cho một số nhóm đối tượng. Cụ thể:
- Trẻ em dưới 5 tuổi.
- Trẻ em dưới 18 tuổi đang uống thuốc aspirin hoặc các loại thuốc có chứa salicylate.
- Người lớn từ 65 tuổi trở lên.
- Phụ nữ mang thai.
- Người đang có một số bệnh nền nặng như tim mạch, rối loạn chuyển hóa, béo phì và bệnh phổi mạn.
Trên những đối tượng này, bệnh cúm A có thể gây ra nhiều biến chứng do hệ thống miễn dịch bị tổn hại. Nguy hiểm nhất là suy hô hấp, với biểu hiện khó thở, thở gấp, đờm đặc có lẫn máu,... Và khi không được chữa trị kịp thời sẽ gây thiếu oxy, co giật dẫn đến tử vong.
Nguyên nhân chính gây ra bệnh cúm A là do nhiễm các loại virus H và N
Các cách điều trị cúm A hiện nay
Phác đồ điều trị của bệnh cúm A sẽ dựa vào mức độ bệnh. Hiện tại, bệnh cúm A được điều trị theo từng mức độ như sau:
- Mức độ 1: Triệu chứng nhẹ và không thuộc đối tượng nguy hiểm, có thể điều trị và nghỉ ngơi tại nhà mà không cần phải đến cơ sở y tế.
- Mức độ 2: Triệu chứng nhẹ và thuộc đối tượng nguy hiểm, người bệnh nên nhập viện để được theo dõi và điều trị với thuốc kháng virus.
- Mức độ 3: Triệu chứng nặng hoặc có biến chứng, cần nhập viện và điều trị với thuốc kháng virus càng sớm càng tốt.
Sử dụng thuốc điều trị cúm A
Theo phác đồ của Bộ Y tế, những người thuộc mức độ 2 và 3 sẽ được chỉ định dùng thuốc kháng virus để điều trị bệnh cúm A. Thuốc kháng virus được sử dụng hiện nay bao gồm:
- Oseltamivir (Tamiflu): Dùng đường uống với liều dùng được tính theo độ tuổi và cân nặng. Điều trị trong 5 ngày.
- Zanamivir: Là dạng hít định liều, thường được sử dụng trong những trường hợp không có hoặc kháng với Oseltamivir. Liều dùng được tính theo độ tuổi của người bệnh.
Dùng thuốc kháng virus theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không tùy tiện sử dụng. Thuốc làm giảm sự lây lan của virus cúm A và làm chậm quá trình lây truyền. Bên cạnh hiệu quả, người bệnh có thể gặp một số tác dụng phụ như buồn nôn, nôn. Nếu gặp phải tình trạng đó hoặc bệnh tồi tệ hơn sau khi dùng thuốc, hãy dừng uống thuốc và đến gặp bác sĩ ngay lập tức.
Người bệnh thường được sử dụng thuốc kháng virus để điều trị cúm A
Lưu ý trong chăm sóc người bị cúm A
Khi phát hiện người thân nhiễm virus cúm A, hãy hỏi ý kiến bác sĩ và chỉ chăm sóc tại nhà khi nhận được sự đồng ý. Dưới đây là các cách chăm sóc người bệnh tại nhà.
- Cách ly người nhiễm: Vì bệnh cúm A lây lan rất nhanh, cho nên việc đầu tiên cần làm chính là cách ly người nhiễm trong phòng riêng. Phòng cách ly cần được bố trí thông thoáng và đáp ứng được tất cả mọi hoạt động, sinh hoạt của người bệnh.
- Cho người bệnh ăn những thức ăn loãng, dễ tiêu hóa đồng thời uống nhiều nước và bổ sung các thực phẩm hỗ trợ.
- Không tái sử dụng khẩu trang và khăn giấy của người bệnh. Khử trùng dụng cụ ăn uống của người bệnh bằng nước sôi.
- Người chăm sóc khi tiếp xúc với người bệnh cần đeo khẩu trang và luôn ý thức vệ sinh, sát khuẩn sạch sẽ.
Chăm sóc đúng cách là bảo vệ người bệnh cúm A và chính bản thân mình
Thay đổi chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt
Bên cạnh sử dụng các loại thuốc theo phác đồ điều trị được chỉ định, người bệnh cần kết hợp thêm chế độ dinh dưỡng phù hợp. Với chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý ngay khi phát bệnh, người nhiễm virus cúm A mức độ 1 có thể tự khỏi sau 7 ngày. Về chế độ sinh hoạt, cần lưu ý những vấn đề sau:
- Nghỉ ngơi và ngủ nhiều hơn.
- Uống thuốc giảm đau paracetamol để hạ sốt (khi người bệnh sốt trên 38.5 độ C) và làm dịu cơn nhức cơ.
- Thường xuyên súc miệng bằng nước muối sinh lý để sát khuẩn hầu họng.
- Vệ sinh sạch sẽ bản thân và những vật dụng đã dùng.
- Uống nhiều nước.
- Giữ một thái độ lạc quan, tránh lo lắng, căng thẳng.
Về chế độ dinh dưỡng, người bệnh cần lưu ý bổ sung các thực phẩm có chứa nhiều vitamin, tăng sức đề kháng cho cơ thể. Cụ thể như sau:
- Cá mòi hay cá tuyết: Chứa nhiều vitamin D và L-lysine giúp tăng cường sức đề kháng. Từ đó, nâng cao sức khỏe, giúp vượt qua bệnh cúm A một cách an toàn và hiệu quả.
- Bổ sung hoa quả có chứa nhiều vitamin C như cam, quýt, bưởi, ổi,... để nâng cao sức đề kháng.
Ngoài chế độ ăn uống, sinh hoạt, người bệnh nên bổ sung thêm các dưỡng chất, thảo dược có tác dụng tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Bạn có thể ưu tiên những sản phẩm có thành phần L-lysine, vitamin C, vitamin D. Hoặc các loại thảo dược thiên nhiên như cao lá xoài, cao lá neem, cao bạch chỉ,... Đặc biệt, từ những năm 70 của thế kỷ trước, các nhà y học phương Đông đã chứng minh hoạt chất mangiferin từ lá xoài có khả năng ức chế sự phát triển của virus, mang lại hiệu quả cao trong đẩy lùi và phòng ngừa cúm A.
Đây là những thành phần/thảo dược có công dụng tốt trong việc tăng cường sức đề kháng. Đặc biệt, chúng còn có tác dụng hỗ trợ làm giảm các nguy cơ bị mắc bệnh do virus.
Bổ sung thêm vitamin C, vitamin D, L-lysine giúp tăng cường đề kháng tốt hơn
Cách phòng chống bệnh cúm A
Để giảm thiểu nguy cơ bị cúm A, người bệnh cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa. Những biện pháp hiện đang được áp dụng là tiêm vacxin và phòng ngừa tại nhà.
Tiêm vacxin cúm hàng năm
CDC (Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh) khuyến nghị tiêm vacxin hàng năm là bước đầu tiên và quan trọng nhất để chống lại virus cúm. Vacxin cúm giúp giảm khả năng nhiễm bệnh và tiến triển thành các biến chứng nặng nề.
Bất kỳ ai từ 6 tháng tuổi trở lên đều có thể tiêm vacxin cúm. Đặc biệt là những đối tượng có nguy cơ gặp phải các biến chứng nghiêm trọng. Bộ Y tế khuyến khích các gia đình nên tiêm phòng vào cuối tháng 10. Mọi người chỉ nên tiêm chủng trước mùa cúm khoảng từ 2 tuần đến 1 tháng. Việc tiêm phòng quá sớm cũng có thể làm giảm khả năng bảo vệ và nhiễm virus cúm A của vacxin.
Tiêm vacxin phòng cúm A mỗi năm là ưu tiên hàng đầu
Phòng cúm A tại nhà
Bệnh cúm A tuy có thể lây nhiễm trong cộng đồng rất nhanh nhưng chúng ta vẫn có thể hạn chế bằng việc thực hiện hàng ngày những cách sau đây:
- Khi ho hay hắt hơi, dùng khăn giấy để che lại và vứt vào thùng rác ngay sau khi sử dụng,
- Cố gắng tránh tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bệnh.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc chất tẩy rửa chứa cồn.
- Không đưa tay lên mắt, mũi và miệng - con đường trực tiếp đưa virus vào người,
- Làm sạch và khử trùng các đồ dùng, vật dụng trong nhà.
- Sử dụng một số sản phẩm lành tính từ thiên nhiên mỗi ngày để nâng cao sức đề kháng giúp tăng hiệu quả phòng bệnh.
Cúm A lây lan nhanh gây bùng phát dịch bệnh trong cộng đồng, đặc biệt là thời điểm từ tháng 11 đến tháng 3. Bệnh có thể tự khỏi hoặc tiến triển thành những biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị.
Hy vọng qua bài viết này, bạn đã có thêm những thông tin quan trọng, đồng thời biết cách xử trí và phòng bệnh đúng cách. Nếu còn bất kỳ băn khoăn nào, hãy gọi tới số hotline 024. 38461530 - 028. 62647169 để được tư vấn và giải đáp.
Tài liệu tham khảo:
https://www.cdc.gov/flu/about/viruses/types.htm
https://www.cdc.gov/flu/about/viruses/index.htm
https://www.healthline.com/health/influenza-a-symptoms
https://www.healthline.com/health/influenza-a-symptoms
Bình luận