Theo PGS.TS Nguyễn Văn Quýnh - Bệnh viện TƯ Quân đội 108, khoảng 25% trường hợp mắc gút là do yếu tố di truyền.

Bệnh gút có hai dạng chính là gút nguyên phát và gút thứ phát. Trong đó, trường hợp mắc gút nguyên phát là chủ yếu, chiếm khoảng 95%. Đây là bệnh gắn liền với yếu tố di truyền và cơ địa do quá trình tổng hợp nội sinh tăng lên dẫn tới nồng độ axit uric trong máu tăng cao. Chính vì vậy, có 5 yếu tố thuận lợi gây bệnh gút thì di truyền được xem là một trong những yếu tố hàng đầu. Khoảng 25% bệnh nhân gút có người thân trong gia đình cũng mắc bệnh này. Nguyên nhân có thể là do cha mẹ truyền sang con hoặc liên quan tới rối loạn chuyển hóa các chất như đường, mỡ, cholesterol tăng, triglycerid tăng,... Theo PGS.TS Nguyễn Văn Quýnh, hiện nay, các nhà khoa học đang tìm hiểu xem di truyền ở gen nào để tác động, điều chỉnh nhằm hạn chế căn bệnh này.

Người bệnh cần nhận biết sớm các dấu hiệu của gút như: khớp ngón chân cái sưng, nóng đỏ, đau dữ dội và khởi phát đột ngột, sau đó lan ra một số khớp khác như mắt cá chân, đầu gối, bàn tay, khuỷu tay, cổ tay,... Nếu người bệnh không thực hiện chế độ dự phòng và điều trị đúng cách thì có thể phải đối mặt với những biến chứng nguy hiểm như: khớp bị tổn thương, gây biến dạng khớp, tổn thương thận (sỏi thận, suy thận,...). Để điều trị gút, bệnh nhân thường được dùng colchicin, thuốc giảm đau chống viêm không steroid, thuốc hạ axit uric,... nhưng có thể gây nhiều tác dụng phụ.


Lê Dũng

(Theo daidoanket.vn)


 

Bình luận