Viêm tuyến giáp: Bệnh nguy hiểm
So với bướu giáp đơn thuần và các bệnh tuyến giáp khác, viêm tuyến giáp ít được biết đến nên thường bị bỏ qua. Tuy nhiên, khi bệnh kéo dài mà không được điều trị, người bệnh có thể bị suy giáp không hồi phục, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống, đặc biệt là phụ nữ ở độ tuổi sinh sản.
Viêm tuyến giáp là bệnh tổn thương tuyến giáp do nhiễm vi khuẩn, virus, thuốc hoặc miễn dịch… Bệnh có thể gây ra tình trạng suy giáp, cường giáp (nhiễm độc giáp) hoặc cả hai trường hợp. Có nhiều loại viêm tuyến giáp, phổ biến là: viêm tuyến giáp mạn tính, cấp và bán cấp.
Viêm tuyến giáp mạn tính là trường hợp thường gặp nhất.
Viêm tuyến giáp mạn tính (hashimoto) là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng suy giáp, xảy ra do rối loạn hoạt động của hệ miễn dịch. Thông thường, hệ thống miễn dịch có chức năng bảo vệ cơ thể chống lại các vi khuẩn và virus, nhưng trong bệnh viêm tuyến giáp mạn tính, hệ miễn dịch lại sản sinh ra những kháng thể gây tổn thương và phá hủy nhu mô tuyến, dẫn đến ức chế hoạt động tổng hợp hormon tuyến giáp. Hậu quả là tuyến giáp không sản xuất đủ lượng nội tiết tố mà cơ thể cần, do đó, dẫn đến tình trạng suy giáp. Lúc này, người bệnh sẽ xuất hiện triệu chứng giảm nhịp tim, giảm cung lượng tim và tốc độ tuần hoàn, giảm độ co cơ, giảm nhu động ruột, giảm tạo máu và thân nhiệt giảm, mệt mỏi, tăng cân, da, tóc khô, khó tập trung,… Viêm tuyến giáp mạn tính thường gặp ở khoảng 5% người trưởng thành và có xu hướng tăng lên theo tuổi.
Viêm tuyến giáp bán cấp thường xuất hiện sau một đợt bị viêm hầu họng hoặc viêm đường hô hấp trên, có nhiều khả năng do virus gây ra. Thời gian đầu, tuyến giáp bị phá hủy đã giải phóng ra nhiều nội tiết tố dự trữ, gây cường giáp tạm thời. Sau 1-2 tháng, bệnh nhân lại rơi vào tình trạng suy giáp do tuyến giáp không còn khả năng sản xuất hormon, hơn nữa, lượng nội tiết tố dự trữ đã sử dụng hết. Nếu không được điều trị, bệnh nhân có thể sẽ bị suy giáp vĩnh viễn.
Viêm tuyến giáp cấp (hay còn được gọi là viêm tuyến giáp sinh mủ) thường do vi khuẩn gây ra. Bệnh nhân thường kèm theo mệt mỏi, sốt cao, vùng cổ sưng nóng và đau. Trong điều trị, phương pháp nội khoa bằng kháng sinh liều cao và chích tháo mủ được sử dụng rộng rãi.
Hầu hết, các triệu chứng của viêm tuyến giáp đều không điển hình, nhất là khi bệnh còn ở giai đoạn đầu nên việc chẩn đoán tương đối khó khăn. Do đó, đa số trường hợp được phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn muộn. Trong điều trị, các bác sĩ sẽ cân nhắc từng phương pháp theo thể bệnh, giai đoạn và mức độ phù hợp.
Quang Huy
Bình luận