Viêm thanh quản mạn tính có biểu hiện rõ rệt nhất là khản tiếng, mất tiếng. Bệnh xuất phát từ tình trạng viêm thanh quản cấp tính kéo dài, tái phát nhiều lần mà không được điều trị triệt để.


Do tính chất công việc, những người thường xuyên phải nói nhiều, nói lớn, nói liên tục (như giáo viên, ca sĩ, phát thanh viên...) khiến kích ứng dây thanh quá mức, dẫn đến tổn thương dây thanh. Bên cạnh đó, những người phải làm việc nhiều trong môi trường ô nhiễm, hóa chất độc hại hay viêm nhiễm đường hô hấp (viêm xoang, viêm họng, viêm amidan...) cũng khiến dây thanh bị ảnh hưởng. Yếu tố thuận lợi cho việc bộc phát các đợt viêm thanh quản cấp là khi nhiệt độ thay đổi từ nóng sang lạnh, thời tiết chuyển mùa.

 


Viêm thanh quản cấp bắt đầu bằng cảm giác khô họng, nuốt đau, tiếng nói khản kèm theo ho, khạc đờm, kèm theo sốt... Bệnh có thể tự khỏi trong vòng 1-2 tuần. Nhưng nếu không điều trị dứt điểm, để bệnh tái phát nhiều lần sẽ dẫn tới viêm thanh quản mạn tính với biểu hiện rõ rệt nhất là khản tiếng, mất tiếng. Tình trạng này thường kéo dài, lúc tăng, lúc giảm gây ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống của bệnh nhân. Viêm thanh quản mạn tính dễ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như: u nang dây thanh, polyp dây thanh, viêm dày dây thanh...


Các thuốc sử dụng để điều trị viêm thanh quản bao gồm kháng sinh, chống viêm, giảm phù nề kết hợp thuốc giảm ho, hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ... Bệnh nhân cần được nghỉ ngơi, uống nhiều nước trà ấm, hạn chế nói, không hút thuốc, kiêng rượu và gia vị kích thích. Trong đợt cấp có thể sử dụng các phương pháp điều trị tại chỗ như: chườm nóng cổ, xông tinh dầu thơm. Nếu khản tiếng nhiều, bác sĩ có thể yêu cầu làm khí dung với thuốc kháng viêm và thuốc chống phù nề... Tuy nhiên, các thuốc trên hầu hết chỉ điều trị triệu chứng mà không điều trị nguyên nhân nên viêm thanh quản dễ tái phát, ngoài ra, thuốc còn gây một số tác dụng phụ cho người bệnh.

 

Mai Phương

(Theo Sức khỏe và đời sống- Ngày 4/10/2011)

 

Bình luận