Viêm khớp dạng thấp phải điều trị kiên trì
VKDT thường gặp ở nữ giới, chiếm tỷ lệ khoảng 90%, thuộc độ tuổi từ 30 - 60. Các khớp thường bị viêm sớm và hay gặp là bàn tay, cổ tay, khớp bàn chân, khớp ngón chân..., sưng, đau kéo dài và đối xứng hai bên. VKDT có thể để lại di chứng như biến dạng khớp, co quắp các ngón tay, ngón chân, hạn chế chức năng vận động, teo cơ và có thể bị tàn phế (khoảng từ 10 - 15%).
Cũng cần chẩn đoán phân biệt với một số bệnh có triệu chứng hơi giống VKDT như: đau nhức xương, mỏi cơ hoặc mỏi khớp, viêm cột sống dính khớp,... Bên cạnh đó, còn một số bệnh có liên quan đến khớp nhưng không phải VKDT như: lupus ban đỏ hệ thống, thoái hóa khớp hoặc viêm khớp do liên cầu nhóm A gây thấp tim tiến triển...
Nhiều giả thuyết cho rằng, VKDT là bệnh tự miễn bởi có những bằng chứng cho thấy vai trò quan trọng trong đáp ứng miễn dịch của các cytokines, các lympho T, yếu tố cơ địa, di truyền... Do chưa tìm thấy nguyên nhân gây VKDT một cách chắc chắn, nên việc điều trị cũng gặp không ít khó khăn.
Khi đã bị VKDT, cần xác định là điều trị sớm, tích cực, liên tục và lâu dài. Châm cứu, xoa bóp bấm huyệt có tác dụng điều trị giảm đau, dãn cơ. Bên cạnh đó, phương pháp vận động khớp theo các tư thế cũng giúp tăng biên độ hoạt động cho khớp, tránh bị dính khớp. Một giải pháp khác hay được sử dụng đó là dùng các thuốc giảm đau chống viêm không steroid, thuốc corticoid... Bệnh nhân cũng có thể chống lại biến dạng khớp bằng nẹp chỉnh hình. Một số khớp sưng biến dạng quá mức có thể phải phẫu thuật cắt bao màng hoạt dịch hay thay khớp.
Quốc Tuấn
(Theo Tin tức - Ngày 22/6/2011)
Bình luận