Viêm khớp dạng thấp (VKDT) là bệnh viêm khớp mạn tính, xảy ra do cơ chế tự miễn. Bệnh mang tính chất hệ thống, do vậy không chỉ làm tổn thương khớp mà còn gây hậu quả nặng nề đến nhiều cơ quan khác.

Khi bệnh nhân tới khám, thầy thuốc thường căn cứ vào một số tiêu chuẩn để chẩn đoán xem bệnh nhân có mắc VKDT hay không: cứng khớp buổi sáng, viêm khớp, sưng phần mềm vùng khớp ở ít nhất ba trong số các khớp (khớp ngón gần bàn tay, bàn - ngón tay, cổ tay, khớp khuỷu, khớp gối, cổ chân, bàn - ngón chân); viêm đau khớp đối xứng; tăng nồng độ yếu tố dạng thấp RF trong huyết thanh; trên X-quang có hình ảnh biến đổi của xương (hẹp khe khớp, dính khớp, xói mòn hoặc khuyết xương ở bàn tay, bàn chân,...) và có nốt thấp xuất hiện dưới da.

Ngoài làm tổn thương khớp, VKDT còn ảnh hưởng tới nhiều cơ quan khác trong cơ thể như: tổn thương cơ tim, viêm màng ngoài tim, gây u và bệnh thiếu máu cục bộ ở tim; viêm màng phổi, xơ phổi; viêm ở tuyến lệ tại mắt và tuyến nước bọt, viêm giác mạc, viêm mống mắt thể mi; viêm ở các mạch máu hoặc tổn thương thần kinh gây ung nhọt trên da, các vùng đen trên móng tay. Vì vậy, việc điều trị VKDT sớm và đúng cách đóng vai trò quan trọng giúp ngăn ngừa những biến chứng nặng nề do bệnh gây ra.

Các thuốc điều trị VKDT thường dùng là thuốc giảm đau chống viêm không steroid, corticoid, thuốc chống sốt rét, thuốc chống ung thư,... Tuy nhiên, những loại thuốc này thường kèm theo nhiều tác dụng phụ khi dùng lâu dài như: tăng men gan, loét dạ dày tá tràng, giảm thị lực,... Bên cạnh đó, bác sĩ có thể áp dụng thêm một số biện pháp vật lý trị liệu, nẹp chỉnh hình, xoa bóp nhẹ nhàng,... Một số khớp bị biến dạng quá mức thì bệnh nhân có thể phải phẫu thuật cắt bao hoạt dịch hoặc thay khớp.


Nguyễn Hằng

Bình luận