Viêm khớp dạng thấp có biểu hiện đặc trưng là viêm, sưng đau ở các khớp nhỏ như: khớp bàn- ngón tay, bàn- ngón chân, cổ tay, cổ chân..., đối xứng hai bên và cứng khớp vào buổi sáng. Bệnh diễn biến kéo dài, tiến triển thành từng đợt và có xu hướng tăng dần, dẫn đến tổn thương sụn khớp, biến dạng khớp không hồi phục, dính khớp... Vì vậy, viêm khớp dạng thấp ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe và khả năng lao động của người bệnh.

 


Sự giảm sút khả năng lao động xuất hiện ngay khi bệnh nhân mắc viêm khớp dạng thấp. Sau 5 năm, chỉ 40% người bệnh còn giữ chức năng bình thường, 16% bị mất chức năng nghiêm trọng. Nếu mắc bệnh trên 10 năm thì 40-60% số bệnh nhân mất khả năng làm việc. Các nghiên cứu cũng cho thấy, cuộc sống của bệnh nhân viêm khớp dạng thấp nặng rút ngắn khoảng 7 năm với nam và 4 năm với nữ. Nguyên nhân tử vong thường liên quan đến một số bệnh mắc cùng như: xơ vữa động mạch, nhiễm khuẩn và các bệnh ác tính... Vì vậy, viêm khớp dạng thấp cần phát hiện sớm và điều trị tích cực để giảm triệu chứng, ngăn ngừa biến dạng, giữ gìn chức năng bình thường của khớp, cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.


Quá trình điều trị viêm khớp dạng thấp cần kiên trì, liên tục suốt cả cuộc đời người bệnh. Thuốc điều trị thường dùng là thuốc giảm đau chống viêm không steroid, corticoid đường uống hoặc tiêm trực tiếp vào ổ khớp, thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm... Tuy nhiên, những thuốc này có nhiều tác dụng phụ trên đường tiêu hóa, gan, thận, thị lực, cơ quan tạo máu...

 

Mai Phương

(Theo Sức khỏe và đời sống- Ngày 15/12/2012)

 

 

Bình luận