Người bị béo phì có nguy cơ mắc các bệnh xương khớp cao hơn so với người bình thường. Đặc biệt, tình trạng thoái hóa khớp (THK) háng ở đối tượng này diễn ra sớm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống nếu bệnh nhân không có biện pháp giảm cân tích cực cũng như điều trị bệnh kịp thời.


Khớp háng là một trong những khớp chịu lực, gánh trọng lượng cơ thể nhiều nhất. Vì vậy, ở người béo phì, với số cân lớn, sức nặng đè lên các khớp tăng, khiến khớp háng dễ bị tổn thương và lão hóa nhanh hơn. Mặt khác, theo nhiều nghiên cứu, mật độ xương ở những người béo phì cao hơn so với bình thường, nhưng họ lại ít phơi nắng, lười vận động. Tình trạng này kéo dài khiến chất lượng xương giảm nên họ dễ mắc các bệnh về xương khớp, trong đó có THK háng.

THK háng khiến bệnh nhân bị đau vùng bẹn, sau đó lan xuống đùi. Ở giai đoạn đầu, bệnh nhân thường khó thực hiện một số động tác như: ngồi xổm, lên xe đạp, ngồi kiểu cưỡi ngựa,... Sau đó, mức độ đau tăng dần khiến bệnh nhân đi lại khó khăn. Đến giai đoạn nặng, THK háng có thể gây teo cơ ở mông và đùi, hẹp khe khớp, mọc gai xương, biến dạng khớp,....

Tùy thuộc vào mức độ nặng của bệnh mà bác sĩ có hướng điều trị cụ thể. Ở giai đoạn đầu, người bệnh có thể áp dụng các biện pháp vật lý trị liệu như chườm nóng, chiếu đèn hồng ngoại, xung điện giảm đau, vận động liệu pháp,... Khi bị đau nhiều, bệnh nhân cần nghỉ ngơi, tránh cử động. Các thuốc điều trị THK háng hiện nay là thuốc giảm đau chống viêm không steroid, corticoid, thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm,... nhưng dễ gây một số tác dụng phụ như: loét dạ dày tá tràng, độc gan thận và cơ quan tạo máu,... Khi bệnh nhân bị mất khả năng vận động, bác sĩ có thể chỉ định thay khớp, tuy nhiên chi phí rất tốn kém.


Vân Hà

Bình luận