Hiện nay, có khoảng 1,5-2% dân số mắc vẩy nến. Bệnh thường khởi phát trong độ tuổi từ 20-30, khiến bệnh nhân tự ti, mặc cảm, xa lánh những người xung quanh.

Vẩy nến xảy ra do sự rối loạn hệ thống miễn dịch, tạo thành các mảng bám trên da có màu đỏ, kích thước khác nhau (từ vài cm đến vài chục cm), bên trên phủ lớp vẩy màu trắng xếp thành tầng, khi cạo vẩy bong ra như sáp nến. Bệnh thường xuất hiện ở các vùng tỳ đè như: đầu gối, khuỷu tay, da đầu, gan bàn tay, bàn chân và các ngón chân. Trường hợp nặng, bệnh lan rộng ra toàn thân.

Vẩy nến không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, thẩm mỹ của người bệnh mà còn khiến bệnh nhân bị ngứa ngáy, có tâm lý xấu hổ, ngượng ngùng, muốn xa lánh bạn bè, cách ly xã hội, ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống, học tập... Đặc biệt, bệnh có thể gây ra tổn thương ở các cơ quan khác như: móng, khớp...

Để điều trị vẩy nến, bệnh nhân có thể ngâm mình trong nước ấm, sau đó bôi thuốc kem, mỡ chứa acid salicylic, kẽm, vitamin B... Những thuốc ức chế miễn dịch được lựa chọn khi bệnh có xu hướng nặng như methotrexat, cyclosporine... Tuy nhiên, các thuốc này có thể gây nhiều tác dụng phụ.

Lê Dũng

(Theo Tin Tức, ngày 26/9/2011)

 

Bình luận